IEA: Tiêu thụ than toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay
Tiêu thụ than toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu cao ở Âu Châu, bất chấp những nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế “không carbon.”
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 16/12, việc sử dụng than dự kiến sẽ duy trì ở mức tương tự trong vài năm tới nếu không có nhiều nỗ lực hơn nữa để chuyển các quốc gia sang nền kinh tế carbon thấp.
IEA cho biết mặc dù việc sử dụng nhiên liệu chỉ tăng 1.2% vào năm 2022, nhưng lượng tiêu thụ đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là hơn 8 tỷ tấn, đánh bại kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2013, theo Coal 2022, báo cáo thường niên mới nhất của cơ quan này về thị trường ngành than.
Sản xuất điện than toàn cầu được thiết lập để đạt kỷ lục mới khoảng 10.3 terawatt giờ trong năm nay, trong khi sản lượng than được dự báo sẽ tăng 5.4% lên khoảng 8.3 tỷ tấn, một mức cao chưa từng có.
Báo cáo cho biết, sản lượng khai thác than dự kiến sẽ đạt mức cao nhất vào năm tới, nhưng được dự đoán sẽ giảm xuống dưới mức của năm 2022 sau năm 2025.
Theo IEA, nhu cầu than tăng nhiều nhất trong năm nay đến từ Ấn Độ, ở mức 7%, tiếp theo là Liên minh Âu Châu ở mức 6% và Trung Quốc ở mức 0.4%.
Cơ quan này tin rằng mức tiêu thụ than có thể sẽ vẫn tăng cho đến năm 2025, do việc sử dụng than giảm ở phương Tây được bù đắp bởi nhu cầu ở các nền kinh tế đang bùng nổ như Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia vẫn tiêu thụ than với số lượng lớn.
IAE cho biết: “Điều này có nghĩa là than đá sẽ tiếp tục là nguồn phát thải carbon dioxide lớn nhất của hệ thống năng lượng toàn cầu cho đến nay.”
Xu hướng mới nhất trái ngược với Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021, khi 194 quốc gia cam kết giảm sử dụng than để hạn chế lượng khí thải carbon.
Khủng hoảng Nga-Ukraine dẫn đến hồi sinh trong việc sử dụng than
Giá khí đốt tăng vọt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine kể từ tháng Hai đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, buộc nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Âu Châu, quay trở lại với các nguồn năng lượng tương đối rẻ hơn như than đá.
Sự phụ thuộc nặng nề của Âu Châu vào than đá trong năm nay phần lớn là do việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Sự hồi sinh của than đá, do cuộc khủng hoảng Ukraine, đã tạm thời ngăn cản nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách Âu Châu nhằm chuyển hướng sản xuất năng lượng sang năng lượng tái tạo, trong một chiến dịch toàn lục địa để không có carbon.
Trong khi đó, đợt nắng nóng và hạn hán ở Tây Âu vào mùa hè này đã làm tăng nhu cầu về điện trong bối cảnh thủy điện giảm.
Sản lượng điện hạt nhân ở Âu Châu cũng giảm sau khi Pháp đóng cửa nhiều lò phản ứng hạt nhân để bảo trì.
Ông Alexandru Mustața, một nhà vận động tại Europe Beyond Coal, nói với Bloomberg rằng, phân tích này “nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng trên diện rộng để chúng ta cắt giảm hóa đơn của người dân, bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng của chúng ta, và giữ nguyên các mục tiêu khí hậu thiết yếu.”
“Điều quan trọng là không có quốc gia Âu Châu nào sửa đổi kế hoạch loại bỏ hoàn toàn than đá vào năm 2030 và Âu Châu vẫn đang trên đà không còn than đá vào cuối thập niên này.”
Theo IEA, bất chấp sự bùng nổ, nhu cầu than của Âu Châu vào năm 2025 vẫn được dự đoán sẽ giảm xuống dưới mức của năm 2022.
Đối với các quốc gia ở Á châu và Phi châu, than đá vẫn là vua
Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia, ba nhà sản xuất than lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ đạt kỷ lục sản xuất trong năm nay.
Các nước xuất cảng than lớn khác như Colombia, Nam Phi, và Úc đã phải chật vật để đáp ứng nhu cầu từ các quốc gia Âu Châu vốn đang tích trữ nhiên liệu cho mùa đông.
Giá than nhiệt, được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các nhà máy năng lượng, đạt mức cao kỷ lục vào tháng Ba và tháng Sáu, khi tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu lên đến đỉnh điểm.
Báo cáo cho biết, mặc dù các nhà sản xuất than nhận được giá cao và lợi nhuận dễ chịu vào năm 2022, nhưng có rất ít dấu hiệu tăng đầu tư vào các dự án than định hướng xuất cảng, do các nhà đầu tư và công ty khai thác thận trọng về triển vọng sử dụng than trong trung và dài hạn.
Ông Keisuke Sadamori, giám đốc thị trường năng lượng và an ninh của IEA cho biết: “Nhu cầu than vẫn cao và có khả năng sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay, đẩy lượng khí thải toàn cầu tăng lên.”
Ông nói thêm: “Thế giới đang ở gần mức cao nhất trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó than đá sẽ là nguồn đầu tiên sẽ suy giảm, nhưng chúng ta vẫn chưa đạt đến thời điểm đó.”
Ông dự kiến việc sử dụng than sẽ duy trì ở mức cao cho đến năm 2024 do nhu cầu ngày càng tăng từ các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, và các quốc gia Đông Nam Á, nhưng có khả năng sẽ giảm do nhiều quốc gia viện đến các nguồn năng lượng tái tạo.
Phương Tây khuyến khích năng lượng xanh thông qua đầu tư toàn cầu
Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất toàn cầu, đã tuyên bố hồi tháng Mười rằng họ sẽ đẩy mạnh sản xuất đến năm 2025 để tránh lặp lại tình trạng thiếu điện vào năm 2021.
Tuy nhiên, Nam Phi, Indonesia, và Việt Nam đều đã cam kết thỏa thuận với các nước phát triển trong năm qua là sẽ thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi từ than đá sang các nguồn năng lượng tái tạo như phong năng và quang năng.
Financial Times đưa tin, tháng trước (11/2022), Indonesia đã ký một thỏa thuận đầu tư trị giá 20 tỷ USD để tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, với lời hứa giảm lượng khí thải vào năm 2030.
Ấn Độ cũng đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2070, nhưng vẫn sẽ tiếp tục tăng mức tiêu thụ than trong vài năm tới.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Associated Press
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times