Nhà từ thiện Jean Shafiroff: Yêu thương con người là triết lý của hoạt động thiện nguyện
Nguyên nghĩa của từ thiện nguyện là ‘yêu thương con người’. Triết lý cũng như định hướng trong hoạt động thiện nguyện của cô Jean Shafiroff là ví dụ điển hình thể hiện ý tưởng này.
Đối với cô Jean Shafiroff, hoạt động thiện nguyện thật sự là một phong cách sống.
Cô Shafiroff luôn nhiệt tâm chia sẻ khó khăn với những người xung quanh từ rất lâu trước khi cô dấn thân vào hoạt động thiện nguyện. Cô đã trở thành người dẫn chương trình truyền hình “Hoạt động thiện nguyện hiệu quả” và cho ra đời cuốn sách có cùng nhan đề. Đồng thời, cô còn là thành viên Hội đồng quản trị của nhiều quỹ từ thiện lớn, đóng góp và đứng đầu vô số những quỹ từ thiện khác.
“Tôi được nuôi dạy để trở nên tốt bụng và biết chia sẻ khó khăn với những người xung quanh”, cô Shafiroff giãi bày. Từ các nữ tu sĩ tại Trường Dòng Thiên Chúa Giáo nơi Shafiroff theo học, những người đã dẫn dắt nhóm học trò trẻ tuổi của mình gây quỹ từ thiện thông qua những việc làm nhỏ như bán các loại bánh tự nướng đến việc Shafiroff gia nhập Girl Scout* và học hỏi cách kêu gọi đóng góp từ thiện, hay việc cô lắng nghe cha mình, một giáo viên âm nhạc, kể chuyện đầy nhiệt huyết tại bữa ăn tối gia đình về các học sinh của ông và tương lai của họ. Trong tất cả mọi việc này, đối với cô Shafiroff, lòng trắc ẩn luôn luôn mang một giá trị chính yếu.
“Thật là một đặc ân lớn lao để có thể cho đi và tất cả chúng ta đều có thể là những nhà thiện nguyện. Mỗi người mang một giá trị nhất định. Tất cả chúng ta đều có giá trị to lớn đối với xã hội và bạn đừng bao giờ nghĩ rằng mình chẳng có gì để cho đi, vì bạn có đấy. Mỗi người đều mang trong mình lòng trắc ẩn.” cô Shafiroff chia sẻ.
Định nghĩa mới về hoạt động thiện nguyện
Cô Shafiroff nổi tiếng vì khả năng dẫn dắt trong các hoạt động thiện nguyện. Cô đứng ra tổ chức ít nhất tám sự kiện gây quỹ từ thiện mỗi năm và ủng hộ các phong trào như giúp đỡ những người gặp trở ngại trong việc tiếp cận các nguồn lực, cải thiện việc chăm sóc sức khỏe, quyền lợi phụ nữ và chăm sóc động vật.
Cô Shafiroff là thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Nhân đạo Hoa Kỳ, Hiệp hội Bệnh viện Southampton, Tổ chức Sứ mệnh của Thành phố New York, Tổ chức Di sản Pháp, Hội đồng Thời trang Cao cấp của Bảo tàng tại FIT, Global Strays**, Hội Phụ nữ New York, Casita Maria***, Hội đồng Danh dự của Tổ chức Nơi trú ẩn cho động vật ở Southampton, Hội đồng Do Thái. Cô còn là đại sứ của Tổ chức Nhân đạo Hoa Kỳ và là người phát ngôn trên toàn quốc cho sáng kiến “Cứu giúp những người thiếu ăn” của Tổ chức. Danh sách các quỹ từ thiện và tổ chức mà cô đóng góp thậm chí còn dài hơn. Cô Shafiroff đã được rất nhiều tổ chức vinh danh cho những đóng góp của mình.
