EU cố gắng thuận cả đôi đường trong quan hệ thương mại với Trung Quốc
Châu Âu khó xử khi nói đến vấn đề thương mại với Trung Quốc
Khi Hoa Thịnh Đốn gia tăng sức ép lên Trung Quốc và thể hiện mọi ý định tách rời hai nền kinh tế Mỹ-Trung, Liên minh Âu Châu (EU) nhận thấy mình rơi vào một tình huống ngặt nghèo.
Brussels rõ ràng coi trọng thương mại với Trung Quốc và không muốn đánh mất quan hệ thương mại này. Đồng thời, sự ủng hộ của người dân châu Âu đối với thương mại Trung Quốc đang dần thu hẹp, sức ép của Mỹ không thể bị bác bỏ và các nhà lãnh đạo Âu Châu ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn khi phớt lờ các chính sách thương mại bất công của Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo EU muốn sự hài hòa và tìm ra một giải pháp trung gian cân bằng, tuy nhiên những nỗ lực đó đang ngày trở nên kém bền vững hơn.
Mỹ quốc ngày càng thể hiện lập trường cứng rắn hơn. Trong một thời gian dài, Hoa Thịnh Đốn, cũng như các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đã lựa chọn phớt lờ các hành vi lạm dụng của Bắc Kinh — hành vi đánh cắp trắng trợn tài sản trí tuệ, lạm dụng quá nhiều các khoản viện trợ trong nước, và áp đặt các điều kiện bất thường đối với bất kỳ ai muốn giao thương hàng hóa vào Trung Quốc hoặc tìm nguồn cung ở đó. Tất cả những điều này đều vi phạm thông lệ được chấp nhận, chưa nói đến việc họ liên tục vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) một cách lộ liễu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển vượt bậc, việc phớt lờ những hoạt động như vậy càng trở nên khó khăn hơn. Sự phản kháng đầu tiên của Hoa Kỳ xảy ra dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, họ đã nỗ lực thay đổi việc gây áp lực lên Bắc Kinh bằng cách áp mức thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc được (nhập cảng) vào Hoa Kỳ.
Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích các mức thuế trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, nhưng ông đã giữ nguyên các mức thuế đó vì những lý do tương tự mà chính phủ ông Trump đã áp đặt. Ông Biden còn mạnh tay hơn, (ông) đã ký thành luật Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật Khoa học và Vi mạch bán dẫn (Chips and Science Act), (các luật này) hợp lực đáp trả việc Bắc Kinh lạm dụng các khoản viện trợ cho công nghệ tương đương với Hoa Kỳ. Những đạo luật này, đặc biệt là đạo luật thứ hai, gồm các quy định nghiêm ngặt đối với việc xuất cảng vi mạch điện tử tân tiến sang Trung Quốc cũng như thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn. Một số dự luật hiện đang lưu hành trong Quốc hội sẽ được xây dựng dựa trên động lực này, viện dẫn các các thông lệ không được chấp thuận của Trung Quốc và đề nghị các cách gây áp lực buộc Bắc Kinh phải thay đổi. Mới gần đây, hội đồng mới của Hạ viện về vấn đề kinh tế Trung Quốc đã chỉ định Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ.”
Chắc chắn một điều rằng, châu Âu đã phàn nàn về các khoản viện trợ được viết trong luật pháp của Hoa Kỳ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi phản ứng để “hỗ trợ các lĩnh vực chiến lược của chúng ta” và “chống lại nguy cơ di dời.” Nhưng châu Âu vốn ít quan tâm đến hoạt động của Hoa Kỳ hơn so với vẻ bề ngoài. Ngay cả khi lặp lại các tuyên bố của ông Macron, chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã nói rõ rằng mối quan tâm của châu Âu đặt định ở Trung Quốc nhiều hơn so với Hoa Kỳ. Bà nhấn mạnh: “Vấn đề này rộng hơn nhiều” so với các hành động của Hoa Kỳ và đòi hỏi “một chiến lược rộng lớn hơn rất nhiều,” đồng thời nói thêm rằng các biện pháp của Hoa Kỳ là có ưu điểm rõ ràng, trong khi của Trung Quốc lại mập mờ với “các khoản viện trợ bị che đậy.”
Tuy nhiên, châu Âu nhận thấy khó có được một vị thế vững chắc. Bất chấp việc nhiều người sử dụng từ “tách rời” ở Hoa Thịnh Đốn, nhưng cả các nhà lãnh đạo EU cũng như chính phủ ở các quốc gia thành viên sẽ không nói theo cách đó. Ngoài nhu cầu bấy lâu nay của châu Âu là tỏ ra độc lập với Mỹ quốc, nhưng việc họ miễn cưỡng đi theo sự dẫn dắt của Hoa Kỳ phản ánh sự phụ thuộc thương mại nặng nề của châu Âu vào Trung Quốc, lớn hơn nhiều so với sự phụ thuộc của Mỹ.
Thương mại giữa EU và Trung Quốc đã gia tăng với tốc độ hơn 12% mỗi năm trong vài năm qua. Trung Quốc sản xuất 20% tổng lượng hàng hóa nhập cảng của EU và tiêu thụ 10% tổng lượng hàng xuất cảng của EU. Hầu như tất cả các tấm pin mặt trời của châu Âu đều đến từ Trung Quốc, cũng như tất cả các nguyên tố đất hiếm mà nền kinh tế Âu Châu cần để sản xuất pin và xe điện. Vốn đã chịu thiệt hại kinh tế do cắt đứt quan hệ thương mại với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, Brussels và các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên đặc biệt cảnh giác với việc phá vỡ nhiều thỏa thuận thương mại hơn nữa.
Đối với tất cả những ràng buộc này, châu Âu đã bày tỏ sự không hài lòng với các chính sách của Bắc Kinh. Năm 2013, EU áp thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc với cáo buộc sử dụng trợ cấp. Cách đây không lâu, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền, một hành động phá vỡ thỏa thuận đầu tư mà Bắc Kinh và Brussels đã đàm phán trong nhiều năm. Gần đây hơn, EU đã thông qua các quy tắc mới cho phép họ điều tra các công ty ngoại quốc hưởng lợi từ tiền mặt của chính phủ. Hà Lan gần đây đã tham gia lệnh cấm bán vi mạch bán dẫn và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến của Hoa Thịnh Đốn cho Trung Quốc.
Củng cố những xu hướng như vậy là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy dư luận ở châu Âu đã quay lưng lại với Trung Quốc. Ngay cả trong kinh doanh, số lượng các thỏa thuận với Trung Quốc đã bị thu hẹp. Chỉ có 10 doanh nghiệp ở châu Âu và Vương quốc Anh chiếm trọn 80% các đầu tư vào Trung Quốc.
Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã giảm sút và hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2013. Theo lời của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ngay cả những khó khăn do đánh mất thương mại với Nga cũng đưa ra lời cảnh báo cho châu Âu rằng hãy tránh xa “sự phụ thuộc nguy hiểm” như vậy.
Trong khi EU và Vương quốc Anh cố gắng duy trì những thứ họ coi trọng trong thương mại với Trung Quốc, rõ ràng là các nền kinh tế quan trọng này đang thức tỉnh trước những lo ngại tương tự Hoa Thịnh Đốn. Nếu những quốc gia này, vì những lý do rõ ràng, chỉ đơn giản từ chối đứng về phía Hoa Kỳ, thì xu hướng thách thức Trung Quốc cộng sản đang lớn dần, mặc dù với một tốc độ chậm.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times