Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật quốc phòng, mâu thuẫn với phiên bản của Hạ viện về các điều khoản cho ‘cuộc chiến văn hóa’
Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua ngân sách quốc phòng được đề nghị cho năm tài khóa 2024 trị giá 866.3 tỷ USD, nhưng trong đó không bao gồm các sửa đổi về “cuộc chiến văn hóa” mà Hạ viện đã đưa vào gói phân bổ ngân sách đồ sộ của mình. Điều này sẽ dẫn đến hai viện bất đồng với nhau trong những tuần tới, có thể khiến dự luật “phải thông qua” này gặp nguy cơ không được thông qua trước khi năm tài khóa mới bắt đầu vào ngày 01/10.
Sau các cuộc thảo luận kéo dài suốt cả tuần và kết thúc tại phiên họp kéo dài chín giờ tại phòng họp hôm 27/07, Thượng viện do Đảng Dân Chủ chiếm đa số đã thông qua ngân sách quốc phòng thường niên, được gọi là Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA). Số phiếu bầu là 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống ở cả hai đảng.
Sau cuộc bỏ phiếu, thành viên cao cấp của Ủy ban Lực lượng Vũ trang Thượng viện Thượng nghị sĩ Roger Wicker (Cộng Hòa) cho biết, “Chúng ta đưa ra ngân sách quốc phòng vào lúc chúng ta phải đương đầu trong một thế giới ngày càng nguy hiểm.”
Các cuộc thảo luận về NDAA kéo dài suốt một tuần của Thượng viện đã là tương đối nhẹ nhàng nếu so sánh với việc thảo luận ngân sách quốc phòng tại Hạ viện.
Mặc dù NDAA thường được cả hai viện thông qua trong một cuộc biểu quyết lưỡng đảng, nhưng hôm 14/07, phiên bản NDAA của Hạ viện do GOP lãnh đạo đã được thông qua trong một cuộc biểu quyết theo đảng phái với 219 phiếu thuận và 210 phiếu chống. Dự luật Hạ viện này có một loạt các sửa đổi về “cuộc chiến văn hóa” mà sẽ trở thành những vấn đề cần tranh luận khi hai phiên bản được dung hòa.
Những điều khoản đó gồm có: Hủy bỏ chính sách du lịch phá thai của Bộ Quốc phòng (DoD), cấm các chương trình chăm sóc sức khỏe của DoD cung cấp các cuộc phẫu thuật chuyển giới, một ‘Dự luật về Quyền của Cha mẹ’ của DoD, và một loạt các phần bổ sung được đề nghị khác nhằm loại bỏ các chương trình đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI).
Những điều khoản bổ sung đó, vốn được những dân biểu theo phái bảo tồn truyền thống trong Nhóm họp kín Tự do tại Hạ viện bảo trợ, đều không được thêm vào phiên bản của Thượng viện. Khi đưa ra nhận định tại phòng họp, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã chế giễu những điều khoản đó là truyền tư tưởng “cạnh tranh đến cùng” vào ngân sách quốc phòng của quốc gia, đồng thời tuyên bố rằng Đảng Dân Chủ bảo đảm sẽ không thêm chúng vào dự luật cuối cùng.
Điều diễn ra tiếp theo: Thảo luận
Mặc dù hai phiên bản ngân sách được đề nghị dường như khác biệt quá lớn, nhưng không có gì lạ khi Thượng viện và Hạ viện đưa ra các phiên bản khác nhau gồm 12 dự luật phân bổ ngân sách hàng năm của chính phủ liên bang, trong đó có rất nhiều kinh phí dành cho quốc phòng
Những bất đồng giữa những mục phân bổ ngân sách và phiên bản mà Thượng viện thông qua sẽ được giải quyết trong cuộc thảo luận giữa hai viện, một kiểu thương lượng không chính thức mà tại đó mỗi viện do một ủy ban đặc biệt lâm thời đại diện. Trong các cuộc đàm phán về NDAA, các thành viên của ủy ban quân vụ thường được chỉ định vào các ủy ban thảo luận.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Thượng nghị sĩ Jack Reed (Dân Chủ-Rhode Island) nói: “Tôi muốn được tham gia thảo luận về một dự luật trên cơ sở lưỡng đảng một cách mạnh mẽ như chúng tôi đã làm khi thông qua dự luật này.”
Mặc dù cả hai phiên bản NDAA được đề nghị đều nêu lên tổng số 886.3 tỷ USD do chính phủ TT Biden đệ trình hồi tháng Ba, nhưng lại thay đổi các khoản kinh phí. Về chi tiêu quốc phòng, Thượng viện dành ra 876.8 tỷ USD trong khi phiên bản của Hạ viện đưa ra con số 874.2 tỷ USD. Mỗi viện ước tính các khoản phân bổ ngân sách phi quốc phòng khác nhau để đạt được một tổng số giống nhau là 886.3 tỷ USD. Nhìn chung, con số này cao hơn 28 tỷ USD so với dự luật quốc phòng năm ngoái.
Ông Wicker cho biết: “Chúng ta gặp các mối đe dọa hiện nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 1961 khi NDAA được thông qua lần đầu.”
