Khóa học dành cho cha mẹ (P.40): ‘Giáo dục tính tự giác’ để trẻ hiểu rằng mình đang tồn tại
Nếu con cái của chúng ta có thể tự học, có thể chủ động quản lý cảm xúc và hoàn cảnh môi trường sống của mình, thì đây hẳn là niềm mơ ước của nhiều bậc phụ huynh. Và ước mơ này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực!
Một trong những phương pháp giáo dục chất lượng cao mà tôi tham gia có tên là “giáo dục tính tự giác”. Nó không chỉ khác về hình thức so với “giáo dục vật chất” phổ biến trong xã hội ngày nay, mà cảm nhận về tâm lý và tình cảm mang lại cho các em học sinh cũng rất khác nhau.
Con bạn có thừa nhận “sự tồn tại” của bản thân mình không?
Khi trẻ em được 7 hoặc 8 tháng tuổi thì trẻ đã có nhận thức về “sự tồn tại” của mình. Trẻ sẽ nghĩ, “những gì trước mắt mình là tồn tại, và nếu mình không thể nhìn thấy nó thì nó sẽ không bao giờ trở lại nữa.” Do đó khi mẹ đi làm, đứa trẻ sẽ ngay lập tức bật khóc, và sau khi bật đoạn ghi âm câu chuyện mà mẹ đọc cho trẻ nghe thì cháu sẽ yên tĩnh hơn rất nhiều.
Khi trẻ chia sẻ đồ chơi cho cha mẹ, nhưng cha mẹ lại giấu đồ chơi đi để trêu chọc trẻ, và trẻ sẽ khóc vì nghĩ rằng món đồ chơi đã biến mất rồi, mãi mãi không còn thấy nữa. Bạn có thể nghĩ rằng để con trẻ tìm đồ thì sẽ giúp con phát triển trí lực, nhưng thực ra đây là một nhận thức hết sức sai lầm, bởi bạn đã vô tình cho trẻ một đòn mạnh về mặt tinh thần.
Bước đầu tiên trong “giáo dục tính tự giác” là giúp trẻ sẵn sàng thừa nhận sự tồn tại của bản thân mình. Nhiều trẻ lựa chọn cách “không tồn tại” ở rất nhiều thời điểm. Khi bạn đưa con đến nhà người khác, và khi ai đó hỏi con bạn muốn ăn gì và chơi gì, cháu sẽ nói “sao cũng được”. Điều đó có thực sự bình thường không? Lúc này cháu bé đang “ẩn mình”, không dám nói ra suy nghĩ thật của mình, có thể cháu đã quá thất vọng và không còn hy vọng gì với tương lai.
Khi chúng tôi chẩn đoán tâm lý cho một cháu bé, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để quay lại và tìm kiếm các chỉ số xấu khác nhau trong các giai đoạn phát triển của trẻ, như vậy mới có thể tránh được việc đánh giá sai.
Một cô bé chỉ muốn “nhãn dán”
Bước thứ hai của “giáo dục tính tự giác” là để trẻ hiểu được giá trị của sự tồn tại. Trong quá trình rèn luyện ý thức của trẻ, sẽ có nhiều việc khác nhau (như khi giúp đỡ người khác, khi phục vụ người khác) khiến các cháu cảm nhận được những thay đổi trên cơ thể mình. Tuyệt đối không phải là khi bạn giúp đỡ người khác hoặc đạt đến một tiêu chuẩn nào đó, giáo viên sẽ cho bạn một “nhãn dán” (sticker), và sau khi tích lũy được 5 hoặc 10 “nhãn dán”, giáo viên sẽ thưởng cho bạn phần thưởng lớn hơn. Đây chính là một kiểu “giáo dục vật chất”.
Khi tôi học ở Hoa Kỳ, tất cả học sinh phải vượt qua một bài kiểm tra viết bài bằng tiếng Anh để tốt nghiệp. Đề tài năm đó tôi gặp là viết một bài luận chuyên sâu dựa trên lời phàn nàn của một người mẹ trên một tạp chí nổi tiếng. Người mẹ than phiền như thế này: “Con gái 4 tuổi của tôi trước đây từng là một cháu bé hiếu kỳ, điều gì cũng hỏi, điều gì cũng có thể khiến cháu vui vẻ và hăng say học tập. Tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền để chọn một trường mẫu giáo quý tộc cho cháu. Sau khi đi học, tôi thấy cô bé dần trở nên không vui vẻ, thậm chí trốn tránh việc học, và ngày càng thụt lùi. Chỉ có một thứ duy nhất trong thế giới của cô bé, đó chính là ‘nhãn dán’. Chúng tôi đã từng rất vui vẻ vào thứ Bảy, Chủ nhật, nhưng giờ tôi chỉ còn một việc chính, đó là đưa con đi mua nhãn dán. Tôi thực sự không biết con mình bị sao nữa…”
Và tôi đã tìm hiểu được phương pháp giáo dục ở trường mầm non, đó là: “Con làm được điều này thì cô cho con nhãn dán”. Cháu bé này chưa bao giờ có được nhãn dán, và các bạn cùng lớp xung quanh cô bé luôn có nhãn dán. Mỗi tuần, trường mẫu giáo tổng kết xem ai có nhiều nhãn dán và ai có ít nhãn dán hơn. Cuối cùng, cô bé bị giáo viên giữ lại và cảnh cáo vì không có biểu hiện tốt. Cháu bé này không biết thế nào là biểu hiện tích cực, cháu chỉ biết rằng mình cần có nhãn dán để có bạn, nếu không có nhãn dán thì các bạn trong lớp sẽ không chơi với mình.
