Giá than Hoa Kỳ đạt ngưỡng 200 USD khi nhu cầu khẩn thiết về năng lượng của thế giới tăng lên trước mùa đông
Theo dữ liệu mới từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), giá than Hoa Kỳ đã tăng vọt lên 200 USD/tấn vào tuần trước.
Giá than giao ngay tại Central Appalachia tăng lên 204.95 USD/tấn trong tuần kết thúc hôm 30/09, tăng hơn 3% so với tuần trước. Đó là mức giá cao nhất kể từ năm 2005.
Giá than giao sau tại Newcastle, tiêu chuẩn cho Á Châu, chạm mức cao kỷ lục gần 450 USD/tấn, trước khi giảm xuống khoảng 400 USD.
Sản lượng than trong nước vẫn ổn định. Số liệu EIA cho thấy sản lượng than của Hoa Kỳ đạt tổng cộng 12.1 triệu tấn ngắn, tăng 1.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, sản lượng than từ đầu năm đến nay đạt gần 438 triệu tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. (Một tấn ngắn, hoặc chỉ một tấn ở Hoa Kỳ, bằng 2,000 pound. Một tấn dài, được sử dụng ở Vương Quốc Anh bằng 2,240 pound.)
Năm 2021, than đá chiếm hơn 1/5 (22%) sản lượng điện của Hoa Kỳ, sau khí đốt tự nhiên (38.3%). Để so sánh, quang phong và quang năng chỉ chiếm lần lượt 9.2% và 2.8% trong năm ngoái.
Tuy nhiên, nguồn nhiên liệu đã tăng mạnh khi nhu cầu toàn cầu tăng lên, đặc biệt khi Bắc bán cầu phải chịu đựng thời tiết lạnh giá và có tuyết.
Cuộc khủng hoảng nhu cầu năng lượng toàn cầu
Dữ liệu của S&P Global lưu ý rằng tổng khối lượng giao dịch giao ngay đã tăng 22% trong quý thứ ba, tăng so với giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Vào tháng Bảy, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự báo trong một bản cập nhật thị trường rằng tiêu thụ than trên toàn thế giới sẽ trở lại mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022.
IEA nêu trong báo cáo của mình: “Nhu cầu than toàn cầu đang được đẩy lên trong năm nay do giá khí đốt tự nhiên tăng, điều này đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ khí đốt sang than ở nhiều quốc gia, cũng như sự tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ. Những yếu tố đó đang được bù đắp một phần bằng việc tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và việc một số nhà sản xuất than lớn không có khả năng tăng sản lượng.”
Thật vậy, nhập cảng than của Trung Quốc đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ vào tháng Tám. Chiến lược Zero COVID của Bắc Kinh đã dẫn đến tình trạng phong tỏa nhiều trung tâm kinh tế của đất nước, điều này đã làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và gây áp lực lên nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa, từ đậu nành, dầu thô đến than đá.
Tuy nhiên, điều đó đã được bù đắp bởi nhu cầu mạnh mẽ của Âu Châu. Trong nửa đầu năm, than là nguồn sản xuất năng lượng lớn nhất của Đức, chiếm gần 30%, theo số liệu xác nhận từ Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER). Đó là kết quả của lệnh cấm nhập cảng than từ Nga của Liên minh Âu Châu (EU), buộc các thành viên khu vực đồng euro phải tìm kiếm các nguồn thay thế. Moscow đã cung cấp khoảng 70% than nhiệt cho EU trước khi có các hạn chế. Trong bảy tháng đầu năm 2022, Úc đã xuất cảng 2.9 triệu tấn than sang Âu Châu, tăng 73% so với nguyên năm 2021.
Nhu cầu than nhiệt từ đường biển của Âu Châu cũng được dự báo sẽ tăng 14%, tương đương 12 triệu tấn vào năm 2022.
Ông Adam Woods, nhà phân tích nghiên cứu cao cấp của Wood Mackenzie, viết trong một nghiên cứu gần đây: “Với việc nhiều quốc gia Âu Châu tăng cường sử dụng than nhiệt, công suất nhiệt điện than tăng thêm 9 gigawatt (GW) đã được cung cấp để đáp ứng nhu cầu năng lượng và bù đắp cho sự sụt giảm nhập cảng năng lượng của Nga. Giá than đang tăng mạnh, nhưng chúng vẫn phải chăng hơn giá khí đốt cao kỷ lục.”
Không chỉ các gia đình Âu Châu gặp khó khăn. Hiệp hội Giám đốc Hỗ trợ Năng lượng Quốc gia cảnh báo rằng hơn 20 triệu gia đình Hoa Kỳ đang chậm trễ trong việc chi trả các hóa đơn điện nước của họ. Tổ chức này ước tính rằng chi phí trung bình cho việc sưởi ấm nhà trong mùa đông sẽ tăng hơn 17%, lên 1,202 USD, mức cao nhất trong một thập niên (pdf).
Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), chi phí điện tăng gần 16% hàng năm vào tháng Tám.
Các chuyên gia nói, tình hình có thể còn trầm trọng hơn do các công ty sản xuất than đã chạy gần hết công suất mà không có cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sản lượng. Hơn nữa, sự rối loạn chuỗi cung ứng có thể ngăn cản các công ty mở rộng khả năng sản xuất.
IER lưu ý vào tuần trước: “Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng khởi đầu do sự kém hiệu quả của năng lượng tái tạo đã trở nên trầm trọng hơn khi Nga xâm lược Ukraine, dẫn đến việc Nga phải đóng cửa đường ống Nord Stream 1 do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng giá cao là do thiếu hụt năng lượng và Âu Châu đang tìm kiếm đủ nguồn cung cấp năng lượng để vượt qua mùa đông.”
Theo Fitch Solutions, giá than dự kiến sẽ giảm trong năm tới và năm 2024.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times