Đừng để tài sản thừa kế làm tổn thương tình cảm gia đình
“Em có nhớ bác Hứa thường qua bếp chúng ta dùng cơm không?” Luật sư A Phú đang lướt điện thoại, đột nhiên ngẩng đầu lên hỏi tôi.
“Nhớ! Mỗi lần đến chỗ chúng ta dùng bữa, bác ấy đều mặc vest chỉnh tề, đã ngoài 70 tuổi rồi mà vẫn như ngọc thụ lâm phong, phong lưu hào sảng!”
Vì luật sư A Phú thích nghiên cứu ẩm thực nên trong hai năm qua anh đã mở một bếp ăn riêng phục vụ nhân viên công ty, cũng thường chiêu đãi một số khách hàng, và bác Hứa là một trong những khách quen.
Mặc dù trong số các khách hàng của luật sư A Phú có không ít người nổi tiếng hoặc có chức sắc, nhưng bác Hứa là người có phong thái lịch lãm khác hẳn những người bình thường. Y phục trên người bác lúc nào cũng gọn gàng tươm tất, toát lên vẻ cổ kính trang nhã, nụ cười luôn mang phong thái của một bậc trưởng bối, vậy nên tôi đặc biệt có ấn tượng.
“Bác ấy mất rồi!”
“Sao có thể? Bác ấy nhìn rất cường tráng! Đi đứng, nói chuyện thoạt nhìn không giống như tuổi, cảm giác có thể sống đến trăm tuổi mà!”
“Nghe nói bác ấy có mâu thuẫn với ai đó và say rượu, rồi xảy ra tai nạn. Anh không biết chi tiết. Anh sẽ hỏi vợ bác Hứa khi bác ấy đến gặp anh.”
Trong những năm gần đây, xung quanh chúng tôi thực sự có không ít trường hợp tương tự như vậy. Mới cách đó không lâu họ còn ăn tối và trò chuyện với chúng tôi, sau một thời gian thì chúng tôi nhận được tin đáng tiếc. Có lẽ vì chúng ta cũng đều có tuổi rồi, tai nạn không còn khiến chúng ta quá ngạc nhiên.
Luật sư A Phú nói rằng chính vợ của bác Hứa đã gọi điện hỏi về vấn đề phân chia tài sản, anh mới biết bác Hứa đã qua đời rồi.
Vợ bác Hứa kể rằng vợ chồng bà có bốn người con, bà thường quán xuyến việc nhà, còn bác Hứa hầu như không quản việc gia đình, tiền bản thân kiếm được đều tiêu xài thỏa thích. May mắn là gia đình có một số tài sản của tổ tiên để lại có thể cho thuê, bà dựa vào tiền cho thuê nhà hàng tháng và tiền chơi hụi để chu cấp cho gia đình.
Khi tuổi tác tăng lên, bà từng nhiều lần muốn bàn bạc với chồng về việc thừa kế tài sản của gia đình, hy vọng bác Hứa có thể viết di chúc sớm và nói cho rõ ràng. Thế nhưng mỗi lần mở miệng, bác Hứa đều mắng bà đang trù ẻo mình.
Bác Hứa nói với vợ rằng, khi phụ thân còn sống đều nói miệng với các con việc chia tài sản như thế nào, mặc dù một số anh em cảm thấy việc phân chia đó không công bằng, nhưng do thứ bậc và quan niệm hiếu đạo truyền thống, không ai dám có dị nghị với việc sắp xếp của cha. Vì vậy, bác Hứa cho rằng việc bác muốn phân chia tài sản như thế nào là người khác không thể can thiệp, bác muốn đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới dặn dò con cháu.
Sau khi bác Hứa nghỉ hưu, những người bạn thường uống rượu cùng bác đều lần lượt ngã bệnh hoặc qua đời, cuộc sống của bác trở nên mất thăng bằng. Một lần, theo gợi ý của một người bạn, bác bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu, cuộc sống về hưu vốn đang an nhàn lại lao tâm chạy theo cổ phiếu. Sau khi bác Hứa đắm chìm vào thị trường chứng khoán, mặc dù thua lỗ nhiều lần, nhưng bác vẫn vững tin rằng mình có thể vực dậy. Không lâu sau, số tiền về hưu hàng triệu đồng đã biến mất, cộng thêm khoản lãi suất thế chấp khi con trai út kết hôn, bởi vậy số tiền dưỡng lão của bác chẳng còn lại được bao nhiêu.
Một đêm nọ, vợ của bác Hứa đang chuẩn bị bữa tối như thường lệ thì nhận được điện thoại nói rằng chồng mình đang cấp cứu trong bệnh viện. Về sau bà nghe nói rằng bác Hứa say rượu và xảy ra mâu thuẫn với ai đó, người ta tìm thấy bác bị ngã trong nhà vệ sinh nam, và cuối cùng không thể qua khỏi sau khi cấp cứu.