Chúng tôi không khuyến khích “nhãn dán”, chúng tôi ủng hộ sự phát triển theo tính tự giác. Chúng tôi đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng: Có những thứ con người luôn mang theo bên mình – Đó chính là cảm giác của cơ thể. Khi con người sống, họ có cảm xúc và hy vọng. Chúng tôi sử dụng các nguyên tắc của sinh lý học để dạy học sinh thể nghiệm được rằng: Khi bạn giúp đỡ mẹ, giúp đỡ các bạn cùng lớp, khi ai đó ngã và bạn đỡ người đó đứng lên, bạn đã cẩn thận quan sát những thay đổi trên cơ thể của mình chưa?
Cảm giác bị bạn cùng lớp “cô lập”
Có một lần, học sinh của các lớp trong trường chúng tôi có xung đột, và giáo viên đã đến gặp tôi nhờ tôi giúp giải quyết vấn đề này. Cậu học sinh gây rối đã nhiều lần dùng thủ đoạn, tạo nhóm nhỏ để bỏ rơi một bạn học sinh lớp bên cạnh, không cho bạn ấy tham gia các hoạt động của nhóm mình. Điều này khiến em học sinh bị bỏ rơi kia “cảm thấy cô độc”. Lần này, cậu ấy còn đánh em học sinh này. Nhìn chung, cách xử trí của giáo viên là trừ điểm những học sinh gây rối.
Tôi nói với em học sinh gây rối rằng: “Em phạm lỗi này là do không hiểu được cảm giác của người khác. Bây giờ em có hai lựa chọn, một là xin lỗi; hai là giáo viên có thể cho em trải nghiệm cảm giác mà em đã mang lại cho người khác”. Và cậu ấy đã chọn phương án thứ hai.
Vì vậy, tôi yêu cầu các học sinh trong lớp của mình ngồi thành một vòng tròn, còn em học sinh này ở giữa vòng tròn. Tôi bảo tất cả học sinh mỉm cười và vỗ tay với cậu ấy. Tôi hỏi cậu bé cảm giác cơ thể của mình như thế nào, cậu ấy nói, “Em cảm thấy như mình được nâng cao, rất thoải mái và tuyệt vời.” Sau đó tôi yêu cầu tất cả học sinh quay mặt đi, quay lưng lại và phớt lờ cậu bé. Hai phút sau, cậu ấy khóc lên, nói: “Thưa cô, em cảm thấy khó chịu quá, giống như bị trói bằng dây vậy!” Tôi hỏi cậu bé: “Giờ em đã biết bạn học đó khó chịu như thế nào chưa? Em có muốn xin lỗi không?”. Cậu ấy nói: “Thưa cô, em xin lỗi ngay ạ!”
Đây là bước khởi đầu của huấn luyện “giáo dục tính tự giác”. Đây là một điểm rất quan trọng: Chúng tôi không dùng cách “dĩ bạo trị bạo” (lấy ác để trị ác) để trừng trị ngay khi một người phạm lỗi. Không phải là khi bạn làm người khác khó chịu thì bây giờ chúng tôi sẽ khiến bạn phải khó chịu. Thay vào đó, hãy cho trẻ lựa chọn, xin lỗi ngay lập tức hoặc cho cháu bé cảm nhận được nỗi khổ tâm mà mình đã gây ra cho người khác.
“Giáo dục tính tự giác” có một nguyên tắc cơ bản: Rèn luyện cho trẻ biết sự tồn tại của chính mình. Nhưng không thể dùng ngôn ngữ hay những gì nhìn thấy bằng mắt để công kích con trẻ. Khi trẻ em cảm nhận được những thay đổi trong cơ thể mình, cháu sẽ sẵn sàng thừa nhận sự tồn tại và giá trị sự tồn tại của bản thân.
(Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 40
Tào Cảnh Triết biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