ĐCSTQ tăng cường kiểm soát xã hội, siết chặt truyền thông và tư tưởng
Trước nguy cơ sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thúc đẩy mạnh mẽ cái gọi là “kinh nghiệm Phong Kiều,” khích lệ người dân đấu tranh lẫn nhau, đồng thời các nhân viên an ninh quốc gia ngày càng hoạt động tích cực. Khi xã hội bị kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt, thì sự căng thẳng giữa truyền thông và ý thức hệ cũng trở nên đặc biệt rõ ràng.
“Nói kiểu phương Tây” là có tội, cấm truyền thông phiên dịch truyền thông ngoại quốc
Ông Lý Tư Mẫn (Li Simin), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Đại học Khoa học và Công nghệ Quảng Tây đã bị kết án 11 năm tù vì nhận hối lộ. Thông tin chi tiết về vụ việc đã được tiết lộ trong tháng này (tháng 12/2023) trên tạp chí “Giám sát và Kiểm tra Kỷ luật Trung Quốc” số mới nhất.
Bài báo nói rằng ông Lý Tư Mẫn “nói kiểu phương Tây,” bài diễn văn khai mạc của ông luôn nói về một ngôi trường Âu Mỹ nổi tiếng như thế nào, cho rằng nhân viên của ngôi trường ông lạc hậu trong tư tưởng. Bài báo chỉ trích ông Lý chỉ đề danh tính hiệu trưởng trên bảng tên trong các cuộc họp, mà không đề cập đến chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy.
Mặc dù ông Lý đã bị kết án vì tội hình sự, nhưng ông vẫn bị chỉ trích vì không muốn đề cập đến danh tính của mình là Phó Bí thư Đảng ủy.
Ngoài ra, ông Phan Tân Tường (Pan Xinxiang), cựu Hiệu trưởng và nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Hải Dương, Quảng Đông, đã bị “ngã ngựa” vào cuối tháng Mười năm nay. Trong bản cáo trạng của ông cũng bao gồm một điều không liên quan đến tội hình sự, đó là “tự ý thay đổi một quyết định quan trọng do tổ chức Đảng đưa ra.”
Nhà văn độc lập Gia Cát Minh Dương (诸葛明阳) cho biết: “Các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc là tuyến đầu trong việc thúc đẩy hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Chính quyền ĐCSTQ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Đảng ủy sẽ lãnh đạo công tác nhà trường một cách thống nhất. Việc ông Lý Tư Mẫn không muốn nhắc đến danh tính Phó Bí thư Đảng ủy cũng trở thành tội. Điều này cho thấy ĐCSTQ không yên tâm về địa vị cầm quyền của mình, do đó muốn tăng cường kiểm soát tư tưởng.”
Gần đây có tin tức lan truyền ở ngoại quốc rằng, hồi tháng Bảy năm nay, một hãng thông tấn nổi tiếng ở Thượng Hải đã để một cán bộ chính trị làm Tổng giám đốc. Sau đó, hãng thông tấn này ban hành “lệnh cấm dịch thuật các kênh truyền thông ngoại quốc,” yêu cầu các biên tập viên và phóng viên khi không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng truyền thông ngoại quốc để đưa tin, thì chỉ có thể trích dẫn những bài viết đã dịch từ Tân Hoa Xã. Trước đó, hãng thông tấn này đã thu hút nhiều sự chú ý vì tích cực dịch thuật các bài báo từ truyền thông phương Tây.
Một số nhà phân tích cho rằng trong thời gian gần đây, số lượng các hãng thông tấn của ĐCSTQ trích dẫn thông tin từ truyền thông ngoại quốc và bị kiểm duyệt đã ngày càng gia tăng. Đây là một biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ luồng đưa tin của truyền thông ngoại quốc vào Trung Quốc.
Truyền thông Hồng Kông, vốn ban đầu tương đối tự do, đã dần bị mất quyền tự do ngôn luận kể từ khi ĐCSTQ ban hành “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông.” Đầu tiên là Apple Daily bị đóng cửa và ông chủ Jimmy Lai của hãng này bị kết án tù. Mới đây, tờ Minh Báo bất ngờ đơn phương tuyên bố sẽ hủy bỏ chuyên mục của ông Hà Minh Tu (He Mingxiu), Giáo sư Khoa Xã hội học tại Đại học Quốc gia Đài Loan.
Ông Hà Minh Tu đã viết chuyên mục này trong suốt 5 năm qua. Hôm 02/12, ông Hà viết trên Facebook rằng ông đã nhận được một thư điện tử “rất thẳng thắn” từ tờ báo, thông báo rằng chuyên mục về Đài Loan đã bị hủy bỏ. Tờ báo không đưa ra lời giải thích nào, hơn nữa ngữ khí rất ngang ngược.
Ông nói rằng mọi người đều biết những khó khăn dưới sức ép của Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, và công tác truyền thông là công việc đầu tiên phải đương đầu với khó khăn này. “Người có tâm sẽ cố gắng hết sức hiệp trợ trong phạm vi có thể, dù vô lực phản kháng thì người khác cũng sẽ thông cảm, không đến mức cưỡng cầu. Còn hành vi của những kẻ bán linh hồn và lương tâm, chung mưu theo dòng, thì hãy để lịch sử bình luận,” ông Hà cho biết.
