Deutsche Bank dự báo Hoa Kỳ suy thoái kinh tế vào quý 4, cắt giảm lãi suất vào quý tiếp theo
Deutsche Bank cho biết trong một dự báo mới rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào quý 4/2023 và Cục Dự trữ Liên bang sẽ phản ứng bằng việc cắt giảm lãi suất trong quý tiếp theo.
Ngân hàng này đã cập nhật các dự báo kinh tế quan trọng trong một ghi chú nghiên cứu hồi tuần trước (20-26/02), sau một số diễn biến trên nhiều phương diện.
Theo Deutsche Bank, Fed sẽ tăng lãi suất cho vay cuối kỳ lên 5.625%, tăng so với ước tính trước đó là 5.1%. Các nhà kinh tế đã viện dẫn áp lực lạm phát dai dẳng, dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi, và khả năng phục hồi liên tục trên thị trường lao động.
Trong những tuần gần đây, các quan chức của Fed đã báo hiệu rằng họ có thể trở nên quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất để đạt được một vị thế tiền tệ “hạn chế vừa đủ”, đặc biệt là sau dữ liệu lạm phát cao.
Deutsche Bank cho biết điều này trợ giúp cho dự báo căn bản của họ về một “cuộc suy thoái vừa phải” thay vì một cuộc hạ cánh mềm. Tuy nhiên, tổ chức tài chính này đã trì hoãn thời điểm cho dự báo của mình ra sau một quý nữa: suy thoái kinh tế sẽ kết thúc vào năm 2023 và đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu vào năm 2024.
“Động lực tăng trưởng mạnh hơn, lạm phát cao hơn, và một Fed quyết liệt hơn sẽ cần thiết để thắt chặt các điều kiện tài chính, ủng hộ kỳ vọng căn bản của chúng tôi về một cuộc suy thoái vừa phải thay vì một cuộc hạ cánh mềm. Nói là vậy, nhưng sức mạnh ngắn hạn vững chắc hơn của nền kinh tế Mỹ cho thấy rằng thời điểm suy thoái có thể bị trì hoãn,” các nhà kinh tế của Deutsche Bank cho biết trong một ghi chú.
“Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm về một cuộc suy thoái vừa phải, với GDP thực giảm khoảng 1.25% từ đỉnh xuống đáy trong giai đoạn từ quý 4/2023 đến quý 2/2024 và tỷ lệ thất nghiệp tăng tổng cộng khoảng 2 điểm phần trăm. Hai số liệu này sẽ gần với giá trị trong cuộc suy thoái đầu những năm 1990 và nhẹ so với giá trị trong lịch sử.”
Về phương diện lạm phát, áp lực giá trên diện rộng được tìm thấy trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng Một đã thúc đẩy ngân hàng này nâng cấp dự báo lạm phát trong thời gian còn lại của năm.
Các nhà kinh tế dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi và chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi, vốn loại trừ các lĩnh vực năng lượng và thực phẩm dễ biến động, sẽ giảm xuống lần lượt là 3.2% và 3.3% vào cuối năm nay.
Tỷ lệ thất nghiệp đang suy giảm được cho là sẽ đạt đỉnh ở mức 5.5% vào quý 2/2024.
Để so sánh, Khảo sát Dự báo Kinh tế (SEP) từ tháng Mười Hai của Fed cho thấy trong năm nay GDP tăng trưởng 0.5%, tỷ lệ thất nghiệp là 4.6%, mức lạm phát PCE cốt lõi là 3.5%, và lãi suất quỹ liên bang trung bình là 5.1%.
Có phải suy thoái đang đến?
Nhiều chuyên gia và tổ chức đã trì hoãn dự báo suy thoái của họ cho đến cuối năm nay.
