Cảnh sát Canada khởi động cuộc điều tra về các đồn cảnh sát Trung Quốc không chính thức ở Toronto
Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (RCMP) đã bắt đầu điều tra các báo cáo về các đồn cảnh sát Trung Quốc hoạt động trái phép ở Toronto.
Một báo cáo hồi tháng Chín của tổ chức phi chính phủ vì nhân quyền Safeguard Defenders cho thấy hơn 30 đồn cảnh sát đang hoạt động ở hải ngoại, ba đồn trong số đó nằm tại Khu vực Greater Toronto. Báo cáo này cho biết, những đồn này do hai cơ quan cảnh sát cấp địa phương ở Trung Quốc — Sở Công an Phúc Châu ở tỉnh Phúc Kiến và cảnh sát huyện Thanh Điền ở tỉnh Chiết Giang — điều hành.
Báo cáo này cho biết rằng những đồn này, còn được gọi là “110 ở hải ngoại” — được đặt tên theo số điện thoại gọi cảnh sát khẩn cấp ở Trung Quốc là “110” — đã được sử dụng để hỗ trợ một chiến dịch khác của chính quyền Trung Quốc nhằm chống lại hành vi gian lận viễn thông được cho là do người Trung Quốc sinh sống ở ngoại quốc thực hiện, với việc Bắc Kinh công khai rằng chiến dịch này đã thành công trong việc “thuyết phục” khoảng 230,000 người Trung Quốc “tự nguyện” trở về Trung Quốc để đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022.
Tuy nhiên, Safeguard Defenders cho biết chiến dịch này cũng nhắm vào những người không phải là nghi phạm, và những phương pháp mà những đồn cảnh sát này sử dụng gồm có đe dọa, sách nhiễu, và những lời hăm dọa đối với các thân nhân ở Trung Quốc của mục tiêu.
Trong một tuyên bố qua thư điện tử với The Epoch Times, RCMP cho biết họ đang “điều tra các báo cáo về hoạt động tội phạm liên quan đến cái gọi là các đồn ‘cảnh sát’” ở Canada, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết về các cuộc điều tra đang diễn ra.
Một phát ngôn viên của RCMP cho biết, “RCMP xem an ninh của những người sống ở Canada là rất quan trọng và nhận thức được rằng các nhà nước ngoại quốc có thể tìm cách đe dọa hoặc làm hại các cộng đồng hoặc các cá nhân bên trong Canada. Việc tất cả các cá nhân và các nhóm sống ở Canada, bất kể quốc tịch của họ, biết rằng có các cơ chế hỗ trợ để trợ giúp cho họ khi gặp phải sự can thiệp ngoại quốc tiềm năng hoặc sự sách nhiễu và đe dọa do nhà nước hậu thuẫn.”
Thư điện tử này cho biết, bất kỳ cá nhân nào cảm thấy bị đe dọa “trên mạng hoặc trực tiếp” được khuyến khích báo cáo vụ việc này với cảnh sát địa phương hoặc liên lạc với Mạng Thông tin An ninh Quốc gia của RCMP theo số điện thoại 1-800-420-5805.
Những địa chỉ cụ thể của ba đồn cảnh sát ở Toronto do một bản tin của chính quyền Phúc Châu đưa ra là: một đồn bên trong cửa hàng tiện lợi ở Scarborough, một đồn ở một khu chăm sóc ở Markham, và đồn thứ ba là ở một khu nhà cũng được dùng làm trụ sở cho Hiệp hội Doanh nghiệp Canada Toronto Phúc Thanh (CTFQBA), một tổ chức bất vụ lợi được thành lập theo luật liên bang.
The Epoch Times đã nhiều lần cố gắng liên lạc với CTFQBA để yêu cầu bình luận. Một người từ tổ chức này đã trả lời một cuộc gọi điện thoại nhưng không phản hồi các câu hỏi. Các cuộc gọi sau đó không được trả lời.
