Giới hạn giá đối với dầu Nga không phải là ‘thuốc chữa bách bệnh’ cho thị trường năng lượng toàn cầu
Theo các chuyên gia, kế hoạch áp dụng giới hạn giá đối với dầu thô từ Nga của Nhóm bảy quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất (G7) không phải là “thuốc chữa bách bệnh” cho các thị trường năng lượng quốc tế và có thể khiến tình trạng trở nên tệ hơn.
Bộ trưởng tài chính các nước G7 gần đây đã đồng ý thiết lập giới hạn giá đối với dầu của Nga trong một nỗ lực nhằm giảm nguồn thu giúp chi trả cho cuộc chiến ở Ukraine của nước này. Các nhà lãnh đạo từ Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Anh, Ý, và Nhật Bản tin rằng biện pháp này sẽ đạt được hai mục tiêu: tác động tiêu cực đến Nga và giữ nguyên dòng dầu thô để ngăn chặn giá tăng mạnh.
Các quan chức đã không cung cấp thông tin chi tiết, chẳng hạn như mức giá giới hạn cho mỗi thùng, mà họ lưu ý sẽ được xác định “dựa trên một loạt các yếu tố đầu vào kỹ thuật” vào một ngày sau đó.
G7 cho biết trong một tuyên bố: “Để thực hiện cam kết này, hôm nay chúng tôi xác nhận ý định chính trị chung của chúng tôi là hoàn thiện và thực hiện lệnh cấm toàn diện đối với các dịch vụ cho phép vận chuyển hàng hải dầu và các sản phẩm từ dầu có xuất xứ từ Nga trên toàn cầu — việc cung cấp các dịch vụ như vậy sẽ chỉ được phép nếu dầu và các sản phẩm từ dầu được mua bằng hoặc thấp hơn một mức giá (“mức giá giới hạn”) được xác định bởi liên minh rộng lớn gồm các quốc gia tuân thủ và thực hiện mức giá giới hạn này.”
Ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế cao cấp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thông báo với Reuters rằng ông dự kiến phạm vi giá sẽ từ 40 đến 60 USD.
Nhưng trong khi các thành viên G7 đã cấm hoặc giảm nhập cảng xăng dầu từ Nga, việc thu hút các quốc gia khác cùng tham gia, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ là một thách thức.
Khi nêu ý kiến trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 02/09, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã thừa nhận rằng giới hạn giá đối với dầu thô của Nga sẽ “khá khó thực hiện” nếu không có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.
“Quý vị cần một phạm vi rộng lớn, bởi vì chúng ta không muốn biện pháp này chỉ là một biện pháp của phương Tây,” ông nói. “Đó không nên là một biện pháp của phương Tây để chống lại Nga, mà nên là một biện pháp của toàn cầu để chống lại chiến tranh.”
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri giải thích trong một cuộc phỏng vấn với CNBC tại Ý hôm 05/09 rằng chính phủ của ông đang tham gia “nhiều cuộc đối thoại” để đánh giá đề nghị của G7.
“Giờ thì đề nghị này sẽ có ý nghĩa gì? Chúng tôi sẽ xem xét nó rất cẩn thận,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Ấn Độ không có “nghĩa vụ đạo đức” để khước từ năng lượng của Nga.
“Tôi nói rằng người dân Âu Châu mua nhiều hơn trong một buổi chiều so với tôi trong một quý. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu tình trạng hiện tại không phải là như vậy nữa. Nhưng vâng, chúng tôi sẽ mua từ Nga, chúng tôi sẽ mua từ bất cứ đâu,” ông Puri tuyên bố. “Tôi có nghĩa vụ đạo đức đối với người tiêu dùng của mình. Với tư cách là một chính phủ được bầu cử dân chủ liệu tôi có muốn một tình huống mà trạm xăng cạn kiệt không? Hãy nhìn những gì đang xảy ra ở các quốc gia xung quanh Ấn Độ.”
Liệu kế hoạch này sẽ có tác dụng?
Phản ứng đối với đề nghị kể trên đến nay là nhiều chiều.
Ban biên tập của Washington Post đã gọi đây là một “kế hoạch đầy hứa hẹn” để ngăn Nga “bơi trong tiền.”
Họ viết, “Triển vọng làm gián đoạn dòng tiền của Nga mà không làm gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu là rất đáng để nỗ lực.”
Ông Phil Flynn, giám đốc điều hành tài khoản cao cấp tại The Price Futures Group và là tác giả của Báo cáo Năng lượng (The Energy Report), bày tỏ nghi ngờ về khả năng thành công của biện pháp này, vì lịch sử cho thấy giới hạn giá chưa bao giờ có tác dụng.
