Phương pháp giáo dục Montessori áp dụng trong trường đại học: Một tầm nhìn về khả năng tự lực cánh sinh
Thời nay, chúng ta nghe rất nhiều thông tin tiêu cực về thực trạng của các trường cao đẳng và đại học: tiêu chí tuyển sinh thấp, các khóa học tổng quan như văn học và lịch sử Hoa Kỳ bị lược bỏ, việc nâng điểm, các giáo sư với chương trình nghị sự cánh tả, sự kiểm duyệt, và tất nhiên, cả vấn đề học phí và các khoản chi phí ngày càng gia tăng nữa.
Sự sụt giảm đáng kể trong các chuyên ngành giáo dục khai phóng là điều ít được chú ý đến. Hiện nay, cứ 10 sinh viên thì có ít hơn 1 người theo đuổi bằng cấp trong lĩnh vực nhân văn. Gộp chung cả triết học, lịch sử, văn học Anh, và các ngôn ngữ nước ngoài, thì vào năm 2020, có ít hơn 4% sinh viên lấy được bằng cử nhân ở một trong các lĩnh vực này.
Các tổ chức giáo dục bậc cao thường bị phớt lờ trong các tin tức ảm đạm từ giới học thuật, cả trường học thế tục lẫn trường học tôn giáo. Những tổ chức này vẫn là các pháo đài của tự do, tự do ngôn luận, và nền giáo dục khai phóng. Trong số đó, chúng ta thấy những ngôi trường như Đại học Hillsdale, Đại học Bob Jones, Đại học Franciscan ở thành phố Steubenville, và Đại học Hampden-Sydney.
Trong vài thập niên qua, các tổ chức giáo dục khác, mà phần lớn có quy mô khá nhỏ, đã gia nhập vào hàng ngũ này, chẳng hạn như trường Đại học Christendom, trường Đại học Patrick Henry, và trường Đại học Wyoming Catholic. Gần đây hơn, những nơi như Đại học Thales ở tiểu bang Bắc Carolina và Đại học Austin cũng đang mở rộng cửa. Trong tuyên bố về sứ mệnh của mình, gần như tất cả các ngôi trường này, cả cũ lẫn mới, đều ủng hộ truyền thống, quyền tự do nghiên cứu và thảo luận dân sự, cũng như việc theo đuổi sự thật là điều quan trọng đối với một xã hội tự do.
Và nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, thì vào năm 2024, trường Đại học Reliance ở tiểu bang Chicago sẽ gia nhập vào các tổ chức đang phát triển nhanh chóng này.
Sứ mệnh
Từ trang web của mình, Đại học Reliance tuyên bố sứ mệnh của trường bằng một đề xướng, hứa hẹn rằng “sẽ cung cấp một nền giáo dục vượt trội đề cao các giá trị lý trí, tính tự chủ và một xã hội tự do … dưỡng thành các chuẩn tắc đạo đức, thói quen tư duy và hành động, những điều cần thiết để những người tự lực trở nên độc lập. Chúng tôi giúp các bạn trẻ trở thành những doanh nhân trong chính cuộc đời họ.”
Để đạt được những mục tiêu đó, trường Reliance hướng tới việc kết hợp giữa phương pháp học tập các Tác Phẩm Kinh Điển (Great Books) với việc đào tạo về kinh doanh, tài chính, và các lĩnh vực do cá nhân sinh viên lựa chọn. Chủ ý này được tóm tắt trong mục tiêu của trường Reliance dành cho sinh viên: “Bạn có muốn Làm Chủ chính mình không? Hãy học cách trở thành một doanh nhân trong cuộc sống, cho dù bạn làm công việc gì để mưu sinh chăng nữa.”
Có hai lời nhận xét khác trên trang web này cũng ý nghĩa không kém. Lời đầu tiên đến từ nhà sáng lập Marsha Familaro Enright: “Thành tựu và thành công đòi hỏi tầm nhìn khả thi và khả năng chịu đựng nghịch cảnh trong thực tế.”
Lời trích dẫn thứ hai sẽ khiến người ta bất ngờ, bởi vì lời này đến từ bà Maria Montessori, nhà sáng lập phương pháp giáo dục Montessori, thường gắn liền với các em thiếu nhi:
“Kỷ luật phải đến từ tự do … Chúng tôi không nhìn nhận một cá nhân có tính kỷ luật khi anh ta chỉ miễn cưỡng im lặng như người câm và bất động như người bị liệt. [Nếu thế] anh ta chỉ là một cá nhân không còn tồn tại, chứ không phải là người có kỷ luật.”
