Đức, Na Uy đạt thỏa thuận về nguồn cung cấp hydro xanh
Một công ty năng lượng lớn của Na Uy đã đạt được một thỏa thuận cung cấp hydro “xanh” cho nền kinh tế lớn nhất Âu Châu.
Theo Deutsche Welle, hôm 05/01, công ty Equinor của Na Uy đã công bố một thỏa thuận để cung cấp hydro carbon thấp cho công ty điện lực Đức, RWE, trong bước đầu tiên hướng tới việc thay thế khí đốt tự nhiên và than đá.
Nhà cung cấp Na Uy này đã đồng ý xây dựng các nhà máy điện chạy bằng hydro ở Đức trong vài năm tới, cùng với một đường ống dẫn chính để cung cấp khí đốt cho nước láng giềng phía nam này của họ.
Không có tuyên bố nào về việc có bao nhiêu nhà máy điện sẽ được xây dựng, hoặc chi phí đầu tư của mỗi bên là bao nhiêu.
Đức tìm kiếm năng lượng mới thay thế cho khí đốt của Nga
Cuộc chiến ở Ukraine đã buộc Đức phải chấm dứt sự phụ thuộc lâu dài vào khí đốt của Nga, trong khi nền kinh tế của nước này phải gánh chịu giá năng lượng tăng cao.
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine và việc Nga mất nguồn cung khí đốt do các lệnh trừng phạt và sự cố đường ống, Na Uy đã trở thành một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Đức, đáp ứng 40% nhu cầu của nước này.
Chính phủ Đức dự định đạt được sự trung hòa về carbon vào năm 2045, đồng thời họ có kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng than vào năm 2038.
Đức cũng đã từng bước đóng cửa mạng lưới điện hạt nhân kể từ thảm họa Fukushima hơn một thập niên trước.
Chính phủ Na Uy có các kế hoạch tương tự về khí hậu, bao gồm xây dựng và phát triển năng lượng gió ngoài khơi, các cơ sở thu hồi và lưu trữ carbon, cũng như điện khí hóa các giàn khoan dầu khí.
Đức, Na Uy thắt chặt liên minh năng lượng
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, người đã đến thăm Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre hồi năm ngoái (2022) để thảo luận về dự án chung này, đã nói chuyện tại Oslo trong cuộc họp báo chung hôm 06/01.
Theo một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo này đã bàn về một thỏa thuận kể từ tháng 03/2022, sau khi họ gặp nhau để cân nhắc tính khả thi của việc xây dựng một đường ống vận chuyển khí hydro từ Na Uy.
Ông Habeck nói rằng Đức rất cần các nhà máy có thể sản xuất năng lượng hydro và nước này cần hydro đã khử cacbon từ Na Uy để thực hiện kế hoạch đó.
Ông Stoere nói với các phóng viên: “Giữa cuộc khủng hoảng năng lượng, chúng tôi thấy tầm quan trọng của Na Uy với tư cách là một nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho Âu Châu, nhưng chúng tôi cũng thấy tầm quan trọng của việc chúng tôi chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng tái tạo.”
Ban đầu, những nhà máy điện mới này sẽ sử dụng khí đốt tự nhiên nhập cảng của Na Uy, trước khi chuyển sang sản xuất hydro “xanh” carbon thấp, và cuối cùng là hydro “xanh.”
Đề nghị chung xây dựng đường ống hydro được hỗ trợ bởi công ty Gassco, nhà điều hành đường ống Na Uy, hiện đang tiến hành một nghiên cứu để đánh giá tính khả thi của kế hoạch này và dự kiến sẽ công bố kết quả vào mùa xuân.
“Thông qua sự hợp tác này, chúng tôi sẽ tăng cường an ninh năng lượng dài hạn cho quốc gia công nghiệp hàng đầu Âu Châu,” ông Anders Opedal, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Equinor, cho biết trong một thông cáo báo chí chung với các giám đốc điều hành của RWE.
Những người ủng hộ việc xem năng lượng hydro là tương lai
Theo Bloomberg, Berlin muốn dần dần mở rộng sản xuất hydro “xanh” như một phần trong các mục tiêu năng lượng dài hạn của mình, vì nguồn năng lượng sạch có thể giảm 65% lượng khí thải carbon xuống mức của năm 1990 vào năm 2030.
Phong trào Xanh này đã thúc đẩy năng lượng dựa trên hydro trong nhiều năm, vì năng lượng này chủ yếu thải ra hơi nước khi đốt cháy.
Việc sản xuất hydro “xanh” quy mô lớn, vốn được tạo ra bằng cách tách hydro khỏi các phân tử nước thông qua năng lượng mặt trời và gió, còn nhiều năm nữa mới khả thi.
Hydro “xanh”, là giải pháp thay thế rẻ hơn và trực tiếp nhất, được sản xuất bằng cách đốt khí tự nhiên và về lý thuyết có thể thu và lưu trữ hơn 95% lượng khí thải carbon.
Ông Markus Krebber, Giám đốc điều hành của RWE cho biết trong một thông cáo báo chí: “Có một nhu cầu cấp thiết về sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế hydro.”
Ông nói thêm: “Hydro xanh với số lượng lớn có thể tạo ra sự khởi đầu, sau đó chuyển đổi thành nguồn cung cấp hydro xanh.”
Để hoàn thành dự án này, kho lưu trữ dưới lòng đất cho lượng khí thải carbon được tạo ra trong quá trình sản xuất nhiên liệu hydro, vốn hiện đang bị cấm ở Đức, vẫn cần được xây dựng.
Ông Habeck nói rằng Berlin đang lên kế hoạch ban hành luật vào năm 2024 để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này bằng cách dỡ bỏ lệnh cấm trên.
‘Một bước lùi xa hơn’
Tuy nhiên, nhiều nhóm môi trường phản đối sự phát triển của các cơ sở hydro “xanh,” do sự phụ thuộc của chúng vào khí đốt tự nhiên.
Ông Sascha Müller-Kraenner, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hành động Môi trường Đức (DUH), đã phản đối: “Nếu chúng ta muốn đẩy lùi hoàn toàn cuộc khủng hoảng năng lượng này, thì chúng ta cần một nguồn cung cấp năng lượng xanh phát triển không ngừng.”
“Tuy nhiên, việc nhập cảng hydro xanh sẽ là một bước lùi về một quá khứ sử dụng nhiên liệu hóa thạch,” ông nói thêm.
Tổ chức của ông đã phản đối chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng tiêu chuẩn đầu tiên của Hoa Kỳ đến Đức tại cảng Wilhelmshaven trong tuần này.
Ban lãnh đạo của Đảng Xanh, trong đó có ông Habeck, đang phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ một số người ủng hộ chính đảng này vì đã thúc đẩy vận chuyển khí đốt từ Hoa Kỳ như một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
Đảng Xanh là một trong ba đảng trong liên minh cầm quyền điều hành nước Đức.
Các nhà hoạt động khí hậu của Đức cảm thấy bị đảng ủng hộ môi trường này phản bội vì đã cho phép sử dụng than đá như một biện pháp năng lượng tạm thời để giúp người dân không bị lạnh cóng trong mùa đông này.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times