Ông Tập Cận Bình mở rộng đàn áp nội bộ để củng cố quyền lực
Tám quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị cách chức vào tuần đầu tiên của năm 2024.
Vào tuần đầu tiên của năm 2024, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thanh trừng 8 quan chức cao cấp của Đảng, tuyên bố rằng đây là một phần trong nỗ lực “chống tham nhũng” của họ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trấn áp tham nhũng.
Điều này có nghĩa là nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sử dụng các chiến thuật hung hăng hơn đối với những người chống đối mình, mang lại nhiều bất ổn hơn cho Trung Quốc.
Hôm 01/01, ông Chung Tử Nhiên (Zhong Ziran), cựu giám đốc Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc, được xác nhận là đang bị điều tra. Ông Chung là người đầu tiên bị chế độ thanh trừng trong năm 2024.
Chức vụ của 8 quan chức bị điều tra bao gồm từ các giám đốc điều hành của các ngân hàng hàng đầu được nhà nước hậu thuẫn, công ty năng lượng, và công ty bảo hiểm cho đến các quan chức chính phủ ở Tây Tạng và các khu vực khác.
Trong số đó, quan chức chính phủ Tây Tạng, ông Giang Khiết (Jiang Jie), giám đốc điều hành Tiêu Tinh (Xiao Xing) của công ty bảo hiểm Thái Bình và quan chức chính phủ Quảng Đông Trần Kế Hưng (Chen Jixing) bị cáo buộc là “không trung thành và không trung thực” với ĐCSTQ trong các công bố chính thức. Chi tiết chính xác của những cáo buộc đó vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, hôm 07/01, Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo, tuyên bố rằng Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, với nòng cốt là ông Tập, sẽ “lãnh đạo Đảng hướng tới một quy trình quản trị chặt chẽ và nghiêm khắc”. Theo bài báo này, các cuộc trấn áp gần đây đã thể hiện ý chí của ĐCSTQ trong việc tuân theo các quy định và thủ tục quản trị nghiêm ngặt của mình.
Hôm 08/01, một trang web quân sự của ĐCSTQ cũng đăng một bài viết về sự cần thiết phải giành chiến thắng trong cái gọi là “cuộc chiến chống tham nhũng”. Bài báo trích dẫn nhận xét của ông Tập, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung của ĐCSTQ.
Thanh trừng đối thủ
Nhà bình luận thời sự Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, ông Lục Thiên Minh (Lu Tianming) nói với The Epoch Times hôm 11/01 rằng những nỗ lực trấn áp gần đây của ông Tập nhằm mục đích thanh trừng tất cả các đối thủ của mình trong Đảng.
Ông Lục cho rằng trong diễn ngôn của ĐCSTQ, cái gọi là “quản trị nghiêm ngặt” không phải từ quan điểm pháp lý mà là từ quan điểm chính trị, nghĩa là nếu ông Tập cho rằng người dân không trung thành với ông thì ông sẽ có hành động để loại bỏ họ hoặc trấn áp họ.
“Do đó, chắc chắn sẽ có thêm nhiều quan chức chế độ bị thanh trừng tiếp theo, nhưng đây chỉ là cuộc đấu tranh chính trị nội bộ”, ông Lục nhận xét.
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một cựu luật sư đến từ Bắc Kinh và là Chủ tịch Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ ở Canada, cũng nói với The Epoch Times rằng việc ông Tập tăng cường thanh trừng là một xu hướng tất yếu vì ông là một nhà độc tài.
Ông Lại cho rằng hành vi của ông Tập trong những năm qua đã khiến Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, và xã hội toàn diện, đồng thời có rất nhiều bất bình và ý kiến mạnh mẽ chống lại ông Tập trong nội bộ ĐCSTQ.
Trong hoàn cảnh này, chế độ độc tài của ông Tập đang bị đe dọa, và để vượt qua khủng hoảng, ông ta chỉ có thể thực hiện các chiến dịch được gọi là “chống tham nhũng” có chọn lọc để thanh trừng một số quan chức chế độ, ông Lại nêu rõ.
“Như vậy, ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực cá nhân của mình bằng cách thanh trừng các quan chức trong chế độ,” ông Lại nhận định. “Tuy nhiên, những quan chức này và gia đình họ sẽ vô cùng bất mãn với cuộc thanh trừng, điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn dẫn đến phản ứng dữ dội, và toàn bộ tình hình sẽ chỉ dẫn đến một vòng luẩn quẩn chết chóc và tội lỗi.
