Bản tin đặc biệt

Boeing tiến vào ‘lãnh địa mới’ với cuộc điều tra liên bang, có thể bị buộc tội hình sự

Các chuyên gia hàng không và luật sư cho rằng Boeing có thể phải chịu những khoản tiền phạt lớn hoặc một thỏa thuận hòa giải khác, và những cá nhân như Tổng giám đốc Dave Calhoun có thể bị buộc tội.

Lúc mà một tấm cửa làm hỏng chuyến bay của hãng hàng không Alaska Airlines sau khi cất cánh hôm 05/01 thì vận mệnh của Boeing đã thay đổi chỉ sau một đêm.

Nếu công ty này hoạt động suôn sẻ thêm chỉ hai ngày nữa mà không xảy ra một sự việc nào thì họ sẽ đáp ứng được một thỏa thuận tránh bị Bộ Tư pháp (DOJ) truy tố hình sự.

Thay vào đó, vụ tai nạn đã khiến các cơ quan liên bang tiến hành điều tra và Quốc hội tổ chức các phiên điều trần. Vụ tai nạn đó cũng làm công chúng tiếp tục để mắt tới Boeing cũng như các vụ tai nạn của chiếc 737 MAX 8 hồi năm 2018 và 2019 vốn đã khiến tất cả mọi người trên phi cơ thiệt mạng và dẫn đến những cáo buộc hình sự đối với công ty này.

Kể từ đó, Boeing đã trải qua một hậu quả tài chính đáng kể khi báo cáo lỗ 355 triệu USD và lượng giao hàng giảm gần 50% chỉ trong quý đầu tiên. Công ty này cũng phải đối mặt với giá trị cổ phiếu giảm mạnh, và kể từ vụ tai nạn hôm 05/01, nhiều hãng hàng không đã hủy đơn đặt hàng.

Hôm 14/05, DOJ đã kết thúc những lời đồn đoán trong nhiều tháng với việc đệ đơn lên tòa án cáo buộc rằng Boeing đã vi phạm thỏa thuận hoãn truy tố năm 2021. Công ty này đã thất bại trong việc “thiết kế, thực hiện, và thực thi một chương trình tuân thủ và đạo đức để ngăn chặn và phát hiện các hành vi vi phạm luật gian lận của Hoa Kỳ.”

DOJ sẽ gặp gỡ gia đình các nạn nhân vụ tai nạn hôm 31/05 trước khi công bố ý định của mình với vụ án của Boeing trước ngày 07/07.

Theo các phi công chuyên nghiệp, các chuyên gia an toàn hàng không, và những luật sư đã nói chuyện với The Epoch Times, việc Boeing vi phạm thỏa thuận và những hậu quả có thể xảy ra là rất phức tạp.

Điều gì đã khiến DOJ tiến hành điều tra?

Để duy trì tính cạnh tranh, Boeing cần thiết kế một phi cơ mới có thể bay tới các điểm đến như Hawaii với ít nhiên liệu hơn. Airbus, đối thủ cạnh tranh của Boeing, đang lấn sân sang thị trường này với những chiếc phản lực cơ mới, tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Thay vì thiết kế một chiếc phi cơ hoàn toàn mới, vốn đòi hỏi các hãng hàng không mua chúng phải đào tạo phi công dài hạn, khiến giá của chiếc phi cơ tăng lên, thì Boeing đã chọn đưa ra một phiên bản nâng cấp của chiếc phản lực cơ 737, là 737 MAX. Phi cơ này có các động cơ lớn hơn, mạnh hơn được lắp xa hơn về phía trước cánh phi cơ, khiến mũi của phi cơ bị đẩy lên cao hơn khi cất cánh.

Boeing đã bù đắp bằng một phần mềm điều khiển chuyến bay mới có tên là Hệ thống Mở rộng Đặc tính Cơ động (MCAS). Phần mềm này tự động hạ thấp mũi để tránh bị chao đảo giữa không trung. Các cơ quan quản lý liên bang cho biết Boeing đã không thông báo cho các hãng hàng không hoặc Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) về phạm vi của phần mềm này, cách phần mềm này âm thầm điều khiển phi cơ, và cách vô hiệu hóa nó.

Những chiếc phi cơ cũng sử dụng các cánh quạt góc tấn, hay bộ chỉ báo, để cho máy điện toán biết liệu phi cơ có đang bay lên hay hạ xuống ở góc nghiêng phù hợp hay không. Trước 737 MAX, các bộ chỉ báo này được nối với hai cảm biến để phòng trường hợp một cảm biến gặp trục trặc trong chuyến bay—chẳng hạn như do hư hỏng vì bị chim tấn công. Trên những chiếc 737 MAX thời đầu, các chỉ báo góc tấn được kết nối với một cảm biến duy nhất, khiến phần mềm điều khiển chuyến bay cho rằng phi cơ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng nếu một trong hai bộ chỉ báo gặp trục trặc.

