Chuyến thăm của ngoại trưởng Đức tới Trung Quốc: Đã đề cập đến những chủ đề nhạy cảm, nhưng không mang lại kết quả
Cần nhiều hơn những lời mạnh mẽ để Trung Quốc thực sự nhượng bộ. Nhưng ít nhất: Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã nói thẳng thừng hơn một số quan chức Đức trước bà. Đây là một bài phân tích về chuyến thăm của ngoại trưởng Đức tới Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc cộng sản và nền cộng hòa dân chủ ở đảo Đài Loan, hôm thứ Năm (13/04), Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã đến thăm thành phố cảng Thiên Tân ở phía đông bắc Trung Quốc và có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang).
Sau đó, họ đã đến Bắc Kinh trên một chuyến tàu cao tốc để gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi). Vị lãnh đạo trong đảng này là người đứng đầu thực sự của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, do bộ này trực thuộc đảng ủy của ông.
Các chủ đề mà bà Baerbock thảo luận xoay quanh cuộc khủng hoảng đang nổi lên giữa Trung Quốc và Đài Loan, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, và tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.
Không đưa ra tuyên bố nào phản đối chiến tranh Ukraine
Theo hãng thông tấn AFP, ngoại trưởng Đức đã yêu cầu các lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh gửi một tín hiệu rõ ràng đến Nga để chấm dứt cuộc chiến xâm lược Ukraine. Tại cuộc họp báo với Ngoại trưởng Tần ở Bắc Kinh, bà Baerbock đã đề cập rằng chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moscow hồi tháng Ba vừa qua cho thấy, “không quốc gia nào khác có nhiều ảnh hưởng đối với Nga hơn Trung Quốc.”
Ngoài việc Đảng Cộng sản vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào lên án cuộc chiến của ông Putin đối với Ukraine, bà Baerbock cũng khẳng định rằng lập trường của Trung Quốc cũng không bao gồm việc “yêu cầu nước Nga hiếu chiến chấm dứt chiến tranh.” Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tần hứa rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế không “cung cấp vũ khí cho các bên xung đột” — lời đáp trả rõ ràng về việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine. Về xuất cảng các mặt hàng lưỡng dụng (có thể được sử dụng cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự), ông Tần cho biết Trung Quốc kiểm soát hoạt động xuất cảng này theo luật pháp và quy định sở tại.
Trung Quốc cho biết quan điểm của họ về vấn đề này là trung lập. Theo AFP, hôm thứ Sáu (14/04), Bắc Kinh thông báo rằng bộ trưởng quốc phòng mới của họ, Tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), sẽ tới Moscow.
Đối với cuộc chiến đang làm thay đổi kết cấu chính trị, quân sự và kinh tế của thế giới này, thì hiện nay vẫn chưa rõ chính xác Trung Quốc đang đóng vai trò gì ở phía sau hậu trường. Nhưng có một sự thật là: chỉ vài tuần trước cuộc xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khi dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông, diễn ra vào ngày 04/02/2022 tại Bắc Kinh. Ngày 24/02/2022, chỉ bốn ngày sau khi Thế vận hội ở Trung Quốc kết thúc hôm 20/02, ông Putin đã bắt đầu cuộc xâm lược của mình.
Ngoại trưởng Baerbock: Chiến tranh Đài Loan là ‘kịch bản xấu nhất’
Trong chuyến công du của mình, bà Baerbock cũng đã trực tiếp nói về tầm quan trọng của việc giảm leo thang mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc cộng sản và nền cộng hòa dân chủ ở đảo Đài Loan. Bà nhắc lại rằng 50% thương mại thế giới và 70% giao thương vi mạch bán dẫn đi qua Eo biển Đài Loan. Cũng vì lợi ích kinh tế của Đức mà việc tiếp cận eo biển rộng 180 km giữa hai quốc gia này cần được duy trì tự do.
Vì vậy, cả Cộng hòa Liên bang Đức và Liên minh Âu Châu đều không thể thờ ơ trước những căng thẳng trong khu vực. Bà Baerbock mô tả khả năng leo thang quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan là “kịch bản xấu nhất cho toàn thế giới.” Về phương diện này, bà Baerbock cho rằng “những làn sóng xung kích từ một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như vậy” cũng sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến các quốc gia thương mại như Trung Quốc và Đức.
Luận điệu về Đài Loan của Trung Quốc dựa trên ‘thống nhất hòa bình’
Ông Tần duy trì giọng điệu thường lệ của ĐCSTQ: Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. Khi phát ngôn như vậy, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đang cố tình né tránh sự thật lịch sử rằng vào năm 1949, chính phủ được bầu theo lệ thường cuối cùng ở Trung Quốc đã chạy sang Đài Loan trước khi phe cộng sản bạo lực của ông Mao giành được chính quyền, và đã tự trị một cách độc lập ở hòn đảo này kể từ đó. Nhìn từ quan điểm này, chính quyền Bắc Kinh có thể được xem như là một phe đảo chính.
Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ không muốn nhìn sự việc theo cách đó. Đó là lý do tại sao chính quyền này liên tục giở quân bài ly khai khi nói đến nền độc lập của Đài Loan. Ngoại trưởng Tần đã đáp lại những lo ngại của bà Baerbock về một cuộc khủng hoảng Đài Loan tiềm ẩn rằng, Trung Quốc hy vọng “thống nhất tổ quốc trong hòa bình” nhưng cũng sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”
Đối với Trung Quốc, Đài Loan không chỉ là vấn đề về uy tín trong nước mà còn là lợi ích về mặt kinh tế. Ông Tập Cận Bình còn hơn cả sẵn lòng trong việc xâm chiếm nước láng giềng công nghệ cao của mình, nơi có các cơ sở sản xuất vi mạch hàng đầu. Quân đội Trung Quốc gần đây đã tổ chức một cuộc tập trận lớn kéo dài ba ngày, trong đó lực lượng này tiến hành diễn tập bao vây Đài Loan và áp đặt lệnh cấm đi vào vùng biển phía bắc Đài Loan trong vài giờ — được cho là do nguy cơ “bom rơi đạn lạc.”
Bế tắc về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc
Tương tự, về vấn đề nhân quyền, Trung Quốc vẫn không thay đổi lập trường và nhắc lại đây là “việc nội bộ.” Sau đó, ngoại trưởng Baerbock đưa ra lập luận đối với điều mà ông Tần Cương đã nói, rằng Đức lo ngại “rằng phạm vi tham gia của xã hội dân sự ở Trung Quốc đang bị thu hẹp và nhân quyền đang bị hạn chế.”
Bà Baerbock đã lên án “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” ở khu vực tỉnh Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ, đề cập đến một báo cáo của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 08/2022 với các khuyến nghị cụ thể. Bà Baerbock khuyên Ngoại trưởng Tần Cương và Trung Quốc rằng: “Chúng tôi hoan nghênh việc hợp tác với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để thực hiện khuyến nghị này.”
Ông Tần đã đáp trả một cách giận dữ: “Mỗi quốc gia có hoàn cảnh, lịch sử và văn hóa khác nhau; và không có tiêu chuẩn áp dụng chung cho nhân quyền,” vị ngoại trưởng này đã tuyên bố như vậy và kêu gọi tôn trọng lẫn nhau trong việc trao đổi về sự khác biệt trong quan điểm. Việc trao đổi về vấn đề này hoàn toàn không nên mang tính “thuyết giáo” và “coi thường”, AFP viết, trích lời ông. Đúng như dự đoán, không có hành động cụ thể nào được thực hiện để cải thiện các vấn đề nhân quyền bên trong nhà nước giám sát của chính quyền cộng sản này.