Hơn 900 công ty Hà Lan thuộc sở hữu của Trung Quốc
Bắc Kinh đã biến Hà Lan thành điểm đến của một làn sóng thâu tóm sâu rộng. Trong hơn 900 công ty Hà Lan, cổ đông lớn (majority shareholder) đều đến từ Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của RTL Nieuws và Follow the Money, Hà Lan là một trong những mục tiêu ưa thích cho các nỗ lực gây ảnh hưởng kinh tế của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó, 903 công ty Hà Lan thuộc sở hữu của các công ty mẹ tại Trung Quốc hoặc nhà nước Trung Quốc với tỷ lệ sở hữu ít nhất là 50%. Ngoại thương của Trung Quốc chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước trong phạm vi ảnh hưởng của chế độ cộng sản. Do đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng kiểm soát và chi phối các khoản đầu tư của các công ty trên danh nghĩa không phải là doanh nghiệp quốc doanh.
Hà Lan nằm trong top 4 điểm đến đầu tư của Trung Quốc tại EU
Cùng với Anh, Pháp, và Đức, Hà Lan là tâm điểm chính của các chính sách gây ảnh hưởng kinh tế của ĐCSTQ. Từ năm 2018 đến năm 2021, hơn 90% đầu tư của Trung Quốc ở Âu Châu là vào một trong bốn quốc gia này.
Tại Hà Lan, các nhà đầu tư do Bắc Kinh kiểm soát đặc biệt quan tâm đến ba lĩnh vực cụ thể, bao gồm cảng Rotterdam, viễn thông, và năng lượng. Vì thế, cơ quan mật vụ Hà Lan (AIVD) và các chuyên gia về Trung Quốc lo ngại nguy cơ gián điệp và các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với những lĩnh vực trọng yếu này.
Theo Giáo sư Jonathan Holslag của Đại học Tự do Brussels (Freie Universität Brüssel), số lượng các công ty Hà Lan mà các tác nhân Trung Quốc có tầm ảnh hưởng mang tính quyết định đang trở thành một vấn đề. Thực tế là hiện nay có quá nhiều công ty như vậy khiến chính phủ “khá khó khăn trong việc liên tục giám sát họ.”
ĐCSTQ muốn có quyền tiếp cận các chuỗi cung ứng logistics
Theo NL Times, các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu một số công ty bốc dỡ container lớn tại cảng Rotterdam. Một trong số đó là COSCO, một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực vận chuyển container giữa Trung Quốc và Âu Châu.
Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc đang tự đặt trụ sở một cách chiến lược trong khu vực lân cận của các trường đại học kỹ thuật. Ví dụ, có ít nhất tám công ty Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao trong khuôn viên Đại học Công nghệ Eindhoven ở Utrecht, Hà Lan.
Theo ông Holslag, mục đích của ĐCSTQ là sớm tiếp quản các công nghệ và các kết quả nghiên cứu khoa học của Âu Châu ngay từ giai đoạn đầu. Do đó cũng nảy sinh các nguy cơ khác:
“Trung Quốc có lối tiếp cận thị trường của chúng ta và muốn dần dần thống trị các chuỗi logistics này. Chỉ đơn giản là chúng ta không thể để điều đó xảy ra. Cần thận trọng một chút ở điểm này.”
Hà Lan có nguy cơ trở nên phụ thuộc vào năng lượng tái tạo
Nhà khoa học chính trị này cũng xác nhận điều mà các nhà phê bình chính sách năng lượng của Đức đã cảnh báo trong nhiều năm: sự tập trung một chiều vào các nguồn năng lượng tái tạo có thể thay thế sự phụ thuộc nhiều năm vào Nga bằng một sự phụ thuộc thậm chí còn lớn hơn vào Trung Quốc.
Không chỉ đất hiếm được khai thác ở Trung Quốc mà các thành phần kỹ thuật thiết yếu của các công viên quang năng và phong năng cũng được sản xuất tại đó. Trung Quốc cũng tham gia vào ngành năng lượng tái tạo ngay tại Âu Châu. Ví dụ, công ty Chint Solar vận hành 13 công viên quang năng ở Hà Lan, hiện đang cung cấp điện cho 160,000 gia đình. Sáu công viên quang năng khác đang trong quá trình thi công. Hiện đã có 14 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại địa phương, trong lĩnh vực mà Hà Lan định nghĩa là “cơ sở hạ tầng trọng yếu.”
Ngoài ra còn có 25 công ty trong các lĩnh vực chuyển tiền, dịch vụ internet và dữ liệu cũng như công nghệ thông tin và truyền thông. Ông Holslag xem sự thống trị trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng này là nguy hiểm và cảnh báo:
“Chúng ta đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc và chúng ta phải nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc này. Nếu không, chúng ta sẽ phải trả một cái giá đắt hơn sau này, như chúng ta đang phải trả với Nga hiện nay.”
77% đầu tư của Trung Quốc vào Đức thuộc về lĩnh vực công nghiệp
Tại Đức, ảnh hưởng của Trung Quốc hiện đang ở mức thấp hơn. Một nghiên cứu của Viện Đồng Ra quyết định và Quản lý Doanh nghiệp (IMU) thuộc Quỹ Hans Böckler thậm chí còn nói về việc các khoản đầu tư đang giảm dần. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến năm 2020 đã có không dưới 243 thương vụ tiếp quản, trong đó ít nhất 50% số trường hợp là phía Trung Quốc mua lại các công ty Đức.
Tuy nhiên, trong năm 2020, chỉ có 11 công ty mà trong đó các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm đa số. Vẫn còn phải chờ xem liệu sự suy giảm này là do đại dịch virus corona hay là do niềm tin vào Đức với tư cách là một địa điểm kinh doanh đang giảm xuống. Gần đây nhất, nhà cầm quyền cộng sản đã để mắt đến những công ty đang chịu áp lực kinh tế nhưng được cho là có tiềm năng.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đức tập trung vào chế tạo cơ khí, hàng tiêu dùng, và công nghiệp xe hơi. Trong số các thương vụ mua lại ngoạn mục nhất có công ty chuyên chế tạo robot KUKA đến từ Augsburg với doanh thu hàng năm 3.2 tỷ EUR và nhà cung cấp xe hơi Grammer với doanh thu hơn 2 tỷ EUR.
Trong tất cả những lần can dự của Trung Quốc tại Đức, 77% liên quan đến các công ty công nghiệp. Trong số những công ty có sự tham gia của các tác nhân Trung Quốc, có 17 công ty nằm trong danh sách các công ty dẫn đầu thị trường thế giới của DDW.
Không thu được lợi nhuận nhờ sự tham gia của Trung Quốc
Cũng như Hà Lan, ở Đức, các công ty Trung Quốc không đầu tư chỉ vì lý do kỳ vọng lợi nhuận hoặc vì họ muốn nâng cao tay nghề của người Đức. Cô Christina Brunner từ WHU-Trường Quản lý Otto Beisheim đã đánh giá dữ liệu về 63 vụ tiếp quản từ năm 2008 đến năm 2016.
Cô phát hiện một kết quả quan trọng: Trong một số ít trường hợp, sự tham gia của Trung Quốc sẽ nâng cao giá trị công ty trên thị trường. Nhưng trong nhiều trường hợp, lợi nhuận thậm chí còn giảm đi — kể cả khi so sánh với các công ty có quy mô tương đương không bị mua lại.
Do Reinhard Werner thực hiện
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức