Cách giáo dục con trẻ có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc
Nếu bạn muốn bồi dưỡng cho con trẻ cách nhìn nhận đúng đắn về tiền bạc, thì điều đầu tiên bạn cần chú ý là việc đối thoại giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ là toàn bộ thế giới mà con trẻ nhìn thấy, cha mẹ cũng là người có thể giải thích và nói về các hoạt động kinh tế trong cuộc sống phù hợp với mức tiếp nhận của con trẻ. Cách cha mẹ trả lời những câu hỏi của con trẻ sẽ quyết định cách lý giải cũng như suy nghĩ về xã hội và đạo lý đối nhân xử thế của trẻ em.
Ví dụ, khi một cháu bé đặt câu hỏi dưới đây, thì cuộc trò chuyện nên được dẫn dắt như thế nào mới thực sự tốt?
Con: Tại sao bố mẹ mỗi ngày đều đi làm? Con muốn được ở bên cạnh bố mẹ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn trả lời con như thế này?
Bố: Hôm nay bố mẹ cần đi làm để kiếm tiền đóng học phí cho con, tại sao còn phải hỏi như vậy?
Mẹ: Nếu bố kiếm được nhiều tiền hơn, mẹ sẽ không phải đi làm vất vả như vậy. Cha của A Dân ở lầu trên rất giỏi kiếm tiền!
Nếu con trẻ nghe được câu trả lời như vậy, cháu sẽ không muốn hỏi lại, cũng sẽ không muốn nói chuyện với cha mẹ nữa. Có rất nhiều bậc cha mẹ, nhất là khi nghe những vấn đề liên quan đến kinh tế hoặc liên quan trực tiếp đến tài sản của bản thân, họ sẽ trở nên nhạy cảm, nổi giận vô cớ hoặc cảm thấy xấu hổ, rồi vội vàng đưa ra kết luận. Tuy nhiên như thế sẽ không thể có một cuộc đối thoại có ý nghĩa, đồng thời đánh mất cơ hội giúp con trẻ cải thiện kỹ năng tư duy.
Làm thế nào để lợi dụng kiểu câu hỏi này như một xuất phát điểm để giúp con trẻ phát triển khả năng tư duy?
Bố mẹ: Sẽ tuyệt biết bao nếu bố mẹ được nằm trên giường cùng con và ngủ thêm một chút dưới lớp chăn ấm áp nhỉ? Tại sao bố mẹ phải mặc đồng phục đi làm mỗi sáng? Đến công ty làm việc theo thời gian đã thỏa thuận chính là đổi thời gian lấy tiền. Làm việc tại công ty vào thời gian đã định, như thế hàng tháng sẽ có thể nhận được tiền, số tiền này được gọi là tiền lương. Sau khi kiếm được tiền thì có thể mua đồ ăn, mua trang phục yêu thích và mua sắm những thứ cần thiết trong nhà. Bố mẹ cũng sẽ gom góp số tiền kiếm được để mua nhà và xe hơi.
Con: Thế thì bố mẹ không cần đi làm, để người khác làm cũng được! Hơn nữa còn có ông chủ mà!
Bố mẹ: Giả sử ông chủ mở một công ty, công ty làm ăn càng phát đạt thì càng nhiều việc cần làm. Những việc đó nếu làm một mình sẽ rất khó hoàn thành, vậy nên sẽ chia thành nhiều phần, sau đó giao cho những người làm được việc, ông chủ hứa sẽ trả tiền cho họ. Sau khi đã học tập chăm chỉ và tích lũy khả năng, bố mẹ mới có thể làm việc trong công ty đó, và cũng đã hứa với ông chủ rằng sẽ làm công việc này.
Nói cách khác, công ty cung cấp tiền, bố mẹ cung cấp năng lực, trao đổi qua lại. Công ty càng lớn thì càng có nhiều việc làm, vì vậy công ty sẽ thuê càng nhiều người, nếu nhân viên nghiêm túc làm công việc được giao, công ty sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, ông chủ cũng sẽ dùng một phần lợi nhuận kiếm được để trả lương cho nhân viên. Mọi người đều làm việc chăm chỉ như thế để kiếm được thù lao đã thỏa thuận.
Con: Nhưng con không thích bố mẹ ngày nào cũng đi làm, con muốn sáng mai mẹ đi cùng con, tan học thì được về sớm hơn.
Bố mẹ: Công ty đã quy định giờ làm việc, giống như học sinh phải đến trường trước 9 giờ, trước khi đi làm bố mẹ cũng đã hứa với công ty là sẽ tuân thủ giờ giấc. Con còn nhớ có người từng nói rằng, dù chỉ là một lời hứa nhỏ, nếu tùy ý phá vỡ, thì một lời hứa lớn cũng sẽ dễ dàng phá vỡ, phải không?
Con: Con biết rồi, vậy là bố mẹ đi hoàn thành lời hứa về công việc!
Bố mẹ: Bố mẹ cũng mong có thể dành nhiều thời gian hơn cho con. Con có nghĩ ra cách nào để bố mẹ giảm thời gian làm việc mà vẫn kiếm được tiền không?