Bác Hứa đột ngột qua đời không để lại lời dặn dò nào về việc phân chia tài sản thừa kế sau này, vợ bác cũng không biết phải giải quyết như thế nào. Kết quả là, vì bác Hứa từng cho con gái của hồi môn và giúp con trai trả các khoản thế chấp, cùng nhiều việc khác, chuyện này đã khiến những người con tranh cãi gay gắt về cách phân chia tài sản.
Vợ của bác Hứa nói: “Các con nhờ tôi tìm luật sư giúp để giải quyết công bằng, nếu không, đành phải lên tòa nói chuyện.” Khi hỏi ý kiến của luật sư A Phú, bà cứ hối hận, nói rằng lẽ ra bà nên kiên trì giục bác Hứa sắp xếp các việc hậu sự sớm hơn, giờ đây bà chỉ biết nhìn các con tranh giành tài sản trong vô vọng.
Thực tế tại công ty, chúng tôi đã gặp không ít trường hợp tương tự, có người còn viết di chúc xong rồi, nhưng con cháu thấy không công bằng nên kiện ra tòa án.
Thời thế đã đổi thay, chúng ta cũng không nên vì những điều kiêng kỵ mà không cân nhắc đến việc sắp xếp hậu sự của bản thân, nếu không sẽ gieo mầm cho nỗi lo lắng con cháu mai sau phải hầu tòa.
Tôi kiến nghị mọi người khi còn trong giai đoạn trung niên, nên tìm kiếm luật sư và các chuyên gia liên quan để lên kế hoạch cho các vấn đề hưu trí và thừa kế. Đừng để tiền bạc trở thành vũ khí làm sát thương tình cảm gia đình.
Lời khuyên của luật sư:
Trong xã hội ngày nay, những người lớn tuổi dường như vẫn có thái độ khá kiêng kỵ đối với các vấn đề như tử vong, thừa kế, hậu sự, v.v. Họ luôn cho rằng tương lai còn dài, con cháu cũng thuận hòa, dường như không có động lực để lập di chúc. Tuy nhiên, cái gọi là “hòa khí sinh tài” và “gia hòa vạn sự hưng” có thể chỉ là hòa bình ở bề mặt, khi những người lớn tuổi trong gia đình qua đời và đối mặt với quyền lợi thừa kế khổng lồ, có bao nhiêu người thực sự có thể lấy đạo đức luân lý và tôn ti thân sơ để làm tiêu chuẩn?
Trong quá trình tư vấn pháp luật, tranh chấp thừa kế là trường hợp thường gặp. Mặc dù “Luật Dân sự” đã quy định rõ ràng về cách thức thừa kế, thứ tự ưu tiên và cách chia tài sản thừa kế theo tỷ lệ liên quan đến quyền lợi của những người thừa kế, nhưng thừa kế không phải là vấn đề toán học đơn thuần, chúng không thể được giải quyết một cách hoàn hảo bằng cách áp dụng các công thức của luật dân sự.
Lập di chúc có phải là lựa chọn đúng đắn?
Trong trường hợp của bác Hứa, lúc còn sống bác ấy đã đem tặng tài sản khi con gái kết hôn và ra ở riêng. Theo lý, tài sản cho tặng con cái nên được đưa vào phạm vi thừa kế, sau đó phân chia theo đúng thứ tự thừa kế. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do đối với việc cho tặng này. Bác Hứa có thể đã gửi tiền cho con vì ông kiếm được tiền từ cổ phiếu, hoặc chỉ vì con vừa xin thì ông liền cho.., rất khó để chứng minh rằng nó được tặng vì lý do kết hôn và ra ở riêng. Về mặt pháp luật, điều này vẫn cần một số bằng chứng pháp lý cần được xuất trình.
Trong trường hợp này, do bác Hứa không lập di chúc trước, nên các con dễ cho rằng việc chia di sản thừa kế không công bằng, gây hiềm khích và oán hận lẫn nhau. Trong tình huống này, không dễ thương lượng để đưa ra một thỏa thuận phân chia di sản mà tất cả mọi người đều hài lòng, thường chỉ có một lựa chọn duy nhất là khởi kiện việc phân chia di sản, đưa những người thân ra tòa và giải quyết tranh chấp.
Đọc xong trường hợp này, nghĩ lại một chút, bạn sẽ chọn cách không lập di chúc, để sau khi bạn mất thì con cháu phải tốn tiền trả phí tài phán, phí luật sư, bôn tẩu mấy năm vì thủ tục kiện tụng? Hay bạn sẽ nhờ luật sư soạn thảo di chúc trước, nhờ công chứng viên công chứng di chúc và trình bày rõ ý định phân chia tài sản của bản thân, để con cháu không phải vướng bận vào kiện cáo?
Tôi tin rằng lựa chọn thứ hai sẽ giúp bạn vừa có thể tiết kiệm tiền, lại khiến con cái tâm phục khẩu phục.
