Không, cựu Tổng thống Trump không có ý định trở thành một nhà độc tài
Nhan đề trên tờ New York Times nghe có vẻ khá đáng sợ. “Ông Trump và các đồng minh trù tính gia tăng quyền lực của tổng thống vào năm 2025.” Bài báo giải thích rằng họ “đang dự định mở rộng quyền lực tổng thống đối với bộ máy chính phủ nếu các cử tri đưa ông trở lại Tòa Bạch Ốc vào năm 2025, định hình lại cấu trúc của nhánh hành pháp nhằm trực tiếp tập trung quyền lực lớn hơn nhiều vào tay ông.”
Điều đó nghe thật kinh khủng, điều mà bất kỳ người Mỹ mạnh mẽ nào, những người tin vào tự do cũng đều sẽ phản đối. Đừng hòng tước đoạt tự do của tôi!
Tuy nhiên trong những ngày gần đây, không có gì cho thấy điều đó dường như tồn tại. Cách đưa tin của Times rất khôn khéo nhưng hoàn toàn ngớ ngẩn. Kế hoạch này là loại bỏ quyền lực của các cơ quan hành pháp đối với người dân Mỹ và các quan chức được dân bầu sẽ được trao thêm quyền giám sát. Sự thay đổi này, thực sự sẽ rất lớn, tương đương với việc khôi phục cấu trúc Hiến Pháp ban đầu, vốn không có hơn 400 cơ quan hoạt động độc lập với tổng thống.
Hiện tại cấu trúc này là hoàn toàn phi lý. Những cơ quan này được gọi là cơ quan hành pháp nhưng tổng thống không thể tuyển dụng và sa thải (các nhân viên) từ trong hàng ngũ của họ. Ông ấy hầu như không kiểm soát hoạt động của họ. Điều đó hết sức vô lý. Dù hệ thống hiện tại này đã phát triển trong nhiều thập niên, thậm chí là 100 năm trước. [Nhưng] toàn bộ hệ thống đó vẫn là vi hiến.
Hãy hình dung quý vị được bầu làm tổng thống và dần phát hiện ra rằng hàng triệu nhân viên trong bộ phận của quý vị không phản hồi quý vị hay bất kỳ sự bổ nhiệm nào của quý vị. Đúng là quý vị có thể bổ nhiệm những người đứng đầu và nhân viên cho họ. Tuy nhiên, những người này đến làm việc mà không có kiến thức hoặc năng lực về thể chế trong công việc hàng ngày của bộ máy chính phủ và hầu hết là bị các nhân viên thường trực tại đó bắt nạt.
Hiện tại đó là cách chính phủ hoạt động. Chính phủ này chỉ giả vờ rằng họ là một phần của cấu trúc dân chủ. Tuy nhiên chính là Nhà nước Ngầm (Deep State) đang tự vận hành.
Không ai hiểu rõ vấn đề này hơn cựu Tổng thống Donald Trump. Ông ấy đã phải đối mặt với những cuộc tấn công không ngừng nghỉ từ các quan chức chính phủ kể từ ngày ông nhậm chức. Ông liên tục được thông báo rằng ông không thể sa thải hoặc thay thế họ do tiền lệ của tòa án và các quy tắc của nghiệp đoàn. Hẳn ông ấy đã tự hỏi mục đích của việc trở thành tổng thống là gì. Điều này giống như việc trở thành Tổng Giám đốc và phải chịu mọi trách nhiệm về bất kỳ sai sót nào trong một công ty mà [quý vị] không thể kiểm soát 99% hoạt động của công ty đó.
Tôi vẫn khẳng định rằng kế hoạch của ông Trump là nhằm phá vỡ Nhà nước Ngầm từ bên trong, vốn đã thực sự hình thành theo thời gian và đặc biệt là trong năm 2020, là lý do thực sự khiến ông bị giới truyền thông và toàn bộ các cơ quan hành chính ghét bỏ và sợ hãi. Giới truyền thông và các quan chức chuyên nghiệp, cùng với các lợi ích công nghiệp, đã thành lập một cộng đồng độc quyền từ nhiều thập niên trước. Tổ chức này hoạt động vì lợi ích của họ chứ không phải vì lợi ích của người dân Mỹ.