Ngân sách này bao gồm khoản tăng lương 5.2% cho binh sĩ, kinh phí để tăng tốc chế tạo tàu ngầm, một tàu tấn công đổ bộ mà Thủy quân lục chiến yêu cầu, đồng thời tập trung mạnh mẽ để đương đầu Trung Quốc ở Thái Bình Dương và Nga ở châu Âu.
Các phiên bản NDAA của cả hai viện đều chuyển tài trợ và các nguồn lực cho Đài Loan trong bối cảnh nước này chuẩn bị “phòng thủ kiểu con nhím” (porcupine defense) trước nguy cơ chính quyền Trung Quốc xâm lược.
Ông Wicker cho biết, phiên bản NDAA của Thượng viện bao gồm “các điều khoản để giải quyết cuộc khủng hoảng tuyển dụng (như mở rộng chương trình ROTC trên quy mô lớn), củng cố quyền công dân, trợ giúp các chương trình tàu ngầm, phát triển một hỏa tiễn hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ biển” và các khoản phân bổ ngân sách kéo dài nhiều năm để gửi “một tín hiệu rõ ràng cho cơ sở công nghiệp của chúng ta và chúng ta sẽ chế tạo những vũ khí này tại Hoa Kỳ.”
Dự luật này đáng chú ý vì “sẵn sàng khai thác các công nghệ mới nổi, bao gồm AI [Trí tuệ Nhân tạo], tấn công mạng, công nghệ siêu thanh, và các phương tiện di chuyển không người lái,” ông nói. “Chúng ta dự định sẽ vượt qua Bắc Kinh trong cuộc chạy đua đường dài 100 năm đổi mới.”
Giới hạn chi tiêu cũng là một trở ngại
Có 1,217 điều khoản trong phiên bản NDAA của Thượng viện. Trong đó, 504 điều khoản do các thượng nghị sĩ đưa ra đã được chấp nhận. Hơn 930 điều khoản sửa đổi đã được đệ trình; trong số đó, vài chục điều khoản sửa đổi được tranh luận từ ngày 18/07 đến ngày 27/07.
Dự luật này “đương đầu với những thách thức mà chúng ta hiện phải đối mặt trong một thế giới hết sức khó khăn,” ông Reed nói, đồng thời lưu ý rằng dự luật kêu gọi “thúc đẩy lại bộ ba [vũ khí hạt nhân] của chúng ta và [xem xét] kỹ lưỡng không gian để ngăn [các lực lượng] không gian phá hoại an ninh quốc gia của chúng ta. Tôi tin tưởng rằng những gì chúng ta đã làm sẽ cung cấp các nguồn lực [quân đội] cần thiết nhằm đương đầu với những thách thức trong một thế giới đầy nguy hiểm.”
Ngoài việc giải quyết những khác biệt giữa bản ngân sách quốc phòng được sửa đổi bổ sung của Hạ viện với phiên bản Thượng viện, NDAA còn gặp một trở ngại khác để được thông qua trước khi năm tài khóa bắt đầu vào ngày 01/10 tới.
Theo các điều khoản của luật mức trần nợ mới đã được các nhà lãnh đạo Hạ viện thuộc GOP và chính phủ TT Biden đàm phán, nếu NDAA hoặc các dự luật chi tiêu thường niên khác không được thông qua trước ngày 01/10 thì chi tiêu chung sẽ bị tự động cắt giảm 1%.
Thỏa thuận mức trần nợ này đã được Hạ viện thông qua hôm 31/05 và Thượng viện thông qua hôm 01/06. Thỏa thuận này tạm dừng giới hạn vay của quốc gia ở mức 31.4 ngàn tỷ USD cho đến tháng 01/2025, nhưng thay vào đó, các giới hạn chi tiêu tùy ý của liên bang trong hai năm tới phải bị giới hạn.
Theo thỏa thuận này, chi tiêu quốc phòng tăng 3.3%, trong khi đó chi tiêu phi quốc phòng tùy ý trong ngân sách liên bang năm tài khóa 2024 bị giới hạn ở mức 703.7 tỷ USD và sau đó bị giới hạn tăng không quá 1% trong năm tài khóa 2025.
Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã đề nghị cắt giảm chi tiêu phi quốc phòng tùy ý của liên bang thêm 120 tỷ USD, trong đó chi tiêu cho các bộ Nông nghiệp, Thương mại, Tư pháp, Nội vụ, Lao động, Giáo dục, và Y tế–Dịch vụ Nhân sinh được đề nghị giảm từ 15 đến 30%.
Các thượng nghị sĩ chủ chốt của Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện, bao gồm Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), Thượng nghị sĩ Susan Collins (Cộng Hòa-Maine), Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-Florida), và ông Wicker không hài lòng với mức giới hạn chi tiêu này và muốn dành nhiều tiền hơn cho Ngũ Giác Đài, có lẽ trong một gói phân bổ ngân sách khác vào mùa thu này.
Theo ông Wicker, theo cách lý tưởng thì ông muốn tăng giới hạn chi tiêu quốc phòng từ 3.3% lên 5%.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times