Đừng để bất kỳ ai đánh cắp lòng biết ơn của bạn
Ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, hãy để trái tim và tâm trí chúng ta chỉ tập trung vào lòng biết ơn.
Bằng cách nào đó, thái độ vô ơn đã trở nên thịnh hành ở Hoa Kỳ. Có vẻ như chúng ta càng tiến bộ trong công nghệ, khoa học, các hình thức giải trí, khả năng tiếp cận thực phẩm và quần áo, các trang thiết bị tự quản lý, và một danh sách dài các phước lành khác, thì chúng ta càng có nhiều cơ hội để than phiền hơn là bày tỏ lòng biết ơn. Thậm chí tầng lớp trung lưu, một số cá nhân và gia đình ở giai tầng thấp hơn của Hoa Kỳ đều sở hữu cuộc sống sánh ngang với các vị vua và hoàng hậu thời xưa.
Người dân Mỹ có thể kể tên nhiều người tiên phong và các thiên tài đã bước đi trên mảnh đất này để mang lại một cuộc sống chất lượng như vậy. Từ trước khi lập quốc cho đến ngày nay, chúng ta có quá nhiều điều để biết ơn và quá nhiều điều phải cảm ơn.
Suy ngẫm về điều kỳ diệu của những người hành hương và người Mỹ bản địa
Nhìn lại [nguồn gốc] tổ tiên, nhiều người trong chúng ta đã chuẩn bị [để phòng thủ] trước cuộc tấn công không thể tránh khỏi vào ngày Lễ Tạ Ơn. Ngày này không phải là một ngày để suy ngẫm về những tệ nạn trong quá khứ của đất nước chúng ta, mà là [biết ơn] về những điều tốt đẹp. Chúng ta nên nghĩ về những Người hành hương và Người Mỹ bản địa 400 năm trước đã gặp nhau và cùng tham gia một lễ hội kéo dài 3 ngày. Chúng ta nên nghĩ về ông Tisquantum(*) (hay còn được biết đến với tên gọi Squanto), người đã thực sự cứu những Người hành hương [trong những ngày đầu tiên]. Ông William Bradford, thống đốc của thành phố Plymouth vào thời điểm đó, đã gọi Squanto là “một nhạc cụ đặc biệt được Chúa gửi đến.” Chúng ta nên ưu ái nghĩ đến ông Bradford và những người Thanh giáo còn lại, những người đã mắc kẹt cùng nhau [ở Thế giới mới] và, nhờ sự bảo hộ của Thượng Đế, [họ] đã sống sót và cuối cùng phát triển. Một phần của sự bảo hộ thiêng liêng đó bắt nguồn từ một người khác mà chúng ta nên biết ơn: Massasoit, thủ lĩnh của người Wampanoag.
Người Wampanoag và những Người hành hương đã trở thành đồng minh mạnh mẽ và vun đắp tình bạn đáng tin cậy giữa hai dân tộc trong nửa thế kỷ. Mối quan hệ này dẫn đến kết quả nhiều hơn là quan hệ đối tác thương mại hoặc tham dự các lễ hội đang diễn ra: Nó được chứng minh là do có sự sắp đặt của Chúa.
Hai năm sau lễ hội kéo dài ba ngày, [tù trưởng] Massasoit lâm bệnh nặng. Tin tức đến tai những người Thanh giáo, [thống đốc] Edward Winslow đến thăm ngài thủ lĩnh. Khi ông Winslow đến, ông thấy tù trưởng bị mù và không thể ăn uống do miệng sưng to. Ông Winslow đã cung cấp thuốc, cạo sạch bên trong miệng và làm cho Massasoit một bữa súp nước dùng gà. Trong vòng nửa giờ, người tù trưởng đã được cải thiện và chứng mù của ông ta đã biến mất.
Ông Massasoit và người Wampanoag đã thông báo cho những Người hành hương về một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của người Mỹ bản địa Massachusetts. [Người chỉ huy quân sự] Myles Standish(*) đã lãnh đạo những Người hành hương và một số người đàn ông Wampanoag để chấm dứt âm mưu.
Cùng năm đó, một khoảnh khắc quan phòng khác đã đến, nhưng không được dự phòng bởi người Wampanoag hay Người hành hương. Thay vào đó, nó được chuẩn bị đầy đủ bởi Chúa Trời khi gửi Squanto đến.
Một đợt hạn hán đã tấn công [thuộc địa] Plymouth ngay sau mùa trồng trọt. Trời không có mưa thì sẽ không có mùa màng. Nếu hạn hán này kéo dài, cuối cùng nó sẽ tàn phá thuộc địa. Lương thực mùa đông đã hết. Đánh bắt cá đã trở thành nguồn cung cấp thực phẩm chính, nhưng việc này phụ thuộc vào may rủi (như cách hoạt động đánh bắt cá thường diễn ra). Đến giữa tháng 7, [thống đốc] Bradford chú ý rằng mặt đất “cằn cỗi như cỏ khô héo.” Nếu Chúa bảo hộ chuyến đi của họ, đưa họ đến địa điểm cụ thể mà ông Squanto sẽ tìm thấy họ, và giới thiệu họ với một bộ lạc thân thiện và hữu ích, thì có vẻ như Chúa sẽ cung cấp một lối thoát khỏi tình trạng khó khăn này.
[Thống đốc] Bradford tuyên bố một ngày “cầu nguyện khiêm tốn và nhiệt thành” và nhịn ăn cho thuộc địa. Một ngày bắt đầu nóng nực và không có mây kết thúc bằng một trận mưa lớn đã cứu được mùa màng và thuộc địa. Người Mỹ bản địa cũng đã chứng kiến phép lạ này và cách sự kiện đã diễn ra.