ĐCSTQ nhắc lại “kinh nghiệm Phong Kiều” để tăng cường kiểm soát xã hội
Việc tăng cường kiểm soát xã hội của ĐCSTQ không chỉ nằm trong lĩnh vực tư tưởng. Trong những tháng gần đây, chính quyền ĐCSTQ đã thúc đẩy mạnh mẽ cái gọi là “kinh nghiệm Phong Kiều,” khích lệ người dân đấu tranh lẫn nhau, đồng thời các nhân viên an ninh quốc gia cũng đang tích cực hoạt động.
Hôm 06/11, lãnh đạo ĐCSTQ đã họp tại Bắc Kinh với đại diện của 104 đơn vị trên toàn quốc được Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương lựa chọn để thực hiện “Phương pháp làm việc theo phong cách Phong Kiều.” Cuộc họp nhấn mạnh sự phát triển của “kinh nghiệm Phong Kiều” trong thời đại mới.
Từ ngày 23/11 đến ngày 24/11, tại Diễn đàn Cục trưởng Cục Công an Toàn quốc được tổ chức tại thành phố Hàng Châu, Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) tuyên bố rằng cần nâng cao nhận thức chính trị, tuân thủ và phát triển “kinh nghiệm Phong Kiều trong thời đại mới.”
“Kinh nghiệm Phong Kiều” là một cách làm vô nhân đạo được ĐCSTQ sử dụng ở huyện Phong Kiều, tỉnh Chiết Giang vào những năm 1960. Đây là hình thức sử dụng quần chúng để giám sát, cải tạo và đấu tranh chống lại “kẻ thù giai cấp.” Tháng 11/1963, lãnh đạo ĐCSTQ đương thời Mao Trạch Đông đã đích thân ra chỉ thị đẩy mạnh “kinh nghiệm Phong Kiều” trên khắp cả nước. Kiểu “quần chúng chuyên chính” này thường xuyên được sử dụng, khiến một số lượng lớn các quan chức cấp cơ sở của ĐCSTQ và bốn nhóm người được gọi là “địa, phú, phản, hoại” [địa chủ, giàu có, phản loạn, xấu xa], v.v. đã bị bức hại đến thiệt mạng.
Trên thực tế, “kinh nghiệm Phong Kiều” là một thủ đoạn kiểm soát xã hội do ĐCSTQ khởi xướng để người dân đấu tranh lẫn nhau.
Tại cuộc họp công tác nhằm thúc đẩy “kinh nghiệm Phong Kiều” ở tỉnh Hồ Bắc và Thiểm Tây, Tổng tư lệnh Cảnh sát vũ trang địa phương cũng đã tham dự cuộc họp. Hôm 04/12, ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một học giả ở Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng khi “kinh nghiệm Phong Kiều” được thúc đẩy vào những năm 1960, cảnh sát vũ trang không tham gia. Hiện nay, Tổng tư lệnh Cảnh sát vũ trang đã tham gia cuộc họp liên quan ở địa phương, cho thấy giới cao tầng của ĐCSTQ đã sẵn sàng, nếu chính quyền địa phương không giải quyết được các cuộc biểu tình dân sự thì sẽ có cảnh sát vũ trang tới trấn áp.
Học giả: ĐCSTQ đang tăng cường củng cố hệ thống toàn trị
Sau khi ĐCSTQ thực thi “Luật phản gián” hối tháng bảy năm nay, Bộ An ninh Quốc gia vốn là cơ quan “ẩn mình” của ĐCSTQ đã đi lên tuyến đầu, và cũng ghi danh trương mục chính thức trên WeChat.
Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ đã đăng bài viết đầu tiên vào ngày 01/08 với nhan đề “Chống gián điệp cần huy động toàn xã hội,” khuyến khích toàn dân truy bắt gián điệp. Ngày 03/11, Bộ An ninh Quốc gia đã ban hành một văn bản khác mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực tài chính, nhằm ngăn chặn tình trạng giảm giá, bán khống, …
Hôm 04/12, ông Hứa Thành Cương (Xu Chenggang), Giáo sư tại Trung tâm Kinh tế và Thể chế Trung Quốc tại Đại học Stanford ở Hoa Kỳ, đã có bài diễn văn về “Nguồn gốc của chế độ và chủ nghĩa toàn trị Trung Quốc” tại Đại học Quốc gia Đài Loan.
Ông Hứa nói rằng trong thời kỳ cải cách và mở cửa kinh tế, ĐCSTQ đã từng phát triển thành một hệ thống độc tài phi tập trung, xã hội có thể dung nạp được sự đa dạng nhất định. Tuy nhiên, trong thập niên qua đảng này đã quay trở lại chế độ toàn trị. Đảng cai trị mọi việc trong nước và xã hội, kiểm soát mọi tài sản trong xã hội, có thể tước đoạt tài sản tư nhân bằng bạo lực và không cho phép bất kỳ mối đe dọa nào tồn tại.