Khóa học dành cho cha mẹ (P.57): Để con hòa đồng với bạn bè
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Khóa học dành cho cha mẹ.”
Trong tập trước, chúng ta nói đến việc hai anh em gặp nhau, anh trai nói tiếng Anh, còn cậu em trai nói tiếng Hoa, nhưng các bé vẫn có thể giao tiếp mà không gặp bất kỳ trở ngại nào! Hơn nữa, khi bọn trẻ xem truyền hình của Hoa Kỳ, cậu em trai hoàn toàn không hiểu gì cả. Vì vậy, người anh trai phải giải thích cho cậu em bằng tiếng Anh, vậy mà cậu em liền hiểu được. Vì khi người anh nói đã mang theo sự nhiệt tình, vui vẻ, chia sẻ, nên điều mà người em cảm nhận được là nội hàm tinh thần vượt ngoài ngôn ngữ. Điều này thực sự khiến tôi mở rộng tầm mắt! Hóa ra giao tiếp giữa mọi người có thể diễn ra như vậy.
Năm ấy, có rất nhiều người thuộc thế hệ trước từ Trung Quốc chuyển đến Đài Loan. Họ cưới người Đài Loan hoặc người dân bản địa làm vợ. Hai vợ chồng có thể không nói cùng một ngôn ngữ. Cho dù đã chung sống mấy chục năm, họ cũng không thông hiểu ngôn ngữ của nhau. Thế nhưng, phần lớn họ đều có tình cảm rất tốt, và cũng không xảy ra việc ly hôn. Như vậy có thể thấy rằng, ngôn ngữ không phải là điều kiện tiên quyết nhất để giao tiếp, mà sự đồng điệu về tâm hồn mới là điều quan trọng.
(Người dẫn chương trình): Trẻ em có trí tuệ của chúng. Cha mẹ đừng lo lắng rằng trẻ nhỏ không có biện pháp. Quý vị nhất định phải hỏi con mình làm thế nào để khiến bạn cùng lớp có thể kết bạn thực sự?
Làm thế nào khi bạn học gây khó dễ?
(Cô Trần): Tôi xin đưa ra một ví dụ khác. Một ngày nọ, con trai tôi đi học về và rất không vui. Bình thường cháu rất thích đi học. Hôm đó đi học về, cháu nói với tôi: “Bạn ấy trêu con!” Tôi hỏi: “Bạn ấy là ai?” Cháu tức giận nói: “Đó là bạn ngồi cạnh con. Cậu ấy không chỉ trêu chọc con, mà còn lấy bút chì con cho cậu ấy mượn để chọc nữa!”
Tại sao con tôi lại thích đến trường như vậy? Vì con tôi chưa học mẫu giáo, nên những kiến thức cô giáo dạy, con hoàn toàn không hiểu. Vì vậy nên cháu đã học tập rất nghiêm túc. Mà ở trường có rất nhiều bạn nhỏ, con tôi cảm thấy muốn kết bạn.
Thế nhưng, lần này bạn cùng lớp đang gây rắc rối. Con tôi cảm thấy rằng, bạn cùng lớp đang cản trở việc học của mình, còn lấy bút chì mà cháu cho mượn để chọc nữa. Cháu đã nói với tôi về điều đó vào ngày hôm trước. Tôi nói: “Chà! Đây là một việc rất quan trọng!” Sau đó, tôi nói tiếp: “Mẹ biết một điều, đó là các bạn cùng lớp rất muốn trở thành bạn tốt của con”.
Con trai liền nhìn tôi (với vẻ không hiểu lắm). Tôi giải thích: “Tại sao mẹ có thể nói chắc chắn như vậy? Con nói xem ai mà không muốn điều tốt? Nếu hoa đẹp và trái cây ngon thì ai mà không muốn chứ. Con là một cậu bé ngoan! Vì vậy, bạn học của con muốn tìm cách kết bạn với con. Nếu bút của con không tốt, cậu ấy có muốn mượn không? Chỉ là cậu ấy không biết cách, nên lấy bút chọc con như thế, để thu hút sự chú ý của con. Mà con thì quá chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài, không cảm nhận sự hiện diện của cậu ấy.”
Đứa trẻ hỏi: “Tại sao mẹ biết?” Tôi nói: “Vì mẹ là một người mẹ tốt, nên con của mẹ nhất định là một đứa trẻ ngoan. Con cũng biết là mọi người rất thích những bạn trẻ ngoan, và muốn trở thành bạn tốt của người đó.”
Con trai tôi nói: “Con hiểu rồi!” Sau đó, cháu vui vẻ chạy đi.
Tất nhiên mọi chuyện không kết thúc như vậy. Sau đó tôi mời cháu bé kia đến nhà chơi, tôi không có mục đích gì và cũng không nói về chuyện này. Sau khi chơi xong, cha mẹ cháu bé ấy cũng mời chúng tôi sang nhà họ chơi, tất nhiên chúng tôi cũng đi. Chúng tôi qua lại với nhau như vậy. Sau một thời gian, con trai tôi đến bên tôi và nói: “Mẹ ơi, mẹ còn nhớ chuyện đó không?”.
