Hành trình của ông Hứa Kỳ Lượng trong quân đội là hình mẫu cho cuộc tranh đấu và tự hủy diệt của ĐCSTQ
Ông Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), nguyên Phó Chủ tịch thứ Nhất Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là một nhân vật có con đường sự nghiệp rất suôn sẻ và thành công trong hàng ngũ quân đội của ĐCSTQ. Từng phục vụ dưới bốn thế hệ lãnh đạo Trung Quốc — từ ông Đặng Tiểu Bình đến ông Tập Cận Bình — ông Hứa có sự nghiệp được thăng tiến không ngừng cho đến khi về hưu ở tuổi 72.
Tuy nhiên, đầu tháng Một, hai Hoa kiều là nhân vật nổi tiếng tiết lộ trên mạng Internet rằng ông Hứa đã bị chính quyền bắt giữ và điều tra.
Nhà bình luận chính trị ở ngoại quốc Chu Hiểu Huy (Zhou Xiaohui) đã viết trong một bài đăng hôm 04/01 rằng ông biết được từ “một người bạn trong quân đội” rằng ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị điều tra ông Hứa Kỳ Lượng. Ông Chu nhận xét rằng sau khi cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bị đưa ra khỏi Đại hội 20 của ĐCSTQ một cách công khai và ông Lý Khắc Cường qua đời một cách bí ẩn, thì không có gì ngạc nhiên khi ông Từ, một trong những thân tín trung thành của ông Hồ, sẽ trở thành mục tiêu mới trong cuộc thanh trừng chính trị của ông Tập.
Bà Lý Tuyển (Li Jun), một nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc sống tại Úc, đăng trên nền tảng mạng xã hội X hôm 08/01 rằng bà nhận được một thư từ một người bạn, trong đó có viết: “Tin chấn động: ông Hứa Kỳ Lượng, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy và là tướng không quân, đã bị bắt khỏi nhà và đang bị điều tra.”
Dựa vào bối cảnh hàng loạt các cuộc thanh trừng trong quân đội ĐCSTQ hồi năm 2023, nhiều người tin rằng tin đồn này rất có thể là sự thật.
Giữa những tin đồn ngày càng rầm rộ, ông Hứa đã công khai xuất hiện tại buổi biểu diễn mừng Năm Mới do Quân ủy ĐCSTQ tổ chức hồi cuối tháng Một. Nếu tin đồn điều tra là đúng, thì sự xuất hiện trở lại của ông Hứa dường như cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang tạm dừng cuộc thanh trừng quân sự sâu rộng của mình.
Những lần thăng tiến bất thường trong thời kỳ cai trị của ông Đặng
Khi mới vào nghề, ông Hứa là một trong những phi công giỏi nhất và đã biểu diễn màn trình diễn bay trên Quảng trường Thiên An Môn trong một cuộc duyệt binh vào thời gian mà ông Đặng Tiểu Bình còn làm lãnh đạo.
Sự thăng tiến của ông qua các cấp bậc quân sự, giống như những hoạt động bay của ông vậy, thẳng tiến lên mây. Trong hệ thống thăng tiến từng bước một của ĐCSTQ, ông liên tục phá kỷ lục về tuổi tác, trở thành chỉ huy sư đoàn ở tuổi 33, phó chỉ huy Lực lượng Không quân số Bốn ở tuổi 34, chỉ huy Lực lượng Không quân số Tám ở tuổi 40, sĩ quan chuyên trách của Đại Quân Khu ở tuổi 44, thành viên của Quân ủy Trung ương ở tuổi 57, Phó Chủ tịch Quân ủy và Ủy viên Bộ Chính trị ở tuổi 62, khiến ông trở thành một trong những tướng lĩnh thăng tiến nhanh nhất trong quân đội thời kỳ hậu Cách mạng Văn hóa.
Giữa những lần thăng chức này, ông đã nhiều lần được cử đến Đại học Quốc phòng để tiếp tục học tập.
Bước tiến quan trọng trong sự nghiệp của ông Hứa đến ngay sau khi ông Lưu Hoa Thanh và ông Trương Chấn trở thành phó chủ tịch Quân ủy tại Đại hội Nhân dân Toàn quốc lần thứ 14 của ĐCSTQ hồi năm 1992.
