Ireland và Tây Ban Nha bắt đầu điều tra các đồn cảnh sát của Trung Quốc ở hải ngoại
Cả Ireland và Tây Ban Nha đều đã bắt đầu các cuộc điều tra về việc cảnh sát Trung Quốc đóng tại quốc gia của họ sau khi một báo cáo của tổ chức nhân quyền tiết lộ rằng Trung Quốc đã thiết lập ít nhất 50 tiền đồn cảnh sát trên toàn thế giới.
Theo một báo cáo của tổ chức phi chính phủ (NGO) về nhân quyền Safeguard Defenders, Trung Quốc đã mở rộng các xúc tu của công tố viên của họ ra ngoại quốc thông qua các đồn dịch vụ cảnh sát. Bản báo cáo có tên “110 ở Hải ngoại: Hoạt động Kiểm soát Xuyên quốc gia của Trung Quốc đã Trở nên Điên cuồng,” ý nói đến số 110, số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát Trung Quốc (pdf).
Bộ Công an Trung Quốc tuyên bố rằng từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022, 230,000 công dân Trung Quốc đã được “thuyết phục quay trở lại” đại lục. Người ta tin rằng các đồn dịch vụ cảnh sát ở hải ngoại của Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực này.
Đối mặt trước những câu hỏi của quốc hội về những hoạt động của các đồn dịch vụ cảnh sát của Trung Quốc ở Dublin, chính phủ Ireland cho biết họ đang đàm phán với đại sứ quán Trung Quốc để giải quyết vấn đề này và “để bảo đảm áp dụng phù hợp luật pháp quốc tế và trong nước có liên quan,” The Ireland Times đưa tin hôm 08/10.
Tờ El Correo của Tây Ban Nha đưa tin hôm 09/10, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha thừa nhận rằng họ đang điều tra vấn đề này.
Tây Ban Nha có nhiều tiền đồn cảnh sát Trung Quốc nhất trong số tất cả các quốc gia bị hoạt động kiểm soát mật của Trung Quốc tại hải ngoại thâm nhập.
Báo cáo của tổ chức Safeguard Defenders xác định tổng cộng chín căn cứ ở Madrid, Barcelona, Valencia, Santiago de Compostela, và Manresa. Chúng được ngụy trang thành các hiệp hội người Hoa, nhà hàng Á Châu, và một tờ báo trực tuyến bằng tiếng Quan Thoại.
Đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh
Trung Quốc tuyên bố “những kẻ đào tẩu” bị dẫn độ hầu hết là tội phạm gian lận tài chính hoặc gian lận viễn thông.
Chính quyền Trung Quốc “đã nhắm vào người dân trên mọi lục địa có người sinh sống và ở ít nhất 36 quốc gia với các hình thức đàn áp tại nơi ở,” theo nghiên cứu xuất bản hồi tháng Bảy của Freedom House, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn chuyên về dân chủ, tự do chính trị, và nhân quyền.
Các mục tiêu gồm có các nhà hoạt động là cựu sinh viên trong các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, người dân Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Mông Cổ, học viên Pháp Luân Công, nhà bất đồng chính kiến, và giới ký giả.
Phản ánh sự đàn áp bên trong Trung Quốc, chế độ này cũng nhắm vào các cá nhân bất đồng chính kiến, thân nhân của họ, và toàn bộ các nhóm dân tộc, tôn giáo, hoặc xã hội theo cách tương tự.
Freedom House cho biết chiến dịch này chịu trách nhiệm cho 229 trong số 735 vụ đàn áp xuyên quốc gia được ghi nhận từ năm 2014 đến năm 2021.
Một trong những trường hợp đàn áp về thể xác xuyên quốc gia mới nhất là của vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic Hoa Kỳ Alysa Liu (Lưu Mỹ Hiền).
Bản tin có sự đóng góp của Lin Yan
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times