Một cuộc khảo sát mới do Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE) thực hiện đối với các nhà kinh tế cho thấy gần một nửa (48%) số chuyên gia dự đoán một cuộc suy thoái sẽ xảy ra vào cuối năm nay. Gần ⅓ cho rằng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong quý 2 (từ tháng Tư đến tháng Sáu), trong khi ⅕ tin rằng suy thoái sẽ bắt đầu vào quý 3.
“Kết quả của cuộc khảo sát Triển vọng của NABE hồi tháng 02/2023 tiếp tục phản ánh quan điểm khác biệt đáng kể về triển vọng của nền kinh tế Hoa Kỳ,” Chủ tịch NABE Julia Coronado, chủ tịch kiêm người sáng lập MacroPolicy Perspectives LLC, cho biết trong một tuyên bố. “Các ước tính về tổng sản phẩm quốc nội hoặc GDP thực đã điều chỉnh theo lạm phát, lạm phát, các chỉ số thị trường lao động, và lãi suất đều khác nhau rất nhiều, có khả năng phản ánh nhiều ý kiến khác nhau về số phận của nền kinh tế — từ suy thoái đến hạ cánh mềm cho đến tăng trưởng mạnh mẽ.”
Trong một loạt các tweet vào tuần trước (20-26/02), ông David Rosenberg, kinh tế gia trưởng và chiến lược gia tại Rosenberg Research, đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang hướng tới suy thoái kinh tế và bác bỏ những khẳng định về việc “không hạ cánh” như là một “trò lừa phỉnh.”
“Câu chuyện ‘không hạ cánh’ là trò lừa phỉnh lớn nhất mà các nhà kinh tế Wall Street đã biên ra kể từ khi thuyết ‘toàn cầu tách rời’ vào năm 2008,” ông viết trên Twitter. “Hãy nghe theo các chỉ số hàng đầu, đừng nghe theo những người thổi sáo thành Hamelin.”
Ông cũng ám chỉ đến biên bản cuộc họp chính sách tháng này của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), vốn đề cập đến suy thoái kinh tế bốn lần, nhiều nhất kể từ tháng 06/2020.
Theo một bài nghiên cứu do cựu Thống đốc Fed Frederic Mishkin là đồng tác giả, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ khó có thể đánh bại lạm phát mà không phải tăng thêm lãi suất, dẫn đến một cuộc suy thoái.
“Chúng tôi không tìm thấy trường hợp nào xảy ra tình trạng thiểu phát do [ngân hàng] trung ương gây ra mà không dẫn đến suy thoái kinh tế,” bài nghiên cứu viết. “Ngay cả khi giả định kỳ vọng lạm phát ổn định, phân tích của chúng tôi đặt nghi vấn về khả năng Fed thiết kế một cuộc hạ cánh mềm, trong đó lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% vào cuối năm 2025 mà không xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ.”
Các nhà kinh tế lưu ý rằng Fed sẽ cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa để hoàn thành mục tiêu lạm phát 2% vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã kỳ vọng một cuộc “hạ cánh mềm”, gợi ý rằng ngân hàng trung ương sẽ đánh bại lạm phát mà không gây suy thoái.
“Tôi cho rằng hạ cánh mềm là một kết quả có thể xảy ra và là kết quả mà tôi hy vọng chúng ta có thể đạt được,” bà Yellen nói tại một cuộc họp báo ở Ấn Độ hôm 24/02. “Về căn bản, nền kinh tế đang ở trong tình trạng tốt, và lạm phát đang giảm nếu quý vị đo lường trên cơ sở 12 tháng.”
Mô hình GDPNow của Ngân hàng Fed Atlanta ước tính mức tăng trưởng 2.8% trong quý đầu tiên, tăng từ 2.7%.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều quan chức Fed, bao gồm Chủ tịch Ngân hàng Fed St. Louis James Bullard và Chủ tịch Ngân hàng Fed Cleveland Loretta Mester, đã thảo luận về chính sách tăng lãi suất cao hơn để ngăn chặn xu hướng thiểu phát.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times