Đại hội ĐCSTQ càng đến gần, càng có nhiều học viên Pháp Luân Công ở Canada bị sách nhiễu
Bắc Kinh được cho là đang tăng cường các chiến dịch sách nhiễu và đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến trong và ngoài nước trước cuộc họp toàn quốc của nhà cầm quyền cộng sản, trong đó các thành viên của một môn tu luyện Trung Quốc và những người bất đồng chính kiến khác ở Canada nói rằng họ đang bị tấn công, sách nhiễu, và đe dọa ngày càng nhiều.
Ông Jeff Lee, một cư dân sống ở vùng Toronto và là một phát ngôn viên của Pháp Luân Công, một nhóm bị đàn áp ở Trung Quốc. Ông cho biết đã có sự gia tăng về số vụ việc nhắm vào các học viên Pháp Luân Công trên khắp Ontario, và trong một số trường hợp, những kẻ tấn công đã đi hơn 100 cây số để quấy rối các học viên.
Ông Lee nói rằng từ những bằng chứng mà ông thu thập được, ông có “lý do rất chính đáng” để tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đứng đằng sau những vụ sách nhiễu này và tin rằng sự gia tăng số trường hợp là do Đại hội Đại biểu Toàn quốc sắp tới, một cuộc họp toàn quốc lớn của các đảng viên ở cấp cao nhất.
Được tổ chức tại Bắc Kinh trong vòng một tuần, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 16/10. Đại hội Đảng được tổ chức năm năm một lần và được coi là một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với ĐCSTQ, với hơn 2,000 đại biểu — đại diện cho 90 triệu Đảng viên — để lựa chọn một ủy ban trung ương khoảng 200 thành viên, trong đó có 25 thành viên Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.
“Mỗi khi có sự kiện lớn trong Đảng, ĐCSTQ sẽ tiến hành những vụ bắt bớ hàng loạt, bỏ tù và thậm chí sát hại bất cứ ai mà họ cho là kẻ thù,” ông Lee nói với The Epoch Times. “Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 là sự kiện quan trọng nhất mà [ĐCSTQ] phải bảo đảm an ninh.”
Trong một cuộc họp báo hôm 27/09, Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan giám sát lực lượng cảnh sát nước này, đã ca ngợi về thành công của cái gọi là “Chiến dịch 100 ngày”, dẫn đến việc bắt giữ hơn 1.43 triệu người kể từ ngày 25/06. Bộ cho biết họ đã phá 640,000 vụ án hình sự thông qua chiến dịch này.
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times được biết cảnh sát cũng nhắm mục tiêu vào nhiều người không phải là tội phạm trong cuộc truy quét, trong đó có dân thường, những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động, người khiếu kiện của Trung Quốc, và những người tu luyện Pháp Luân Công.
Từ tháng Bảy đến tháng Tám năm nay, ít nhất 1,043 học viên của môn tu luyện tinh thần truyền thống này đã bị bắt giữ tùy tiện ở Trung Quốc, theo Minghui.org, một trang web chuyên ghi lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Tổng cộng 614 ngôi nhà đã bị lục soát bất hợp pháp và 62 người bị cưỡng chế đưa đến các trung tâm tẩy não, Minghui đưa tin.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập khoan thai và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện và nhẫn. Pháp môn này này là mục tiêu chính của một chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ trong 23 năm qua. Các báo cáo cho thấy những người tu luyện môn này đã bị tra tấn, lạm dụng tình dục, và thậm chí là thu hoạch nội tạng khi còn sống.
Về các vụ sách nhiễu ở Toronto, ông Lee cho biết ông đã chuyển chúng đến Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (RCMP) và cũng đang cân nhắc nộp đơn lên Tòa án Nhân quyền Ontario.
Sách nhiễu, đe doạ
Ông Lee cho biết một trường hợp gần đây về việc sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công ở Toronto là đặc biệt nổi bật.
Hôm 04/04, một người đàn ông đeo khẩu trang và đội mũ bóng chày đã xé một biểu ngữ của một học viên đang tập các bài công pháp của Pháp Luân Công tại Quảng trường Nathan Phillips ở trung tâm thành phố Toronto.
“Anh ta bước tới biểu ngữ Pháp Luân Đại Pháp và xé nó mà không rõ lý do. Sau đó anh ta ném tấm biểu ngữ về phía tôi rồi bỏ đi,” người học viên, được biết đến với họ Qiao, cho biết.
Hôm 30/09, cũng chính người đàn ông này đã tấn công một học viên Pháp Luân Công khác trong cùng khu vực, ông Lee cho biết. Ông cho biết người đàn ông đã lao vào vị học viên đó, người đã cố gắng ghi lại cảnh tượng hành hung, nhưng bị người đàn ông giật lấy điện thoại thông minh của mình. Nạn nhân cố gắng giật lại chiếc điện thoại của anh ấy từ người đàn ông, người sau đó đã bỏ trốn.
