Sự suy tàn của quyền lực mềm Mỹ quốc
Trong ba thập niên, các nhà ngoại giao và chuyên gia chính sách đối ngoại đã sử dụng thuật ngữ “quyền lực mềm” để mô tả việc sử dụng các hoạt động đầy thuyết phục mang tính phi quân sự để đạt được các mục tiêu ngoại giao của Hoa Kỳ.
Những người ủng hộ quyền lực mềm trong giới học thuật và truyền thông thiên tả thường sẽ so sánh một cách mỉa mai giữa điều mà họ xem là sự thuyết phục của quyền lực mềm tinh vi và khéo léo của các chính phủ Đảng Dân Chủ với một sự cưỡng bách bằng “quyền lực cứng” được cho là sở thích của Đảng Cộng Hòa — bao gồm sự đe dọa bằng sức mạnh quân sự binh đao, các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt và, trời ơi, kể cả ngôn ngữ bắt nạt.
Đầu năm 2021, The Washington Post đã lưu ý rằng bà Samantha Power, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc (hiện đang điều hành Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, USAID), lập luận rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden sắp tới “có thể đánh bại Trung Quốc trong cuộc thi thố quyền lực mềm lớn nhất mọi thế hệ” nếu Hoa Kỳ phân phối vaccine COVID-19 trên toàn cầu. Mỹ quốc đã trở lại!
Độc giả liền suy ra một hàm ý rằng, chính phủ TT Trump đã không sử dụng quyền lực mềm.
Giáo sư Joseph Nye của Harvard được ghi nhận là người đã đặt ra thuật ngữ này vào đầu những năm 1990, nhưng quyền lực mềm (có hoặc không có dấu gạch ngang) không phải là một khái niệm mới. Vào 6,000 năm trước, việc gửi hai con cừu đến bộ lạc láng giềng để chúc mừng ngày lễ của họ là một cử chỉ ngoại giao của quyền lực mềm. Ở mức độ cá nhân, việc tặng quà mà không mong ‘bánh ít trao đi, bánh quy trao lại’ là một sự thực hành về quyền lực mềm.
Ông Nye và những người khác lập luận rằng việc theo đuổi “lợi ích dựa trên đạo đức,” chẳng hạn như bảo vệ nhân quyền, mang lại lợi ích cho toàn bộ hệ thống quốc tế, mà cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia nào sử dụng biện pháp này. Đó là một lập luận khá hay.
Sự khích lệ thầm lặng, sự thể hiện hành vi có trách nhiệm (thực hiện một điều gì đó để làm gương mẫu), sức hấp dẫn về văn hóa và sự hào phóng luôn là công cụ ngoại giao của Hoa Kỳ. Chính phủ cựu TT Eisenhower, vốn theo đuổi một chính sách “tiếp xúc với các dân tộc bị giam cầm,” đã gửi các vận động viên và nhạc sĩ nhạc jazz người Mỹ đến Đông Âu đang bị Liên Xô thống trị. Hai nhạc sĩ Dizzy Gillespie và Dave Brubeck đều là “những đại sứ nhạc jazz.” Bản thân ông Ike hiểu được sức hấp dẫn về văn hóa của Mỹ quốc và Tây phương là một công cụ của quyền lực trong một cuộc tranh đấu với chế độ cộng sản chuyên chế. Không cần phải thi thố. Nhạc Rock ‘n’ roll đã đánh bại nghệ thuật hiện thực vô hồn của xã hội chủ nghĩa.
Chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức tư nhân của Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc cung cấp thực phẩm, y tế, cứu trợ khẩn cấp và viện trợ kinh tế một cách hào phóng. Tôi nghĩ các nhà sử học trung thực trong 20 năm nữa sẽ xem sáng kiến về Bắc Hàn của cựu Tổng thống Donald Trump và Hiệp định Abraham là những hành động vô cùng có trách nhiệm — và rằng chính phủ của ông đã sử dụng cả quyền lực cứng và quyền lực mềm.
Trong ít nhất hai thế kỷ, các nhà ngoại giao Mỹ đã mô tả Mỹ quốc như là một “ngọn hải đăng hy vọng” cho toàn cầu. Các cuộc bầu cử tự do và pháp quyền của Mỹ quốc mang lại công lý và sự ổn định. Việc cai trị theo sự tùy hứng của một chính phủ quân quản hoặc một kẻ độc tài sẽ không mang lại cả hai điều này.
Tôi biết chắc chắn là các nhà ngoại giao Hoa Kỳ lập luận rằng pháp quyền thúc đẩy sự ổn định nội bộ thực sự. Các quốc gia đang phát triển mong manh nào đang tìm kiếm sự ổn định nội bộ thì nên học hỏi theo hệ thống tư pháp gồm các tòa án và lực lượng cảnh sát trung thực của Mỹ quốc. Việc trừ bỏ tham nhũng sẽ củng cố tất cả các thể chế trong nước. Hoa Kỳ và các quốc gia với vai trò nhà tài trợ khác thường yêu cầu các quốc gia nhận viện trợ kinh tế phải đối diện và giảm thiểu tham nhũng trong nước. Ukraine là ví dụ đáng chú ý nhất, trong khi Congo cũng là một ví dụ khác.
Ukraine. Vấn đề của đất nước này đã dẫn đến một câu hỏi quan trọng, vốn đã được làm rõ qua vụ việc máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden và lời khai gần đây của ông Devon Archer trước Quốc hội. Ông Archer xác nhận rằng, vào năm 2015, công ty năng lượng tham nhũng của Ukraine – công ty Burisma – đã trả tiền cho gia đình tội phạm nhà Biden để họ giúp sa thải một công tố viên chống tham nhũng đang gây rắc rối [cho công ty này].
Có đoạn video cho thấy ông Joe Biden khoe khoang về việc sa thải công tố viên này. Với tư cách là phó tổng thống trong chính phủ ông Obama, đương kim tổng thống Hoa Kỳ đã đe dọa không cấp 1 tỷ USD tiền viện trợ.
Trang Blog ManhattanContrarian.com tóm lược vụ việc này một cách súc tích: “… hiện đã có bằng chứng xác thực về tất cả các yếu tố của một âm mưu hối lộ hàng triệu dollar mà đương kim Tổng thống của chúng ta đã tham gia trực tiếp, và trong đó, một tỷ USD viện trợ của người đóng thuế Hoa Kỳ đã được tận dụng cho mục đích bảo đảm lợi ích trực tiếp cho một ông trùm người Ukraine và một khoản tiền bỏ túi hậu hĩnh cho Tổng thống và con trai của ông ấy.”
Ông Joe Biden đã làm suy yếu hoạt động ngoại giao bằng quyền lực mềm của Hoa Kỳ. Nếu đó không phải là phản quốc, thì cũng gần như phản quốc.
Hãy chú ý, những người ủng hộ quyền lực mềm thuộc mọi quan điểm chính trị: ông Joe Biden vô cùng lươn lẹo. Những khoản tiền công nhờ tham nhũng của ông ta có góp phần bởi sự yếu đuối của quốc tế trong “cuộc thi thố quyền lực mềm” mà The Washington Post từng tung hô vào hơn hai năm trước.
Để cứu vãn quyền lực mềm cũng như nền pháp quyền của Hoa Kỳ, cả ông Joe và ông Hunter Biden cần phải vào tù.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times