Khảo sát của Fed New York: Kỳ vọng tăng trưởng thu nhập gia đình ghi nhận mức giảm lớn nhất từ trước đến nay
Dữ liệu mới nhất từ Khảo sát về Kỳ vọng từ Người tiêu dùng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy kỳ vọng về tăng trưởng thu nhập gia đình ở Mỹ đã giảm mạnh nhất vào tháng Một, ngay cả khi lạm phát ngắn hạn dự kiến vẫn sẽ tăng cao.
“Sau đợt tăng hàng tháng kể từ tháng Chín năm ngoái, mức tăng trưởng trung bình dự kiến trong thu nhập gia đình đã giảm 1.3 điểm % xuống còn 3.3%. Đây là mức giảm lớn nhất trong một tháng trong lịch sử gần 10 năm của chuỗi số liệu này,” theo một thông cáo báo chí hôm 13/02. “Mức giảm của tháng Một thể hiện rõ rệt hơn đối với những đáp viên chỉ học hết trung học phổ thông, những đáp viên ngoài 60 tuổi, và những người có thu nhập gia đình hàng năm dưới 50,000 USD.”
Bất chấp sự sụt giảm này, kỳ vọng tăng trưởng thu nhập gia đình trong tháng Một vẫn cao hơn mức trước đại dịch và chỉ thấp hơn một chút so với mức trung bình 12 tháng qua là 3.5%.
Kỳ vọng tăng trưởng chi tiêu gia đình trung bình đã giảm xuống 5.7% trong tháng Một từ mức 5.9% một tháng trước đó, đây là mức giảm hàng tháng thứ ba liên tiếp. Nhưng bất chấp sự sụt giảm, kỳ vọng tăng trưởng chi tiêu gia đình ở mức 5.7% vẫn cao hơn kỳ vọng tăng trưởng thu nhập là 3.3%.
Trong khi đó, kỳ vọng lạm phát trung bình cho năm tới đây là 5%. Mặc dù đã giảm so với mức lạm phát 7% vào năm 2021 và 6.5% vào năm 2022, nhưng mức lạm phát 5% vẫn còn cách xa mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang và có thể sẽ gây áp lực lên tài chính gia đình.
Tác động của lạm phát đối với tiền lương
Hai năm qua đã chứng kiến sự tăng trưởng tích cực của tiền lương. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát tăng cao có nghĩa là tác động của tăng trưởng tiền lương đã bị vô hiệu hóa và mọi người cuối cùng đã mất sức mua.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS), mức thu nhập trung bình mỗi giờ đã tăng 4.9% vào tháng 12/2021 trong năm qua. Nhưng mức thu nhập trung bình mỗi giờ được điều chỉnh theo lạm phát, hay thu nhập thực tế, đã giảm 2.1% trong năm.
Tương tự, mức thu nhập trung bình theo giờ đã tăng 4.6% vào tháng 12/2022. Sau khi tính đến lạm phát, thì mức thu nhập trung bình theo giờ thực tế đã giảm 1.7%.
Theo ngân hàng JP Morgan, không có lĩnh vực nào trong nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận sự tăng trưởng tiền lương để bù đắp lạm phát trong năm qua. Chỉ có hai lĩnh vực, thông tin và dịch vụ tài chính, cho thấy mức tăng lương hơn 2% trong số liệu tháng Một được điều chỉnh hàng năm.
Các lĩnh vực như sản xuất, bán lẻ, xây dựng, giải trí, khách sạn, dịch vụ y tế, và giáo dục cho thấy mức thay đổi danh nghĩa hàng năm âm từ -2% đến -6%.
Tăng lương năm 2023, vét hết tiền tiết kiệm
Công ty tư vấn việc làm Willis Towers Watson (WTW) cho biết quỹ lương tại các công ty Hoa Kỳ đã tăng 4.2% vào năm 2022. Năm nay, công ty này dự kiến các công ty sẽ tăng lương 4.6%, đây sẽ là mức tăng lương cao nhất trong khoảng 16 năm.
Trong số các công ty đang tìm cách tăng quỹ lương, khoảng 17% có kế hoạch tài trợ cho việc tăng quỹ bằng cách tăng giá, trong khi 12% sẽ giảm số lượng nhân viên và viện đến các biện pháp tái cơ cấu công ty.
Ngay cả với mức tăng lương cao như vậy, người Mỹ cuối cùng vẫn có thể mất sức mua nếu lạm phát vẫn tăng cao. Cuộc khảo sát của Fed New York đã chỉ ra rằng mọi người đang kỳ vọng lạm phát trong năm tới sẽ ở mức 5%, cao hơn mức tăng lương 4.6% dự kiến của WTW cho năm 2023.
Khi người Mỹ phải sống chật vật với mức lương không thể theo kịp lạm phát, thì rốt cuộc họ sẽ phải vét hết tiền tiết kiệm của mình để duy trì mức sống.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times