Cơ trưởng Pete Gamble (trái) của American Airlines và cơ phó John Konstanzer tiến hành kiểm tra trước chuyến bay trong buồng lái của phản lực cơ Boeing 737 Max ở Grapevine, Texas, vào ngày 02/12/2020. (Ảnh: LM Otero/AP Photo)
Cơ trưởng Pete Gamble (trái) của American Airlines và cơ phó John Konstanzer tiến hành kiểm tra trước chuyến bay trong buồng lái của phản lực cơ Boeing 737 Max ở Grapevine, Texas, vào ngày 02/12/2020. (Ảnh: LM Otero/AP Photo)

Trong các chuyến bay gây thương vong năm 2018 và 2019, hệ thống MCAS liên tục hướng mũi phi cơ xuống vì dữ liệu góc tấn bị lỗi, có thể là do một cánh quạt góc tấn bị hỏng. Bởi vì Boeing đã không tiết lộ chính xác các biểu hiện của phần mềm và cách vô hiệu hóa phần mềm cho các hãng hàng không nên các phi công phải mất hơn 10 giây để phản ứng. Các hướng dẫn của liên bang đòi hỏi phi công phải phản ứng với tình huống như vậy trong bốn giây để tránh thảm họa.

Boeing cũng đã không xem xét lại phần mềm điều khiển chuyến bay cho đến sau vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian Airlines năm 2019, tức là 5 tháng sau vụ tai nạn của Lion Air năm 2018. FAA đã phản ứng bằng cách cấm bay tất cả các phản lực cơ 737 MAX trong gần hai năm để bảo đảm việc tuân thủ các quy định.

Boeing tiến vào ‘lãnh địa mới’ với cuộc điều tra liên bang, có thể bị buộc tội hình sự

Ông Shawn Pruchnicki, chuyên gia an toàn hàng không và trợ lý giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Hàng không của Đại học Tiểu bang Ohio, cho biết: “Các vụ tai nạn MCAS hoàn toàn là những vụ tai nạn thuần túy, 100% là vì tiền.”

“Họ đã hại chết 346 người chỉ vì tiền và không gì khác ngoài tiền.”

Việc tiết lộ về phần mềm điều khiển chuyến bay sẽ buộc các hãng hàng không phải thu xếp đào tạo mới cho phi công của họ trước khi sử dụng 737 MAX, do đó làm tăng giá bán.

DOJ, FAA, và Ủy ban Giao thông vận tải Hạ viện đã tiến hành các cuộc điều tra riêng rẽ về những vụ tai nạn này. Tất cả đều liên quan đến phần mềm điều khiển chuyến bay của chiếc MAX và việc Boeing quyết định giấu thông tin này với các cơ quan quản lý, hãng hàng không, và phi công, dẫn đến các phi công đã không phản ứng kịp thời trong cả hai vụ tai nạn gây thương vong của phi cơ 737 MAX 8.

Boeing đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận.

Boeing bị buộc tội như thế nào?

Ngày 07/01/2021, DOJ đã buộc tội Boeing âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ, đặc biệt là Nhóm Đánh giá Phi cơ của FAA.

Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố rằng Boeing đã cố tình giấu thông tin chi tiết về phần mềm điều khiển chuyến bay của mình với FAA và các hãng hàng không. Boeing khẳng định hai trong số các phi công kỹ thuật Phi cơ 737 MAX của hãng phải chịu trách nhiệm lừa dối các cơ quan quản lý liên bang về phần mềm điều khiển chuyến bay MCAS.

Sau đó, chính phủ đã thu xếp một thỏa thuận hoãn truy tố với Boeing. Đây là một thủ tục thỏa thuận hình sự, trong đó các cáo buộc có thể được bác bỏ nếu bị cáo hoàn thành một số nghĩa vụ trong khung thời gian đã nêu.

Boeing đã phải nhận trách nhiệm về những hành động dẫn đến những cáo buộc hình sự và phải trả tổng cộng 2.5 tỷ USD, trong đó có một khoản phạt 243.6 triệu USD và một quỹ 500 triệu USD để bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong các vụ tai nạn phi cơ 737 MAX năm 2018 và 2019.

