Hoa Kỳ và Úc thiết lập khí hậu và năng lượng sạch là ‘trụ cột thứ ba’ của liên minh
Hoa Kỳ sẽ trợ giúp cho Úc trở thành cường quốc năng lượng tái tạo toàn cầu và đã thiết lập năng lượng tái tạo và khí hậu như một “trụ cột trung tâm” của liên minh song phương này.
“Hôm nay, những gì chúng tôi đã làm là thêm một yếu tố mới vào liên minh đó một cách cởi mở, rất rõ ràng, dứt khoát, về hành động khí hậu. Bởi vì hành động khí hậu, tất nhiên, là một vấn đề an ninh quốc gia,” Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói.
Mặc dù các chi tiết vẫn chưa được biết rõ, nhưng việc này có thể cho phép Úc tiếp cận nguồn tài trợ từ Đạo luật Giảm Lạm phát của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Ông Albanese đã gặp gỡ ông Biden ở Hiroshima, Nhật Bản, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7.
Tổng thống cho biết đây là một minh chứng cho sự hợp tác song phương chặt chẽ của hai nước.
“Chúng tôi sẽ thiết lập khí hậu và năng lượng sạch như là trụ cột thứ ba của Liên minh Úc-Hoa Kỳ. Giao kết này có thể cho phép mở rộng và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng năng lượng sạch, đặc biệt là khi việc này liên quan đến các khoáng sản quan trọng,” ông nói.
Hai nhà lãnh đạo tuyên bố rằng họ đang thực hiện “hành động khẩn cấp” để nâng tầm tham vọng khí hậu toàn cầu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, và trợ giúp cho các nỗ lực khí hậu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Họ nói trong một tuyên bố chung: “Nghị trình đầy tham vọng của chúng tôi kêu gọi mở rộng chưa từng có trong sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất công nghệ năng lượng sạch, và cung cấp khoáng sản quan trọng hàng năm.”
Một lực lượng đặc nhiệm phụ trách các khoáng sản quan trọng sẽ được thành lập để thúc đẩy nguồn cung cấp bền vững và ổn định các nguồn tài nguyên, vốn rất quan trọng đối với cả chuỗi cung ứng năng lượng sạch và quốc phòng.
Úc và Hoa Kỳ cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ pin mới phát triển và trợ giúp cho sự phát triển của các thị trường mới nổi cho hydro sạch ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hai quốc gia này cũng sẽ trợ giúp các quốc đảo Thái Bình Dương, vốn là những quốc gia đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về biến đổi khí hậu.
“Nhận thức được những tác động không cân xứng của biến đổi khí hậu đối với các quốc đảo ở Thái Bình Dương, Úc và Hoa Kỳ cam kết trợ giúp các sáng kiến do Thái Bình Dương dẫn đầu để tăng cường các nỗ lực giảm thiểu, thích ứng, và phục hồi biến đổi khí hậu, hợp tác chặt chẽ với các đối tác khu vực để giúp bảo đảm những nỗ lực này đáp ứng được những nhu cầu của người dân Đảo Thái Bình Dương,” cả hai nhà lãnh đạo cho biết.
Ông Albanese cho biết hành động về biến đổi khí hậu là “lệ phí đầu vào để đạt được sự tín nhiệm” của các nước láng giềng của Úc.
Ông nói: “Nhiều quốc gia láng giềng của chúng ta hiểu rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu.”
Ông nói thêm rằng các khoáng sản quan trọng là một thành phần quan trọng trong an ninh quốc gia của Úc.
“Và đó là lý do tại sao đây là một thành phần quan trọng, một phần thiết yếu trong liên minh của chúng ta.”
Ông Biden và ông Albanese cũng công bố một số sáng kiến khác, bao gồm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ và công nghệ lượng tử.
Ông Biden cũng có dự định yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ bổ sung Úc làm nguồn nội địa trong Tiêu đề III của Đạo luật Sản xuất Quốc phòng. Nếu thành công, thì điều này sẽ giúp đẩy nhanh việc thực hiện AUKUS và tạo thuận lợi cho việc đầu tư và mua các công nghệ và khoáng sản quan trọng của Úc.
Mối lo ngại năng lượng của Nhật Bản
Thông báo này được đưa ra khi ông Albanese cam kết tiếp tục là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho Nhật Bản trong quá trình chuyển đổi sang không phát thải ròng.
Hồi tháng Hai, Nhật Bản cảnh báo Úc rằng mối bang giao của họ có thể bị hủy hoại vì kế hoạch dự trữ than của New South Wales (NSW) có nguy cơ cắt giảm việc xuất cảng than.
Theo The Australian, Tổng lãnh sự Nhật Bản Tokuda Shuichi đã viết một bức thư cho chính phủ NSW để bày tỏ những lo ngại của các công ty Nhật Bản về biện pháp dự trữ than được đưa ra hồi giữa tháng Một.
Mặc dù lãnh sự quán Nhật Bản không nói chi tiết về nội dung của bức thư, nhưng có thể hiểu rằng Nhật Bản lo lắng về tác động của quyết định của chính phủ NSW đối với việc cung cấp than cho nước này.
Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung cấp đều sẽ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản, vốn đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu sau cuộc chiến ở Ukraine và làm suy yếu danh tiếng là một nhà xuất cảng than của Úc.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản cảnh báo về lĩnh vực năng lượng của Úc.
Bản tin có sự đóng góp của Alfred Bui
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times