Ireland ra lệnh đóng cửa ‘quầy dịch vụ’ báo công an Trung Quốc ở Dublin
Hôm 26/10, chính phủ Ireland xác nhận rằng một quầy dịch vụ báo công an không chính thức của Trung Quốc ở Dublin đã được đề nghị đóng cửa.
Safeguard Defenders, một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền phơi bày sự tồn tại của các quầy dịch vụ ở hải ngoại của công an Trung Quốc hồi tháng trước, hoan nghênh chính phủ Ireland vì đã thực hiện một “bước đi đầu tiên tuyệt vời” đồng thời kêu gọi chính phủ điều tra “vấn đề rộng lớn hơn đang bị đe dọa.”
Theo một báo cáo của Safeguard Defenders được công bố hôm 13/11, cái gọi là quầy dịch vụ công an này, có cùng địa chỉ với một siêu thị Trung Quốc ở Dublin, là một trong số hàng chục trạm như vậy trên khắp Âu Châu, Á Châu, Phi Châu, và Mỹ Châu.
Nằm trong đợt thí điểm đầu tiên của Sở Công an Phúc Châu (PSB), chương trình này được đặt tên là “110 ở Hải ngoại” theo số điện thoại khẩn cấp của công an Trung Quốc.
Theo các báo cáo bằng tiếng Trung, Hoa kiều có thể gọi điện để tiếp cận các dịch vụ như gia hạn giấy tờ hoặc để tố giác các vụ việc như gian lận cho các sĩ quan PSB ở Trung Quốc.
‘Tuân thủ luật pháp quốc tế’
Trong một thông báo được gửi đến The Epoch Times qua thư điện tử, Bộ Ngoại giao Ireland (DFA) cho biết họ đã thông báo với Đại sứ quán Trung Quốc về việc đóng cửa quầy báo công an ở Dublin này và được thông báo rằng cơ sở này đã ngừng hoạt động.
Một phát ngôn viên của DFA cho biết trong những tuần gần đây, bộ này đã nêu vấn đề này với Đại sứ quán Trung Quốc vì cả chính quyền Trung Quốc lẫn tỉnh Phúc Châu và Phúc Kiến đều không đưa ra một lời đề nghị trước nào về việc thành lập quầy dịch vụ này.
Tuyên bố này viết, “Bộ đã lưu ý rằng các hành động của tất cả các quốc gia ngoại quốc trên lãnh thổ Ireland phải tuân thủ luật pháp quốc tế và các yêu cầu của luật pháp trong nước. Trên cơ sở này, Bộ đã thông báo với Đại sứ quán Trung Quốc rằng văn phòng tại Capel Street nên đóng cửa và ngừng các hoạt động. Đại sứ quán Trung Quốc hiện đã tuyên bố rằng những hoạt động của văn phòng này đã ngừng lại.”
Phát ngôn viên này nói thêm rằng DFA sẽ tiếp tục giữ liên lạc với đại sứ quán để tạo thuận lợi cho các dịch vụ lãnh sự và dân sự cho công dân Trung Quốc tại Ireland.
Đại sứ quán Trung Quốc đã không phúc đáp đề nghị bình luận của The Epoch Times, nhưng theo The Irish Times, đại sứ quán này đã cho biết trong một tuyên bố rằng quầy dịch vụ này đã được thành lập trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 để cung cấp dịch vụ gia hạn giấy phép lái xe và những dịch vụ này đã chuyển sang trực tuyến.
Trang web trực tuyến của lực lượng 110 ở Hải ngoại, được cho là đã ra mắt hồi tháng Sáu, cung cấp quyền truy cập để gia hạn giấy tờ cũng như tố giác qua điện thoại, thư điện tử, và WeChat.
Theo một bản tin tiếng Trung được công bố hồi tháng Một, quầy dịch vụ công an ở Capel Street nói trên là một trong 30 trạm của “đợt [thí điểm] đầu tiên” được thành lập trên khắp thế giới.
Báo cáo này nói rằng các quầy dịch vụ này được thành lập nhằm giúp đỡ Hoa kiều từ Phúc Châu và trấn áp các hoạt động tội phạm trong cộng đồng người Trung Quốc ở hải ngoại.
‘Các chiến dịch trị an xuyên quốc gia bất hợp pháp’
Báo cáo của Safeguard Defenders cho biết chương trình này được thành lập sau khi khởi động “một chiến dịch lớn trên toàn quốc nhằm chống lại vấn nạn gian lận và gian lận viễn thông ngày càng tăng của các công dân Trung Quốc sinh sống ở ngoại quốc” hồi năm 2018.
Báo cáo này cũng cho biết các nhà chức trách của chính quyền cộng sản này đã tuyên bố rằng 230,000 công dân Trung Quốc đã được “thuyết phục về nước” để đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự ở Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022.
Tổ chức phi chính phủ này cho biết những người vô tội cũng đã bị những chiến thuật thuyết phục này nhắm mục tiêu bởi vì họ sống tại một trong chín quốc gia “bị cấm” mà các nhà chức trách này đã chỉ định là cái nôi của tội phạm lừa đảo.
Hôm 27/10, bà Laura Harth, giám đốc chiến dịch tại Safeguard Defenders, nói với The Epoch Times rằng tổ chức phi chính phủ này “thấy khá vui” khi chính phủ Ireland đưa ra hành động tức thời tuy nhiên cảnh báo về “vấn đề lớn hơn là đàn áp xuyên quốc gia đang diễn ra và những loại chiến dịch trị an xuyên quốc gia bất hợp pháp này.”
Bà Harth nói, “Chừng nào mà những người điều hành quầy dịch vụ này vẫn còn ở đó, chừng nào không có cuộc một điều tra về cách thức mà các hoạt động này đang được tiến hành, ai đã có thể dính líu đến, chừng nào không có các cơ chế bảo vệ thích hợp cho các cộng đồng gặp rủi ro, thì vấn đề này vẫn tiếp tục tồn tại.”
“Vì vậy, đó là một bước đi đầu tiên tuyệt vời, nhưng chúng tôi hy vọng và khuyến khích, [cũng như] kêu gọi các nhà chức trách Ireland thực sự tiến hành điều tra vấn đề rộng lớn hơn đang bị đe dọa ở đây.”
Chính phủ Ireland là cơ quan đầu tiên xác nhận họ đã ra lệnh đóng cửa một quầy dịch vụ công an Trung Quốc ở hải ngoại.
Các nhà chức trách ở các quốc gia khác, bao gồm Canada, Tây Ban Nha, và Hà Lan, cũng đã bắt đầu điều tra những quầy dịch vụ này.
Bà Harth đã hoan nghênh việc tiến hành điều tra đối với những quầy dịch vụ này và các vấn đề rộng hơn liên quan đến các đặc vụ Trung Quốc.
Hôm 24/10, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố các cáo buộc chống lại 10 nhân viên và quan chức tình báo Trung Quốc trong ba vụ án riêng biệt, trong đó có một vụ liên quan đến cáo buộc cưỡng chế một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc trở về Trung Quốc.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times