Tuyên bố Ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của Hoa Kỳ
Một trong những tổ tiên của chúng ta, người không xa lạ gì với những phép màu, chính là ngài George Washington. Chính sự thật rằng người Mỹ đã đánh bại đế chế vĩ đại nhất trên trái đất, rằng “liên minh hữu nghị vững chắc” của các bang đã tồn tại để thiết lập một liên minh theo Hiến pháp, và rằng bản thân tất cả các bang đó đã phê chuẩn Hiến pháp đều là những điều kỳ diệu. Vì những lý do này và nhiều hơn thế, ngài Washington đã đưa ra Tuyên bố về Ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên.
Vào ngày 03/10/1789, ông tuyên bố rằng sẽ có một “ngày tạ ơn và cầu nguyện công khai để được kỷ niệm bằng cách cảm tạ với tấm lòng biết ơn nhiều ân huệ được ban tặng rõ ràng từ Đức Chúa Trời Toàn Năng.” Ngày khuyến nghị đó được ấn định là “Thứ Năm ngày 26/11.”
Ngày Lễ Tạ Ơn quốc gia
Gần một thế kỷ sau, Hoa Kỳ mới bắt đầu tổ chức Lễ Tạ Ơn trên toàn liên bang. Mặc dù hầu hết các bang tổ chức ngày lễ [này] vào cùng một ngày, một số bang [khác] đã chọn ngày riêng của họ. Một trong những người có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 19, [Tiểu thuyết gia] Sarah Josepha Hale, đã kêu gọi các tổng thống và chính trị gia ủng hộ Ngày Lễ Tạ Ơn trên toàn quốc. Hầu hết các tổng thống đó đều nhắc lại lập luận của [Tổng thống] Thomas Jefferson rằng việc tuyên bố một ngày như vậy sẽ là vi phạm điều khoản về quyền tự do tôn giáo của Tu chính án thứ nhất.
Tuyên bố về Ngày Lễ Tạ ơn đã không được công bố mãi cho đến năm 1863 bởi tổng thống Abraham Lincoln, (mặc dù đây không phải là ngày lễ chính thức cho đến khi Quốc hội đưa ra vào năm 1870). Tuyên bố của ông và Ngày Lễ Tạ Ơn đó rơi vào cùng ngày với [tổng thống] Washington: ngày 03/10 và ngày 26/11.
Ngài Lincoln hy vọng rằng người Hoa Kỳ, mặc dù đang “ở giữa một cuộc nội chiến không cân sức về quy mô và mức độ khốc liệt,” sẽ “làm nổi bật và kỷ niệm” ngày hôm đó “như một ngày tạ ơn và ca ngợi Người Cha nhân từ của chúng ta.” Ông khuyến cáo rằng người dân trong nước cũng nên “thiệt thành khẩn cầu bàn tay Toàn năng can thiệp để chữa lành vết thương của đất nước và phục hồi quốc gia.”
Chiến tranh sẽ tiếp tục trong 19 tháng nữa, nhưng đất nước sẽ được phục hồi.
Vào ngày Lễ Tạ Ơn chúng ta nên tìm về quá khứ
Bây giờ chúng ta đang ở đây, gần 160 năm sau, đối mặt với một quốc gia bị tổn thương cần được phục hồi. Ngày lễ Tạ Ơn hàng năm của chúng ta thường bắt gặp sự giễu cợt và sự vô ơn, mặc dù có thể cho rằng sự tiêu cực có xu hướng bắt nguồn từ nhóm thiểu số ồn ào và liên miên. Vâng, có những “căn bệnh” ở đất nước chúng ta―về mặt kinh tế, chính trị và đạo đức—cần được giải quyết để chữa lành và phục hồi. Điều đó không khác hơn gần như bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của đất nước chúng ta. Đã luôn có và sẽ luôn có những khó khăn cần đối phó và những vấn đề cần giải quyết.
Mặc dù vậy, không nên thêm ngày Lễ Tạ Ơn vào danh sách những ngày mà chúng ta thấy mình phàn nàn hoặc suy nghĩ về những điều tồi tệ của bản thân. Đó phải là ngày mà trái tim và tâm trí của chúng ta chỉ tập trung vào việc biết ơn những phước lành mà chúng ta có. Chúng ta có thể nhìn lại 400 năm không thể tin được―thậm chí là siêu nhiên―sự thịnh vượng và sự bảo hộ của Đức Chúa Trời ban tặng cho Hoa Kỳ. Bất chấp những “căn bệnh” hiện có, lãnh thổ của chúng ta là nơi được tìm kiếm nhiều nhất trên toàn cầu. Rõ ràng là những lời biết ơn của ngài Edward Winslow tiếp tục vang vọng khắp các biên giới và đại dương: “Nhờ ơn Chúa, chúng tôi không còn thiếu thốn nữa, nên chúng tôi thường chúc các bạn là những người dự phần của sự giàu có của chúng tôi.”
Ngày lễ Tạ Ơn này, chúng ta hãy cùng chia sẻ sự phong phú đó, không chỉ đơn giản là thức ăn, mà còn là những lý do để biết ơn.
Chú thích của dịch giả:
Tisquantum (Squanto): Người Mỹ bản địa, đã làm thông dịch viên, hướng dẫn viên và cố vấn cho nhóm Người hành hương; đồng thời là cầu nối hòa bình, hữu nghị giữa những Người hành hương và Người Mỹ bản địa.
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times