Đây là cuộc trò chuyện thực tế giữa tôi và con trai của mình. Bạn có thể cố gắng giải thích tình huống trong cuộc sống hiện thực tùy theo mức độ tiếp nhận của trẻ, giúp con hiểu hơn về cuộc sống. Khi con trẻ tò mò đặt câu hỏi, bất kể trẻ hỏi điều gì thì cũng đều là cơ hội, chúng ta hãy cố gắng nắm bắt. Khuyến khích sự tò mò ở trẻ em là điều rất quan trọng, vì tâm tò mò sẽ khiến trẻ cảm thấy hứng thú, cũng có thể khiến các em tiếp thu một cách sâu sắc. Hãy từng bước giới thiệu thực tế xã hội này thông qua từng câu hỏi của trẻ.
Tại sao không thể mua những món đồ đắt tiền?
Ngân hàng là để làm gì?
Thẻ tín dụng không phải là tiền, vậy làm thế nào để trả tiền?
Nếu một ngày con trẻ hỏi bạn những câu hỏi này, bạn có thể hỏi lại con theo cách dưới đây.
Theo con thì tại sao lại như vậy?
Trẻ không nói ra được câu trả lời đúng thì cũng không sao, cha mẹ không cần quá cố chấp với việc nói cho trẻ câu trả lời chính xác, mà điều mấu chốt là giúp các con có thể kết nối nguyên nhân và kết quả của các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày. Những câu hỏi của cha mẹ sẽ làm tăng thêm suy nghĩ của con trẻ về kinh tế, tư duy của trẻ sẽ sâu và rộng hơn, sự khác biệt giữa người mới học về kinh tế và chuyên gia chính là nằm ở chiều sâu và bề rộng. Những trẻ em có tư duy kinh tế sâu rộng, dù ở trong cùng một xã hội với những người khác, vẫn sẽ suy nghĩ sâu sắc hơn và có nhiều cảm nhận phong phú hơn.
Khi trẻ so sánh với bạn bè về kích thước ngôi nhà, nhãn hiệu quần áo và trường luyện thi mà mình theo học, cháu có thể sẽ nói ra những câu hỏi ngây ngô. Xin đừng nghĩ rằng trẻ em là những người ham tiền, mà hãy cố gắng mở rộng cuộc trò chuyện sang các hoạt động kinh tế. Hãy dẫn các câu hỏi của con trẻ đi đúng hướng để chúng trở thành xuất phát điểm cho sự trưởng thành của trẻ.
Để dạy con trẻ có quan điểm đúng đắn về tiền bạc, thì sự tin tưởng của cha mẹ cũng rất quan trọng. Ngay cả khi bạn không mong đợi con mình phải trở nên giàu có, cũng không ngăn cản con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc. Tất nhiên, có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc không có nghĩa là chắc chắn sẽ trở thành người giàu có, nhưng ít nhất tương lai các con sẽ là một người biết cách quản lý tiền bạc, có thể làm chủ cuộc sống của mình và không chạy theo trào lưu. Mà một người như vậy chính là đã kế thừa những suy nghĩ về sự giàu có.
Nếu cha mẹ tin tưởng rằng con mình sẽ trở thành một người giàu có trong tương lai, tin rằng con sẽ có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc, và thực hiện giáo dục con về kinh tế dưới mối quan hệ tín nhiệm như vậy, thì tôi tin chắc rằng cháu bé sẽ trở thành một người khỏe mạnh và giàu có.
Trong tác phẩm của mình, tác giả người Hàn Quốc Jung Myung-Ae (정명애) cho rằng cha mẹ có những vai trò sau: Hướng dẫn trẻ em tiến nhập vào xã hội hiện thực, giới thiệu các vấn đề hiện tại và truyền cảm hứng cho trẻ em, giải thích các mối quan hệ xã hội và đạo lý đối nhân xử thế, giải quyết xung đột thông qua đối thoại, phát triển mối quan hệ bình đẳng, v.v.
Những điều này cũng rất quan trọng trong việc giáo dục về kinh tế và bồi dưỡng thói quen cho con trẻ, nhất là khi trẻ ngoài 10 tuổi sẽ bắt đầu phát triển trí tò mò với xã hội. Vì vậy trong giai đoạn này, chúng ta nên tiếp nhận trạng thái ban đầu của trẻ, dẫn dắt trẻ hòa nhập với xã hội thực tế một cách tự nhiên, sau đó lấy “đối thoại” và “tin tưởng” để làm bàn đạp giúp con trẻ trưởng thành.
(Bài viết được trích từ cuốn “Khóa học tiền đề kinh tế cho con: Nắm vững thời kỳ hoàng kim 6~12 tuổi! Ba giai đoạn giáo dục tài chính, thói quen làm giàu, dạy trẻ sử dụng tiền đúng cách, xây dựng tư duy tài chính ảnh hưởng đến cả đời,” do Nhà xuất bản Quảng Hạ, Đài Loan cung cấp).
Tác giả: Kim Thánh Hỏa
Tăng Trân biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