‘Hãy để thế giới biết lập trường của chúng ta’: Sinh viên Hoa kiều ủng hộ ‘người biểu tình trên cầu’ ở Bắc Kinh
Chỉ vài ngày trước Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20 của Trung Quốc, một người biểu tình đã giăng hai biểu ngữ trên một cây cầu vượt ở Bắc Kinh, kêu gọi cải tổ ban lãnh đạo cộng sản của đất nước và dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hà khắc. Tiếp nối cuộc biểu tình hiếm hoi đó, cộng đồng du học sinh Hoa kiều đã bày tỏ tình đoàn kết của họ với “người biểu tình trên cầu” thông qua các khẩu hiệu xuất hiện trên bảng thông báo của trường đại học.
Hôm 13/10, anh Bành Lập Phát (Peng Lifa), người được các sinh viên ngoại quốc đặt cho biệt hiệu là “người biểu tình trên cầu” (“Bridge Man”), đã treo hai biểu ngữ lớn với khẩu hiệu trên cầu Tứ Thông, quận Hải Điến, Bắc Kinh. Một biểu ngữ viết rằng: “Chúng tôi không muốn xét nghiệm PCR; chúng tôi muốn ăn. Chúng tôi không muốn phong tỏa; chúng tôi muốn tự do. Chúng tôi không muốn những lời dối trá; chúng tôi muốn sự tôn nghiêm. Chúng tôi không muốn ‘Cách mạng Văn hóa’; chúng tôi muốn cải tổ. Chúng tôi không muốn một nhà lãnh đạo; chúng tôi muốn phiếu bầu. Chúng tôi không muốn làm nô lệ; chúng tôi muốn làm công dân.” Tấm biểu ngữ còn lại kêu gọi bãi nhiệm lãnh đạo Đảng Cộng sản Tập Cận Bình, người được dự đoán sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có.
Trong cùng ngày hôm đó, cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ anh Bành. Kể từ đó, vẫn chưa có thêm thông tin về nơi ở cũng như tình trạng sức khỏe của anh.
Ngay sau cuộc biểu tình này, chính quyền Trung Quốc đã kiểm duyệt Internet. Các từ ngữ như “Cầu Tứ Thông”, “Quận Hải Điến”, “chiến binh,” và “Bắc Kinh” bị cấm trên thanh công cụ tìm kiếm của mạng internet. “Biểu ngữ” và “khẩu hiệu” được xem là những cụm từ nhạy cảm.
Kể từ cuộc đàn áp đẫm máu đối với phong trào đòi dân chủ do sinh viên lãnh đạo hồi tháng 06/1989, chưa có cuộc biểu tình lớn nào chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nổ ra. Hơn nữa, thông tin về vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn đã bị kiểm duyệt gắt gao và trở thành một chủ đề bị cấm ở Trung Quốc.
Anh Bành được ca ngợi như một anh hùng và chiến binh. Ông Vương Đan (Wang Dan), một cựu lãnh đạo sinh viên tham gia các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, nói với Đài Á Châu Tự do rằng anh Bành là “Người chặn Xe tăng” (“Tank Man”) thời đại mới của Trung Quốc.
Sinh viên Trung Quốc ở hải ngoại ủng hộ ‘người biểu tình trên cầu’
Trong lúc các trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc giữ im lặng về vụ việc nói trên do bị kiểm duyệt gắt gao, thì sinh viên Trung Quốc ở ngoại quốc, bao gồm cả ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, lại muốn tiếng nói của mình được nghe thấy.
Một người dùng Twitter là sinh viên Trung Quốc ở hải ngoại, đã kêu gọi các bạn cùng trang lứa hành động ngay lập tức để “cho thế giới biết lập trường của chúng ta.”
Sinh viên Trung Quốc tại một số trường đại học ở hải ngoại — bao gồm Đại học Cao đẳng London, Trung tâm Saint Martins (một trường đại học trực thuộc Đại học Nghệ thuật London), Đại học Michigan, Đại học Bách khoa California, Đại học Stanford, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, Đại học New York, Đại học Chicago, Đại học Toronto, và Đại học Ngoại ngữ Busan ở Nam Hàn — đã trưng bày các bích chương ủng hộ anh Bành, cùng với các khẩu hiệu lên án hành động tàn bạo của ĐCSTQ.
Một người dùng Twitter viết: “Sự tham gia của sinh viên đại học là hy vọng cho sự thay đổi ở Trung Quốc. Những thanh niên này là người biết suy nghĩ và dám hành động.”
Hôm 13/10, nhà quan sát Trung Quốc Giang Phong (Jiang Feng) cho biết trên kênh YouTube của mình rằng ở Trung Quốc không thiếu “những chiến binh có chí khí,” những người dám chiến đấu đơn độc; tuy nhiên, hiếm khi họ có thể truyền cảm hứng để nhiều người thêm nữa chung tay vào sự nghiệp đại nghĩa của họ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times