Bà Laura Harth, một giám đốc chiến dịch tại Safeguard Defenders, nói với CBC News rằng ở nhiều quốc gia, các dịch vụ hải ngoại có thể không được cung cấp trong đồn cảnh sát thực tế, mà chỉ đơn giản là do một nhóm gồm các cá nhân thực hiện.
Bà Harth nói, “Ở hầu hết các quốc gia, chúng tôi tin rằng đó là một mạng lưới các cá nhân, thay vì … một đồn cảnh sát thực chất nơi mọi người sẽ bị lôi vào.”
“Đó hoàn toàn là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Đó là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ.”
‘Mục tiêu xấu xa’
Trả lời câu hỏi về những đồn này, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố với CBC rằng chính quyền địa phương ở Phúc Kiến, Trung Quốc, đã thiết lập một nền tảng dịch vụ trực tuyến để cung cấp hỗ trợ cho các công dân Trung Quốc sống ở ngoại quốc, chẳng hạn như gia hạn giấy phép lái xe.
“Do đại dịch COVID-19, nhiều công dân Trung Quốc ở hải ngoại không thể trở về Trung Quốc kịp thời để gia hạn bằng lái xe Trung Quốc và các dịch vụ khác,” tuyên bố này cho biết. “Đối với các dịch vụ như gia hạn giấy phép lái xe, cần phải khám thị lực, thính lực, sức khỏe. Mục đích chính của đồn cảnh sát ngoại quốc là hỗ trợ miễn phí cho các công dân Trung Quốc ở hải ngoại về phương diện này.”
CBC đưa tin, đại sứ quán này lưu ý rằng những đồn hải ngoại này được bố trí nhân sự gồm các tình nguyện viên “không phải sĩ quan cảnh sát Trung Quốc” và “không tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra hình sự hoặc hoạt động liên quan nào.”
Nhưng Safeguard Defenders cho biết những đồn hải ngoại này “cả dưới hình thức trực tuyến và thực tế ở hải ngoại, cũng phục vụ một mục tiêu xấu xa hơn vì họ góp phần ‘kiên quyết trấn áp mọi loại hoạt động bất hợp pháp và tội phạm liên quan đến người Trung Quốc ở hải ngoại,’” khi nêu ra [ví dụ về] một sự việc, do chính quyền Trung Quốc đưa tin, cho thấy rằng những đồn cảnh sát này đóng một vai trò trong cái gọi là phương pháp “thuyết phục hồi hương.”
Hôm 11/04/2022, một đồn cảnh sát thuộc quyền quản lý của Sở Công an Phúc Châu nhận được thông báo từ đồn hải ngoại ở Mozambique nói rằng một doanh nhân Trung Quốc báo cáo rằng một trong những nhân viên của ông, một người đàn ông Trung Quốc họ Dương, đã đánh cắp một lượng lớn tiền mặt từ công ty của ông rồi đào thoát trở lại Trung Quốc hồi năm 2020.
“Khi nhận được thông báo này, đồn cảnh sát nói trên đã lập tức tiến hành điều tra và bắt giữ nghi phạm đó hôm 18/05,” Safeguard Defenders cho biết, trích dẫn một bản tin Hoa ngữ về vụ việc từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương — một tổ chức trực thuộc Ủy ban Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chịu trách nhiệm về các vấn đề chính trị và pháp luật.
Ông Dương đã thú nhận có một đồng phạm họ “Du,” bản tin này cho biết. “Sau khi xác nhận rằng ông Du vẫn ở Mozambique, cảnh sát đã nhanh chóng xác định được ông ấy và ngay lập tức thuyết phục ông ấy (về nước). Sau khi được thuyết phục về nước, [ông Du] đã quyết định hợp tác với cảnh sát và từ Mozambique bay về Trung Quốc.”
