Học cách tiêu tiền quan trọng hơn kiếm tiền
Lời của Biên tập viên: Người giàu thực ra cũng không có gì đặc biệt, họ chỉ là biết học hỏi từ trong thất bại, học cách đối nhân xử thế và đối mặt với hiện thực xã hội. Bài viết này phân tích thái độ của người giàu đối với công việc, đầu tư, mối quan hệ và tiền bạc. Qua đó, hy vọng có thể giúp quý vị giảm thiểu “thử và sai” trên con đường tích lũy của cải, đạt được ba quyền tự do về “thời gian,” “mối quan hệ,” và “tiền bạc,” đồng thời nắm giữ được chìa khóa để trở thành người giàu có thực sự.
Trước tiên, học cách tiêu tiền
Mọi người thường hiểu lầm rằng, làm ra tiền thì liền có thể trở thành người giàu có. Đây thực ra là một quan điểm sai lầm.
Trước khi đổ nước vào thùng, trước tiên bạn nên kiểm tra đáy thùng có lỗ thủng hay không. Bởi vì cho dù đổ vào bao nhiêu nước, một thùng nước thủng sẽ không bao giờ đầy.
Rất nhiều người đã không chú ý điểm này, lầm tưởng rằng tiền là tất cả, họ đã kiếm được rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa trở thành người giàu có.
Cách tiêu tiền không lý trí, giống như uống nước muối vậy, càng uống càng khát, làm cho người ta càng muốn uống thêm.
Như vậy, chúng ta nên tiêu tiền một cách có lý trí như thế nào?
Nguyên tắc, mục đích cần phải rõ ràng:
Nói cách khác, bạn cần thiết lập một nguyên tắc, quy định chi tiêu của bản thân không thể nhiều hơn thu nhập, hơn nữa cần phải rõ ràng mục đích chi tiêu.
Ví dụ, thu nhập hàng tháng của bạn là một triệu won, khi đi ngang qua cửa hàng bách hóa, bạn nhìn thấy một bộ quần áo có giá ban đầu là 20,000 won đang được giảm giá một nửa. Rõ ràng là bạn không có nhu cầu, nếu hứng lên lại mua thì sẽ vi phạm nguyên tắc. Giá rẻ không có nghĩa là cần thiết.
Lấy một ví dụ khác, nếu bạn chất đầy đồ ăn là thực phẩm chín vào giỏ hàng của siêu thị, sau đó đăng ký trả góp ba tháng. Đây cũng là việc làm vi phạm nguyên tắc. Suy cho cùng, thực phẩm chín không thể ăn trong ba tháng.
Vay tiền để mua một chiếc ví da, một chiếc xe hơi hoặc đi du lịch… đều không phải là cách tiêu tiền hợp lý.
Bạn tiêu tiền càng nhiều, càng cảm thấy thiếu hụt, vì thế bạn càng muốn tiêu nhiều hơn.
Nếu như chỉ vì bán hạ giá một nửa mà bạn liền bốc đồng mua bộ quần áo kia, bạn sẽ không thường xuyên mặc nó. Vì sao vậy? Quần áo giảm giá thông thường là để thanh lý hàng tồn kho, so với chi phí sản xuất thì chi phí hậu cần và lưu trữ thực ra còn cao hơn. Nếu không bán kịp, đợi đến lúc kiểu dáng không còn thịnh hành thì sẽ càng khó bán hơn, giá thành (chi phí nhân sự, quản lý, lưu kho v.v.) sẽ tăng lên gấp bội.
Vì để nhanh chóng bán những bộ quần áo không được ưa chuộng và bán không chạy kia, các nhà sản xuất đã bán hạ giá chúng. Loại quần áo kia cho dù giá rẻ như thế nào, bạn cũng sẽ không mặc chúng thường xuyên. Tục ngữ có câu: “Của rẻ là của ôi.” E rằng bộ quần áo kia cuối cùng cũng chỉ được treo trong tủ quần áo của bạn, hoàn toàn không được lấy ra để mặc.
Mặt khác, thu nhập hàng tháng là một triệu won, chi phí cho trang phục không nên vượt quá 10% tiền lương. Rốt cuộc, quần áo mới không thể dùng để duy trì cuộc sống, bạn vẫn phải trả chi phí sinh hoạt, phí đi lại, chi phí ăn uống, tiền thuế, tiền thuê nhà hoặc lãi vay mua nhà, chăm sóc săc đẹp và các chi phí khác v.v.