Bà Maria và bà Marsha
Trong bài viết trực tuyến “The Ordered Liberty of Montessori Education” (Tự Do Có Trật Tự Trong Phương Pháp Giáo Dục Montessori), bà Enright giải thích cho độc giả về triết lý giáo dục của bà Montessori, và ứng dụng thực tiễn của phương pháp này trong hệ thống giáo dục được tôn vinh theo tên của bà. Khi viết về những ngôi trường như vậy, bà Enright lưu ý rằng “nguyên tắc cơ bản là sự tự do trong một môi trường có tổ chức,” rằng trẻ em được đối xử tôn trọng, và mục đích luôn là vun bồi khả năng suy luận và phán đoán của các em.
Bà Enright biết mình đang bàn luận về điều gì. Trong một buổi phỏng vấn với The Epoch Times, bà liên tưởng đến vài thập niên trước, khi con trai bà lên 3 tuổi, bà từng ghi danh cho con vào một ngôi trường giảng dạy theo phương pháp Montessori ở tiểu bang Chicago. Khi con trai bà học lớp ba và ngôi trường này phải dời đi, bà và một nhóm các bậc cha mẹ đã thành lập Trường Council Oak Montessori. Bà đã điều hành ngôi trường này trong suốt 27 năm. Bà được đào tạo theo phương pháp Montessori, và đã hướng dẫn lại cho các giáo viên làm việc tại đây ngoài việc thực hiện các công việc quản lý của mình.
Tuy nhiên, các bằng cấp và sở thích trong lĩnh vực giáo dục của bà Enright đã vượt xa khỏi trường Council Oak. Bà Enright tốt nghiệp Đại học Northwestern, chuyên ngành sinh học, sau đó bà học thêm lĩnh vực nghiên cứu xã hội tại ngôi trường nổi tiếng New School của thành phố New York. Suốt những năm qua, bà đã viết về nhiều chủ đề bao gồm từ tâm lý học thần kinh cho đến triết lý sinh học, văn hóa và văn học.
Bước tiếp theo
Hơn 20 năm trước, việc đọc sách, nghiên cứu, và đam mê mang đến những điều tốt đẹp cho giới trẻ đã khiến bà Enright phát triển mối quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực giáo dục bậc cao. Bà nhận thấy nhiều trường đại học, hầu hết đều nằm dưới sự ảnh hưởng của cánh tả, đang xa rời các tác phẩm kinh điển, nghiên cứu văn hóa Tây phương, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. “Tôi thấy điều này đã diễn ra từ lâu,” bà nói. Bà Enright đã dành một năm để nghiên cứu các trường cao đẳng và đại học, về lịch sử, triết học, và các chương trình giảng dạy của những ngôi trường này.
Năm 2006, bà Enright thành lập Viện Reason, Individualism, Freedom (Lý luận, Chủ nghĩa cá nhân, Tự do), một tổ chức cho thấy niềm yêu thích của bà trong các lĩnh vực đó, bao gồm cả khởi nghiệp. Ba năm sau, Viện này bắt đầu tài trợ cho một loại hình trường học hè, nơi trở thành The Great Connections (Những Kết nối Lớn). Kể từ đó, chương trình này đã kết hợp đặc biệt các tác phẩm kinh điển Tây phương, các diễn giả truyền cảm hứng, các nhóm thảo luận về phương pháp Socratic (phát triển tư duy phản biện), và các hoạt động bao gồm những buổi hội thảo hài kịch ngẫu hứng nhằm khuyến khích kỹ năng giao tiếp và cộng tác của học sinh.
Các bạn trẻ từ 16 đến 30 tuổi tham gia chương trình này được trải nghiệm đủ loại chuyển biến tích cực, cả trong cách tiếp cận việc học tập và cuộc sống riêng của họ.
“Khoảng 75% sinh viên nói với tôi rằng cuộc sống của các em đã thay đổi,” bà Enright cho biết. Ý tưởng đằng sau những buổi hội tụ mùa hè này là “giúp các em trở thành những doanh nhân trong chính cuộc sống của mình.”
