EU điều tra cáo buộc bán phá giá nhiên liệu sinh học từ Trung Quốc vào châu Âu
Ủy ban Âu Châu bắt đầu điều tra xem liệu dầu diesel sinh học từ Indonesia có được trung chuyển qua Trung Quốc để tránh thuế EU hay không.
Các cáo buộc bán phá giá dầu diesel sinh học từ Trung Quốc vào thị trường EU, mà ngành công nghiệp này cho rằng đã làm giảm sản lượng trong khối, đã khiến Ủy ban Âu Châu bắt đầu một cuộc điều tra hôm 20/12.
Nếu việc bán phá giá được xác nhận là có xảy ra và bị phát hiện đang gây thiệt hại cho các nhà sản xuất EU, thì ủy ban có thể áp dụng các biện pháp, có thể áp thuế nhập cảng để giảm thiểu tác động của “hoạt động thương mại không công bằng” nếu các biện pháp này mang lại lợi ích tốt nhất cho EU, ủy ban cho biết. Ngành công nghiệp diesel sinh học của EU trị giá 31 tỷ euro (33.92 tỷ USD) mỗi năm, cung cấp giải pháp thay thế tái tạo cho nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực vận tải của EU và tăng cường an ninh năng lượng của EU.
Ủy ban cho biết, “Việc tiến hành điều tra chống bán phá giá là dựa trên khiếu nại của các nhà sản xuất dầu diesel sinh học EU. Các nhà sản xuất EU đã cung cấp bằng chứng về việc dầu diesel sinh học từ Trung Quốc đang được nhập cảng vào EU với giá thấp giả tạo và cho rằng những hàng nhập cảng này đang gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành của họ vì họ không thể cạnh tranh với mức giá thấp như vậy.”
Hồi tháng Tám, ủy ban bắt đầu điều tra xem liệu dầu diesel sinh học từ Indonesia có được trung chuyển qua Trung Quốc và Anh để tránh thuế EU hay không. Một khiếu nại từ tổ chức sản xuất, Ủy ban Diesel Sinh học Âu Châu (EBB) đã thúc đẩy cuộc điều tra mới nhất, sẽ kéo dài từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/09/2023 này.
EU là thị trường lớn thứ ba của Indonesia đối với các sản phẩm dầu cọ và là thị trường quan trọng đối với dầu diesel sinh học làm từ dầu cọ. Indonesia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.
Hồi tháng Sáu, Đức cũng kêu gọi ủy ban điều tra dòng nhiên liệu sinh học được cho là gian lận chảy vào Liên minh Âu Châu, tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh nhiên liệu đã làm rung chuyển ngành công nghiệp này.
Theo ủy ban, một cuộc điều tra chống bán phá giá được bắt đầu khi ủy ban tìm cách xác định xem các sản phẩm nhập cảng vào EU có được bán hoặc bán phá giá ở mức giá thấp hơn giá ở nước sản xuất hay không.
Ủy ban có nghĩa vụ tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá nếu nhận được khiếu nại hợp lệ từ ngành công nghiệp EU có đủ bằng chứng cho thấy các nhà sản xuất xuất cảng từ một hoặc nhiều quốc gia đang bán phá giá một sản phẩm cụ thể vào thị trường EU và gây thiệt hại cho ngành này.
Cuộc điều tra xem xét liệu việc bán phá giá có đang diễn ra hay không, liệu ngành công nghiệp EU có bị thiệt hại đáng kể hay không, liệu việc bán phá giá có đúng là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể đó hay không và liệu việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá — thường là một thuế chống bán phá giá — có đi ngược lại lợi ích kinh tế của EU hay không.
Đã có nhiều mối lo ngại được nêu lên rằng các nhà sản xuất ở châu Á đang pha trộn nhiên liệu sinh học với các loại dầu rẻ hơn và vận chuyển chúng sang châu Âu, tận dụng các ưu đãi của EU đối với sản xuất dầu diesel sinh học được tạo ra từ dầu thải và chất béo để tăng cường tiêu thụ năng lượng tái tạo.