“Vì vậy, chốn quan trường của ĐCSTQ sẽ càng trở nên đẫm máu hơn trong tương lai. Mức độ nghiêm trọng của cuộc thanh trừng sẽ ngày càng gay gắt và có nhiều quan chức sẽ bị ngã ngựa, đó là xu hướng mà tôi dự đoán trong tương lai ”.
Ông Lục tin rằng các quan chức trong chế độ cũng sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích của mình và họ sẽ chống trả, điều này sẽ làm gia tăng sự bất mãn của họ đối với ông Tập.
Ông Tập thanh trừng quân đội Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc đang trải qua một cuộc thanh trừng nội bộ, và việc ông Tập tiếp tục thanh trừng quân đội, đã thu hút sự chú ý rộng rãi.
Hôm 05/01, một bài báo trên tờ báo quân sự chính của ĐCSTQ, Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân, tuyên bố rằng chiến dịch chống tham nhũng của quân đội đã “giành được thắng lợi áp đảo” và “kết quả của chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục được thấy rõ.”
Theo báo cáo chính thức, ít nhất 10 tướng lĩnh và lãnh đạo quân đội cao cấp đã bị thanh trừng trong sáu tháng qua, nhưng chính quyền chưa bao giờ tiết lộ lý do.
Thông báo về đợt sa thải mới nhất trong quân đội Trung Quốc được đưa ra vào ngày 29/12/2023. Chín tướng quân đội đã bị cách chức đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), trong đó có 3 tướng và ít nhất 4 trung tướng, chủ yếu thuộc Lực lượng Hỏa tiễn của Trung Quốc và Cục Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương.
Thông báo chính thức của ĐCSTQ không đưa ra bất kỳ lý do nào cho việc sa thải họ. Cùng ngày, ĐCSTQ cũng tuyên bố bổ nhiệm cựu chỉ huy hải quân Đổng Quân (Dong Jun) làm bộ trưởng quốc phòng mới của Trung Quốc, thay thế cựu bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), người đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng vào tháng Tám năm ngoái (2023).
Nhà bình luận thời sự Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, ông Trần Phá Không (Chen Pokong), nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đó rằng các tướng lĩnh được công bố là những người phục vụ trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ và những người khác không phải là thành viên NPC, vẫn chưa được tiết lộ.
Ông Trần cũng cho rằng tình hình hiện nay trong quân đội Trung Quốc rất phức tạp và không có quân chủng nào thực sự trung thành với ông Tập, cũng như không thể thấy có tướng lĩnh nào thực sự trung thành với ông, nên rõ ràng là có sự chia rẽ trong quân đội.
Ông Trần nói: “ĐCSTQ đang thử nghiệm làn sóng Cách mạng Văn hóa bằng cách tập hợp những người trẻ tuổi và hô vang các khẩu hiệu Cách mạng.”
Các lực lượng chống ông Tập đang lan rộng không chỉ trong quân đội mà còn trong một số giới tinh hoa của ĐCSTQ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Epoch Times, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), cựu giáo sư luật Trung Quốc sống ở Úc, nói rằng một nhóm “thái tử”, đại diện bởi ông Lưu Nguyên (Liu Yuan), con trai của cựu Chủ tịch ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi), đã hình thành sự đồng thuận chống lại chế độ độc tài của ông Tập Cận Bình.
Ông Viên cho rằng, “việc ông Tập Cận Bình tưởng nhớ ông Mao Trạch Đông, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và cho phép những người cánh tả theo chủ nghĩa Mao tổ chức một cuộc tập hợp ở quê hương của Mao là Thiệu Sơn, tỉnh Hồ Nam, thực sự là một lời cảnh báo cho những người chống đối mình, rằng nếu họ tiếp tục làm như vậy, ông Tập có thể một lần nữa sử dụng chiến thuật tương tự như ông Mao đã sử dụng để phát động Cách mạng Văn hóa.”
Mười năm trước, vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông Mao vào năm 2013, các hoạt động kỷ niệm chính thức và dân sự trên khắp Trung Quốc được lệnh giảm bớt quy mô, nhưng năm ngoái, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông Mao, các nghi lễ kỷ niệm chính thức của ĐCSTQ đã tăng quy mô. Một hội nghị chuyên đề đã được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với sự tham dự của tất cả bảy ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ.
Cách tiếp cận Cách mạng Văn hóa
Nhận xét về cách tiếp cận cấp tiến của ông Tập Cận Bình, ông Lục Thiên Minh nói: “Một mặt, ông Tập sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực thanh lọc Đảng thông qua cái gọi là ‘quản trị nghiêm ngặt’, mặt khác, ông ấy đang chuẩn bị cho Cách mạng Văn hóa để thanh trừng người dân.”