Kế hoạch của ông Trump thực sự là chiến lược khả thi nhất từng có để chính phủ không kiểm soát người dân nữa. Thật vậy, kế hoạch này trước nay chưa bao giờ được thử áp dụng, kể cả cố Tổng thống Ronald Reagan. Mỗi khi một thành viên tử tế của Đảng Cộng Hòa đắc cử, hay một thành viên Đảng Dân Chủ tình cờ nảy ra một ý tưởng tốt đẹp, họ đều bị bộ máy chính phủ đánh bại. Việc này đã diễn ra trong khoảng 100 năm. Đó là bởi vì thực tế là nhánh chính phủ thứ tư này đã phát triển và lớn mạnh đến mức hoàn toàn mất kiểm soát. Kế hoạch của ông Trump đề nghị thay đổi thực trạng này.
Công việc số một của tổng thống Hoa Kỳ là trở thành người điều hành của chính phủ liên bang. Theo hệ thống hiện tại, đơn giản là tổng thống không thể làm công việc của mình. Hàng triệu “công chức” ở đó để chờ đợi, phản đối, phớt lờ, và nếu không thì lật đổ mọi chính phủ bất kể tầm nhìn chính trị là gì. Mọi người đều biết điều này đang diễn ra. Tất cả những người trong nội bộ đều biết rằng các cuộc bầu cử chỉ là để giải trí cho công chúng trong khi công việc thực sự của chính phủ và các lợi ích công nghiệp của chính phủ làm là cai trị người dân.
Điều đáng chú ý là có rất ít cuộc thảo luận công khai về chủ đề này. Các đại diện được bầu không muốn nói với cử tri rằng họ không thực sự chịu trách nhiệm. Điều đó khá nhục nhã. Trong khi đó, các quan chức của Nhà nước Ngầm hoàn toàn không trò chuyện với công chúng vì họ thù ghét người dân và Hiến Pháp. Họ đã phớt lờ điều đó trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Các nhà bình luận ở bên ngoài nhìn chung đã nhận thức được vấn đề này.
Cho đến khi ông Trump bắt đầu nói về việc tát cạn đầm lầy, thì bất kỳ điều gì trong việc này đều trở thành một vấn đề chính trị. Đột nhiên tất cả chúng ta có một trực giác rằng ông ấy biết điều gì đó. Vấn đề là ông Trump đã hoàn toàn đánh giá thấp phạm vi của vấn đề này và không thực sự có kế hoạch ứng phó với nó. Điều đó đã khiến ông mất nhiều năm tại vị của mình để hiểu ra.
Ở mức độ nào đó thì ông Trump đã thừa nhận điều này. Ông nói rằng ông không biết gì về cách thức hoạt động của Hoa Thịnh Đốn. “Tôi chưa từng nghỉ qua đêm ở đó. Chưa từng. Và rồi đột nhiên, tôi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ và đó giống như một xã hội khác vậy. Tôi là người New York và quý vị biết đấy, đó là một chuyện khác. Vấn đề là tôi không biết ai cả, tôi đã trở thành Tổng thống.”
Thật vậy. Và đó chính xác là cách thức hoạt động của chính phủ này.
Vào thời điểm ông có một kế hoạch hoàn thiện, thì đã thực sự quá muộn màng. Kỷ nguyên COVID thực sự không gì khác hơn là sự trả thù của Nhà nước Ngầm. Sau khi ông Trump đồng ý với các cố vấn của mình — ông Anthony Fauci và bà Deborah Birx — cũng như việc cho phép phong tỏa, các cơ quan chính phủ gần như đặt quốc gia trong tình trạng thiết quân luật và đưa đến cho công chúng một chế độ chuyên chế gây choáng váng kiểu cũ, chỉ để cho thấy ai mới là ông chủ thật sự. Ông Trump không bao giờ có thể lấy lại vị thế của mình sau sự việc đó.
