Hoa Kỳ cần ủng hộ bảo hiểm tiền gửi toàn diện
Hệ thống tài chính không thể chịu được tình trạng hoảng loạn hàng loạt về sức khỏe ngân hàng và tính an toàn của các khoản tiền gửi thêm nữa
Hôm 22/03, sau khi Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói với Thượng viện Hoa Kỳ rằng các cơ quan quản lý ngân hàng liên bang không xem xét “bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi” trong các vụ sụp đổ ngân hàng trong tương lai, thì thị trường chứng khoán — và cụ thể hơn là phân khúc cổ phiếu ngân hàng — đã giảm chóng mặt.
Ngay ngày hôm sau, dường như bà Yellen đã rút lại bình luận của mình. Trong một bài trình bày trước Hạ viện Hoa Kỳ, bà Yellen đã nói về việc bảo đảm tiền gửi của khách hàng rằng, Bộ Ngân khố sẽ “sẵn sàng thực hiện các hành động bổ sung nếu cần thiết.”
Hai ngày đó chứng tỏ rằng: khả năng tồn tại của bất kỳ hệ thống tài chính nào đều dựa trên niềm tin.
Nếu không có niềm tin vào các tổ chức tài chính, thì không thể dự đoán trước được điều gì.
Hãy lấy ngân hàng First Republic Bank làm ví dụ. Tổ chức có trụ sở tại San Francisco này là một trong những thương hiệu được kính trọng nhất trong lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng này có một danh sách khách hàng giàu có, và cung cấp các khoản cho vay mua nhà và cho vay cá nhân với lãi suất rất thấp — điều rất tốt cho khách hàng của họ trong vài năm qua — nhưng lại đột nhiên lại trở thành điều tệ hại trên bảng cân đối kế toán của họ khi mà giờ đây lãi suất và chi phí tài trợ vốn của ngân hàng này cao hơn nhiều.
Trong những thời kỳ tăng lãi suất thông thường, tình huống này có nghĩa là một vài quý lợi nhuận kém cho First Republic, nhưng ngân hàng này cuối cùng vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh được.
Còn ngày nay thì sao? Tình huống này có nghĩa là cổ phiếu của First Republic sẽ giảm 90% và cần được giải cứu từ các ngân hàng khác.
First Republic hầu như không phải là ngân hàng duy nhất trông lao đao trong một môi trường được Cục Dự trữ Liên bang tạo ra bằng việc tăng lãi suất chưa từng có. Rõ ràng, bản thân việc tăng lãi suất không phải là chưa từng xảy ra, nhưng tốc độ và vận tốc mà những lần tăng này được thực hiện là chưa từng có, và đã phá hủy bảng cân đối kế toán của tất cả các ngân hàng.
Đợi đã — quý vị nói là tất cả các ngân hàng ư? Vậy tại sao các ngân hàng khu vực lại gặp khó khăn, trong khi những ngân hàng lớn nhất như JPMorgan Chase, Bank of America, và Wells Fargo lại đang chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng lên?
Một lần nữa, đó là vấn đề về niềm tin.
Chúng ta biết rằng Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi dưới 250,000 USD. Vì vậy, về mặt khái niệm, thì tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng dưới ngưỡng đó sẽ an toàn cho dù ngân hàng đó nhỏ đến đâu.
Nhưng số tiền vượt quá mức đó thì sao? Quan điểm của thị trường và của những người gửi tiền là số tiền này chỉ an toàn nếu được cất giữ tại các ngân hàng lớn nhất — những ngân hàng được coi là “quá lớn để sụp đổ” — và trong trường hợp vỡ nợ, thì họ sẽ được chính phủ Hoa Kỳ cứu trợ.