Trước Đại hội 14, ông Đặng đã tiếp cận ông Lưu và ông Trương. Ông chỉ thị cho họ rằng: “Nhiệm vụ quan trọng nhất trong vài năm này là chọn những người kế vị, và trong toàn quân phải chọn ra một nhóm người từ 40 đến 50 tuổi và đưa vào những vị trí nhất định để trau dồi thêm. Việc chọn người không thể hoàn toàn là từng bước một, tập quán chung theo thông lệ. Một số cá nhân nên được phép phá vỡ các quy tắc.”
Sự chỉ dẫn của ông Đặng đã trực tiếp dẫn đến việc ông Hứa được thăng chức trong những năm tiếp theo. Ông đã thăng hai bậc từ năm 1993 đến năm 1994 và trở thành sĩ quan chuyên trách tại Đại Quân Khu khi mới 44 tuổi.
Ai cũng biết rằng lực lượng vũ trang duy trì quyền lực chính trị của ĐCSTQ, và làm chủ quân đội có nghĩa là làm chủ quyền lực chính trị.
Ông Đặng nắm quyền kiểm soát quân đội và do đó là nhà lãnh đạo tối cao thực sự của ĐCSTQ trong nhiều năm. Cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân đã nắm quyền kiểm soát quân đội trong 10 năm và có thể thực hiện quyền kiểm soát trong 10 năm trị vì của ông Hồ Cẩm Đào.
Xét về trình độ, gần như tất cả các thái tử đảng của ĐCSTQ — thế hệ thứ hai của những bô lão có ảnh hưởng trong Đảng — đều có thể trở thành lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ như ông Tập. Do đó, họ đặt ra một mối đe dọa tiềm tàng đối với vị trí lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, các thái tử trong quân đội lần lượt bị thanh trừng. Cho đến nay, về cơ bản tất cả họ đã bị loại bỏ, và ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), người duy nhất còn lại, đang bị gạt ra ngoài lề.
Nói cách khác, khi lịch sử của ĐCSTQ bước vào thời kỳ của ông Tập Cận Bình, xuất thân được nhiều người ghen tị của các thái tử đảng này hóa ra lại là một rủi ro chính trị.
Một số nhà quan sát Trung Quốc tin rằng xuất thân bình dân của ông Hứa thực sự đã mang lại lợi thế cho ông và cứu ông khỏi tình trạng hỗn loạn chính trị.
Mối liên hệ của ông Hứa với ông Hồ Cẩm Đào
Hồi tháng Một, ông Hứa bất ngờ bị đồn đang bị điều tra, và rất có thể tin đồn này không chỉ là tin đồn. Ông Hứa được ông Hồ Cẩm Đào thăng chức lên làm Phó Chủ tịch Quân ủy, và trước khi ông Trương Hựu Hiệp kế nhiệm, thì ông đã tạo dựng được nhiều mối quan hệ và uy tín trong quân đội.
Trước thềm Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, sự bày tỏ lòng trung thành và ủng hộ của quân đội đối với ông Tập Cận Bình đột nhiên giảm sút, và ông Hứa không hề đề cập đến việc “xây dựng vị thế lãnh đạo cốt lõi của Đồng chí Tập Cận Bình trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng và toàn thể Đảng” trong một bài phát biểu công khai tại một cuộc họp. Điều này là vô cùng bất thường trong hệ thống quân sự của ĐCSTQ.
Ngoài ra, một bài báo trực tuyến trên tờ báo quân sự của ĐCSTQ và trang web của Bộ Quốc phòng đã đưa ra lập luận phản đối “sự cai trị của con người” trong quản lý quân sự, ngầm phủ nhận quyền ra quyết định độc tôn của ông Tập.
Ông Hứa có thể đã xúc phạm ông Tập bằng những hành động tinh vi này.
Sau đó, tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 20, ông Hồ đã bị công khai đuổi khỏi địa điểm này, và không ai trong phe của ông Hồ còn ngồi yên ổn trong cơ quan chính trị hàng đầu của ĐCSTQ. Một năm sau, cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, một thành viên chủ chốt của phe ông Hồ, đã qua đời một cách bí ẩn.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times