EU đe dọa sẽ đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt hơn nếu Nga đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus
Liên minh Âu Châu (EU) đe dọa sẽ đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với Nga nếu nước này đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin hôm 25/03 tuyên bố chính phủ của ông sẽ chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, trong một lời cảnh báo rõ ràng tới Ukraine và các quốc gia đồng minh phương Tây khi họ tiếp tục viện trợ quân sự và tài chính cho Kyiv.
Người đứng đầu chính sách ngoại giao của khối này, ông Josep Borrell, đã cảnh báo Belarus về việc cho phép vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được đặt trên lãnh thổ của mình.
Hôm 26/03, ông Borrell cho biết trong một bài đăng trên Twitter, “Việc Belarus cho phép Nga sở hữu vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với một hành động leo thang vô trách nhiệm và đe dọa an ninh Âu Châu. Belarus vẫn có thể ngăn chặn việc này, đó là sự lựa chọn của họ. EU sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo.”
Phát ngôn viên của NATO Oana Lungescu đã lên án hành động của Điện Kremlin, gọi đó là hành động “nguy hiểm và vô trách nhiệm.”
Việc di chuyển vũ khí đến một cơ sở lưu trữ ở Belarus sẽ làm tăng rủi ro trong cuộc xung đột ở Ukraine, bằng cách đặt những vũ khí đó gần khu vực giao tranh và biên giới của NATO hơn.
TT Putin phản đối đạn uranium đơn chất do Anh cung cấp
Ông Putin nói rằng hành động này được đưa ra là do quyết định của Vương quốc Anh về việc cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp có chứa uranium đơn chất, vốn được nhiều người coi là độc hại.
Ông cho biết “nguyên nhân là do tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh thông báo rằng họ sẽ cung cấp đạn uranium đơn chất cho Ukraine, điều này bằng cách nào đó có liên quan đến công nghệ hạt nhân.”
“Những vũ khí đó không chỉ gây hại cho các binh sĩ mà còn cho những người sống ở những vùng lãnh thổ đó và cho môi trường,” ông nói trong một tuyên bố trước đó.
Ông Putin lập luận rằng việc khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus không khác gì việc Hoa Kỳ cất giữ vũ khí hạt nhân ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan, Hy Lạp, và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Không có gì bất thường ở đây cả: thứ nhất, Hoa Kỳ vẫn đang làm điều này trong nhiều thập niên qua. Họ từ lâu đã khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh, các quốc gia NATO, ở Âu Châu, ở sáu quốc gia.”
“Chúng tôi sẽ làm điều tương tự.”
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí tầm ngắn và chủ yếu được sử dụng trên chiến trường. Chúng có một năng suất thấp so với các đầu đạn hạt nhân mạnh hơn, được đặt trên các hỏa tiễn tầm xa.
Tổng thống Nga tuyên bố rằng quyết định này không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện có.
Ông Putin cho biết, “Tôi nhấn mạnh rằng, [chúng tôi] không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, chúng tôi đã giúp đỡ đồng minh Belarus và trang bị cho phi cơ của họ, phi cơ của Không lực Belarus. 10 phi cơ đã sẵn sàng để sử dụng loại vũ khí này.”
Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1996, người Nga đặt vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới của họ.
Trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, từng có những vũ khí hạt nhân bên trong biên giới của Ukraine, Belarus, và Kazakhstan, nhưng sau đó chúng đã được trả lại cho Nga.
Nga dự trù duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn đối với những vũ khí hạt nhân mà họ gửi tới Belarus và sẽ hoàn thành các cơ sở lưu trữ được xây dựng để chứa chúng trước ngày 01/07, ông Putin cho biết.
Tình hình giám sát của chính phủ Tổng thống Biden
Ông Putin đã không tiết lộ có bao nhiêu vũ khí hạt nhân sẽ được đặt ở Belarus, quốc gia giáp với Ukraine, Ba Lan, Lithuania, và Latvia, vốn là những thành viên của NATO.
Ngũ Giác Đài tin rằng Nga có khoảng 2,000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, bao gồm các quả bom có thể đặt trên phi cơ chiến thuật, cùng với các đầu đạn cho hỏa tiễn tầm ngắn và đạn pháo.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với chương trình “Face the Nation” của CBS: “Chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông ấy thực hiện cam kết này, hoặc di chuyển bất kỳ vũ khí hạt nhân nào xung quanh.”
Chính phủ ông Biden cho biết họ sẽ “theo dõi những tác động” từ quyết định của ông Putin, nhưng cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy người Nga đã bắt đầu chuyển vũ khí hạt nhân qua biên giới của họ.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết: “Chúng tôi không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh chính sách hạt nhân chiến lược của mình cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng một vũ khí hạt nhân.”
“Chúng tôi vẫn cam kết về phòng thủ tập thể của liên minh NATO.”
Trong khi đó, hôm 26/03, Kyiv đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để giải quyết hành động này, khi Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine, ông Oleksiy Danilov, cáo buộc Điện Kremlin bắt Belarus làm một “con tin hạt nhân” và nói rằng họ đang thực hiện một “bước tiến tới sự bất ổn nội bộ của đất nước này.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times