Ông Lee cho biết cũng đã có sự gia tăng các vụ đe dọa đối với các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả trường hợp một người Trung Quốc không rõ giới tính bất ngờ đến gần họ và chụp ảnh họ ở cự ly gần, trong khi lẩm bẩm những lời đe dọa.
Theo “Cuộc Xâm Lược Thầm Lặng” (“Silent Invasion”), một cuốn sách năm 2018 của tác giả Clive Hamilton về các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ ở hải ngoại, Pháp Luân Công “có thứ hạng cao trong danh sách các mục tiêu của nhà cầm quyền này ở Canada”, một tình hình mà ông Hamilton nói là đã trở nên ngày càng tệ hơn trong những năm gần đây, khi chế độ cộng sản này ngày càng vươn tới các xã hội phương Tây.
Những người bất đồng chính kiến bị nhắm mục tiêu
Bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhân vật chủ chốt trong phong trào ủng hộ dân chủ của Hoa kiều ở Canada, cho biết bà đã trải qua một đợt tấn công mạng và phỉ báng trên mạng xã hội trong những tuần gần đây.
Bắt đầu từ khoảng ngày 27/09, bà Thịnh cho biết bà gặp khó khăn khi truy cập internet qua điện thoại và iPad, trong khi các thành viên trong gia đình bà không gặp khó khăn gì với thiết bị của họ. Bà đã liên lạc với công ty viễn thông của mình, công ty này cho biết đã thử nhiều cách khác nhau để khắc phục vấn đề, bao gồm cả việc thay đổi modem trong nhà bà, nhưng vấn đề vẫn tiếp diễn.
Hôm 01/10, khi bà Thịnh chuẩn bị tham dự một cuộc hội thảo trực tuyến về ĐCSTQ với một tổ chức tư vấn Ấn Độ, mạng internet của bà đột nhiên bị ngắt.
Bà Thịnh cho biết, điều đáng lo ngại hơn là sự gia tăng trong các cuộc tấn công chống lại bà trên mạng xã hội bởi những người mà bà gọi là “Đội quân 50 xu” của ĐCSTQ. Đội quân 50 xu này gồm những người được ĐCSTQ thuê để sử dụng các tài khoản mạng xã hội và đăng nội dung trên internet với mục đích định hướng dư luận. Những cá nhân này thường viết các bài đăng ca ngợi các chính sách của Đảng hoặc mắng nhiếc những người không đồng ý, và được cho là được trả 50 xu cho mỗi bài đăng.
Sau khi bà Thịnh đăng một video trên tài khoản Twitter của mình vào hôm 29/09, trong đó bà nói về cuộc đàn áp và chủ nghĩa khủng bố nhà nước của ĐCSTQ, một số lượng lớn những người dường như là thành viên của đội quân 50 xu đã để lại bình luận bằng những lời tục tĩu và xúc phạm, bao gồm cả việc gọi bà là một “kẻ Hán gian.” Một số người đã đăng một loạt ảnh đã được chỉnh sửa về bà để trông có vẻ như bà đang tham gia các hoạt động tình dục.
Các bình luận tương tự cũng được để lại trên các video và bài đăng khác của bà trong những ngày tiếp theo.
Bà Thịnh nói với The Epoch Times rằng bà tin “có thể là do Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 đang đến gần” và ĐCSTQ đang trả tiền cho các cuộc tấn công như vậy nhằm đàn áp những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại.
Bà kể rằng bà từng là mục tiêu của các cuộc tấn công như vậy trước đây, nhưng hiếm khi có nhiều người quấy rối trên mạng đến vậy cùng một lúc và “khó có khả năng” nhiều cuộc tấn công đến vậy lại xảy ra mà không có sự phối hợp.
“Quy mô lần này là chưa từng có,” bà nói.
Bà Thịnh cho biết, cuộc tấn công trực tuyến cuối cùng mà bà trải qua với quy mô tương tự là vào năm 2016, khi một tài khoản Twitter có tên “Global Snow-Sweeping Alliance” (“Liên minh Quét Tuyết Toàn Cầu”) được tạo ra và thực hiện nhiều bài đăng tấn công bà. Tên gọi đầu tiên của bà Thịnh là “Xue”, từ tiếng Trung của từ “Tuyết”. Kể từ khi đó, tài khoản Twitter đó đã bị xóa.
Bà Thịnh cho biết bà đã chặn các tài khoản của Đội quân 50 xu sau các cuộc tấn công trước đó, nhưng lần này “họ xuất hiện nhiều đến nỗi” bà không kịp chặn.
Bà nói rằng các cuộc tấn công là bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đang “ngày càng trở nên thiếu tự tin và sợ hãi” và đang cố gắng bịt miệng các nhà hoạt động ở hải ngoại nhằm ngăn chặn những lời chỉ trích chế độ.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times