Hội đồng Bảo an LHQ ngăn chặn lời kêu gọi của Nga điều tra vũ khí sinh học ở Ukraine
Và Moscow triệu tập đại sứ Vương quốc Anh về cuộc tấn công vào Hạm đội Hắc Hải, hiện chưa có thông tin chi tiết về kết quả cuộc họp kéo dài 30 phút
Lời kêu gọi của Moscow yêu cầu một cuộc điều tra chính thức về những tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang điều hành một chương trình vũ khí sinh học bí mật ở Ukraine đã bị ngăn chặn tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau khi Hoa Kỳ, Anh, và Pháp đều bỏ phiếu chống lại đề nghị này.
Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm 02/11, chỉ có Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ đề nghị này, trong khi 10 thành viên hội đồng không thường trực còn lại bỏ phiếu trắng.
Nói chuyện ngay sau đó, ông Dmitry Polyansky, Phó Đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc, bày tỏ sự thất vọng với kết quả của cuộc bỏ phiếu.
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Polyansky cho biết: “Chúng tôi vô cùng thất vọng trước thực tế là hội đồng đã không áp dụng cơ chế của Công ước về Vũ khí Sinh học và Độc tố.”
Công ước về Vũ khí Sinh học, có hiệu lực từ năm 1975, nghiêm cấm các bên ký kết phát triển, sản xuất, hoặc sử dụng vũ khí sinh học và độc tố.
Ông Polyansky nói: “Bất kể kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm nay như thế nào, chúng tôi vẫn có những câu hỏi cho Hoa Kỳ và Ukraine.”
“[Moscow] sẽ tiếp tục nỗ lực để thiết lập tất cả các dữ kiện liên quan đến những hoạt động của các phòng thí nghiệm sinh học của Hoa Kỳ ở Ukraine.”
Về phần mình, Hoa Thịnh Đốn và Kyiv đều bác bỏ cáo buộc này, [xem đây] là một “thuyết âm mưu.”
Khi đề nghị được đưa ra lần đầu tiên vào tuần trước (24-30/10), bà Linda Thomas-Greenfield, đặc phái viên của Hoa Thịnh Đốn tại Liên Hiệp Quốc, đã mô tả những tuyên bố này là “sự bịa đặt thuần túy được đưa ra mà không có một chút bằng chứng nào.”
Nói chuyện trước các thành viên hội đồng hôm 27/10, bà nói rằng những cáo buộc của Moscow là “một nỗ lực đánh lạc hướng khỏi những hành động tàn bạo mà lực lượng Nga đang thực hiện ở Ukraine và là một chiến thuật bất chấp để biện minh cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa.”
Đây không phải là lần đầu tiên Nga đưa ra tuyên bố như vậy. Hồi tháng Ba, chỉ vài tuần sau khi khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Moscow đã cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng các phòng thí nghiệm của Ukraine để phát triển vũ khí sinh học.
Vào thời điểm đó, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby mô tả cáo buộc này là “tuyên truyền cổ điển của Nga,” trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc Moscow “bịa ra những cái cớ sai sự thật … để biện minh cho các hành động khủng khiếp của mình ở Ukraine.”
Tuy nhiên, bất chấp những lời phủ nhận liên tục của cả Kyiv và Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tiếp tục đưa ra tuyên bố này.
Tại một cuộc họp hôm 26/10 với các lãnh đạo an ninh từ các quốc gia đồng minh, ông Putin đã mô tả Ukraine là một “công cụ trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ” và là một “địa điểm thử nghiệm cho những thí nghiệm sinh học quân sự.”
Moscow triệu tập Đặc phái viên Vương quốc Anh
Trong một diễn biến liên quan, hôm 03/11, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Vương quốc Anh Deborah Bronnert vì tuyên bố rằng các “chuyên gia” quân sự của Anh đã đóng một vai trò trong cuộc tấn công vào Hạm đội Hắc Hải của Nga vào tuần trước.
Hôm 29/10, nhiều phi cơ không người lái đường không và đường thủy đã tấn công các tàu hải quân Nga tại cảng Sevastopol của Crimea, nơi đóng trụ sở của Hạm đội Hắc Hải. Theo các nguồn tin của Nga, một tàu quét mìn đã bị hư hại nhẹ trong vụ tấn công.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tấn công “dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Anh quốc.”
Bộ này cũng tuyên bố rằng chính nhóm đơn vị gồm “các chuyên gia Anh” đó đã phải chịu trách nhiệm cho một cuộc tấn công hồi tháng Chín vào một đường ống năng lượng chiến lược nối các mỏ khí đốt ở Nga với Bắc Âu.
Những lời khẳng định của Điện Kremlin đã thu hút sự phủ nhận quyết liệt từ các quan chức ở London.
Phát ngôn viên của Thủ tướng mới được bổ nhiệm của Vương quốc Anh Rishi Sunak hôm 01/11 cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình một cách cẩn thận, nhưng không nên bị lôi cuốn vào những loại phiền nhiễu này, vốn là một phần trong những chiêu trò của Nga.”
Ngày hôm sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên rằng Bộ của bà đã lên kế hoạch triệu tập bà Bronnert và đưa ra cho bà bằng chứng về sự tham gia của Anh trong các vụ tấn công trên.
“Không còn có thể nghi ngờ gì về việc các cơ quan tình báo của Anh đã tham gia vào cuộc tấn công khủng bố vào Hạm đội Hắc Hải có đóng tại Sevastopol … và hành động phá hoại đường ống Nord Stream,” ông Zakharova nói.
Đại sứ Anh sẽ được cung cấp “tài liệu liên quan” đến các tuyên bố của Moscow, sau đó sẽ được “công bố rộng rãi cho công chúng,” bà nói.
Vào sáng hôm 03/11, bà Bronnert đến tòa nhà Bộ Ngoại giao ở Moscow. Tại đây, một đám đông nhỏ hô vang các khẩu hiệu chống Vương quốc Anh và cầm các biểu ngữ ghi dòng chữ “Anh quốc là một nhà nước khủng bố.”
Bà được cho là đã lưu lại Bộ Ngoại giao khoảng 30 phút trước khi rời khỏi tòa nhà.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times