Học cách lựa chọn đúng đắn: Thông điệp từ câu chuyện Ấn Độ cổ
Cuốn sách Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita hay Gita) ẩn chứa nhiều trí tuệ sâu sắc. Tuy nhiên, sự kiện quan trọng dẫn đến chiến thắng của Hoàng tử Arjuna trước Duryodhana trong Gita xảy ra trước trận đấu và được ghi chép lại trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ.
Sự việc này rất thú vị bởi vì nó mang nhiều ý nghĩa đối với cả thời đại hiện nay. Để diễn tả được điều đó, người ta phải loại bỏ phần lớn sự phức tạp và chi tiết đặc thù mà sử thi Ấn Độ yêu thích, nhưng các thông điệp cốt lõi vẫn được thể hiện rõ ràng.
Mối quan hệ giữa Duryodhana và gia đình Kauravas với Arjuna và gia đình Pandavas căng thẳng tột độ do họ phải xác định ai sẽ cai trị vương quốc. Duryodhana (tên trong tiếng Phạn có nghĩa là “cực kỳ khó”) được khuyên nhủ là tìm kiếm sự giúp đỡ từ Krishna – vị thần sống và là hiện thân của thần Vishnu (đối với một số người Ấn Độ, đó là vị thần tối cao). Arjuna (có nghĩa là “trong trắng”) cũng có ý định tương tự. Ai đến nhà thần Krishna trước sẽ nhận được một món quà đặc biệt.
Nôn nóng bởi lòng tham, Duryodhana muốn chắc chắn mình là người đến trước. Dù vậy anh không thể bất kính đánh thức Krishna đang ngủ trên giường, vì vậy Duryodhana ngồi chờ ở đầu giường, trằn trọc suốt đêm, sẵn sàng để đợi Ngài thức dậy và thấy anh ta ở đó trước. Còn Arjuna chỉ cầu nguyện, ngủ một giấc ngủ ngon; khi thức dậy anh ăn mặc chỉnh tề. Cuối cùng, anh đến nhà của Krishna và thấy rằng Krishna vẫn đang ngủ. Trong khi Duryodhana ngồi ở đầu giường, Arjuna ngồi xuống chân giường của Krishna và thành kính cầu nguyện.
Ai là người đến trước?
Lúc đó, Krishna tỉnh dậy và nhìn thấy… Arjuna đầu tiên! Ngài lập tức hiểu được những gì cả hai muốn và dù Duryodhana là người đã đến trước, nhưng ngài đã nhìn thấy Arjuna trước anh ta. Tuy vậy, Krishna nói rằng cả hai đều có quà. Duryodhana cho rằng anh ta đến trước nên được chọn trước. Hai món quà đó là hai sự lựa chọn: một là chỉ có một mình, không được trang bị vũ khí khi chiến đấu và thần Krishna luôn ở bên trong chiếc xe ngựa, hoặc hai là sở hữu toàn bộ đội quân Vrishini và tùy ý sử dụng trong cuộc chiến sắp tới. Đội quân này sẽ là một lợi thế rất lớn trong bất kỳ trận chiến nào.
Krishna từ chối yêu cầu được chọn đầu tiên của Duryodhana bởi vì Thần đã nhìn thấy Arjuna trước và Arjuna nhỏ tuổi hơn, vì thế anh ta nên được chọn đầu tiên. Trong thời khắc quan trọng này, Duryodhana vô cùng lo lắng: Liệu Arjuna sẽ chọn vị thần bên cạnh mình hay chọn đội quân hùng mạnh nhất trên thế giới? Nhưng anh nhanh chóng vui mừng khi Arjuna lựa chọn thần và từ chối sở hữu quân đội, bởi Arjuna nghĩ rằng quân đội thì có ích lợi gì nếu không có thần dẫn dắt?
Thế là Duryodhana trở lại căn cứ của mình (Hastinapura) với đội quân liên minh Vrishini, rồi đánh thắng đội quân của người cậu trong gia đình Pandavas. Rốt cuộc, anh cũng có một đội quân bất bại.
