Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ chứng kiến sự gia tăng rút tiền gửi
Hồi tuần trước (27/03-02/04), 25 ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã chứng kiến một đợt rút tiền gửi rất lớn trị giá 90 tỷ USD, một sự đảo ngược mạnh mẽ so với tuần trước đó khi các tổ chức tài chính lớn hơn tiếp nhận một số các khoản tiền gửi bị rút với tốc độ kỷ lục từ các ngân hàng nhỏ hơn sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).
Theo số liệu mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang đã điều chỉnh theo mùa về việc rút tiền gửi, từ khi xảy ra vụ sụp đổ của SVB vào cuối tuần hôm 10/03 cho đến hôm 22/03, các ngân hàng hoạt động trong nước ở Hoa Kỳ đã mất tổng cộng khoảng 213 tỷ USD tiền gửi khi những người tiết kiệm vội vã rút tiền của họ.
Nhưng trong khi tuần đầu tiên sau sự sụp đổ của SVB đã chứng kiến sự sụt giảm kỷ lục 196.4 tỷ USD tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ hơn—được định nghĩa là những ngân hàng nhỏ hơn 25 ngân hàng hàng đầu về tài sản—thì tuần gần đây nhất đã cho thấy sự đảo ngược.
Trong tuần qua, các ngân hàng nhỏ hoạt động trong nước đã thấy sự gia tăng khoảng 6 tỷ USD. Tuy nhiên, những số liệu mới nhất cho thấy các ngân hàng nhỏ hơn vẫn bị sụt giảm hơn 190 tỷ USD kể từ vụ SVB sụp đổ gây ra làn sóng chấn động trên khắp thị trường.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn từng nhận được lượng tiền gửi gia tăng trong tuần lễ sau vụ sụp đổ của SVB, lại chứng kiến một đợt giảm mạnh trong tuần vừa qua. Tiền gửi tại các ngân hàng lớn hoạt động trong nước đã giảm 89.7 tỷ USD trong tuần kết thúc hôm 22/03. Một tuần trước đó, các ngân hàng lớn đã nhận được 67 tỷ USD tiền gửi. Dữ liệu mới nhất cho thấy các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ đã bị giảm 22.7 tỷ USD kể từ khi SVB sụp đổ.
Theo Financial Times đưa tin, trích dẫn dữ liệu của EPFR, các quỹ thị trường tiền tệ nằm trong số những bên hưởng lợi chính từ dòng tiền gửi được rút ra. Khoảng 286 tỷ USD đã tràn vào các quỹ thị trường tiền tệ của Hoa Kỳ cho đến tháng Ba. Đó là tháng có dòng vốn chảy vào lớn nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Sự sụp đổ của SVB, ngân hàng có tài sản trị giá khoảng 212 tỷ USD trong quý cuối cùng của năm 2022, là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ.
Khủng hoảng tín dụng sắp tới?
Sau sự sụp đổ của SVB, một số biện pháp khẩn cấp đã được khai triển để xoa dịu thị trường, bao gồm mở rộng bảo đảm tiền gửi và một hạn mức hoán đổi đặc biệt tại Fed, nơi các ngân hàng có thể vay với các điều khoản dễ dàng hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền.
Trong khi mối đe dọa trước mắt về sự ảnh hưởng tài chính trên phạm vi rộng hơn dường như đã giảm bớt, các chuyên gia cảnh báo rằng nền kinh tế thực sắp bị ảnh hưởng khi các tiêu chuẩn cho vay bị thắt chặt và tín dụng cạn kiệt.
Các tiêu chuẩn cho vay bắt đầu thắt chặt vào đầu năm 2022 với việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất để chống lạm phát và giảm quy mô của bảng cân đối kế toán. Giờ đây, họ thậm chí còn thắt chặt hơn trong bối cảnh sự hỗn loạn của ngành ngân hàng Hoa Kỳ bùng nổ sớm.
Ông Peter Earle, kinh tế gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử: “Sự sụp đổ gần đây của ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank, cũng như những lo lắng về phần còn lại của hệ thống ngân hàng (dù có hợp lý hay không), đã góp phần làm gia tăng tình trạng thắt chặt tín dụng.”
Ông nói thêm: “Sự sụt giảm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong vài tuần qua là một dấu hiệu rõ ràng cho diễn biến đó.