Cô Shafiroff viết trong cuốn sách của mình – “Hoạt động thiện nguyện hiệu quả”: “Chúng ta cho đi vì biết rằng những hành động và lựa chọn trong hiện tại có thể giúp ích cho tương lai. Chúng ta cho đi bởi lẽ những món quà nhỏ có thể dẫn đến thay đổi lớn lao. Chúng ta cho đi vì chúng ta phải hành động. Chúng ta cho đi để vinh danh cuộc sống và sức mạnh của tinh thần nhân văn tác động đến sự thay đổi. Chúng ta cho đi bởi lẽ chúng ta không muốn chứng kiến những nỗi đau và chúng ta mong muốn xoa dịu sự đau thương.”
Nhan đề phụ của cuốn sách là “Để tạo dựng một cuộc sống bằng cách cho đi” và thông điệp mà cô Shafiroff nhắn gửi là thúc đẩy những quyền lợi cho con người. Bất kỳ ai đều có thể trở thành nhà thiện nguyện. Tất cả chúng ta có thể cho đi theo cách phù hợp với khả năng tài chính của mình. Đối với một số người, đó có thể là đóng góp tiền từ thiện. Đối với những người khác, cho đi bằng cách tự nguyện cống hiến thời gian và kiến thức. Không có nhiều người tự xem mình là nhà thiện nguyện, nhưng cô Shafiroff muốn mọi người hiểu rằng họ đều có thể trở thành nhà thiện nguyện.
Cô Shafiroff đã đưa ra định nghĩa mới về ‘thiện nguyện’ trong cuốn sách của mình: “Sự thật là bất kỳ ai cũng đều có thể tham gia hoạt động thiện nguyện”. Quả thật, định nghĩa mới này “thiết yếu cho tương lai của xã hội chúng ta, nhân loại và thế giới.” Cuốn sách cung cấp nhiều kiến thức thực tế, hướng dẫn từng bước cho những nhà thiện nguyện tương lai trong hành trình cho đi của mình. Cô Shafiroff đã đưa ra những câu hỏi sâu sắc, chia sẻ các câu chuyện điển hình và dẫn dắt người đọc suy nghĩ một cách thực tế về những gì mà họ có thể làm cho người khác tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi người.
Bước ngoặt trong sự nghiệp hoạt động vì cộng đồng của cô Jean Shafiroff
Nghề nghiệp đầu tiên của cô Shafiroff là nhà vật lý trị liệu làm việc tại Bệnh viện St. Luke trong khu vực nhiều người nghèo tập trung sinh sống ở thành phố New York.
“Tôi muốn trở nên hữu ích đối với mọi người và xã hội”, cô chia sẻ. “Do đó, tại bệnh viện St. Luke, tôi điều trị cho nhiều bệnh nhân sống dưới mức đói nghèo và có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Công việc này đã tác động lớn đến tôi.”
Cô trở lại trường học để lấy bằng thạc sĩ kinh doanh với kế hoạch sẽ làm quản lý tài chính cho bệnh viện. Sau đó, tại trường Đại học Columbia, cô đã gặp chồng mình, anh Martin.
Cô Shafiroff sau đó chủ yếu làm việc ở Phố Wall. Cô phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày và về nhà vào lúc 9 hoặc 10 giờ tối. Sau khi có đứa con đầu lòng, cô nhận ra rằng nếu cô cứ tiếp tục làm việc như thế này, cô sẽ có rất ít thời gian bên cạnh lũ trẻ.
“Do đó tôi đã nghỉ việc. Khi ở nhà chăm nom hai con gái, tôi bắt đầu công việc thiện nguyện ở trường của các con”, cô Shafiroff kể lại. Cô bắt đầu với việc nướng bánh brownies**** để bán gây quỹ từ thiện và sau đó tham gia gây quỹ hàng năm cho trường. Mục tiêu của cô là “100% phụ huynh tham gia”. Cô chia sẻ với các phụ huynh trong trường rằng không quan trọng khoản đóng góp lớn hay nhỏ, điều quan trọng là việc họ tham gia. Nếu họ chỉ có thể đóng góp 5 đô la, đó cũng là một khoản đóng góp có giá trị.
