EU liệt kê hồ sơ nhân quyền tàn bạo của Trung Quốc nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền
Ngày 10/12 là Ngày Quốc tế Nhân quyền. Phái đoàn Liên minh Âu Châu trú tại Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố nhấn mạnh tình hình nhân quyền “rất nghiêm trọng” của Trung Quốc, bao gồm các quyền công dân và chính trị không được bảo vệ hoặc thậm chí bị xâm phạm. Liên minh Âu Châu (EU) kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngừng thực hiện “giám sát cư trú,” trả tự do vô điều kiện cho những người bảo vệ nhân quyền như luật sư Cao Trí Thịnh, đồng thời lên án việc ĐCSTQ đàn áp quyền tự do ngôn luận, đàn áp các ký giả ngoại quốc và sử dụng cực hình để lấy khẩu cung.
“Nhân quyền là phổ quát, không thể chia cắt, và tồn tại phụ thuộc vào nhau,” EU cho biết trong một tuyên bố. “Điều đó có nghĩa là mọi người đều được hưởng các quyền đó. Tất cả quyền con người đều có tầm quan trọng như nhau, quyền con người là tương quan và được áp dụng vào mọi thời điểm, kể cả trong thời điểm xung đột hoặc khủng hoảng. Nhân quyền không thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa lý hoặc văn hóa.”
Tuyên bố nói rằng thế giới đang kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, trong đó nêu cao khái niệm đơn giản rằng quyền lợi không phải được trao cho, mà thuộc về tất cả mọi người.
EU: Tình hình nhân quyền ở Trung Quốc rất nghiêm trọng
Trong tuyên bố của mình, EU đặc biệt nêu ra rằng ở Trung Quốc, “các quyền công dân và chính trị không được bảo đảm. Hơn nữa trong một số trường hợp, những quyền này bị xâm phạm một cách có chủ ý và có hệ thống.”
“Trong bối cảnh này, EU nhắc lại mối lo ngại của mình về tình hình nhân quyền rất nghiêm trọng ở Trung Quốc. Đồng thời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật pháp trong nước và quốc tế, bao gồm cả hiến pháp của chính họ; tôn trọng, bảo vệ và thực hiện nhân quyền cho tất cả mọi người, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người thuộc các dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ trên khắp Trung Quốc.”
EU cho biết báo cáo đánh giá của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) đã xác nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. EU nhấn mạnh sự cần thiết của “công lý và trách nhiệm giải trình,” kêu gọi phía Trung Quốc hợp tác với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền trong việc thực hiện các đề nghị của báo cáo.
“Cần tạo điều kiện cho một ‘cuộc thảo luận thực chất’ về tình hình nhân quyền ở Tân Cương dựa trên báo cáo đánh giá.” EU nhấn mạnh thêm rằng những mối lo ngại nghiêm trọng bao gồm: giam giữ tùy tiện hàng loạt, giám sát quy mô lớn, theo dõi và thực thi các biện pháp hạn chế, lao động cưỡng bức, tra tấn, cưỡng bức phá thai và triệt sản, chính sách kế hoạch hóa gia đình và ly tán gia đình cũng như bạo lực giới tính.
EU đặc biệt lo ngại về những hạn chế nghiêm khắc và có hệ thống (của ĐCSTQ) đối với việc (công dân) thực hiện các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như những hạn chế có hệ thống đối với “quyền của người thiểu số được hưởng nền văn hóa và sử dụng ngôn ngữ của riêng họ” trong môi trường riêng tư và công cộng, kể cả trong lĩnh vực giáo dục.
“Những hạn chế này có khả năng dẫn đến sự tuyệt chủng về văn hóa. Ở Tây Tạng, các trường nội trú bắt buộc và việc lấy mẫu DNA là minh chứng rõ hơn cho tình hình nhân quyền nghiêm trọng.” EU tiếp tục kêu gọi các chuyên gia quốc tế độc lập, nhà báo và nhà ngoại giao ngoại quốc có quyền tiếp cận, không hạn chế và không bị giám sát tới Tây Tạng, Tân Cương và các khu vực khác của Trung Quốc,” tuyên bố cho biết.
Theo ước tính, Trung Quốc có số lượng án tử hình và hành quyết nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại. EU kêu gọi Trung Quốc “tăng cường tính minh bạch” trong việc áp dụng và kết án tử hình, đồng thời giảm thiểu số lượng tội danh tử hình của tội hình sự.