Vì mọi người mải chơi nên tôi cũng quên mất. Tôi nói: “Mẹ xin lỗi, mẹ quên mất.” Tôi hỏi cháu: “Sau đó, con với bạn ấy thế nào?”. Cháu nói: “Con đã tìm ra câu trả lời!”
Tôi hỏi lại: “Tìm thấy câu trả lời như thế nào?” Con trai tôi đáp: “Con đã xem bạn ấy như bạn tốt của con rồi!” Thế nào là bạn tốt? Có họa cùng chịu, có phúc cùng hưởng. Đây là định nghĩa về một người bạn tốt trong tâm trí con trai tôi. Chính cậu bé đã tự mình tìm ra điều đó và thực hành trong cuộc sống của mình.
Thật tốt là người lớn chúng ta hiểu được, và đã mời bạn nhỏ ấy đến nhà để chúng cùng chơi với nhau. Mọi người có biết các cậu bé lớp một chơi trò gì khi ở nhà không? Toàn thân đều là nước, chúng biến quần áo ướt sũng thành quả bóng nước ném qua ném lại, rất vui vẻ!
(Người dẫn chương trình): Nếu những điều ấy đã làm rồi nhưng vẫn không có hiệu quả thì nên làm sao?
Giúp con kết bạn
(Cô Trần): Đương nhiên, nếu cách làm của trẻ không tốt thì người lớn vẫn phải can thiệp. Các bậc cha mẹ cần nói chuyện với nhau theo kiểu cha nói chuyện cha, mẹ nói chuyện với mẹ. Bởi vì nếu đã làm đến bước này rồi, nhưng trẻ vẫn có lúc nghịch ngợm, quấy phá, thì khả năng là con của đối phương trong quá trình nuôi dưỡng đã bị bỏ sót nhiều mắt xích hơn con mình. Tuy nhiên, đừng ghét bỏ đứa trẻ. Bởi vì đó là người có duyên với bạn. Nếu không thì cổ nhân đã không nói rằng, uống chung với nhau một ly nước đều cần có duyên phận từ nhiều năm.
(Người dẫn chương trình): Tôi có cách giải quyết đơn giản nhất. Nếu không được thì dẫn cha mẹ đối phương đến nghe cô Trần tư vấn!
(Cô Trần): Còn một điều nữa, tôi cũng thường làm. Không chỉ những đứa trẻ quan tâm đến nhau, mà người lớn cũng nên quan tâm đến các cháu. Tôi sẽ đặc biệt làm một số món điểm tâm nhẹ v.v., nhưng tôi không chỉ đưa cho cháu bé đó, mà tôi sẽ nói với con trai tôi rằng, con có thể mang thêm để chia sẻ với các bạn trong lớp. Đứa trẻ đó cũng nằm trong số đó. Cậu bé ấy sẽ nhìn thấy được cách mọi người quan tâm đến ai đó là như thế nào. Tôi sẽ sử dụng phương pháp mềm mỏng như vậy.
Xây dựng giá trị quan gia đình
Tôi cũng thường tạo cơ hội để mọi người ăn uống cùng nhau. Người Trung Quốc rất xem trọng việc ăn uống, vì vậy tôi sẽ mời trẻ nhỏ đến nhà hoặc ra nhà hàng bên ngoài. Tôi không có mục đích gì cả, chỉ đơn thuần là ăn uống thôi. Ăn uống trong hoàn cảnh vô cùng thoải mái, thức ăn ngon trước mặt, trẻ rất dễ biểu lộ những suy nghĩ trong lòng. Chúng ta sẽ thấy được trẻ cần điều gì, và chúng ta sẽ bù đắp cho các cháu một cách khéo léo. Thậm chí đưa chúng đi hái quả anh đào, xem một bộ phim. Trong quá trình này sẽ có một số thảo luận, dần dần dẫn dắt nhu cầu trong cuộc sống thường nhật của trẻ. Ví dụ như nhu cầu về chọn khóa học năm sau, cần mua những thứ gì v.v… Trong quá trình này, chúng ta cùng con kết giao bằng hữu, từ đó trẻ cũng dần dần hiểu được giá trị quan của người lớn.
Đây chính là lý do tại sao chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều thành viên tham gia hơn. Khi con ngày càng trưởng thành, quý vị không có cách nào thuyết phục được con. Lúc này con sẽ hỏi quý vị: “Tại sao chỉ có nhà mình cần phải như vậy, còn nhà người khác lại không.” Lúc này cha mẹ có thể nói: “Có rất nhiều cô chú đồng tình với giá trị quan như vậy.”
(Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 57
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa Ngữ