Đây là lý do tại sao chính phủ liên bang nên ra tay và hỗ trợ mạnh mẽ tất cả các ngân hàng và cung cấp nhận thức rằng tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng đều sẽ được bảo đảm. Hành động này không phải là để tranh luận về tính chính xác của khái niệm “quá lớn để sụp đổ”, mà là bởi vì thị trường và các nhà đầu tư hiển nhiên đã xem đó là một thực tế, nên không nên để cho các ngân hàng lớn có lợi thế [trong việc nhận cứu trợ] chỉ đơn giản vì họ lớn hơn.
Và nếu Fed hoặc FDIC không thể đảm nhận vai trò này, thì các ngân hàng nên thành lập một tập đoàn và thành lập một quỹ bảo hiểm hoặc công ty bảo hiểm của riêng họ để bảo hiểm tất cả các loại tiền gửi. Dẫu có thế nào, thì tất cả các khoản tiền gửi đều phải được bảo đảm. Người tiêu dùng không nên thức giấc vào một buổi sáng và chứng kiến khoản tiết kiệm khó kiếm được của họ biến mất.
Sự bảo đảm này cần phải được thực hiện để làm dịu thị trường và giải quyết căng thẳng, bởi vì mọi ngân hàng khu vực và ngân hàng nhỏ hơn giờ đây đang bị cuốn vào cơn hoảng loạn của người gửi tiền, cho dù sức khỏe của bảng cân đối kế toán hoặc các khoản cho vay mà họ đang nắm giữ có đang như thế nào.
Trừ phi người ta tin rằng tất cả các ngân hàng khu vực nên ngừng tồn tại và hệ thống ngân hàng Mỹ tốt hơn hết là một tổ hợp độc quyền của năm tổ chức tài chính lớn nhất. Thì đó lại càng đơn giản không thể là câu trả lời. Các ngân hàng khu vực và địa phương là trụ cột tài chính cho các cộng đồng của chúng ta, cung cấp các hạn mức tín dụng, các khoản cho vay kinh doanh, và các giải pháp địa ốc giá trị cho các doanh nghiệp nhỏ, chủ sở hữu, và liên doanh khởi nghiệp mà ‘các JPMorgan’ tầm cỡ thế giới sẽ chẳng chịu hợp tác với.
Chúng ta hãy cùng nhau làm rõ: đây không phải là đang ủng hộ cho việc giải cứu ngân hàng, hoặc bảo đảm cho chủ sở hữu vốn cổ phần (nhà đầu tư) hoặc chủ nợ của ngân hàng, mà là ủng hộ cho việc chỉ bảo đảm cho tiền gửi tại các ngân hàng. Tất cả các nhà đầu tư nên bị mất trắng nếu một ngân hàng sụp đổ, và các nhà điều hành hoặc nhà quản lý ngân hàng nên bị truy tố nếu họ liều lĩnh. Nhưng người gửi tiền thì không nên bị trừng phạt vì đặt niềm tin vào ngân hàng địa phương của họ.
Có rất nhiều người chỉ trích biện pháp này, chẳng hạn như nhà đầu tư đồng thời là nhân vật truyền thông nổi tiếng Kevin O’Leary, người lập luận rằng những người gửi tiền nên tự mình thẩm định xem họ đang giao dịch với ai. Những người theo chủ nghĩa tự do cũng nói, người sử dụng dịch vụ cần tự biết.
Nhưng biết được mình đang giao dịch với người như thế nào chỉ đơn giản là một yêu cầu vô lý và bất khả thi đối với 99% dân số.
Đây không phải là đầu tư, nơi luôn có giả định về một mức độ rủi ro tiềm ẩn. Nếu quý vị đang mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán, v.v. thì rất có khả năng quý vị sẽ mất trắng khoản đầu tư của mình. Hầu hết những người có lý trí thanh tỉnh đều hiểu điều đó.
Nhưng “tiền trong ngân hàng”, như người xưa vẫn nói, thì cần phải an toàn. Tiền gửi cần phải được giả định là an toàn. Đó là một trong những điều duy nhất mà người tiêu dùng nên hiển nhiên có, khỏi phải bàn cãi thêm nữa.