ĐCSTQ cần trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Cao Trí Thịnh và những người bảo vệ nhân quyền khác
EU cho biết những người bảo vệ nhân quyền, luật sư nhân quyền, ký giả, ký giả độc lập, nhân viên truyền thông và trí thức khác, vẫn tiếp tục phải đối mặt với “sự quấy rối, đe dọa và giám sát,” đồng thời bị đe dọa cấm xuất cảnh, quản thúc tại gia, tra tấn và ngược đãi, giam giữ phi pháp, kết án và cưỡng bức mất tích.
Liên minh này kêu gọi phía Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quy định của pháp luật, trình tự hợp pháp và bảo đảm xét xử công bằng, đồng thời “điều tra kỹ lưỡng các trường hợp được báo cáo về việc giam giữ tùy tiện, tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ nhục, cũng như quấy rối những người bảo vệ nhân quyền và gia đình họ.”
“Những người bị giam giữ có quyền được tiếp cận với luật sư mà họ lựa chọn, được hỗ trợ y tế và liên lạc với gia đình. Trung Quốc (ĐCSTQ) nên chấm dứt hoạt động giám sát cư trú tại các địa điểm được chỉ định (RSDL), vốn đã bị các chương trình đặc biệt của Liên Hiệp Quốc lên án.” Tuyên bố nêu rõ: “Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng nên ngừng sử dụng tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ nhục đối với những người bị giam giữ nhằm mục đích ép buộc và thú tội công khai.”
EU tiếp tục chú ý đến diễn biến của tình hình và kêu gọi phía Trung Quốc phóng thích “ngay lập tức và vô điều kiện”: Mục sư Tào Tam Cường, Thường Vĩ Bình, Trần Vân Phi, Trình Uyên, Đinh Gia Hỉ, Cao Trí Thịnh, Go Sherab Gyatso, Quách Tuyền, Hà Phương Mỹ, Hoàng Kỳ, Hoàng Tuyết Cầm, Ilham Tohti (người đạt giải thưởng Sakharov), Kamile Wayit, Lý Kiều Sở, Lý Diên Hạ, Lý Dục Hàm, Bành Lập Phát, Tần Vĩnh Mẫn, Đàm Vĩnh Phái, Rinchen Tsultrim, Nguyễn Hiểu Hoàn, Tashi Tashi Dorje, Tashpolat Tiyip, Vương Ái Trung, Vương Bính Chương, Vương Kiến Binh, Mục sư Vương Di, Vương Tàng, Hứa Na, Từ Tần, Hứa Diễm, Hứa Chí Vĩnh, Dương Mậu Đông, Mục sư Trương Xuân Lôi, Trương Triển và công dân EU Quế Mẫn Hải (quyền tiếp cận lãnh sự của ông Quế Mẫn Hải phải được tôn trọng).
Tự do ngôn luận bị áp chế, phóng viên truyền thông ngoại quốc bị đàn áp
EU nhấn mạnh rằng ở Trung Quốc, các ký giả và người làm truyền thông phải chịu sự kiểm duyệt, đe dọa và giám sát, đồng thời “quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin ngày càng bị áp chế.” Các ký giả và nhân viên truyền thông ngoại quốc ở Trung Quốc vẫn tiếp tục phải đối mặt với “quấy rối, đe dọa, giam giữ tùy tiện, hạn chế thị thực, giám sát” và các vấn đề khác do công việc của họ. EU nhấn mạnh vai trò then chốt của quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí đối với một nền chính trị tốt, đồng thời kêu gọi phía Trung Quốc tôn trọng quyền “biểu tình một cách hòa bình,” duy trì cam kết loại bỏ bạo lực tình dục và giới tính, đồng thời bảo vệ các nhà hoạt động nữ bị vi phạm và lạm dụng nhân quyền.
Tình hình nhân quyền ở Hồng Kông
EU vẫn lo ngại về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông. Việc sử dụng mang tính đàn áp “Đạo luật An ninh Quốc gia” và “Pháp lệnh Nổi loạn” đã phá hoại các quyền tự do cơ bản.
“Những cải cách toàn diện trong hệ thống bầu cử (Hồng Kông) đã làm xói mòn các nguyên tắc dân chủ và đa nguyên chính trị.” Tuyên bố nói rằng EU đặc biệt lo ngại về những phiên tòa xét xử các chính trị gia và nhà dân chủ, đặc biệt là trường hợp của ông Jimmy Lai. EU kêu gọi chính quyền trung ương ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông “khôi phục lại sự tôn trọng đầy đủ đối với pháp quyền, các quyền tự do cơ bản và các nguyên tắc dân chủ.” Đây là chìa khóa để Hồng Kông duy trì mức độ tự chủ cao theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ,” tuân thủ Luật cơ bản của Hồng Kông cũng như các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc.