Kỳ vọng tài chính của người Mỹ thấp nhất kể từ năm 2010
Người Mỹ đang trở nên bi quan hơn về tình hình tài chính cá nhân của họ cũng như định hướng của nền kinh tế Hoa Kỳ, với kỳ vọng tài chính ở mức thấp nhất trong hơn một thập niên.
Một cuộc khảo sát (pdf) hồi tháng Hai của Fannie Mae cho thấy, tỷ lệ những người được hỏi kỳ vọng tình hình tài chính cá nhân của họ sẽ “tốt hơn” trong 12 tháng tới đã giảm xuống 31% trong tháng Hai so với 33% của một tháng trước. Đây là số liệu thấp nhất kể từ khi loạt dữ liệu này bắt đầu vào năm 2010. Kết quả này cũng thấp hơn 20 điểm so với các con số hồi tháng 02/2020. Trong khi đó, 20% người được hỏi cho rằng tình hình tài chính cá nhân của họ sẽ “xấu đi” trong năm tới trong khi 48% cho là “vẫn vậy.”
Tỷ lệ những người được hỏi cho biết nền kinh tế đang đi “đúng hướng” chỉ là 28%, thấp hơn nhiều so với 71% số người được hỏi cho rằng nền kinh tế đang “đi sai hướng.”
Sự bi quan về tài chính cá nhân và nền kinh tế của người dân Mỹ xuất hiện khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang tiếp tục báo hiệu rằng lãi suất căn bản của Fed sẵn sàng tăng nữa.
Trong bài diễn văn Báo cáo Chính sách Tiền tệ bán niên trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng “dữ liệu kinh tế mới nhất mạnh hơn dự kiến, cho thấy mức lãi suất cuối cùng có thể sẽ cao hơn dự đoán trước đó.”
“Nếu toàn bộ dữ liệu này chỉ ra rằng việc thắt chặt tiền tệ nhanh hơn được bảo đảm, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng thúc đẩy tốc độ tăng lãi suất lên.”
Lãi suất cao của Fed sẽ đẩy lãi suất cho vay tiêu dùng và kinh doanh tăng lên. Điều này có thể buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm chi tiêu. Các khoản ngân sách của người tiêu dùng có thể bị siết chặt hơn nữa do các khoản thanh toán [lãi suất] vay nợ cao hơn, điều này cuối cùng cũng ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, do đó làm giảm hoạt động kinh tế.
Tình hình tài chính cá nhân của Hoa Kỳ
Theo Khảo sát về Kỳ vọng của Người tiêu dùng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, những kỳ vọng tăng trưởng thu nhập gia đình và tăng trưởng chi tiêu của Hoa Kỳ đã giảm trong tháng Một.
Khảo sát này cho biết, “Mức tăng trưởng trung bình dự kiến của thu nhập gia đình giảm 1.3% xuống còn 3.3%. Đây là mức giảm lớn nhất trong một tháng trong lịch sử gần 10 năm của loạt dữ liệu này.”
“Những kỳ vọng tăng trưởng chi tiêu trung bình của gia đình giảm xuống 5.7% hồi tháng Một từ mức 5.9% trong tháng 12/2022. Đây là lần giảm thứ ba liên tiếp của chuỗi dữ liệu này.”
Sự sụt giảm kỳ vọng về tăng trưởng thu nhập và tăng trưởng chi tiêu đang xảy ra khi nợ gia đình tăng lên mức kỷ lục 16.9 ngàn tỷ USD trong quý 4 năm 2022, ghi nhận mức tăng hàng quý lớn nhất trong hai thập niên.
Trong khi đó, các khoản tiền tiết kiệm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang St. Louis, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân trong tháng 01/2023 chỉ là 4.7%. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân là tỷ lệ phần trăm thu nhập còn lại của người dân sau khi họ đóng thuế và chi tiêu.
Sau đại dịch, tỷ lệ tiết kiệm đã đạt đỉnh 33.8% trong tháng 04/2020. Trước khi đại dịch COVID trở thành một vấn đề lớn, tỷ lệ tiết kiệm trong tháng 01/2020 ở mức 9.1%.
Thảm họa lạm phát
Người dân Mỹ cũng đang chật vật với những tác động của lạm phát tăng cao. Chỉ số Giá Tiêu dùng 12 tháng, thước đo lạm phát thường niên, duy trì ở mức trên 6% mỗi tháng kể từ tháng 10/2021. Lạm phát giá lương thực ở mức trên 6% mỗi tháng kể từ tháng 11/2021.
Hầu hết người Mỹ tin rằng giá hàng bách hóa sẽ tiếp tục tăng. Dựa trên một cuộc thăm dò của Rasmussen Reports được công bố hồi tháng trước, 57% số người được hỏi kỳ cho rằng hàng bách hóa sẽ cao hơn trong năm nay. Ngoài ra, 57% số người được hỏi cho biết họ đã thay đổi thói quen ăn uống do giá thực phẩm tăng cao.
Người cao niên đã chịu ảnh hưởng nặng nề do giá cả tăng cao. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 11/2022 của nhà nghiên cứu thị trường Pollfish, giá cả tăng cao đã buộc 94% người Mỹ trên 55 tuổi phải cắt giảm chi tiêu cho giải trí và thư giãn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times