Ngành sản xuất của Hoa Kỳ sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm
Trong tháng Ba, hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm trong bối cảnh nhu cầu giảm mạnh.
Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết trong một báo cáo ngày 03/04 rằng Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống mức 46.3% vào tháng trước so với 47.7% trong tháng Hai. Số liệu dưới 50 đại diện cho sự thu hẹp.
Chỉ số PMI sản xuất của tháng trước là thấp nhất kể từ tháng Năm năm 2020, khi chỉ số này đạt 43.5%.
Ông Timothy Fiore, chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Sản xuất của ISM, cho biết trong một tuyên bố: “Xét nền kinh tế nói chung, con số này cho thấy tháng thứ tư bị thu hẹp sau khoảng thời gian 30 tháng mở rộng.”
Báo cáo cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất đã giảm, với các đơn đặt hàng mới và đơn hàng tồn đọng trong tháng Ba giảm với tốc độ nhanh hơn so với tháng Hai.
Một giám đốc điều hành trong lĩnh vực thiết bị vận tải được trích dẫn trong cuộc khảo sát này cho biết: “Doanh số bán hàng đang chậm lại với tốc độ ngày càng tăng, điều này cho phép chúng tôi giải quyết dần các đơn đặt hàng đang tồn đọng với tốc độ nhanh hơn dự kiến.”
Số đơn đặt hàng mới đã giảm 2.7%, xuống còn 44.3% trong tháng Ba so với 47% trong tháng Hai.
Theo cuộc khảo sát, một giám đốc trong ngành may mặc cho biết: “Việc kinh doanh nhìn chung vẫn còn chậm. Khách hàng vẫn chưa đặt đơn đặt hàng trở lại mức trước đại dịch.”
Các đơn đặt hàng tồn đọng đã giảm 1.2% xuống còn 43.9% trong tháng Ba so với 45.1% của một tháng trước đó.
Lạm phát giảm?
Nhu cầu sụt giảm đã tác động đến lạm phát chi phí đầu vào.
Chỉ số của ISM đo lường giá các nhà sản xuất trả đã giảm từ 51.3% trong tháng Hai xuống còn 49.2% trong tháng Ba. Việc rơi vào lãnh thổ tiêu cực báo hiệu một xu hướng thu hẹp.
Các số liệu mới nhất của chính phủ về giá sản xuất gợi ý một bức tranh tương tự về áp lực lạm phát giảm bớt, ít nhất là về chi phí đầu vào kinh doanh.
Dữ liệu mới nhất về chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường lạm phát từ góc độ chi phí cho các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ, đã giảm 0.1% trong tháng Hai.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do giá hàng hóa có nhu cầu cuối cùng giảm, giảm 0.2%.
Thước đo PPI thường được xem như là một chỉ báo về hướng giá tiêu dùng trong tương lai vì chi phí sản xuất có xu hướng được chuyển cho người dùng cuối.
Lạm phát giá tiêu dùng, như được phản ánh trong thước đo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cũng đã cho thấy một số dấu hiệu dịu đi. Trong tháng Hai, chỉ số CPI đã tăng 0.4% so với tháng trước, tốc độ chậm hơn một chút so với mức 0.5% được ghi nhận trong tháng Một.
Trong 12 tháng tính đến tháng Hai, lạm phát giá tiêu dùng ở mức 6%, mức thấp nhất kể từ tháng Chín năm 2021.
Các dấu hiệu giảm lạm phát có thể sẽ được các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang đón nhật tốt, họ đã tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt để dập tắt lạm phát gần đây đã đạt mức cao nhất trong bốn thập niên và đã được chứng minh là bền bỉ hơn nhiều so với dự đoán của nhiều quan chức.
Đã có hy vọng ở Wall Street rằng Fed có thể gần kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và các đợt cắt giảm thậm chí có thể xảy ra vào cuối năm nay.
Theo Goldman Sachs, chứng khoán Hoa Kỳ có xu hướng tăng trở lại trung bình 8% trong ba tháng sau khi lãi suất quỹ liên bang đạt đỉnh.
Tuy nhiên, bức tranh lạm phát trong tương lai vẫn chưa rõ ràng.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times