Ông đã cân nhắc việc sa thải ông Fauci và bà Birx nhưng nhiều lần được thông báo rằng ông không thể làm vậy. Điều đó chắc chắn khiến ông bối rối và sau đó là tức giận. Việc trở thành tổng thống có nghĩa lý gì nếu quý vị không thực sự phụ trách nhánh chính phủ mà quý vị đứng đầu?
Khi gần kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, ông bắt đầu ban hành các sắc lệnh để đưa Nhà nước Ngầm vào tầm kiểm soát. Ý tưởng của ông là tái phân loại một lượng lớn nhân viên liên bang thành Danh mục F, điều này sẽ cho phép tổng thống tuyển dụng và sa thải họ. Sắc lệnh đó đã gây ra một sự hoang mang ở Hoa Thịnh Đốn và giới truyền thông nói chung. Hành động đầu tiên của Tổng thống Biden là bãi bỏ lệnh này sau khi nắm quyền. Tại sao ư? Bởi vì cuối cùng một vị tổng thống đã phát hiện ra thủ đoạn [của Nhà nước Ngầm].
Chắc chắn rằng những cải cách ở đây của ông Trump sẽ trao nhiều quyền lực hơn cho tổng thống nhưng là quyền lực đối với ai? Không phải đối với người dân Mỹ quốc. Cải cách đó sẽ trao cho ông ấy nhiều quyền lực hơn đối với các cơ quan hiện đang tham gia vào việc áp bức các quyền tự do của người dân.
Những người chỉ trích nói rằng điều này sẽ biến ông trở thành một nhà độc tài, nhưng còn chế độ độc tài của chính phủ hiện tại thì sao? Chắc chắn chúng ta phải đối phó với điều này. Giờ đây, ông Trump cuối cùng đã tìm ra một kế hoạch khả thi, thì họ đang gọi ông ấy là một nhà độc tài tương lai? Đúng là có nguy cơ rằng vị tổng thống này sẽ sử dụng các cơ quan chính phủ vì lý do chính trị thay vì thực hiện những điều ông ấy nên làm, đó là tước bỏ tất cả quyền lực của họ. Nhưng trong mọi trường hợp, kế hoạch đó là một khởi đầu tốt đẹp và cần thiết.
Hãy cẩn thận với những gì quý vị tin tưởng trong kỳ bầu cử này. Có rất nhiều sự dối trá ngoài kia.
Chắc chắn rằng kế hoạch này không phải là không có nguy hiểm. Mọi quyền lực đều có thể bị lạm dụng. Nếu tôi có thể lựa chọn, thì tổng thống sẽ chỉ chịu trách nhiệm cho một chính phủ không làm gì cả vốn tuân theo giới hạn Hiến Pháp của mình. Đó sẽ là việc bãi bỏ hàng trăm cơ quan. Nhưng đó không phải là thế giới mà chúng ta đang sống.
Cách thức duy nhất mà tôi biết để loại bỏ chính phủ độc tài là chính phủ được bầu giành quyền kiểm soát. Quý vị có cao kiến nào khác không?
Và nhân tiện, không chỉ ông Trump mới đề cập đến chủ đề này. Ông Ron DeSantis cũng tham gia 100% vào kế hoạch này và đã đưa ra một đề nghị chi tiết để kiểm soát chính phủ tiểu bang. Điều này cũng đúng với ông Robert F. Kennedy, người nói thêm rằng ông đã dành cả đời mình để chiến đấu với hệ thống chính phủ này. Tối cao Pháp viện cũng vậy, dường như đã sẵn sàng hạn chế quyền lực của các cơ quan hành pháp.
Với tất cả những cuộc hội đàm và kế hoạch mới này, đây thực sự có thể là một bước ngoặt trong lịch sử Hoa Kỳ. Chúng ta đã sống dưới một hệ thống áp bức trong nhiều thập niên và cuối cùng một số người cũng đã nhận thức được vấn đề. Đến cuối cùng, chúng ta có thể chứng kiến sự đảo ngược của chế độ độc tài hiện tại với bộ máy quan liêu và khôi phục Hiến Pháp, tối thiểu là những bước khởi đầu của công việc đó. Cuối cùng, Đảng Cộng Hòa cũng hiểu được trò chơi này. Đó là nguyên do vì sao giới quyền lực đang lo lắng.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times