Trong những chuyến đi của mình, cô Shafiroff đã được thúc đẩy nhiều hơn để thực hiện công việc thiện nguyện. “Tôi đã chứng kiến sự nghèo đói khủng khiếp ở Campuchia, nhiều khu vực khác nhau ở Trung Mỹ, Nicaragua, Cộng Hòa Dominica”, cô chia sẻ. “Khi bạn nhìn thấy sự nghèo đói cùng cực, bạn hiểu rằng mình cần làm gì đó, vì trong cuộc sống, hoàn cảnh của mỗi người đều khác nhau và tôi tin rằng những ai có nguồn lực nên cần có nghĩa vụ đối với xã hội.”
Là một người Mỹ, đây là một phần của văn hóa cho đi. “Ở Hoa Kỳ, thậm chí những người không có nhiều tiền vẫn có thể đóng góp thời gian và các nguồn lực của họ, sau đó họ sẽ đóng góp những khoản tiền nhỏ cho từ thiện. Đó là phần rất quan trọng trong nền văn hóa của chúng ta,” cô bày tỏ quan điểm. “Tôi tin rằng gia đình nên là nơi nuôi dưỡng lòng thiện nguyện. Chúng ta nên dạy dỗ con trẻ thành nhà thiện nguyện bằng việc đầu tiên dạy các con biết chia sẻ và tốt bụng với những người khác.”
Qua thời gian, hoạt động thiện nguyện của cô Shafiroff đã tạo nên uy tín và nền tảng cho cô. Cô chỉ sử dụng thuận lợi này để lan tỏa việc làm tốt của các hoạt động từ thiện khác nhau hay của những nhà thiện nguyện. Từ đó, những người khác có thể học hỏi và làm điều tương tự.
“Nếu có ai đó cần giúp đỡ và tôi có thời gian, tôi cảm thấy tôi có thể làm điều gì đó, thì tôi sẽ làm. Tôi muốn mình trở nên hữu ích.” cô nói. “Tôi phải nói rằng, tôi yêu thích việc này bởi lẽ tôi có triết lý sống rằng khi bạn cho đi, bạn sẽ được nhận lại. Phần thưởng cao quý là trở nên hữu ích và hữu dụng cho xã hội.”
Bắt đầu hoạt động thiện nguyện như thế nào
“Bạn có thể bắt đầu chậm rãi từng bước một. Đầu tiên, bạn hãy tìm hiểu về quỹ từ thiện bằng cách xem thông tin trên trang web của quỹ hay hỏi mọi người xung quanh. Tham gia một hoạt động thiện nguyện mà bạn nhiệt tâm và nghĩ là cần thiết. Điều này rất quan trọng.”
Để tìm hiểu thêm về cách thức và chỉ dẫn về việc tham gia hoạt động thiện nguyện, bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Hoạt động thiện nguyện hiệu quả” của cô Jean Shafiroff. Cuốn sách trình bày về cách lựa chọn quỹ từ thiện, làm việc với tổ chức từ thiện như thế nào, bạn có thể mong chờ điều gì và nhiều vấn đề khác.
Ghi chú của dịch giả:
* Girl Scouts là thành viên của Girl Scouts Hoa Kỳ hoặc một tổ chức tương tự của những cô gái thúc đẩy đạo đức, các hoạt động ngoài trời, trở thành công dân tốt và hỗ trợ những người xung quanh.
** Global Strays là tổ chức làm giảm nhẹ tổn hại đến động vật ở những khu vực nghèo khó của Châu Mỹ La Tinh và có kế hoạch mở rộng hoạt động trên toàn cầu.
*** Casita Maria có trụ sở đặt tại Phía Nam Bronx, được thành lập vào năm 1934 bởi Claire và Elizabeth Sullivan, là tổ chức từ thiện đầu tiên chuyên hỗ trợ người gốc La Tinh ở thành phố New York.
Bảo Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times