“Họ sẽ trì hoãn việc bán ra, và điều đó sẽ thắt chặt nguồn cung hơn nữa, và giá cả sẽ tăng lên,” ông nói với The Epoch Times. “Tôi không nghĩ biện pháp này sẽ giải quyết được vấn đề. Trên thực tế, tôi nghĩ nó có thể phản tác dụng vì làm giảm nguồn cung.”
Đồng quan điểm với các nhà lãnh đạo G7, ông Flynn cho rằng “các biện pháp trừng phạt mới dưới một cái tên khác” sẽ chỉ thành công nếu cả thế giới cùng đồng hành.
Ông nói thêm: “Và hiện tại, điều đó có vẻ không khả thi. Vì vậy, đây có lẽ là một hành động vô ích.”
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói với các phóng viên rằng sản lượng nội địa sẽ tăng trong năm nay và quốc gia này sẽ vận chuyển nhiều dầu hơn đến Á Châu.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov tiết lộ với các phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Viễn Đông của Nga rằng Moscow sẽ mở rộng các chuyến hàng dầu thô sang Á châu. Ông nói thêm rằng hành động của phương Tây có thể sẽ làm tăng giá.
Ông Shulginov cho biết: “Bất kỳ hành động nào nhằm áp đặt giới hạn giá sẽ dẫn đến thâm hụt trên thị trường của chính [các quốc gia khởi xướng] và sẽ làm tăng biến động giá cả.”
Các quan chức thừa nhận rằng sẽ có các biện pháp trả đũa, mặc dù họ không cung cấp thông tin chi tiết.
Bà Irina Tsukerman, nhà phân tích địa chính trị và an ninh quốc gia tại công ty quản lý chiến lược an ninh và danh tiếng Scarab Rising, lưu ý rằng giới hạn giá đối với dầu thô của Nga “không phải là thuốc chữa bách bệnh và không phải là sự thay thế cho năng lượng khoan từ Hoa Kỳ.”
Bà nói: “Nhưng có thể có lợi thế miễn là G7 không phụ thuộc vào ý tưởng duy nhất này để nghiền nát nền kinh tế Nga.”
Bà Tsukerman nói với The Epoch Times: “Dầu là trung tâm của nền kinh tế Nga, đặc biệt là bây giờ, và Nga thậm chí đã chuyển sang khám phá các biện pháp né tránh trừng phạt thông qua các kênh của Iran do việc mất doanh thu đang gây thiệt hại cho nền kinh tế của nước này trong dài hạn.”
“Trong những năm gần đây, dầu mỏ đã chiếm tới 30–40% ngân sách nhà nước. Với việc các lệnh trừng phạt làm giảm doanh thu không đến từ dầu tới 15%, tầm quan trọng của dầu đã tăng lên. Đồng thời, các lệnh trừng phạt đối với dầu cũng không gây thiệt hại nhiều đến doanh thu đến từ dầu của Nga, một phần là do Nga đã bù đắp từ việc gia tăng bán hàng cho các nước không thuộc phương Tây như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, và các nước khác. Điều đáng chú ý là Nga đã buộc phải giảm giá bán dầu của mình tới 20%, có nghĩa là giá trị tương đối đã giảm đáng kể.”
Bà Tsukerman nói thêm rằng một số quốc gia, chẳng hạn như Ấn Độ, đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của họ. Do đó, khó có khả năng các nước này liên tục mua thêm dầu thô, ngay cả với giá chiết khấu.
Bà nói thêm: “Nga phải phụ thuộc vào ít quốc gia hơn.”
Cho đến khi cuộc khủng hoảng năng lượng được giải quyết, bà Tsukerman cho rằng thế giới sẽ phụ thuộc vào Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sản xuất dầu của tổ chức này, OPEC+.
Trong khi đó, Âu Châu đang “phải trả một mức giá cao để đạt được đủ nguồn cung cấp khí đốt trước mùa đông,” ông Carsten Brzeski, người đứng đầu toàn cầu về kinh tế vĩ mô tại ING, lưu ý.
“Đồng thời, không có gì bảo đảm rằng các đợt thiếu hụt sẽ không xảy ra,” ông viết. “Vì Âu Châu vẫn phụ thuộc vào nhập cảng nhiều hơn trong những tháng mùa đông, nên có khả năng một mùa đông lạnh giá vẫn dẫn đến các đợt thiếu hụt. Nếu những đợt thiếu hụt này xảy ra thì sẽ là vào cuối đông. Tuy nhiên, hiện tại có vẻ như các vấn đề về cung cấp năng lượng có thể kéo dài từ mùa đông năm nay sang cả mùa đông năm sau.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times