G-7 và Trung Quốc
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tức giận trước tuyên bố của G-7, trong khi Đài Loan hoan hỉ, còn Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn.
Hội nghị thượng đỉnh G-7, kết thúc hôm 21/05, đã kết luận bằng một tuyên bố chung cho biết nhóm này lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Cuộc họp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan,” một ám chỉ rõ ràng về Trung Quốc. Tuyên bố trên dẫn chứng các hành vi xâm phạm của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình. Không lên án hay đối đầu, nhóm này nhấn mạnh mong muốn “giảm thiểu rủi ro” nhưng không tách rời khỏi Trung Quốc.
Ngôn ngữ nhẹ nhàng này cho thấy G-7 đang nhận ra mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc nhưng vẫn đang mềm mỏng hơn trong ngôn từ, cố gắng tránh một cuộc đối đầu trực diện. Việc mong muốn duy trì các mối quan hệ kinh tế ngăn cản nhóm này thực hiện các hành động quyết liệt hơn. Tuyên bố chung của G-7 đề cập đến hành vi phi thị trường và cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc nhưng vẫn ưu tiên tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc.
Lập trường của G-7 có thể được nhận thấy là hơi trùng lặp. ĐCSTQ đã nhiều lần và liên tục là nước gây hấn, nước xâm phạm, và nước vi phạm các thỏa thuận và quy tắc thương mại. Tuy nhiên, G-7 và các quốc gia khác sợ làm mất lòng Bắc Kinh vì họ tin rằng họ cần giao thương với Trung Quốc. Họ thậm chí còn nhận ra rằng Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine nhưng không đưa ra các lệnh trừng phạt thực chất, chẳng hạn như một lệnh cấm thương mại, đối với Trung Quốc.
Mặt khác, các nhà lãnh đạo G-7 đồng thuận về vấn đề này. Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói tại hội nghị rằng “Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu trong thời đại của chúng ta.” Các nhà lãnh đạo G-7 khác cùng đồng ý.
Nhóm này cũng đang đưa ra một lập trường cứng rắn hơn đối với Moscow, cùng nhau đưa ra các biện pháp trừng phạt lớn hơn đối với Nga, chứng tỏ rằng cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi diễn biến quyền lực toàn cầu, đưa các đồng minh xích lại gần nhau hơn và củng cố vị thế của Hoa Thịnh Đốn với tư cách là nhà lãnh đạo của thế giới tự do. Hoa Kỳ có thể sử dụng vai trò lãnh đạo của mình để khuyến khích các đồng minh đưa thương mại và đầu tư ra khỏi Trung Quốc, chuyển sản xuất sang Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, và các quốc gia thân thiện khác. Điều này sẽ giúp các quốc gia này phát triển kinh tế đồng thời kéo họ đến gần phương Tây hơn thay vì để bị phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo hôm 21/05, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng hoạt động quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) ở Eo biển Đài Loan đã tăng cường và ông dự đoán hoạt động này sẽ còn gia tăng hơn nữa trước cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp của Đài Loan vào năm tới. Tổng thống tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ cung cấp các vũ khí cho Đài Loan. Ông nói, “Hầu hết các đồng minh của chúng tôi đều hiểu rõ rằng, trên thực tế, nếu Trung Quốc hành động đơn phương, thì sẽ có sự đáp trả.” Tổng thống dường như đang nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ bảo vệ Đài Loan nếu PLA xâm lược.
Trước đó trong năm nay, tờ Japan Times đã đăng một bài báo nêu rõ viện trợ quân sự của Nhật Bản sẽ quan trọng như thế nào để bảo vệ Đài Loan một cách thành công khỏi một cuộc xâm lược của Trung Quốc. Hôm 10/05, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan là rất quan trọng không chỉ đối với đất nước chúng tôi [Nhật Bản], mà còn đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế.” Nhật Bản, Canada, Nam Hàn, và Pháp đều bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập hoặc tham gia AUKUS, hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ.
Nam Hàn cũng đang cạnh tranh để trở thành một “quốc gia then chốt toàn cầu.” Trước đây, việc Seoul tập trung vào mối đe dọa từ Bắc Hàn đã ngăn cản Nam Hàn đóng một vai trò lớn hơn trong nền chính trị khu vực. Tuy nhiên, Tổng thống Yoon Suk-yeol tổ chức ngày càng nhiều các cuộc gặp với Hoa Kỳ và các quốc gia khác, thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và cải thiện mối bang giao với Nhật Bản. Việc tham gia với AUKUS và các liên minh quân sự chống ĐCSTQ khác có thể giúp tăng cường ảnh hưởng chính trị của Nam Hàn.
Phản ứng của Đài Loan đối với cuộc họp G-7 là tích cực. Hôm 20/05, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố, trong đó nhắc lại các bình luận của G-7 liên quan đến việc duy trì hòa bình ở Eo biển Đài Loan đồng thời nêu ra các ví dụ về hành động gây hấn của ĐCSTQ đối với Đài Loan.
Còn ĐCSTQ đã phản ứng tiêu cực với hội nghị thượng đỉnh G-7. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) cho biết G-7 là một mối đe dọa thực sự đối với an ninh toàn cầu.
Ngay sau cuộc họp G-7, Trung Quốc và Nga đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh của riêng họ. Moscow ra một tuyên bố, gọi hội nghị G-7 là một nơi ươm mầm hận thù đối với Nga và Trung Quốc. Cả Moscow và Bắc Kinh đều cáo buộc NATO gây hấn và can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của các quốc gia khác.
Trong khi đó, phương Tây và NATO đang tăng cường viện trợ cho Ukraine đồng thời báo hiệu rằng họ sẵn sàng tăng cường trợ giúp cho Đài Loan và ngăn chặn mối đe dọa của ĐCSTQ ở Biển Đông. Tokyo đang thảo luận về việc mở một văn phòng NATO tại Nhật Bản. Điều này rất có ý nghĩa, vì Nhật Bản không phải là một thành viên NATO, và nước này đại diện cho một sự chuyển dịch khu vực hoạt động và sứ mệnh chính của NATO từ châu Âu và Nga sang Thái Bình Dương và Trung Quốc.
Cuối cùng, kết quả của hội nghị thượng đỉnh G-7 là sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên và các đồng minh khác, trong khi Nga và Trung Quốc lại cam kết hơn trong việc xây dựng một khối đối lập. ĐCSTQ và phương Tây đã đưa ra các tuyên bố cho rằng họ không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng chúng ta lại đang đi theo hướng này. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa cuộc chiến tranh lạnh này và cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô là phương Tây tiếp tục giao thương trên một quy mô lớn với Trung Quốc, gián tiếp tài trợ cho PLA.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times