Boeing tiến vào ‘lãnh địa mới’ với cuộc điều tra liên bang, có thể bị buộc tội hình sự

Tuy nhiên, Boeing cũng phải luôn tuân thủ trong ba năm kể từ ngày ký thỏa thuận là ngày 07/01/2021.

Trong thời gian này, công ty này phải tránh phạm phải bất kỳ trọng tội liên bang nào, không thể phủ nhận trách nhiệm về các cáo buộc, và được yêu cầu thi hành một “chương trình tuân thủ và đạo đức được đề ra, được thực hiện, và được thực thi để ngăn chặn và phát hiện các hành vi vi phạm luật gian lận của Hoa Kỳ về các hoạt động của công ty này.”

Tính đến khi cánh cửa của hãng hàng không Alaska Airlines bật ra hôm 05/01, Boeing chỉ còn có hai ngày là kết thúc thời gian quản chế.

Một chiếc phi cơ Boeing 737 MAX không sơn màu đang đậu tại Phi trường Thành phố Renton gần cơ sở Renton của Boeing ở Renton, tiểu bang Washington, vào ngày 01/07/2019. (Ảnh: Lindsey Wasson/Reuters)
Một chiếc phi cơ Boeing 737 MAX không sơn màu đang đậu tại Phi trường Thành phố Renton gần cơ sở Renton của Boeing ở Renton, tiểu bang Washington, vào ngày 01/07/2019. (Ảnh: Lindsey Wasson/Reuters)

Cáo buộc vi phạm

Bức thư hôm 14/05 của Bộ Tư Pháp nêu rõ rằng Boeing đã không “đề ra, thực hiện, và thực thi” chương trình tuân thủ và đạo đức được yêu cầu theo các điều khoản của thỏa thuận. Tuy nhiên, cơ quan này không nói rõ liệu vụ tai nạn của Alaska Airlines hay bất kỳ vụ tai nạn nào khác từ năm 2024 có liên quan đến việc Boeing thiếu một chương trình tuân thủ và đạo đức hay không.

Ông Robert Clifford, luật sư chính đại diện cho gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn năm 2018 và 2019, nói với The Epoch Times rằng Bộ Tư Pháp đã không thông báo cho ông hoặc gia đình về những hành vi hoặc các vụ việc dẫn đến việc hãng Boeing vi phạm thỏa thuận.

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng biết được thông tin chi tiết về cuộc điều tra và các kế hoạch của chính phủ trong tương lai.”

“Rõ ràng, các sự kiện năm 2024, chẳng hạn như vụ tai nạn của hãng Alaska Air, đã khiến người ta tập trung nhiều hơn vào việc Boeing có tuân thủ hay không cũng như sự giám sát của chính phủ, nhưng chúng tôi đang chờ thông báo về thông tin chi tiết chính xác dẫn đến việc phát hiện ra vi phạm.”

Bộ Tư Pháp cũng viết trong bức thư rằng họ có quyền phát hiện Boeing vi phạm các điều khoản khác của thỏa thuận cho đến ngày 07/07, ngày mà họ sẽ công bố cách cơ quan này dự định tiến hành vụ án.

Có thể đưa ra cáo buộc hình sự

Bộ Tư Pháp có thể đi theo nhiều hướng khác nhau nếu truy tố hình sự đối với Boeing.

Boeing tiến vào ‘lãnh địa mới’ với cuộc điều tra liên bang, có thể bị buộc tội hình sự

Ông Neama Rahmani là một cựu công tố viên liên bang từng làm việc cho công ty hàng không vũ trụ. Ông nói với The Epoch Times rằng Bộ Tư Pháp có thể đưa ra “một khoản phạt đáng kể,” yêu cầu một cơ quan giám sát độc lập để “bảo đảm rằng Boeing tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận” hoặc truy tố các cá nhân trong công ty, chẳng hạn như Tổng giám đốc Dave Calhoun.

Ông Rahmani giải thích rằng việc truy lùng các cá nhân tại công ty đòi hỏi phải có bằng chứng xác đáng hơn. Ông cho biết các công tố viên có thể sử dụng tin nhắn văn bản giữa các giám đốc điều hành cao cấp thừa nhận gian lận chẳng hạn.

Ông Clifford cho biết “các vấn đề về thời hiệu khởi kiện có thể ngăn cản” việc truy tố các cá nhân.

Cơ quan này cũng có thể đi theo những hướng khác. Ông Clifford cho biết các khoản tiền phạt, cáo buộc hình sự đối với Boeing, bổ nhiệm một giám sát viên độc lập, một thỏa thuận hoãn truy tố mới, và “nhiều cuộc đàm phán hơn… có thể đều đã được đưa ra bàn đàm phán.”

