Ông Tập Cận Bình cảnh báo một cuộc cách mạng văn hóa khác nhắm vào các đối thủ trong ĐCSTQ
Gần đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã và đang khơi lại một phương pháp gọi là “Kinh nghiệm Phong Kiều,” vốn được cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông ủng hộ trong Cách mạng Văn hóa (1966–1976). Hành động này đang được xem là một sự leo thang của cuộc tranh đấu quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 05/01, The Epoch Times đã phỏng vấn ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một luật gia và nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc tại Úc. Ông nói: “Có tin đồn từ trong ĐCSTQ rằng một nhóm ‘thái tử [đảng]’ do ông Lưu Nguyên, con trai của cựu phó chủ tịch ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ, đại diện đã hình thành sự đồng thuận chống lại chính quyền độc tài của ông Tập Cận Bình. Đối với ông Tập, thì việc này tượng trưng cho một thách thức trực tiếp lớn đối với ông ấy.”
Cái gọi là “các thái tử” ám chỉ thế hệ hậu duệ của các lãnh đạo và quan chức nổi tiếng của ĐCSTQ, những người vẫn có nhiều ảnh hưởng và sự giàu có trong chế độ này.
Ông Viên cho biết hôm 26/12/2023, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông Mao Trạch Đông, ông Tập đã có bài diễn văn tôn vinh ông Mao tại một buổi lễ ở quê của ông Mao. Thực ra, mục đích của ông Tập là để cảnh báo các thái tử đảng phản đối ông, sử dụng ông Mao như một lời nhắc nhở họ về sự đàn áp mà họ phải chịu đựng trong Cách mạng Văn hóa.
Ông Viên nói: “Lời nhắc nhở này bao gồm cả ‘Kinh nghiệm Phong Kiều.’ Việc ông Tập giới thiệu lại ‘Kinh nghiệm Phong Kiều’ là để nhắc nhở các thái tử này rằng cha mẹ của họ đã phải chịu đựng chế độ độc tài của ông Mao trong Cách mạng Văn hóa, và nếu họ tiếp tục chống lại ông Tập, thì ông ấy có thể sử dụng các biện pháp thời Cách mạng Văn hóa để nhắm vào họ một lần nữa. Liệu ông ấy có thể làm được như vậy hay không vẫn còn phải chờ xem.”
Cái gọi là Kinh nghiệm Phong Kiều vào những năm 1960, khi đó ĐCSTQ đã kêu gọi quần chúng tại một thị trấn ở huyện Chư Kỵ, tỉnh Chiết Giang, để “giám sát và cải cách” “bốn nhóm” người. “Bốn nhóm người” này là thuật ngữ chung mà ĐCSTQ dành cho “địa, phú, phản, hoại” [địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng, tá điền]. Chiến lược này chia dân chúng thành các giai cấp và khuyến khích đấu tranh giai cấp để thanh trừng những người được cho là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản này. Năm 1963, ông Mao Trạch Đông chỉ thị quảng bá Kinh Nghiệm Phong Kiều trên toàn quốc để củng cố quyền cai trị toàn trị của ĐCSTQ và đè bẹp kẻ thù của chế độ này ở cấp cơ sở. Cuộc đấu tranh giai cấp này đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người bị xếp vào bốn nhóm này.
Sự khinh thường ông Tập của các thái tử đảng
Hôm 03/01, ông Viên cũng đăng một bài viết trên trang nhất nói về cuộc khủng hoảng nội bộ của ĐCSTQ đang ảnh hưởng đến Đài Loan như thế nào trên tờ báo quốc gia Đài Loan, Liberty Times. Trong bài báo này, ông nói rằng những người trong cuộc nằm trong nội bộ ĐCSTQ đã tiết lộ với ông rằng ông Tập đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi lên nắm quyền. Một sự đồng thuận chính trị đã được hình thành giữa các thái tử đảng, những người đang tìm cách thâu đoạt quyền lực và loại bỏ ông Tập.