Tuy nhiên, theo truyện Gita thì sức mạnh quân đội này trở nên vô hiệu khi chống lại Arjuna và người lái xe, Thần Krishna. Thật vậy, trước khi thất bại trước Arjuna, một trong những đồng minh của Duryodhana (Shakuni) đã cảnh báo anh rằng Krishna đáng giá hơn nhiều so với đội quân và sự lựa chọn này không có gì để vui mừng.
Về bản chất, đây là phần mở đầu trước khi câu chuyện trong Gita diễn ra, vậy tại sao nó lại có ý nghĩa quan trọng như vậy? Và tại sao nó tiên liệu trước thất bại không thể tránh khỏi của Duryodhana, bất chấp tất cả sức mạnh quân sự và quân đội hùng mạnh của anh ta?
Đầu tiên, trước khi bình luận cụ thể về những vấn đề này, chúng ta có thể xem xét mối liên hệ của nó. Ngày nay, chủ nghĩa quân phiệt ngày càng bành trướng trên thế giới và nhiều quốc gia khác nhau mong muốn sở hữu những quân đội hùng mạnh nhất, vĩ đại nhất. Bản thân điều này không hẳn là xấu; nó chỉ trở nên xấu như trong trường hợp của Duryodhana, anh ta đã bỏ đi một thứ quan trọng hơn quyền lực. Đó là trọng tâm của câu chuyện này.
Người ta nói rằng Duryodhana mắc phải hai sai lầm lớn: kiêu căng (hay ngạo mạn) và tham lam. Chúng ta thấy điều này trong quyết tâm bất chính của anh ta nhằm nắm giữ vương quyền ngay từ đầu và cả trong những điều nhỏ nhặt: Vội vàng đi nhận món quà từ Krishna và mặc nhiên ngồi ở đầu giường. Trong niềm kiêu hãnh, anh cảm thấy rằng người đứng đầu là vị trí của anh. Duryodhana không thực sự tin rằng Krishna là một vị thần, nếu không thì tại sao anh lại chọn một vị trí ở phía trên Ngài?
Những điều này hoàn toàn đối lập với Arjuna, anh đã ngồi ở chân giường; tức là ở dưới thần. Một suy nghĩ thoáng qua tiết lộ với anh rằng khi thần mở mắt ra, vị thần sẽ tự nhiên nhìn vào đâu? Ở đầu giường, sau lưng ngài; hay dưới chân, trước mắt ngài? Rõ ràng, khi thức dậy, chúng ta nhìn xuống chân giường! Sai lầm sơ đẳng này đã khiến Duryodhana mất cơ hội chọn món quà mà anh mong muốn nhất.
Nhận được những gì mình muốn
Nhưng, tất nhiên, sự mất quyền lựa chọn đó dường như không quan trọng vì Arjuna đã chọn điều mà Duryodhana không muốn, đó là sự hiện diện của vị thần trong cỗ xe của mình. Arjuna đã xác định rõ ràng rằng anh phải có vị thần ở cạnh nếu anh có bất kỳ cơ hội thành công nào trên đời này. Vì vậy, Duryodhana có được những gì anh ta muốn, đó là một lựa chọn không có thần. Nhưng bản thân sự chọn lựa không phải vấn đề, mà là những ham muốn của Duryodhana đã trừng phạt anh ta bằng một hiện thực bất ngờ. Như câu nói của nhà Phật rằng: “Chư vị sẽ không bị trừng phạt bởi cơn nóng giận của mình, chính cơn nóng giận là một sự trừng phạt với bản thân chư vị rồi.”
Tuy nhiên, ý nghĩa của câu chuyện này vẫn còn sâu xa hơn, vì chúng ta cần hiểu rằng câu chuyện Gita mang tính biểu tượng. Mọi đàn ông và mọi phụ nữ đang chiến đấu chống lại thế giới vật chất trong cõi mê này. Đúng như vậy, thật nghịch lý, cái gọi là thế giới thực lại là thế giới ảo, hay ở phương Đông còn được gọi là “maya”. Điều này tương hợp với nhận thức của Cơ Đốc Giáo về thế giới xấu xa bên dưới và thế giới tâm linh ở cõi trên. (Chúng ta hãy nhớ lại, Chúa Jesus nói “giáng hạ” từ thiên đường)
Trong Gita, cỗ xe của Arjuna có năm con ngựa và điều này rất có ý nghĩa. Chúng ta thấy rằng cỗ xe là cơ thể của anh và những con ngựa tượng trưng cho năm giác quan của anh. Do đó, Arjuna là bản ngã hay ý chí điều khiển cỗ xe, và ý chí hay bản ngã này phải điều khiển những con ngựa — không để nó bị dẫn dắt bởi các giác quan — nếu như bước đầu họ thắng cuộc, giành thắng lợi và có được cuộc sống vĩnh cửu. Điều này có nghĩa là Arjuna đã vượt qua được thế giới ảo.