Bạn không nên hợp lý hóa việc mua sắm của mình, biện minh rằng lần cuối mua quần áo đã cách đây mấy tháng rồi… Đó chẳng qua là bạn đang kiếm cớ mà thôi. Đến tháng sau, bạn vẫn như cũ, vẫn viện ra một lý do khác. Đến tháng sau nữa, vẫn tính nào tật ấy. Loại thói quen xấu này cuối cùng sẽ dẫn đến chi tiêu quá mức, khiến bạn thường xuyên phải lo lắng về nợ thẻ tín dụng với hóa đơn.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với phí bảo hiểm vượt mức, khoản tiết kiệm định kỳ và quỹ ngân sách.
Bởi vậy, trước tiên bạn cần học cách kiểm soát chi tiêu.
Chi tiêu có thể được được chia thành hai loại chính:
Loại thứ nhất là “chi tiêu cố định,” tức là các chi phí thông thường hàng tháng, chẳng hạn như thuế, chi phí đi lại, tiền thuê nhà hoặc thế chấp, chi phí ăn uống, phí quản lý, phí bảo hiểm, tiền tiết kiệm định kỳ, quỹ, v.v. Chi phí cố định nên cố gắng kiểm soát trong phạm vi 50% thu nhập hàng tháng. Nếu không biết khoản nào thuộc về chi tiêu cố định, bạn có thể kiểm tra hạng mục chi tiêu hàng tháng, mục nào liên tục xuất hiện trong ba tháng trở lên, thì nó thuộc về chi tiêu cố định.
Bạn có thể sử dụng ứng dụng kế toán tự động trên điện thoại thông minh, hoặc tải chi tiết giao dịch ngân hàng trực tuyến, sắp xếp nó thành một file Excel, sau đó ghi chép lại, thống kê chi tiết chi tiêu hàng tháng của mình.
Không cần phải viết ra giá của mọi thứ một cách chi tiết. Trước đây do rảnh rỗi, nên ngay cả giá của giá đỗ cũng được ghi chép vào sổ sách kế toán. Trong xã hội hiện đại, mọi người đều có quá nhiều việc phải làm, việc ngồi vào bàn ghi lại giá của giá đỗ, quả thực không hiệu quả.
Ứng dụng kế toán tự động có thể giúp bạn tính toán các khoản chi tiêu trong thẻ tín dụng. Bạn có thể sử dụng nó để xem chi tiết chi tiêu của mình, bạn cũng có thể chuyển tất cả nội dung sang file Excel. Đồng thời, bạn cũng có thể sử dụng ngân hàng trực tuyến để xác nhận chi tiết tài khoản, sau đó lại chuyển sang file Excel. Nếu tận dụng tốt hai phương thức này, bạn có thể kiểm tra tình hình chi tiêu chi tiết hàng tháng mà không cần phải theo dõi từng khoản.
Sau khi xác nhận danh mục các khoản chi tiêu, nếu thu nhập hàng tháng của bạn là một triệu won nhưng chi tiêu cố định lại là 800,000 won, bạn phải tìm cách giảm chi tiêu cố định xuống còn 500,000 won, bằng một nửa thu nhập hàng tháng. Cách dễ nhất là cắt giảm các chi phí không liên quan đến sinh kế, chẳng hạn như phí bảo hiểm, quỹ, tiết kiệm định kỳ v.v.
Miễn cưỡng thanh toán các khoản đã chi tiêu, lựa chọn tiếp tục khổ sở chống đỡ, đây là hành vi kém khôn ngoan. Đây được gọi là “hiệu ứng chi phí chìm,” là hiện tượng trong đó một người miễn cưỡng chịu đựng những việc đã làm cho đến nay, tình nguyện tiếp nhận những tổn thất tiếp theo. (“Chi phí chìm” là những khoản đầu tư tiền bạc và thời gian không thể thu hồi lại bởi những quyết định sai lầm trong quá khứ).
Mặc dù trên bề mặt có vẻ như càng kiếm được nhiều tiền thì có thể giải quyết được vấn đề, nhưng với kiểu thái độ này, cho dù bạn kiếm được bao nhiêu tiền, chi tiêu cố định sẽ tăng lên theo.
Ngoài ra, nếu chi phí đi lại chiếm tỷ trọng lớn trong phần chi tiêu cố định, bạn nhất định không nên mua xe đạp, thật nực cười khi nói đó là cách để giảm thiểu chi phí đi lại. Mục đích làm như vậy tuyệt không phải là để giảm thiểu chi phí đi lại, mà chỉ là muốn kiếm cớ mua xe đạp.
Khi mua sắm, cố gắng đừng dùng thẻ tín dụng trả góp không lãi suất. Trả góp 12 tháng bằng thẻ tín dụng giống như vay một khoản vay ngắn hạn 12 tháng. Hầu hết các sản phẩm áp dụng hình thức trả góp không lãi suất thực ra đều là những thứ không thiết yếu (có cũng được, không có cũng được) trong cuộc sống. Hơn nữa, lãi suất bằng 0 chỉ là chiêu trò tiếp thị, phí trả góp đã được tính vào giá sản phẩm, khi mua những sản phẩm đó là bạn đã trả thêm tiền rồi.