Trong bài báo, ông Viên cho biết cha và anh em của nhóm thái tử đảng này đã phải chịu sự thanh trừng chính trị tàn bạo của ông Mao trong Cách mạng Văn hóa, và một số người trong số họ thậm chí còn bị bức hại đến tử vong. Nhóm thái tử đảng hiện thời bao gồm hầu hết toàn bộ các thành viên có ảnh hưởng nhất trong các gia tộc hồng nhị đại của ĐCSTQ, và đây được cho là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất và chưa từng có tiền lệ đối với ông Tập kể từ khi ông lên nắm quyền.
Đồng minh cũ trở thành kẻ thù
Ông Viên cũng nói với The Epoch Times rằng theo thông tin hiện tại từ những người trong nội bộ ĐCSTQ, mối quan hệ giữa ông Vương Kỳ Sơn, cựu “phó chủ tịch nước” Trung Quốc, và ông Tập đã trở nên căng thẳng.
Ông Viên cho biết: “Trước đây, ông Vương Kỳ Sơn là một trong những đồng minh của ông Tập Cận Bình, giúp ông ấy thanh trừng vài đối thủ dưới danh nghĩa “chống tham nhũng,” nhưng trên thực tế, ông ấy đang tranh giành quyền lực. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Vương Kỳ Sơn rõ ràng là không hài lòng với các chính sách đối nội và ngoại giao của ông Tập trong những năm gần đây, điều mà ông tin rằng có khả năng khiến ĐCSTQ rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn.”
Ông Vương đã từng đứng thứ hai về quyền lực trong hệ thống cấp bậc của ĐCSTQ, ngay sau ông Tập. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những bằng hữu và cộng sự cũ của ông Vương Kỳ Sơn lần lượt bị bắt và đưa ra xét xử, và dư luận nhìn chung cho rằng mối quan hệ giữa ông Vương và ông Tập đã rạn nứt.
Khủng hoảng lòng trung thành
Ông Viên cũng tiết lộ rằng cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ông Tập đang gặp phải thực ra là từ những người được gọi là “những người trung thành” hiện tại mà ông đã đỡ đầu trong nhiều năm. Vấn đề là những người này không phải lúc nào cũng trung thành với ông Tập. Họ cũng đã thể hiện sự không trung thành ở một mức độ đáng kể.
Ông cho biết cuộc thanh trừng quân đội sâu rộng gần đây của ông Tập cho thấy ngay cả những người được chính tay ông bổ nhiệm cũng chán ghét các chính sách đối nội và ngoại giao của ông.
“Tóm lại, ông Tập Cận Bình hiện bị bao vây bởi một nhóm ‘những người hai mặt.’ Vì vậy, đây có lẽ là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất mà ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt,” ông Viên nói. “Cuộc khủng hoảng này có thể sẽ dẫn đến một cơn địa chấn chính trị lớn cho chế độ của ông Tập trong năm 2024.”
Cuộc thanh trừng quân đội của ông Tập
Hôm 29/12/2023, ĐCSTQ tuyên bố loại bỏ chín đại diện quân sự khỏi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) của Trung Quốc, trong đó có ba thượng tướng và ít nhất bốn trung tướng, chủ yếu từ Lực lượng Hỏa tiễn của ĐCSTQ và Cục Phát triển Thiết bị thuộc Quân ủy Trung ương.
Thông báo chính thức đó không đưa ra lý do cách chức, nhưng 3 trong số 9 người này có liên quan đến ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch cao cấp của Quân ủy Trung ương. Điều này có nghĩa là mối quan hệ giữa ông Tập và ông Trương đã xấu đi và ông Trương không thể bảo vệ cấp dưới của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, nhà bình luận thời sự Trung Quốc tại Hoa Kỳ Trần Phá Không (Chen Pokong) cho biết mặc dù ông Trương vẫn chưa mất quyền lực, nhưng thực tế thì ít nhất ba trong số chín tướng bị loại khỏi NPC có liên quan đến ông cho thấy mối quan hệ của ông Tập với ông khá bất ổn.
Theo ông Trần, ông Tập hiện đang từ chối và gạt ông Trương ra ngoài lề trong nội bộ ĐCSTQ, nhưng ông Tập vẫn chưa dám truy lùng vì rốt cuộc thì dù sao ông Trương cũng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Vì vậy, ông Tập đang cố gắng ổn định tình hình này càng nhiều càng tốt, nhưng rõ ràng là có sự chia rẽ trong quân đội.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Tâm và Michael Zhuang
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times