Chuyên gia: Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu ‘phi Trung Quốc hóa’
Mới đây, các nhà lãnh đạo tài chính của Nhóm Bảy nước (G7) đã cam kết tăng cường đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, với một chuyên gia mô tả hành động này là “phi Trung Quốc hóa”.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 tại Niigata, Nhật Bản, kết thúc hôm 13/05, đặt nền móng cho Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima từ ngày 19 đến 21/05.
Theo một bài báo của Reuters dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ ẩn danh, như một phần trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới, họ chuẩn bị thảo luận về những lo ngại liên quan đến việc Trung Quốc sử dụng “sự ép buộc kinh tế” trong các giao dịch của nước này ở ngoại quốc.
Tuyên bố này được cho là sẽ có “một phần dành riêng cho Trung Quốc,” trong đó liệt kê một loạt các mối lo ngại.
Bài báo cho biết với vai trò là một thành phần trọng tâm trong thông cáo tổng thể của hội nghị thượng đỉnh, dự kiến tuyên bố này cũng sẽ được kèm theo một đề nghị rộng hơn bằng văn bản về cách bảy nền kinh tế tiên tiến này sẽ hợp tác cùng nhau để chống lại “sự ép buộc kinh tế” từ bất kỳ quốc gia nào.
G7 bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, và Canada. Ngoài ra, Liên minh Âu Châu là một thành viên không được liệt kê.
Các quốc gia G7, chiếm 1/3 hoạt động kinh tế của thế giới, có quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.
Trung Quốc là nước xuất cảng lớn nhất thế giới và là thị trường trọng điểm của nhiều công ty từ các quốc gia G7.
RISE—Tăng cường chuỗi cung ứng đa dạng và linh hoạt
Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7, các nước này đã đồng tình bắt đầu một kế hoạch mới nhằm đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu “chậm nhất là” vào cuối năm 2023.
Kế hoạch này, được đặt tên là RISE — Tăng cường Chuỗi cung ứng Đa dạng và Linh hoạt — sẽ cung cấp viện trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cho phép các quốc gia này đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng các sản phẩm liên quan đến năng lượng.
Hành động trên nhằm giảm sự phụ thuộc của các nước này vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như cho phép họ tinh chế và chế biến khoáng sản và sản xuất các bộ phận tại địa phương.
“Đa dạng hóa các chuỗi cung ứng có thể góp phần bảo vệ an ninh năng lượng và giúp chúng ta duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô,” theo bản thảo cuối cùng của thông cáo mà Reuters xem được.
Thông cáo nhấn mạnh rằng G7 sẽ phối hợp để bảo đảm rằng đầu tư ngoại quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng không làm suy yếu chủ quyền kinh tế của nước chủ nhà, bài báo cho biết.
Với tư cách là nước chủ tịch luân phiên của G7 năm nay, Nhật Bản cũng mời các quốc gia không thuộc G7, như Nam Hàn, Ấn Độ, và Brazil, tham dự cuộc họp về chuỗi cung ứng mở rộng.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia về Trung Quốc và là nhà bình luận các vấn đề thời sự, nói với The Epoch Times về việc ngày càng chú trọng đa dạng hóa chuỗi cung ứng này sẽ dẫn đến kết quả gì.
“Cuộc họp G7 này là một sự thay đổi lớn trong cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu,” ông Thạch cho biết hôm 14/05. “Sự thay đổi này đặt ra các quy tắc mới cho hướng đi của nền kinh tế toàn cầu trong ít nhất 30 năm tới, và tác động của nó sẽ là đáng kể.”
“Tất nhiên, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu này là phi Trung Quốc hóa.”
Ông Thạch cho biết cuộc thảo luận xung quanh việc tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu lần này gồm có các quốc gia phát triển, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
“Điều này sẽ có tác động lớn trong vài thập niên tới, và Trung Quốc sẽ đứng ở ngoài cuộc,” ông nói.
“Chủ đề cốt lõi của cuộc họp G7 này không phải là loại trừ Trung Quốc mà là đạt được sự tách rời các công nghệ chủ chốt và nguyên liệu thô cho các sản phẩm chính khỏi Trung Quốc.”
Theo ông Thạch, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng này bao gồm hai yếu tố chính: giảm sự độc quyền của Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô quan trọng; ngăn chặn sản xuất công nghệ cao và chính xác, trong đó có sản xuất chính xác cơ khí và hóa học, được đặt ở Trung Quốc.
“Nói cách khác, Trung Quốc có thể tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng [theo kế hoạch mới của G7] họ chỉ có thể sản xuất các sản phẩm ở mức trung bình và thấp hơn, chẳng hạn như hàng tiêu dùng thông thường và công nghệ thấp,” ông Thạch nói.
“Các công nghệ mới nhất, chẳng hạn như các chất bán dẫn cao cấp hơn, sẽ sớm nằm ngoài tầm với của Trung Quốc.”
‘Bẫy thu nhập trung bình’
Ông Thạch cho biết kế hoạch mới của G7 ngăn cản Trung Quốc chuyển đổi nền kinh tế và nâng cấp các ngành công nghiệp của họ trong tương lai, tạo ra một “cái gọi là bẫy thu nhập trung bình” (chỉ một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định nhưng dừng tại đó và không thể vượt qua ngưỡng đó để có mức thu nhập cao hơn) cho quốc gia này.
“Ở giai đoạn này, lực lượng nhân công, tài nguyên, đất đai, và thị trường cho hàng hóa giá rẻ [của Trung Quốc] đã đạt mức đỉnh điểm. Nếu nền kinh tế của nước này muốn tiếp tục phát triển, thì họ phải nâng cấp các ngành công nghiệp của mình, có nghĩa là sản xuất công nghệ cao và chính xác. Quyết định tái cấu trúc chuỗi công nghiệp của G7 về căn bản đã chặn con đường này.”
Ông Thạch nói thêm rằng trong vài năm qua, Bắc Kinh đã học được rằng họ không thể lấy công nghệ từ Hoa Kỳ được nữa, vì vậy họ đã chuyển sang các quốc gia như Đức, Pháp, và Nhật Bản. Nhưng bây giờ Nhật Bản đã hoàn toàn liên kết với Hoa Kỳ, và chỉ còn lại Pháp và Đức.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times