Cuộc thanh trừng của ông Tập Cận Bình đã lan rộng sang hệ thống vũ khí hạt nhân
Sau cuộc cải tổ lãnh đạo đầy kịch tính trong Lực lượng Hỏa tiễn, gần đây chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ nhiều nhân sự chủ chốt của các doanh nghiệp quân sự liên kết với Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), một doanh nghiệp quân sự hàng đầu có liên hệ mật thiết với Đại học Kỹ thuật Lực lượng Hỏa tiễn, cơ sở đào tạo chính dành cho các sĩ quan thuộc Lực lượng Hỏa tiễn.
Một chuyên gia về Trung Quốc tin rằng điều này là kết quả của cuộc thanh trừng quân sự ngày càng mở rộng của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình.
Chính quyền Trung Quốc thông báo rằng ông Ngô Tú Giang (Wu Xiujiang), cựu chủ tịch Công ty Bảo vệ Môi trường Hạt nhân thuộc CNNC và ông Chung Hoành Lượng (Zhong Hongliang), cựu chủ tịch Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Làm giàu Uranium Thiểm Tây thuộc CNNC, đang bị điều tra.
Công ty Bảo vệ Môi trường Hạt nhân CNNC là nhà thầu được quân đội Trung Quốc chỉ định để thực hiện các dự án bom nguyên tử, bom hydro, và tàu ngầm hạt nhân, trong khi đó Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Làm giàu Uranium Thiểm Tây CNNC là cơ sở nghiên cứu và sản xuất nhiên liệu hạt nhân lớn ở Trung Quốc.
Một cuộc thanh trừng quân sự khác
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư tại Bắc Kinh và là chủ tịch Mặt trận Nhân quyền Dân sự Canada (CHRF), tin rằng vụ bắt giữ hai giám đốc điều hành trực thuộc CNNC là một hành động khác của ông Tập nhằm thanh trừng quân đội.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 20/01, ông Lại nói rằng ông Tập đang chống lại các mối đe dọa đối với chế độ độc tài của mình, và đang cố gắng thiết lập quyền lực của mình bằng cách thanh lọc quân đội.
Ông Lại cho biết ông tin rằng ông Tập vô cùng lo lắng về sự tồn tại của hai thế lực bên trong quân đội — một là những người có quan điểm chính trị khác với ông và hai là những người được xem là không đủ trung thành.
Ông Lại nói, “Trong quân đội, ngay cả trong số các tướng lĩnh cao cấp, họ đều không có quan điểm đồng nhất, và có sự khác biệt đáng kể về niềm tin chính trị. Một số người có thể không đồng ý với quan điểm của ông Tập, tương đương với phe đối lập hoặc những người bất đồng chính kiến, vì vậy họ gây ra mối đe dọa đáng kể cho ông Tập.”
Ông cho hay, “Cũng có những người có thể có cùng quan điểm chính trị với nhau, nhưng họ có thể không phải là những người trung thành với ông Tập và lòng trung thành của cá nhân họ với ông Tập có thể không mạnh mẽ. Vì vậy, tất cả những người này đều đã trở thành mục tiêu trong các cuộc thanh trừng của ông Tập.”
“Ông Tập không thể tiết lộ những lý do này một cách công khai, vì vậy ông ấy chỉ có thể thực hiện những cuộc thanh trừng này dưới danh nghĩa chống tham nhũng.”
Ông Lại còn cho biết thêm rằng mức độ tham nhũng trong quân đội vượt xa sức tưởng tượng của người dân, đó là việc quân đội và các doanh nghiệp liên quan đến quân sự thông đồng với nhau để tạo thành một chuỗi lợi ích hoàn chỉnh, một cái cớ được ông Tập dùng để trấn áp họ dưới danh nghĩa chống tham nhũng.
Hợp tác chiến lược
Vào tháng 06/2019, CNNC và Đại học Kỹ thuật Lực lượng Hỏa tiễn đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược để bắt đầu hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực như cùng đào tạo nhân tài, trao đổi công nghệ tân tiến, và chia sẻ tài nguyên phòng thí nghiệm.
Tọa lạc tại Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Đại học Kỹ thuật Lực lượng Hỏa tiễn là một học viện quân sự hiện đại đa ngành. Đây cũng là cơ sở quân sự cao cấp duy nhất của Trung Quốc đào tạo ra nhiều nhân tài về chỉ huy và kỹ thuật cho lực lượng hỏa tiễn chiến lược của chế độ này. Đây là cơ sở chính để đào tạo quan chức cho Lực lượng Hỏa tiễn.
Lực lượng Hỏa tiễn được ĐCSTQ gọi là “quân át chủ bài,” vốn chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý hỏa tiễn hạt nhân trên đất liền và hỏa tiễn đạn đạo thông thường.
Tuy nhiên, kể từ tháng 07/2023, ông Tập đã tiến hành một cuộc thanh trừng lớn nhắm vào những người đứng đầu Lực lượng Hỏa tiễn.
Tham nhũng tràn lan
Ngày 29/12/2023, chính quyền Trung Quốc thông báo chín tướng lĩnh quân đội đã bị Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) bãi nhiệm, trong đó có ba thượng tướng và ít nhất bốn trung tướng, những người này chủ yếu làm việc trong Lực lượng Hỏa tiễn và Cục Phát triển Thiết bị của Quân ủy Trung ương.
Chín vị tướng bị bãi nhiệm này đều giữ các chức vụ trong Ủy ban Thường vụ NPC. Có dự đoán cho rằng ngoài NPC chắc chắn còn có những lãnh đạo quân sự khác cũng đang bị điều tra, và danh tính của họ có thể sẽ được tiết lộ về sau.
Mặc dù thông báo chính thức không giải thích lý do những người này bị bãi nhiệm, nhưng họ bị cáo buộc có liên quan đến tham nhũng mua sắm thiết bị.
Trước đó trong tháng này, các nguồn tin am tường vấn đề này nói với Bloomberg rằng tình trạng tham nhũng này tràn lan trong Lực lượng Hỏa tiễn và trong toàn bộ cơ sở công nghiệp quốc phòng.
Một trong những nguồn tin cho biết rằng đánh giá của tình báo Hoa Kỳ đã trích dẫn một số ví dụ về tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, trong đó có việc các hỏa tiễn được nạp nước thay vì nhiên liệu và nắp đậy của hầm chứa hỏa tiễn bị lỗi gây cản trở đến hiệu quả của hoạt động phóng hỏa tiễn.