(Bên trái) Bộ Tư pháp ở Hoa Thịnh Đốn hôm 14/01/2020. (Phải) Tổng giám đốc Boeing Dave Calhoun trình bày về việc bàn giao chiếc phản lực cơ 747 cuối cùng tại nhà máy ở Everett, Hoa Thịnh Đốn, hôm 31/01/2023. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times, David Ryder/Reuters/File Photo)
(Bên trái) Bộ Tư pháp ở Hoa Thịnh Đốn hôm 14/01/2020. (Phải) Tổng giám đốc Boeing Dave Calhoun trình bày về việc bàn giao chiếc phản lực cơ 747 cuối cùng tại nhà máy ở Everett, Hoa Thịnh Đốn, hôm 31/01/2023. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times, David Ryder/Reuters/File Photo)

Ông Levy, một phi công thương mại và cố vấn hàng không có 40 năm kinh nghiệm, nói với The Epoch Times rằng Boeing có thể sẽ lập luận rằng họ đã thực hiện các thay đổi để giải quyết mọi lo ngại từ chính phủ hoặc các cơ quan như FAA. Ông cho biết ông dự đoán rằng sẽ có một thỏa thuận dàn xếp trong thời gian quản chế khác.

Ông nói rằng mặc dù ông không lường trước được rằng các cá nhân tại Boeing sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự, nhưng điều đó có thể thay đổi nếu bất kỳ ai trong công ty “cố ý lừa đảo” trong suốt thời hạn ba năm theo thỏa thuận giải quyết của Boeing.

Boeing tiến vào ‘lãnh địa mới’ với cuộc điều tra liên bang, có thể bị buộc tội hình sự

Bộ Tư Pháp đã không trả lời một yêu cầu bình luận.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Boeing?

Ông Clifford nói rằng ông “khá do dự khi suy đoán” về những gì Bộ Tư Pháp cuối cùng sẽ làm nhưng hy vọng Bộ Tư Pháp sẽ “tiếp tục truy tố Boeing” và ấn định ngày xét xử công khai với tòa án.

Cơ quan này cho biết Boeing có thời hạn đến ngày 13/06 để phúc đáp việc họ vi phạm thỏa thuận hoãn truy tố. Công ty có cơ hội giải thích “bản chất và hoàn cảnh của hành vi vi phạm đó” cũng như mọi hành động mà công ty đã thực hiện để “giải quyết và khắc phục tình hình.”

Hồi cuối tháng Tư, ông Paul Cassell, một giáo sư luật của Đại học Utah, và một luật sư khác của gia đình nạn nhân vụ tai nạn nói với The Epoch Times rằng ông không cho rằng chính phủ sẽ tuyên bố Boeing vi phạm thỏa thuận dàn xếp. Ông cũng cho biết ông không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ truy tố hình sự nào từ việc này.

Theo ông Rahmani, chính phủ nên thông báo một “tin tức đáng mừng cho các nạn nhân của Boeing cùng các luật sư.”

Các gia đình và bằng hữu đã mất đi người thân yêu trong vụ tai nạn phi cơ Boeing 737 Max ở Ethiopia hôm 10/03/2019 đang biểu tình trước trụ sở Boeing ở Arlington, Virginia, hôm 10/03/2023, để đánh dấu vụ tai nạn này tròn bốn năm. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)
Các gia đình và bằng hữu đã mất đi người thân yêu trong vụ tai nạn phi cơ Boeing 737 Max ở Ethiopia hôm 10/03/2019 đang biểu tình trước trụ sở Boeing ở Arlington, Virginia, hôm 10/03/2023, để đánh dấu vụ tai nạn này tròn bốn năm. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)

Một số chuyên gia hàng không nhấn mạnh vụ án này là “lãnh địa mới” đối với Hoa Kỳ.

Ông Michael Boyd, chủ tịch công ty tư vấn hàng không Boyd Group International, cho biết: “Chúng tôi chưa rơi vào tình huống này bao giờ.”

Ông nói với The Epoch Times rằng chính phủ có thể phạt Boeing nhưng bởi vì đây là “nhà thầu quốc phòng và hàng không vũ trụ lớn” sử dụng hàng chục ngàn lao động trong các cộng đồng trên khắp cả nước nên việc cáo buộc một vài cá nhân vẫn có thể được xem xét.

Ông Boyd dự đoán: “Nếu họ truy lùng các cá nhân, thậm chí là ông Calhoun, thì chính công ty Boeing sẽ cắt đứt quan hệ với họ [chính phủ] ngay tức thì.”

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times