Theo một báo cáo gần đây từ BMO Capital Markets, các công ty Hoa Kỳ có xếp hạng tín dụng cao nhất đã bán một lượng chứng khoán nợ kỷ lục trị giá 144 tỷ USD trong tháng Hai để đón đầu các đợt tăng lãi suất hơn nữa có thể xảy ra.
Nhưng sự sụp đổ của SVB— và của Signature Bank chỉ vài ngày sau đó—đã khiến các giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như bị đình trệ. Theo PitchBook LCD, trong tuần lễ sau khi hai ngân hàng này sụp đổ, không có giao dịch trái phiếu đạt chuẩn đầu tư nào được định giá. Mặc dù các giao dịch bắt đầu tăng trở lại vào tuần sau, nhưng hoạt động vẫn yếu ớt.
Tình hình cũng tương tự trên thị trường trái phiếu lợi suất cao dành cho các công ty có xếp hạng tín dụng thấp hơn, với lượng phát hành gần như bằng không trong vài tuần qua.
Ông Earle nói rằng, nếu những lo lắng về tình trạng sức khỏe của ngành ngân hàng Hoa Kỳ tiếp diễn, thì “cuối cùng sẽ dẫn đến việc không thể cho vay hoặc chỉ có thể tiếp cận được vốn vay với lãi suất vô cùng cao. Và điều đó sẽ tạo thành một cuộc khủng hoảng tín dụng.”
Trong thời kỳ khủng hoảng tín dụng, các ngân hàng nâng cao tiêu chuẩn cho vay, khiến các gia đình và doanh nghiệp khó vay vốn hơn.
‘Vấn đề lớn cho cộng đồng địa phương’
Sau sự gia tăng đột ngột ban đầu của dòng tiền gửi chảy ra tổng cộng 129.3 tỷ USD từ tất cả các ngân hàng hoạt động trong nước của Hoa Kỳ trong tuần đầu tiên sau sự sụp đổ của SVB, thì hoạt động rút tiền gửi đã giảm dần vào tuần trước xuống còn 84 tỷ USD ròng.
Mặc dù các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ đã nói rằng điều này thể hiện sự ổn định trong các dòng tiền gửi chảy ra, nhưng vẫn có sự không chắc chắn đáng kể rằng tình hình hiện tại sẽ đi về đâu.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/03 trên CBS, ông Neel Kashkari, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis, cho biết: “Điều không rõ ràng đối với chúng tôi là mức độ căng thẳng của ngành ngân hàng này đang dẫn đến khủng hoảng tín dụng trên diện rộng. Cuộc khủng hoảng tín dụng đó… sau đó sẽ làm chậm lại nền kinh tế. Đây là điều mà chúng tôi đang theo dõi rất, rất chặt chẽ.”
Ông Kashkari lưu ý rằng còn quá sớm để đánh giá “dấu ấn” mà tình trạng căng thẳng của ngành ngân hàng sẽ gây ra đối với nền kinh tế.
Cố vấn kinh tế trưởng của Allianz đồng thời là kinh tế gia nổi tiếng Mohamed El-Erian đã viết trong một bài xã luận gần đây cho Bloomberg rằng nếu dòng tiền gửi chảy ra từ các ngân hàng khu vực vẫn tiếp tục, thì điều này sẽ gây ra rắc rối.
Ông viết: “Điều này có thể trở thành một vấn đề lớn đối với các cộng đồng, các khu vực, và các lĩnh vực địa phương vốn lo sợ rằng khả năng tiếp cận các khoản vay của họ sẽ bị hạn chế vì các đối tác ngân hàng truyền thống của họ sẽ phải thu hẹp bảng cân đối kế toán sau khi mất các khoản tiền gửi.”
Ông El-Erian tin rằng sự hỗn loạn của ngân hàng sẽ dần dần ảnh hưởng đến nền kinh tế thực bằng cách siết chặt khả năng tiếp cận tín dụng.
“Sự lây lan kinh tế này, sẽ diễn ra theo thời gian, có nguy cơ làm gia tăng những thách thức lên một nền kinh tế đang phải đối mặt với lạm phát, chu kỳ tăng lãi suất được giải quyết một cách kém cỏi, tiết kiệm cá nhân sụt giảm, những đợt bất ổn tài chính và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times