Đức thách thức Trung Quốc
Chiến lược mới được đưa ra của Đức về Trung Quốc cho thấy sự chuyển hướng sang cảnh giác, nếu không muốn nói là hoàn toàn thù địch
Berlin đã điều chỉnh cách tiếp cận của mình đối với Bắc Kinh, thay thế thái độ trước đây, vốn từng thể hiện sự thiện chí và đồng cảm, bằng một thái độ cảnh giác và thù địch hơn.
Chắc chắn Hoa Thịnh Đốn sẽ tuyên bố rằng Đức đã đi theo sự dẫn dắt của Hoa Kỳ trong việc thực hiện một thay đổi tương tự. Nhưng với cách tiếp cận toàn diện của Berlin vốn là kết quả của sự thỏa hiệp đáng kể thì người Đức dường như đã và đang dẫn đầu xu thế, giống như Nhật Bản từng hành động về vấn đề này tại các cuộc họp G7 gần đây ở Hiroshima.
Các bản dịch tài liệu chiến lược dài 64 trang từ chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố rằng Đức phải thay đổi vì Trung Quốc đã thay đổi. Tài liệu này mô tả Bắc Kinh đang cố gắng phá hủy “trật tự quốc tế dựa trên quy tắc” mà Đức cho là đã chi phối thương mại và tài chính quốc tế trong nhiều thập niên. Tài liệu chiến lược của Berlin cho biết thêm rằng Bắc Kinh đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở nên độc lập với phần còn lại của thế giới trong khi đồng thời làm cho các nền kinh tế khác phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mặc dù tài liệu chiến lược trên nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn là một “đối tác” trong thương mại với Đức, nhưng tài liệu cũng mô tả “sự đối đầu mang tính hệ thống” của Bắc Kinh là “ngày càng nổi bật.” Trong số các tài liệu tham khảo khác, tài liệu chiến lược của Berlin cáo buộc thẳng thừng rằng Bắc Kinh sử dụng “sự phụ thuộc về kỹ thuật… để đạt được các mục tiêu chính trị” cũng như hợp nhất “chính sách dân sự và quân sự.” Những cân nhắc này cũng như nỗ lực của Bắc Kinh để giành quyền bá chủ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đều là những yếu tố tạo thành các yêu sách chiến lược mới ー một mối đe dọa đối với châu Âu và an ninh toàn cầu.
Trong một khoảng thời gian dài, Hoa Thịnh Đốn đã ngày càng mất lòng tin và đôi khi thể hiện sự thù địch với Bắc Kinh. Về mặt thời gian thì có vẻ như Berlin đang nối gót Hoa Kỳ. Nhưng xét đến những chỉ trích trước đây của Berlin đối với Hoa Thịnh Đốn và phái đoàn thương mại của ông Scholz tới Trung Quốc chỉ mới gần đây, nhiều khả năng cao rằng sự thay đổi của Đức phản ánh một quyết định độc lập. Đáng chú ý là trong vấn đề này, cơ quan tình báo của Đức chỉ mới gần đây đã xem Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất liên quan đến hoạt động gián điệp kinh tế và khoa học cũng như hoạt động đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc vào Đức.”
Berlin đã nhận được một cảnh báo gián tiếp về tham vọng chiếm lĩnh thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc từ một báo cáo gần đây rằng trong năm 2022, xuất cảng của Đức sang Trung Quốc chỉ tăng 3.1%. Tuy nhiên, nhập cảng từ Trung Quốc vào Đức tăng vọt đến 33.6%, khiến Đức có một chênh lệch thương mại âm lên tới 100 tỷ Euro.
Với những lo ngại này, chiến lược mới của Đức nhằm mục đích làm cho Đức “ít phụ thuộc hơn trong các lĩnh vực quan trọng,” đặc biệt là trong công nghệ y tế, dược phẩm, và đất hiếm. Chiến lược mới cũng tìm cách sửa đổi luật pháp để tính đến “lợi ích an ninh” trong tất cả các thỏa thuận thương mại cũng như với các khoản đầu tư của Đức vào Trung Quốc. Chiến lược này sẽ lập một danh sách hàng hóa chịu sự kiểm soát xuất cảng, với trọng tâm là giám sát và an ninh mạng. Chiến lược còn nhằm mục tiêu “mở rộng quan hệ kinh tế [Đức] với châu Á và xa hơn nữa.”
Rõ ràng, việc chiến lược mới của Đức thể hiện một quan điểm mạnh mẽ và dứt khoát đối với Đài Loan là điều đặc biệt khiến Bắc Kinh khó chịu. Chiến lược mới cam kết rằng Berlin sẽ cải thiện mối bang giao với Đài Loan, ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế, và khẳng định rằng bất kỳ sự thống nhất nào với đại lục đều [phải] diễn ra một cách hòa bình và với “sự đồng thuận của cả hai bên.” Tài liệu chiến lược này cũng cho thấy Berlin, cũng như Hoa Kỳ, gây sức ép buộc Trung Quốc từ bỏ tư cách “quốc gia đang phát triển” tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Người Đức không đề cập đến việc “tách rời” thương mại với Trung Quốc, một khái niệm đã trở nên phổ biến ở Hoa Thịnh Đốn. Thay vào đó, người Đức thích cụm từ “loại trừ rủi ro hơn.” Bằng cách này, Berlin muốn theo đuổi các liên kết thương mại liên tục với Trung Quốc nhưng vẫn đạt được sự bảo vệ để khỏi bị phụ thuộc, bảo vệ khỏi sự bắt nạt của Trung Quốc và các hoạt động thương mại không công bằng. Nếu chiến lược này không tìm cách cắt đứt quan hệ kinh tế của hai nước, thì chiến lược đó thực sự khuyến nghị các doanh nghiệp Đức nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ngoài Trung Quốc. Khi được hỏi liệu Berlin có bắt buộc đa dạng hóa như vậy hay không, ông Scholz nói rõ rằng việc này là không cần thiết, vì các công ty Đức đang trong quá trình đa dạng hóa mà không có áp lực của chính phủ. Và như độc giả của chuyên mục này đã biết, điều này cũng đúng với kinh doanh của Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Không cần phải nói, Bắc Kinh rất không hài lòng về sự thay đổi này ở Đức. Trong một thời gian dài, khi Hoa Kỳ và Nhật Bản phản đối các hoạt động thương mại không công bằng và đôi khi là lạm dụng của Bắc Kinh, người Âu Châu, đặc biệt là người Đức, dường như mong muốn tìm kiếm lợi thế với Trung Quốc trong khi người Mỹ và người Nhật đang tạo khoảng cách. Chỉ vài tháng trước, ông Scholz đã dẫn đầu một phái đoàn thương mại Đức đến Bắc Kinh, và chỉ vài tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã nhấn mạnh mối bang giao mật thiết giữa Trung Quốc và Liên minh Âu Châu và đặc biệt là “mối quan hệ bền vững” mà nước này có với Đức.
Chắc hẳn Bắc Kinh đã nhận thấy việc châu Âu đang tự định vị mình như một hình thức bảo vệ bản thân khỏi sự thù địch của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Với thỏa thuận G7 gần đây nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc và hiện tại là chiến lược mới của Berlin, tuyến bảo vệ đó đã biến mất. Cho đến nay, thế giới chứng kiến rất ít phản ứng trực tiếp từ Bắc Kinh, nhưng vẫn còn sớm để đánh giá.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times