Ngành công nghiệp diesel sinh học của EU sử dụng 3,700 nhân viên trên 18 quốc gia thành viên: Áo, Bỉ, Bulgaria, Síp, Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, và Tây Ban Nha.
Bán phá giá ‘gian lận’
Theo EBB, Trung Quốc là nước xuất cảng dầu diesel sinh học hàng đầu sang EU vào năm 2023, nhưng do sự tràn ngập nhiên liệu sinh học của Trung Quốc dẫn đến giá nhiên liệu sinh học tại thị trường EU sụt giảm, nhiều thành viên EBB lo ngại rằng một số nhà xuất cảng đang tham gia “gian lận quy mô lớn” thông qua việc làm giả chứng nhận Chỉ thị Năng lượng Tái tạo (RED).
EBB cáo buộc rằng dầu diesel sinh học nhập cảng từ Trung Quốc hầu như luôn được phân loại là “cao cấp” và “dựa trên chất thải,” như RED vẫn luôn thúc đẩy.
Tuy nhiên, nhiên liệu sinh học của Trung Quốc không có lợi thế cạnh tranh so với các nhà sản xuất EU và mức giá thấp giả tạo của mặt hàng này dẫn đến việc bán phá giá nghiêm trọng, gây thiệt hại trên diện rộng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
“Tại EBB chúng tôi kiên quyết rằng ngành công nghiệp diesel sinh học của châu Âu sẽ không dung thứ cho những hành vi giao dịch không công bằng gây thiệt hại nặng nề này và chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh để bảo vệ hoạt động sản xuất diesel sinh học của mình khỏi những hành vi đó,” ông Dickson Posnett, chủ tịch của EBB, cho biết. “Những hành vi không công bằng đó đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất của chúng tôi tại thời điểm mà các mục tiêu về khí hậu của EU đòi hỏi dầu diesel sinh học bền vững hơn bao giờ hết. EBB đại diện cho các hoạt động thương mại công bằng và hoan nghênh thông báo này từ Tổng cục Thương mại (DG Trade). Thông báo này sẽ giúp cho các khoản đầu tư được tiếp tục chảy vào dầu diesel sinh học của châu Âu và sẽ giúp mang lại cho châu Âu quá trình khử carbon mà châu Âu — và thế giới — rất cần.”
EBB hy vọng rằng đánh giá của Ủy ban Âu Châu (EC) về thuế chống bán phá giá sẽ có trong vòng tám tháng tới. EBB cũng đang hợp tác với EC về khả năng áp dụng các khoản phí tạm thời do khối lượng nhập cảng cao và những thiệt hại kèm theo cho các nhà sản xuất EU.
Tầm quan trọng
EU đã và đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển hướng sang nhiên liệu sinh học tân tiến có nguồn gốc từ nguyên liệu bền vững. Nhiên liệu sinh học như diesel sinh học và ethanol sinh học được sử dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải của EU như một giải pháp thay thế tái tạo cho nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện an ninh nguồn cung ứng của EU.
RED yêu cầu các quốc gia thành viên EU bảo đảm rằng năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 14% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải vào năm 2030, trong đó nhiên liệu sinh học tân tiến chiếm ít nhất 3.5% tổng mức tiêu thụ năng lượng.
EU cũng đã xây dựng các yêu cầu về tính bền vững của năng lượng sinh học thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả yêu cầu đối với những tác động trực tiếp gây bất lợi mà việc sản xuất nhiên liệu sinh học có thể gây ra do gián tiếp thay đổi mục đích sử dụng đất (ví dụ chuyển từ đất trồng trọt sang đất cho các cây trồng phục vụ mục đích sản xuất ethanol hoặc sản xuất dầu diesel sinh học để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu sinh học ngày càng tăng trên toàn cầu).
Ủy ban cũng đã đề nghị một kế hoạch định giá nhiên liệu mới trên toàn EU dựa trên hàm lượng năng lượng thay vì khối lượng, với mục tiêu loại bỏ trợ cấp cho xăng và dầu diesel để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học xanh, hydro tái tạo, và nhiên liệu tổng hợp.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times