PHÂN TÍCH: Thêm nhiều tin buồn cho nền kinh tế Trung Quốc
Gần như mọi chỉ số đều phản ánh rằng nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, chỉ còn lại rất ít lựa chọn cho Bắc Kinh
Một loạt các chỉ số kinh tế mới nhất xác nhận tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Trung Quốc. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý 2 đã gây thất vọng cho cả những kỳ vọng chính thức và không chính thức.
Tất cả các lĩnh vực đều tụt hậu, mặc dù một số lĩnh vực còn tệ hơn những lĩnh vực khác. Trong khi đó, Bắc Kinh có ít lựa chọn để nhanh chóng lấy lại động lực kinh tế của quốc gia.
Số liệu chính thức về GDP của quý mùa xuân ghi nhận mức tăng trưởng thực là 6.3% so với quý 2 của một năm trước đây. Có vẻ như con số này là một thể hiện mạnh mẽ, nhưng lại là một sự phản ánh mức độ suy thoái của nền kinh tế vào đầu năm 2022 hơn là bất kỳ động lực nào gần đây. GDP thực tế trong quý 2 chỉ cao hơn 0.8% so với con số của quý đầu tiên, một sự suy giảm lớn so với mức tăng trưởng hàng quý là 2.2% được ghi nhận trong quý đầu tiên đó.
Sự gia tăng ngắn ngủi từ tháng Một đến tháng Ba đã phản ánh sự gia tăng trong chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là ở những người giàu có, khi Bắc Kinh cuối cùng đã từ bỏ chính sách zero COVID với những đợt phong tỏa và cách ly dường như vô tận. Nhưng kể cả khi dòng chi tiêu của người tiêu dùng đang diễn ra, thì bằng chứng đằng sau các số liệu tổng hợp báo hiệu rằng bức tranh tươi sáng là sai lầm. Giờ đây các số liệu mới hơn xác nhận nền kinh tế Trung Quốc đã luôn yếu kém như thế nào.
Người tiêu dùng thiếu niềm tin
Sự yếu kém gần đây được thể hiện rõ rệt trong số liệu chi tiêu của người tiêu dùng hồi tháng Sáu. Tháng Năm, vẫn đang phản ánh tâm trạng hào hứng hậu zero COVID, cho thấy doanh số bán lẻ tăng trưởng ở mức 12.7%, nhưng tháng Sáu đã chứng kiến mức tăng rất khiêm tốn chỉ ở mức 3.1%. Khoảng cách này phản ánh các dấu hiệu khác cho thấy các chủ gia đình Trung Quốc đã mất niềm tin trong bối cảnh tin tức về giá trị địa ốc giảm và vì các đợt phong tỏa do COVID-19 đã đặt ra những dấu hỏi về khả năng có thu nhập ổn định của một người đi làm trung bình. Thay vì chi tiêu, các gia đình Trung Quốc lo lắng và thận trọng lại đang gửi tiền tiết kiệm. Tiền gửi tiết kiệm của gia đình đã tăng khoảng 18% trong nửa đầu năm 2023.
Tình trạng người tiêu dùng thiếu niềm tin dường như có liên quan nhiều đến các chính sách trước đây của Bắc Kinh. Chính sách sai lầm và quá khắt khe đối với COVID-19 đã góp phần gây ra tâm trạng bức bối cho tất cả mọi người, chỉ trừ những người Trung Quốc giàu có nhất. Sự sụt giảm giá trị địa ốc cũng phản ánh những sai lầm về quy hoạch trong quá khứ. Các nhà chức trách đã cố gắng đổ lỗi sự sụp đổ địa ốc này cho các nhà phát triển tư nhân, mà nhiều trong số họ đã phá sản, bao gồm cả đại công ty Hằng Đại (Evergrande).
Nhưng dẫu ban quản lý của các công ty này đều hầu như không được xem là cẩn trọng, thì hầu hết các vấn đề về địa ốc của nền kinh tế và những vấn đề của các nhà phát triển mà hiện nay đã phá sản đều nằm ở sự nhấn mạnh về phát triển địa ốc dân cư của Bắc Kinh trong nhiều năm — một sự nhấn mạnh mà, với nỗ lực thúc đẩy mới đây nhất là vào năm 2021, đã thổi phồng giá trị lĩnh vực mà các nhà kinh tế xem là phần 25% không bền vững của nền kinh tế. Nhiều năm xây dựng quá mức, thường ở những nơi do các nhà quy hoạch trung ương lựa chọn thay vì theo tín hiệu thị trường, đã tạo ra việc xây dựng dư thừa và không cân xứng, trực tiếp dẫn đến sự sụt giảm giá địa ốc.