Lập luận rằng người về hưu hoặc chủ doanh nghiệp nhỏ trong khu phố của quý vị cần tìm hiểu sâu về tài chính tại chi nhánh ngân hàng địa phương của họ trước khi họ đến để gửi số tiền khó kiếm được của họ là vô lý.
Các nhà quản lý rủi ro ngân hàng, các nhà phân tích ngân hàng ở Wall Street, và các nhà phân tích tài chính có chứng chỉ hầu như không thể phân tích được bảng cân đối của các ngân hàng. Và các loại rủi ro thì thay đổi theo thời gian. Một ngân hàng đang hoạt động tốt cách đây sáu tháng có thể đột nhiên hoạt động không tốt mà không có dấu hiệu báo trước.
Vậy phải chăng chúng ta nên yêu cầu những người dân bình thường này thực hiện một cuộc thẩm định kỹ lưỡng ở cấp độ MBA về ngân hàng địa phương của họ, và đánh giá lại triển vọng lãi suất và kinh tế vĩ mô của họ ba tháng một lần? Hay là chúng ta yêu cầu họ cất tất cả tiền mặt dưới đệm, hoặc mua các thỏi vàng và cạo một ít ra mỗi khi họ phải trả tiền cho nhà thầu xây dựng, tài xế FedEx, và nhà cung cấp thực phẩm?
Hay thôi đừng yêu cầu nữa? Vậy thì, hãy để tất cả các khoản tiền gửi đều được bảo hiểm đi.
Điều quan trọng là phải nhấn mạnh lại thường xuyên: vấn đề về nhận thức là một thực tế trong ngành ngân hàng.
Chúng ta cho rằng bất kỳ khoản tiền mặt nào dưới 250,000 USD đều an toàn. Nhưng FDIC hiện không có đủ tài sản để chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (hiện tại là những khoản dưới 250,000 USD) tại Hoa Kỳ. Tính đến tháng 12/2022, FDIC đã nắm giữ khối tài sản trị giá 128 tỷ USD trong Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi của mình. Họ cũng có thể vay tới 100 tỷ USD từ Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, và vay tới 500 tỷ USD với sự chấp thuận của Cục Dự trữ Liên bang.
Vì vậy, chúng ta hãy giả sử FDIC có thể chi trả tới khoảng 700 tỷ USD tiền gửi. Con số này là ít hơn nhiều so với tổng số tiền gửi được bảo hiểm tại các ngân hàng ở Hoa Kỳ. Về số tiền chính xác thì có các ước tính khác nhau, nhưng con số này nằm ở đâu đó trong khoảng 9 ngàn tỷ USD.
Nói cách khác, như với bất kỳ công ty bảo hiểm nào, nếu tất cả khách hàng của họ nộp đơn yêu cầu bồi thường cùng một lúc thì FDIC không thể chi trả cho tất cả.
Vì vậy, các quy chế được đề nghị ở đây để bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi trên 250,000 USD — ước tính tổng cộng lên tới khoảng 18 ngàn tỷ USD ở Hoa Kỳ — không khác nhiều so với tỷ lệ bảo hiểm được FDIC chi trả hiện nay (tỷ lệ này sẽ giảm từ 8% xuống 4%.)
Tóm lại: FDIC thật ra không có khả năng bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi dưới 250,000 USD. Nhưng bởi vì chính phủ Hoa Kỳ đã giữ cho định chế này đi vào hoạt động rồi, nên công chúng có niềm tin vào định chế ấy. Đó có thể là một loại niềm tin đặt nhầm chỗ, nhưng niềm tin đó làm được điều tối thiểu là ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng. Và đó là tất cả những gì chúng ta đang cần ngày nay.
Sự khác biệt là nhận thức về sự an toàn và niềm tin mà nhận thức đó mang lại. Và đó có thể là tất cả những gì cần thiết để làm dịu thị trường để tất cả chúng ta có thể quay trở lại kinh doanh.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times