Loại thứ hai là “Chi tiêu tiêu dùng.” Trong thuật ngữ kế toán, từ trái nghĩa của “chi phí cố định” là “chi phí biến đổi,” có nghĩa là chi phí lưu động. Khi tôi làm kinh doanh, sổ sách kế toán ghi chi phí cố định và chi phí tiêu dùng. Để thuận tiện, chúng ta sẽ gọi nó là chi phí tiêu dùng. Dẫu sao, gọi là “chi phí biến đổi” theo thuật ngữ kế toán thì kém trực quan và khó hiểu hơn.
Chi tiêu tiêu dùng đề cập đến chi phí biến đổi của các khoản chi không thường xuyên, chẳng hạn như quà tặng, việc hiếu hỉ, quần áo, mỹ phẩm, thuế không định kỳ, nhu yếu phẩm hàng ngày v.v. Nói một cách đơn giản, bất kỳ chi phí nào ngoài chi phí cố định đều là chi phí tiêu dùng.
Tiết kiệm chi tiêu tiêu dùng dễ dàng hơn tiết kiệm chi tiêu cố định. Sử dụng thẻ tín dụng và chuyển khoản, chúng ta có thể xác nhận thanh toán bất cứ lúc nào. Ví dụ, nếu bạn đã tải ứng dụng thanh toán tự động xuống, bạn sẽ có thể xác nhận số tiền nợ lũy kế của thẻ tín dụng hoặc số dư tài khoản bất kỳ lúc nào và điều chỉnh chi tiêu của mình.
Bạn hãy thử một mặt kiểm soát hai khoản chi tiêu này, một mặt tính toán chi tiêu trung bình hàng tháng. Thời gian càng dài càng tốt, vì chi phí của mỗi quý có thể khác nhau, ví dụ, vào mùa xuân và mùa thu thì chi phí đám cưới thường nhiều hơn.
Sau khi bạn đã tính ra chi tiêu trung bình hàng tháng, hãy thử tăng số dư tài khoản của bạn trong khoảng thời gian ba, sáu và chín tháng.
Ví dụ: giả sử chi tiêu trung bình hàng tháng của bạn là 1 triệu won, kể từ ngày kiểm soát chi tiêu, số dư tài khoản sau ba tháng phải là 3 triệu won, sau đó là 6 triệu won, 9 triệu won…, v.v. Tiếp tục duy trì thói quen này, bạn sẽ có thể kiểm soát được việc chi tiêu của mình.
Sau khi bạn học được cách kiểm soát chi tiêu của mình, tức là học cách tiêu tiền, thì cho dù bạn làm gì đều có thể tiết kiệm tiền.
Có một số doanh nhân thường lấy tiền của công ty và tiền cá nhân nhập làm một, đó là một cách quản lý sai lầm. Bạn hãy quy định rõ mức lương hàng tháng của mình, lĩnh lương định kỳ từ công ty, mặt khác tính toán lãi lỗ của công ty.
Nếu tài khoản của công ty hiện tại đang bị thâm hụt (bội chi), bạn phải tìm cách kiểm soát chi phí cố định và chi phí tiêu dùng của công ty. Nếu như tiếp tục báo lỗ, bạn nên nhanh chóng tìm ra các phương pháp khác (đóng cửa doanh nghiệp v.v…), kịp thời đưa ra quyết định mới là bước đi sáng suốt.
Lính mới thường nghĩ rằng làm kinh doanh quá đơn giản, ngay cả khi thâm hụt dần dần lớn hơn, họ vẫn mơ mộng đứng nguyên tại chỗ, kỳ vọng lợi lộc xuất hiện. Đây chính là vực thẳm không đáy.
Khi gặp loại tình huống này, tôi khuyên các bạn đọc kỹ Chương 5 “Thái độ trong kinh doanh” để chuẩn bị cho một khởi đầu mới. Nếu chúng ta không chuẩn bị trước cho lần mới, mà vẫn tiếp tục chi bù lỗ và gắng gượng cầm cự, thâm hụt e rằng sẽ tiếp tục trầm trọng hơn, thậm chí còn trút vạ lên những người thân trong gia đình.
Nhà kinh tế học người Mỹ Milton Friedman từng có câu nói nổi tiếng rằng: “Không có bữa trưa nào là miến phí” (There Ain’t No Such Thing as a Free Lunch).
Tăng Trân biên tập
Tịnh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