Đường biên giới giáp với Nga của NATO tăng gấp đôi khi Phần Lan gia nhập khối quân sự
Hôm thứ Ba (04/04), Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO và về căn bản đã làm tăng gấp đôi đường biên giới giáp với Nga của liên minh quân sự này trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài một năm ở Ukraine — hành động này đã thu hút một lời cảnh báo từ Điện Kremlin.
Hành động này của Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài khoảng 832 dặm (khoảng 1,338 km) với Nga, sẽ củng cố sức mạnh cho sườn phía đông của NATO khi Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto hoàn tất quá trình gia nhập bằng cách trao một văn bản chính thức cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại trụ sở chính ở Brussels, Bỉ.
“Chúng tôi hoan nghênh Phần Lan gia nhập liên minh này,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố khi kết thúc một buổi họp báo hôm thứ Ba. “Điều này sẽ giúp Phần Lan an toàn hơn và NATO vững mạnh hơn,” ông nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng Nga có “một mục tiêu đã tuyên bố là xâm lược Ukraine để có ít thành viên NATO dọc theo đường biên giới của họ hơn và không còn tư cách là thành viên ở châu Âu nữa” và Điện Kremlin đang “nhận được điều hoàn toàn ngược lại.”
Trước đây, cả Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển đã áp dụng một chính sách không liên minh — cụ thể là trong thời Chiến Tranh Lạnh. Tuy nhiên, sau khi xung đột Ukraine-Nga nổ ra, cả hai quốc gia đó đều tìm cách gia nhập liên minh này trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở châu Âu.
Đối với Thụy Điển, quốc gia chỉ có chung đường biên giới trên biển với Nga, nỗ lực gia nhập NATO của họ vẫn bị bế tắc vì các quan chức hàng đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chính phủ Thụy Điển đang chứa chấp các nhóm chiến binh người Kurd cánh tả mà họ cáo buộc là có các hành động khủng bố. Hungary cũng đã phát đi tín hiệu phản đối việc Thụy Điển gia nhập liên minh này.
Nhưng sự kiện hôm thứ Ba đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên không liên minh quân sự đối với Phần Lan đã bắt đầu sau khi nước này đẩy lùi một nỗ lực xâm lược của Liên Xô trong suốt Đệ nhị Thế chiến và chọn cố gắng duy trì các mối bang giao hữu nghị với nước Nga láng giềng. Kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc ba thập niên trước, Moscow đã theo dõi các làn sóng mở rộng liên tiếp của NATO sang khu vực cộng sản trước đây ở phía đông Âu Châu với sự kinh ngạc, và vấn đề này đã bị Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích gay gắt từ rất lâu trước khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine.
Các phản ứng
Tổng thống Phần Lan Saul Niinisto cho biết đóng góp quan trọng nhất của Phần Lan vào khả năng răn đe và phòng thủ chung của NATO sẽ là bảo vệ lãnh thổ của chính mình. Ông nói rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để phối hợp với NATO.
“Đó là một ngày tuyệt vời đối với Phần Lan và tôi muốn nói rằng đó là một ngày quan trọng đối với NATO,” ông Niinisto nói trong một cuộc họp báo chung với Stoltenberg.
Vào sáng hôm thứ Ba, Tòa Bạch Ốc đã phát hành bản tuyên bố của Tổng thống Joe Biden, nói rằng ông “rất mong được chào đón Thụy Điển với tư cách là một thành viên NATO càng sớm càng tốt, đồng thời khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary nhanh chóng kết thúc quá trình phê chuẩn của họ.”
Khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai năm ngoái (2022), Điện Kremlin tin rằng cuộc xâm lược này có thể “chia rẽ châu Âu và NATO … ngày hôm nay, chúng ta đoàn kết hơn bao giờ hết. Và cùng nhau — được củng cố bởi Đồng minh mới nhất của chúng ta là Phần Lan — chúng ta sẽ tiếp tục duy trì an ninh xuyên Đại Tây Dương, bảo vệ từng tấc đất trong lãnh thổ NATO, và đối mặt với bất kỳ và mọi thách thức mà chúng ta gặp phải,” ông Biden nói thêm.
Phát ngôn viên chính của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đã cảnh báo rằng Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài hành động đáp trả việc Phần Lan gia nhập. Tuy nhiên, ông Peskov lưu ý rằng Phần Lan “về căn bản khác” với Ukraine, vốn là một lãnh thổ của Liên Xô cũ, và “Phần Lan chưa bao giờ chống Nga.”
“Điện Kremlin tin rằng đây là một hành động khác làm phức tạp thêm tình hình này,” ông nói với các phóng viên, theo hãng tin Interfax của Nga. “Việc mở rộng NATO là một hành vi xâm phạm an ninh của chúng tôi và lợi ích quốc gia của Liên bang Nga.”
“Đương nhiên, điều này buộc chúng tôi phải thực hiện các biện pháp đối phó để bảo đảm an ninh của chính mình, cả về mặt chiến thuật và chiến lược,” ông Peskov cho biết. Ông đã không nói chi tiết.
NATO đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ chỉ là một liên minh phòng thủ và không đe dọa Nga. Điện Kremlin và ông Putin từ lâu đã cáo buộc khối này đang cố gắng gây bất ổn cho Nga.
Còn Thụy Điển thì sao?
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstroem nói với các phóng viên rằng tham vọng của Stockholm là trở thành một thành viên tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng Bảy. “Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với Thụy Điển … không có lý do gì để quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hay quốc hội Hungary trì hoãn thêm nữa,” ông nói.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times