Từ những buổi hội thảo mùa hè như vậy đã nảy sinh ra ý tưởng về một trường đại học, một cơ sở giáo dục kết hợp giữa văn học, triết học, và lịch sử cổ điển với nhiều công cụ và cơ hội giảng dạy thực tế, mang tính ứng dụng cao. Tất cả được thiết kế nhằm giúp sinh viên đề cao tính độc lập, khả năng lý luận, và lòng tự trọng.
Nói cách khác, đây là trường đại học giảng dạy theo phương pháp Montessori.
Giáo dục bậc cao, Mục tiêu cao hơn
Khi nhắc đến “Trường đại học Montessori,” bạn có thể nhận được một vài ánh nhìn nghi ngại. Rốt cuộc thì, chẳng phải phương pháp giảng dạy Montessori chủ yếu dành cho học sinh mầm non và tiểu học hay sao?
Tuy nhiên, các giai đoạn phát triển trong giới trẻ chiểu theo phương pháp Montessori — hay còn gọi là planes — có bốn giai đoạn: từ độ tuổi sơ sinh đến 6 tuổi; từ 6 tuổi đến 12 tuổi; từ 12 tuổi đến 18 tuổi; và từ 18 tuổi đến 24 tuổi. Các trường Montessori ở Hoa Kỳ áp dụng phổ biến phương pháp này trong hai giai đoạn đầu tiên, và khoảng 150 trường trung học phổ thông hoạt động theo nguyên tắc và thực hành phương pháp Montessori. Một số trường đại học cấp bằng giảng dạy hoặc đào tạo theo phương pháp Montessori.
Nhưng nếu bà Marsha Enright cũng tham gia vào lĩnh vực này, thì Trường Đại học Reliance sẽ là cơ sở đầu tiên tại Hoa Kỳ cung cấp một nền giáo dục dựa trên các nguyên tắc Montessori.
Trong mục “Lợi ích” trên trang web của ngôi trường này liệt kê tính độc lập, các kỹ năng, cố vấn, và hồ sơ năng lực. Bốn đặc điểm chính này được thiết kế để cung cấp cho sinh viên cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội; nâng cao nhận thức của các em về văn hóa, lịch sử, và lý tưởng tự do; cung cấp kinh nghiệm làm việc thực tế trong nhiều lĩnh vực mà các em quan tâm; và tạo lập hồ sơ cá nhân đóng vai trò như công cụ để tìm việc làm cũng như phản ánh những thành tựu của các em.
Bà Enright và Hội đồng quản trị, bao gồm chồng bà, nhà thơ và nhà soạn kịch John Joseph Enright, hy vọng mở Trường Đại học Reliance vào năm 2024 với ít nhất 50 sinh viên. Giống như một số trường đại học khác ở Hoa Kỳ, các khoản vay liên bang sẽ không ảnh hưởng đến học phí của sinh viên. Kế hoạch cung cấp một loại chương trình giáo dục thường xuyên dành cho người lớn tuổi của trường này cũng đang được tiến hành.
Lời kết
Bà Enright nói: “Tôi muốn nhấn mạnh điểm này. Tôi am tường ngành tâm lý học tích cực và chắc chắn sẽ kết hợp chặt chẽ những nguyên tắc đó vào chương trình giảng dạy.” Bà Enright muốn thấy các sinh viên và những sinh viên đã tốt nghiệp phát triển, tự tin, và thành công trong bất cứ công việc nào mà các em làm.
Vì khóa đào tạo đó — Great Connections (Những Kết Nối Lớn), cũng như mối quan tâm xác đáng của bà Enright về những thách thức tinh thần và cảm xúc mà người trẻ thời nay đang phải đối diện, bà Enright dự định sẽ mở một chương trình giáo dục để truyền đạt hy vọng và sự lạc quan cho các sinh viên.
Trong bài viết “Các bạn trẻ cần có tầm nhìn gì?” của mình, bà Enright viết: “Quan trọng là một cái nhìn đầy hy vọng về tương lai, một tầm nhìn rằng cuộc sống có thể là một chuyến phiêu lưu đáng để dấn thân, và anh tài là những người thể hiện được những phẩm chất cao quý nhất của con người. Thiếu đi những yếu tố này, người trẻ sẽ lạc lõng, mất phương hướng và rất dễ bị trầm cảm, thậm chí là tự tử.”
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times