Hoa Kỳ: Boeing chấp nhận thỏa thuận nhận tội, chịu phạt để tránh bị xét xử hình sự về tai nạn phi cơ 737 Max
Tuần trước, các công tố viên liên bang đã cho Boeing lựa chọn chấp nhận thỏa thuận nhận tội và nộp phạt.
Hôm 07/07, theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, hãng Boeing sẽ nhận tội đối với cáo buộc về gian lận hình sự bắt nguồn từ hai vụ tai nạn phi cơ phản lực 737 Max khiến 346 người thiệt mạng, sau khi chính phủ xác định Boeing đã vi phạm một thỏa thuận vốn đã bảo vệ công ty này khỏi bị truy tố trong hơn ba năm.
Tuần trước (01-07/07), các công tố viên liên bang đã cho Boeing lựa chọn giữa việc nhận tội rồi nộp phạt như một phần của bản án hoặc phải đối mặt với một phiên tòa xét xử hình sự nghiêm trọng về âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ.
Các công tố viên đã cáo buộc đại tập đoàn hàng không vũ trụ này lừa dối các cơ quan quản lý để được phê chuẩn cho các yêu cầu về phi cơ và đào tạo phi công của mình.
Thỏa thuận nhận tội yêu cầu Boeing trả thêm khoản tiền phạt 243.6 triệu USD này vẫn cần có sự chấp thuận của thẩm phán liên bang để có hiệu lực. Khoản phạt này bằng với khoản phạt mà Boeing đã trả trong thỏa thuận năm 2021, thỏa thuận mà theo Bộ Tư pháp công ty đã vi phạm. Một giám sát viên độc lập sẽ được chỉ định để giám sát các quy trình về an toàn và chất lượng của Boeing trong ba năm. Thỏa thuận này cũng yêu cầu Boeing đầu tư ít nhất 455 triệu USD vào các chương trình tuân thủ và an toàn.
Không có quyền miễn trừ cho các trường hợp trục trặc khác
Thỏa thuận nhận tội chỉ bao gồm các hành vi sai trái của Boeing trước thời điểm xảy ra hai vụ tai nạn phi cơ Max mẫu mới khiến toàn bộ 346 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Một quan chức Bộ Tư pháp cho biết, thỏa thuận không mang lại quyền miễn trừ cho Boeing đối với các trường hợp trục trặc khác, bao gồm vụ một chốt cửa trên thân phi cơ bị gãy khiến cửa bung ra giữa một chuyến bay của hãng hàng không Alaska hồi tháng Một.
Thỏa thuận này cũng không áp dụng cho bất kỳ quan chức hiện tại hoặc trước đây nào của Boeing mà chỉ áp dụng cho riêng tập đoàn này. Trong một tuyên bố, Boeing xác nhận họ đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp nhưng không bình luận gì thêm.
Trong một hồ sơ đệ trình lên tòa án vào tối Chủ Nhật (07/07), Bộ Tư pháp cho biết họ dự kiến sẽ gửi hồ sơ thỏa thuận nhận tội bằng văn bản tới tòa án trước ngày 19/07. Các luật sư đại diện cho một số thân nhân của những người thiệt mạng trong hai vụ tai nạn cho biết họ sẽ yêu cầu thẩm phán bác bỏ thỏa thuận này.
Ông Paul Cassell, luật sư của một số gia đình, nhận xét, “Thỏa thuận ngọt ngào này không tính đến thực tế rằng 346 người đã thiệt mạng vì âm mưu của Boeing.”
Các công tố viên liên bang cáo buộc Boeing đã phạm tội âm mưu lừa gạt chính phủ bằng cách đánh lừa các cơ quan quản lý về một hệ thống kiểm soát chuyến bay có liên quan đến các vụ tai nạn xảy ra ở Indonesia hồi tháng 10/2018 và ở Ethiopia chưa đầy năm tháng sau đó.
Các phi công của hãng Lion Air trong vụ tai nạn đầu tiên không biết rằng phần mềm điều khiển chuyến bay này có thể đẩy mũi phi cơ xuống mà không có thao tác từ phía họ. Các phi công của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã biết về việc đó nhưng đã không thể điều khiển được phi cơ khi phần mềm được kích hoạt dựa trên thông tin từ một cảm biến bị lỗi.
Phần mềm này không tồn tại trên những mẫu 737 cũ hơn. Năm 2021, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội Boeing lừa dối các nhà quản lý của FAA về phần mềm và về việc phi công cần đào tạo bao lâu để lái mẫu phi cơ này một cách an toàn. Tuy nhiên, bộ đã đồng ý không truy tố Boeing vào thời điểm đó nếu công ty này trả khoản tiền dàn xếp 2.5 tỷ USD, trong đó đã bao gồm khoản phạt 243.6 triệu USD, và thực hiện các bước để tuân thủ luật chống gian lận trong ba năm. Tuy nhiên vào tháng trước (06/2024), các công tố viên đã cáo buộc Boeing vi phạm các điều khoản của thỏa thuận này.
Lời nhận tội của công ty sẽ được đệ trình lên Tòa án Địa hạt Hoa Kỳ ở Texas. Thẩm phán thụ lý vụ án, người đã chỉ trích điều mà ông gọi là “hành vi phạm tội nghiêm trọng của Boeing,” có thể chấp nhận lời nhận tội cùng bản án mà các công tố viên đề nghị hoặc ông cũng có thể bác bỏ thỏa thuận đó. Điều này có khả năng dẫn đến các cuộc đàm phán mới giữa Bộ Tư pháp và Boeing.