Kho báu Hoa Kỳ: Bản giao hưởng của Howard Hanson
Howard Hanson là tác giả của một trong những bản giao hưởng được biểu diễn rộng khắp toàn thế giới vào đầu thế kỷ 20 nhưng đáng tiếc thay tác phẩm ấy hầu như bị lãng quên cho đến ngày nay. Tác giả Howard Hanson (1896–1981) – ông “tự xưng” là một người lãng mạn – sở hữu nhiều tác phẩm xứng đáng được hồi sinh, và được khôi phục trong tâm thức của những người yêu âm nhạc.
Khi nhắc đến việc ông “tự xưng” mình là một người lãng mạn, tôi muốn đề cập đến tên gọi mà Hanson đã đặt cho Bản giao hưởng số 2 – Romantic – tác phẩm mà ông đã viết theo đơn đặt hàng của Dàn nhạc Giao hưởng Boston nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập dàn nhạc. Từ năm 1928 đến năm 1930, Hanson sáng tác Romantic khi ông đang trong những năm đầu đảm nhiệm vị trí giám đốc Trường âm nhạc Eastman School of Music in Rochester, New York, và ông cũng tại vị ở chức vụ này trong một thời gian rất dài.
Hanson được bổ nhiệm vào vị trí này vào năm 1924, ở tuổi 28, sau khi nhà phát minh máy ảnh Kodak – George Eastman, thưởng thức phần trình bày Bản giao hưởng số 1 – Nordic của người nghệ sĩ gốc Thụy Điển sống tại thành phố Wahoo, tiểu bang Nebraska. Ngài Eastman ngay lập tức nhận ra đây là người xứng đáng để đứng đầu nhạc viện mới vừa được thành lập của mình. Mặc dù vị trí danh giá đó cho phép Hanson xây dựng một trong những viện âm nhạc tốt nhất tại Hoa Kỳ, nhưng công việc bận rộn tại ngôi trường này cũng hạn chế thời gian sáng tác của ông. Danh mục sáng tác của Hanson rất đồ sộ, tuy nhiên nó có thể phong phú hơn nữa nếu ông không phải đảm nhiệm chức vụ trên.
Giai điệu mãi còn vang
Bất chấp những áp lực của việc thành lập và quản lý viện âm nhạc, Hanson đã cố gắng hoàn thành Bản giao hưởng số 2 – một tác phẩm mang đầy tham vọng. Các giai điệu của Romantic xuất hiện một cách tự nhiên từ những rung động hài hòa ở đầu tác phẩm.
Loại giai điệu như thế này xuất hiện trong đoạn mở đầu của bản giao hưởng và được lặp lại dưới những dạng thức khác trong hai phần tiếp theo. Và nó đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa lãng mạn tại Hoa Kỳ sau khi tác phẩm được trình diễn bởi hàng chục dàn nhạc khác nhau trên khắp thế giới. Đạo diễn Ridley Scott cũng đã để bản nhạc này xuất hiện vào phần cuối bộ phim Alien, vì thế khán giả có thể đã nghe qua tác phẩm trên mà không nhận ra nó chính là Romantic.
Trớ trêu thay, vào thời điểm Alien được phát hành vào năm 1979, phong cách sáng tác của Hanson đã trở thành xưa cũ đến nỗi một công ty âm nhạc cổ điển tại Hoa Kỳ đã bỏ qua ông để theo đuổi trường phái âm nhạc của chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, giai điệu 50 năm tuổi của Romantic đã được một thế hệ mới – những người không hề biết đến chủ nghĩa hiện đại thưởng thức trong niềm hân hoan, hạnh phúc. Và thế là tác phẩm trên đã có những người hâm mộ mới và được khoác lên mình một chu kỳ sống mới.
Bản tuyên ngôn lãng mạn
Nhà soạn nhạc Steven Schwartz từng viết trên classic.net rằng Hanson coi bản giao hưởng Romantic là một bản tuyên ngôn của trường phái lãng mạn trong âm nhạc. Điều đó thật hợp lý, vì mỗi bản giao hưởng được sáng tác tiếp theo bởi Hanson, dù ít dù nhiều, đều là sự mở rộng về định nghĩa lãng mạn, nhưng không bao giờ ông từ bỏ nguyên tắc cốt lõi: tăng khả năng biểu đạt bằng những giá trị được cường điệu. Phong cách sáng tác của Hanson chủ yếu là cổ điển, khi các mô típ và chủ đề được thể hiện với cấu trúc hài hòa, nhưng mục tiêu của ông là mang đến cảm xúc mãnh liệt vào các tác phẩm của mình.