Ưu điểm của việc lập di chúc, ngoài việc tránh gánh nặng kiện tụng cho thế hệ sau, cũng như tránh tổn thất sức lực, thời gian và chi phí, v.v., nó còn có thể cho con cái biết cha mẹ có tài sản gì và các khoản nợ gì với người khác, ví dụ: mượn tên để đăng ký tài sản cho người khác, vay nợ chưa trả được, hoặc ủy thác tài sản của mình cho người khác quản lý v.v.. Nó giúp những người thừa kế hiểu rõ tình trạng tài sản của mình cũng như quyền lợi của mình trong tương lai.
Mặt khác, rất nhiều trẻ em không sống với cha mẹ, rất khó để biết tình trạng tài sản thực tế của cha mẹ, hoặc cha mẹ có ân oán khúc mắc với người khác hay không.
Hơn nữa, nếu bạn muốn thế hệ sau sử dụng tốt tài sản, không vì được thừa kế mà phung phí hoặc lười biếng, bạn cũng có thể phân chia ổn thỏa phần thừa kế thông qua phương thức ủy thác theo di chúc. Ví dụ, có thể thỏa thuận tài sản địa ốc sẽ được chuyển nhượng cho người thừa kế theo từng năm, tránh việc cho vay hoặc bán nó ngay sau khi chuyển nhượng trực tiếp.
Nếu tài sản thừa kế là một khoản tiền gửi, bạn cũng có thể phân chia hạn mức hàng năm và hàng tháng, ví dụ: mỗi tháng chỉ có thể nhận số tiền cần thiết cho cuộc sống, bảo đảm di sản thừa kế được lưu chuyển lâu dài và đạt hiệu quả sử dụng cao nhất, tránh tình trạng người thừa kế xa hoa, lãng phí dẫn đến công sức của tiền nhân bị hóa thành hư không trong một sớm một chiều, biến thành cục diện “tài không quá ba đời” hoặc gia tộc sa sút.
Trình tự và thủ tục lập di chúc
Nói đến đây, bạn đã bắt đầu nghĩ đến việc lập kế hoạch phân chia tài sản thừa kế của mình chưa? Nếu bạn không biết bắt đầu như thế nào, duới đây là một số bước gợi ý, hy vọng sẽ giúp bạn giải quyết được toàn bộ quá trình!
1. Biết rõ mình có những tài sản gì: Thông thường mọi người có thể sẽ không rõ hoặc quên mất những tài sản mà mình đứng tên, hoặc mình đã mở tài khoản ở những tổ chức ngân hàng nào. Cách dễ nhất là tự mình hoặc ủy thác cho người khác đến Cục thuế Quốc gia để kiểm tra danh sách tài sản và thu nhập của bản thân, đồng thời tìm hiểu sơ bộ về địa điểm địa ốc đứng tên bạn, bạn nắm giữ bao nhiêu cổ phần, bạn đã mở tài khoản ở những ngân hàng nào, thậm chí cả những cổ phiếu bạn nắm giữ cũng cần biết rõ ràng.
Tuy nhiên, nếu là vay cá nhân, vay giữa người thân và bạn bè, hoặc nhờ người khác đứng tên, v.v., cần xác nhận cụ thể xem có hợp đồng bằng văn bản hay không, hoặc có bằng chứng gián tiếp nào khác để chứng minh mối quan hệ chủ nợ – người nợ.
2. Viết di chúc: Sau khi hiểu rõ tình hình tài sản, bạn có thể bắt đầu hoạch định nội dung di chúc và việc phân chia di sản. Nội dung của di chúc phải đáp ứng các yêu cầu về mặt pháp lý được quy định trong Bộ luật dân sự. Nên ủy thác cho luật sư soạn thảo để tránh trường hợp di chúc vô hiệu do không phù hợp các điều kiện, từ ngữ diễn đạt không rõ ràng, khiến những người thừa kế hiểu khác nhau về di chúc dẫn đến tranh chấp kiện tụng trong tương lai.
3. Công chứng, làm chứng hoặc ủy thác: Trên thực tế, việc công chứng không phải là yêu cầu bắt buộc để di chúc có hiệu lực. Tuy nhiên, đối với di chúc có công chứng, do tình trạng thể chất và tinh thần của người lập di chúc đã được công chứng viên xác nhận từ trước, cho nên sau này giá trị pháp lý của di chúc sẽ không bị chất vấn.
Ngoài ra, di chúc có công chứng, di chúc niêm phong, di chúc bằng văn bản hoặc di chúc bằng miệng, đều phải có mặt người làm chứng và ký tên thì toàn bộ quá trình mới có hiệu lực. Nếu bạn muốn sử dụng tài sản của mình linh hoạt hơn, bạn có thể ký hợp đồng ủy thác với các ngân hàng và tổ chức ủy thác để hoạch định một phương án phù hợp hơn với suy nghĩ của bạn.
(Bài viết được trích từ cuốn “Phòng đàm luận về hạnh phúc sau tuổi thanh xuân [Bản có chữ ký của tác giả],” do Nhà xuất bản Viễn Lưu cung cấp).
Tác giả: Lâm Tĩnh Như, Chung Y Đình, Bành Chí Huyên
Tăng Trân biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