Khu vực tư nhân
Bắc Kinh cũng có thể tự soi vào chính họ để giải thích về sự thiếu hụt trong đầu tư kinh doanh. Cho đến gần đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về việc Trung Quốc cần lấy lại các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx. Ông và các cộng sự trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tấn công thẳng vào các doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu của các doanh nghiệp này, cho rằng họ là xấu xa ở mức nào đó khi theo đuổi lợi nhuận và các tín hiệu thị trường thay vì theo đuổi các mục tiêu của ĐCSTQ.
Những luận điệu như vậy làm nản lòng các chủ doanh nghiệp tư nhân và các nhà quản lý và khiến họ miễn cưỡng mở rộng, thuê nhân công, và đầu tư. Có ít bằng chứng sẵn có, nhưng tình hình này có thể đã khiến nhiều người tìm nơi trú ẩn cho tài sản của họ ở ngoại quốc ngoài tầm kiểm soát của ông Tập.
Mới đây hơn, nhận thức được sự yếu kém của nền kinh tế, ông Tập đã thay đổi quan điểm của mình, coi các doanh nhân là “người của chúng ta.” Tuy nhiên, cho đến nay, sự cảnh giác giữa các doanh nhân vẫn còn. Trong sáu tháng qua, chi tiêu đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân đã thực sự bị thu hẹp và tốc độ giảm đầu tư đã tăng nhanh qua từng tháng.
Lực cản lớn khác đối với nền kinh tế Trung Quốc, là ngoại thương, ít liên quan trực tiếp đến các chính sách của Bắc Kinh. Châu Âu đang suy thoái, và Hoa Kỳ, mặc dù vẫn đang phát triển, nhưng nền kinh tế còn cách vững mạnh rất xa. Việc các nền kinh tế này thiếu sức mua và một Nhật Bản yếu kém kéo dài đã làm giảm xuất cảng của Trung Quốc — vẫn là lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc — trong suốt quý mùa xuân và khoảng 12.4% chỉ riêng trong tháng Sáu.
Trong nhiều năm, các nhà hoạch định của ĐCSTQ đã thảo luận về việc định hướng lại nền kinh tế Trung Quốc để khỏi bị phụ thuộc quá mức vào xuất cảng. Nhưng họ đã thất bại trong việc hành động. Cho dù ông Tập hay những người có cấp bậc thấp hơn trong hệ thống quyền lực của Bắc Kinh đã lên tiếng về việc định hướng lại, nỗ lực này chủ yếu tập trung vào nói hơn là làm chính sách. Nếu Bắc Kinh đã hành động, thì Trung Quốc có thể ít chịu ảnh hưởng hơn bởi các vấn đề kinh tế của ngoại quốc như hiện nay.
‘Điều chỉnh chống lại chu kỳ’
Thành tích kinh tế đáng thất vọng này đã làm dấy lên những lời kêu gọi — cả trong và ngoài Trung Quốc — để tăng gấp đôi các nỗ lực kích thích. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hơn một lần cắt giảm lãi suất và Phó Thống đốc PBOC Liu Guoqiang đã hứa hẹn nhiều “điều chỉnh chống lại chu kỳ.”
Bắc Kinh cũng đã chuyển sang nguồn kích thích tiêu chuẩn của mình: chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Sau khi bùng nổ vào năm 2022, chi tiêu đầu tư công tiếp tục tăng mạnh, tăng 8.1% trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Sáu.
Nhưng không rõ những nỗ lực này có thể giúp được gì. Do sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc, liệu việc giảm thuế xe điện có mục tiêu và những biện pháp tương tự hoặc giảm lãi suất vay có thể tạo ra nhiều hoạt động hơn hay không vẫn còn một câu hỏi bỏ ngỏ. Và nếu những nỗ lực về chi tiêu cơ sở hạ tầng bấy lâu nay vẫn thất bại trong việc tạo thêm động lực kinh tế, thì biện pháp tương tự còn có thể hứa hẹn được điều gì đây?
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times