Krishna thực sự là ai?
Theo hình ảnh tượng trưng rất cô đọng này, chúng ta có thể hỏi Krishna – người đánh xe đồng hành với chúng ta thực chất là ai? Một câu trả lời chắc chắn là tâm hồn của chính chúng ta. Krishna, vị thần sống, thực sự là một phương diện của linh hồn chúng ta, và nếu chúng ta đánh mất hoặc bỏ rơi linh hồn của chính mình cùng tiếng nói trực giác bên trong (điều mà trong Cựu Ước Elijah đã trải nghiệm là “giọng nói nhỏ bé tĩnh lặng”), thì chúng ta không thể lái cỗ xe của mình (cơ thể của chúng ta) thành công hoặc đạt được chiến thắng trong các cuộc chiến chống lại thế lực tà ác, do Duryodhana vô thần làm đại diện.
Chúng ta lưu ý ở đây rằng linh hồn không thực sự chiến đấu; chúng ta giao tiếp với nó như với một người bạn, một người yêu, thậm chí còn sâu sắc hơn thế. Đó là chân ngã của chúng ta, là tiếng khóc muốn được lắng nghe phát ra từ nội tâm và hướng chúng ta vào con đường đúng đắn.
Điều này một lần nữa rất tương tự với Cơ Đốc Giáo, vì chính Chúa Giêsu đã luôn răn dạy các môn đồ của mình rằng đánh mất linh hồn là một thảm họa lớn nhất xảy ra với con người. Hết thảy sự thịnh vượng (hoặc sức mạnh quân đội) trên thế giới này sẽ không thể bù đắp được cho sự mất mát đó. Patrick Harpur nói theo cách này: “Ngay cả khi chúng ta không theo tôn giáo cụ thể nào, tất cả chúng ta vẫn có cùng quan điểm rằng có một phần nào đó trong chúng ta không nên bị bán đi, bị phản bội hoặc bị đánh mất bằng bất cứ giá nào.”
Vì vậy, dù là cá nhân, cộng đồng hay quốc gia, chúng ta phải luôn lắng nghe linh hồn bên trong mình để nhận định điều gì là đúng, và không cho phép những truy cầu hay cái tôi kiểm soát số phận của chúng ta. Bởi như chúng ta thấy được từ Duryodhana, anh ta đã chọn lựa sai lầm và bị ham muốn lầm lạc điều khiển. Bàn về điều này từ góc độ tâm lý học, Thomas Moore nhận xét: “Khi linh hồn bị bỏ quên, nó không chỉ biến mất; nó xuất hiện các triệu chứng như sự ám ảnh, nghiện ngập, bạo lực và đánh mất ý nghĩa cuộc sống.” Đây chính xác là những hành vi của Duryodhana.
Hoàn thành số mệnh
Carl Jung còn nói một cách quả quyết hơn: “Một người thích tin rằng mình làm chủ tâm hồn của mình. Thế nhưng hễ anh ta không thể kiểm soát được tâm trạng và cảm xúc của mình, hoặc không tỉnh táo nhận ra vô số chiêu thức bí mật mà những nhân tố bên ngoài có thể cản trở đến những quyết định và kế hoạch của anh ta, thì anh ta chắc chắn không làm chủ được chính mình”. Arjuna vì cho phép người đánh xe bên mình và nghe theo lời khuyên của thần nên có thể kiểm soát và nhận ra số phận của mình, cũng như vượt qua vô vàn những khó khăn khắc nghiệt.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times