Ủng hộ người bất đồng chính kiến ở đại lục, sinh viên Toronto tổ chức biểu tình phản đối ĐCSTQ
Vào một ngày thứ Bảy se lạnh ở Toronto, một nhóm sinh viên Trung Quốc đã biểu tình tại Quảng trường Mel Lastman, với hy vọng gửi đi tiếng nói ủng hộ đến những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, những người đã phản đối các chính sách COVID-19 hà khắc của Bắc Kinh và kêu gọi chấm dứt Đảng Cộng sản (ĐCSTQ) độc tài.
Anh Lâm Lập Đồng (Lin Litong), người đồng tổ chức cuộc biểu tình hôm 19/11 và là đại diện của tổ chức du học sinh Trung Quốc có tên là Hiệp hội Công dân, cho biết họ đang thể hiện tình đoàn kết và kêu gọi sự ủng hộ cho một người bất đồng chính kiến ở quận Hải Điến, Bắc Kinh.
Hôm 13/10, anh Bành Lập Phát (Lifa Peng), bí danh là Bành Tải Châu (Zaizhou Peng), đã giương cao một biểu ngữ tại Cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh và đốt lốp xe để phản đối chính sách zero COVID của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Chính sách này đã chứng kiến các đợt phong tỏa quy mô lớn và đôi khi là tàn bạo cũng như các chiến dịch xét nghiệm acid nucleic trên khắp cả nước.
Biểu ngữ của anh Bành viết bằng tiếng Trung Quốc có nội dung: “Chúng tôi không muốn xét nghiệm PCR; chúng tôi có thức ăn. Chúng tôi không muốn phong tỏa; chúng tôi muốn tự do. Chúng tôi không muốn những lời dối trá; chúng tôi muốn phẩm giá. Chúng tôi không muốn Cách mạng Văn hóa; chúng tôi muốn cải tổ. Chúng tôi không muốn những nhà lãnh đạo [độc tài]; chúng tôi muốn bầu cử. Chúng tôi không muốn làm nô lệ; chúng tôi muốn làm công dân.”
“Sự kiện Cầu Tứ Thông” được truyền thông phương Tây đưa tin là “một trong những hành động biểu tình đáng lưu tâm nhất của người dân Trung Quốc dưới thời cai trị của ông Tập,” đặc biệt hành động này xảy ra vào đúng thời điểm nhạy cảm trước thềm đại hội đảng toàn quốc quan trọng của ĐCSTQ được tổ chức vào ngày 16/10. Anh Bành được mệnh danh là “Người biểu tình trên cầu” (Bridge Man), ám chỉ đến “Người chặn xe tăng” (Tank Man) nổi tiếng trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Được biết anh Bành đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ.
Anh Lâm cho biết cuộc biểu tình hôm 19/11 ở Toronto là cuộc biểu tình đầu tiên do cộng đồng du học sinh Trung Quốc ở hải ngoại tổ chức kể từ Sự kiện Cầu Tứ Thông. Họ nhận thấy đây là một cơ hội quý báu để đẩy lùi chủ nghĩa độc tài của Bắc Kinh, vậy nên họ rất trân trọng.
Anh nói bằng tiếng Trung, “Nếu chúng ta không phản đối sự thâm nhập của Trung quốc ra hải ngoại, thì nhân quyền và quyền tự do ngôn luận mà chúng ta được hưởng ở các nền dân chủ phương Tây như Canada và Hoa Kỳ sẽ gặp phương hại. Đặc biệt là đối với các sinh viên quốc tế như chúng tôi — việc Trung Quốc đàn áp tự do học thuật và các hoạt động thâm nhập ra ngoại quốc thực sự đang tìm đường len lỏi vào khuôn viên trường đại học ở đây.”
Anh Lâm nói với The Epoch Times, “Nhiều người đã bị tổn thương vì hoạt động của ĐCSTQ, họ đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, bất kể quý vị là ai. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn chủ đề [chống chủ nghĩa cộng sản] này làm chủ đề chính cho sự kiện của mình.”
Anh Tiểu Dương (Wester Yang), một nhà đồng tổ chức khác của sự kiện, cũng chỉ ra các hoạt động can thiệp ngoại quốc của Bắc Kinh ở Canada, bao gồm các thông tin về các đồn công an Trung Quốc ở Toronto, bị cáo buộc là sử dụng với mục đích đe dọa hoặc ép buộc công dân Trung Quốc sống ở hải ngoại, những người chỉ trích chế độ cộng sản phải quay trở lại đất nước để đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Anh Dương nói, “Cái gọi là tổ chức du học sinh do [đại sứ quán Trung Quốc] tài trợ này cũng đã đóng vai trò cảnh báo hoặc giám sát những người bất đồng chính kiến trong trường học.”
Bản tin có sự đóng góp của Anna Gao, Gorden Guo của NTD, và Michelle Hu của The Epoch Times
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times