Các phương pháp
Ông Peter Dahlin, người sáng lập kiêm giám đốc của Safeguard Defenders và là đồng tác giả của báo cáo nói trên, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước đó với The Epoch Times rằng báo cáo này là một phần trong quá trình giám sát liên tục về hoạt động đàn áp xuyên quốc gia ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Báo cáo này được đưa ra ngay sau một nghiên cứu khác do tổ chức của ông thực hiện, có nhan đề “Những cuộc hồi hương không tự nguyện — báo cáo phơi bày việc kiểm soát vươn dài ra hải ngoại” (“Involuntary Returns — report exposes long-arm policing overseas”), được phát hành hồi tháng 01/2022. Báo cáo này xem xét các tuyên bố của chính quyền Trung Quốc hồi tháng 12/2021 rằng các chiến dịch Sky Net (Lưới Trời) và Fox Hunt (Chiến dịch Săn Cáo) của họ đã thành công trong việc đưa khoảng 10,000 “kẻ đào tẩu” từ khắp nơi trên thế giới quay lại Trung Quốc kể từ năm 2014, khi Fox Hunt được khởi động như một phần của chiến dịch chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Những hoạt động đó nhắm đến những gì mà ông Dahlin mô tả là “các mục tiêu có giá trị cao.” Tuy về mặt chính thức, Sky Net cho biết họ chỉ nhắm mục tiêu vào các tội phạm kinh tế và các quan chức bị cáo buộc về các tội danh như tham nhũng hoặc hối lộ, nhưng theo báo cáo của Safeguard Defenders, ông Dahlin cho biết Sky Net đã được phát hiện cũng nhắm mục tiêu vào những người bảo vệ nhân quyền.
Các chiến dịch chống lại các mục tiêu giá trị cao do cảnh sát trung ương Trung Quốc điều hành, trong khi những người dính líu đến các tội phạm cấp thấp hơn như lừa đảo — được xem là các mục tiêu giá trị thấp — là do cảnh sát địa phương Trung Quốc theo dõi.
“Phương pháp phổ biến nhất để thực hiện điều này là thuyết phục họ về nước ‘một cách tự nguyện,’” ông nói. “Chúng tôi cũng đã gặp một số trường hợp [mà Bắc Kinh] cử đặc vụ — các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc hoạt động bí mật — đến các quốc gia mục tiêu; chúng ta có một số người ở Hoa Kỳ bị truy tố vì điều này.”
“Thuyết phục hồi hương” là một phương thức hoạt động “hồi hương không tự nguyện” của chính quyền Trung Quốc, mà báo cáo này cho biết là “theo dõi gia đình của mục tiêu đó ở Trung Quốc để gây áp lực với họ bằng các biện pháp đe dọa, sách nhiễu, giam giữ, hoặc bỏ tù để thuyết phục các thân nhân của họ trở về ‘một cách tự nguyện,’” hoặc trực tiếp tiếp cận mục tiêu đó “qua các phương tiện trực tuyến hoặc khai triển — thường là bí mật — các đặc vụ và/hoặc người được ủy nhiệm ngoại quốc để đe dọa và sách nhiễu mục tiêu khiến họ ‘tự nguyện’ quay về.”
Cách thứ ba là sử dụng các cuộc bắt cóc. Ông Dahlin lưu ý rằng tổ chức của ông đã xác định được 22 trường hợp bắt cóc, mặc dù phương pháp này hiếm khi được áp dụng ở các nước Bắc Mỹ hoặc Âu Châu, nơi mà ĐCSTQ thực hiện “nhiều hơn nữa [trong việc] cử mật vụ để uy hiếp người dân và kiểu hoạt động như thế.”
Trong một bài bình luận gần đây của The Epoch Times, ông Dahlin đã dẫn lời một quan chức từ văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Thượng Hải thừa nhận rằng “Bắc Kinh không quan tâm nhiều đến chủ quyền tư pháp của các quốc gia Âu Châu nếu như họ không phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.”
Ông đã nói với The Epoch Times rằng ngoài ba đồn đã biết ở Toronto, có khả năng còn có những đồn cảnh sát Trung Quốc không chính thức khác hoặc đang tồn tại hoặc được thành lập ở Canada, mặc dù chúng vẫn chưa được phát hiện.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times