Các giá trị được cường điệu hóa trong những bản giao hưởng của Hanson là sự hòa hợp được đặt cạnh sự đối lập trong giai điệu, là sự phức tạp trong kết cấu được đặt cạnh những nhịp buông lơi, và hơn hết là sự hòa quyện và sự tương phản của sắc màu từ các nhạc cụ. Cảm xúc của khán giả được dịp phiêu lưu cùng sự trúc trắc kinh điển trong Bản giao hưởng số 3 (1938) và Bản giao hưởng số 6 (1967); cùng những sắc thái u sầu trong Bản giao hưởng số 4 – Requiem (1943) – tác phẩm đã giúp ông đoạt giải thưởng Pulitzer; cùng sự bí ẩn của đức tin trong Bản giao hưởng số 5, cùng gam màu “đơn sắc” của tác phẩm Sinfonia Sacra (1954); và cùng tính chất hùng vĩ của đại dương mênh mông trong Bản giao hưởng hợp xướng số 7, Whitman, The Sea Symphony (1977).
Các bản giao hưởng của Hanson hầu như bị lãng quên kể từ khi ông qua đời, ngoại trừ sự hồi sinh trên đĩa compact với phần trình bày của Dàn nhạc Giao hưởng Seattle dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Gerard Schwarz vào đầu những năm 1990. Nhưng sự độc tôn của chủ nghĩa hiện đại đã khiến các tác phẩm trên không thể xuất hiện trong các tiết mục ngày nay.
Chủ nghĩa hiện đại là ý tưởng cho rằng tất cả các giá trị đều “không phân chia ranh giới” và vì thế có thể hoán đổi cho nhau. Do đó, các cấu trúc phân chia cấp bậc phải được giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn. Nhưng trong âm nhạc, điều này có nghĩa là sự hòa hợp và sự đối lập trong giai điệu, cùng với tất cả các yếu tố tương phản khác, phải bị biến thành âm thanh đơn sắc vì lợi ích của cái gọi là chủ nghĩa hiện đại.
Không có chỗ cho sự thể hiện
Tác giả Igor Stravinsky đã nói về “tính giáo điều” của chủ nghĩa hiện đại trong cuốn tự truyện của mình: “Bản chất của thứ âm nhạc đó không có khả năng diễn đạt bất cứ điều gì”.
Điều này, nói nôm na, có nghĩa là điệu dirge bạn nghe trong tang lễ của một người thân yêu không thể hiện được nỗi u buồn, cũng như điệu valse bay bổng mà bạn đã từng nhảy trong đám cưới của mình không biểu thị được sắc thái hạnh phúc. Hơn thế nữa, vì âm nhạc không thể hiện được điều gì cụ thể nên tất cả các thành phần trong nó đều có thể hoán đổi cho nhau. Như thể ta được quyền chơi điệu valse trong đám tang hoặc chơi những giai điệu dành cho việc diễn hành tại tang lễ trong đám cưới.
Trong bộ phim Barry Lyndon, đạo diễn Stanley Kubrick thậm chí đã sử dụng tác phẩm Funeral March (Hành khúc Tang lễ) của tác giả Schubert cho phân cảnh đám cưới của người anh hùng đã khuất phục với cùng một lý do mà Stravinsky đã nêu ra: “khi chúng ta nghe nhạc dành cho hôn lễ, trực giác cho ta hay rằng có điều gì đó không ổn, bởi vì thứ âm nhạc truyền đạt điều đi ngược lại với sự hạnh phúc.”
Mặt khác, âm nhạc của Hanson không cho phép điều đó. Những thế hệ nhà soạn nhạc đầu tiên nhận chịu sự ảnh hưởng lớn lao từ ông như tác giả Dvorak và tác giả Sibelius là minh chứng cho triết lý âm nhạc của Hanson. Hanson mang theo ngọn lửa đam mê và nó bùng lên mạnh mẽ mỗi khi ông ngồi vào sáng tác. Âm nhạc không chỉ thể hiện bản thân mà nó buộc phải làm như vậy bởi vì đó chính là bản chất của nó, là chức năng của âm nhạc.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times