Độc giả: Bài viết ‘Vì Sao Có Nhân Loại’ triển hiện một con đường hồi thăng đạo đức cho Mỹ quốc
Khi bà Rosina Yriart đọc bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” của Đại Sư Lý Hồng Chí, bà thấy có hy vọng rằng Mỹ quốc có thể khôi phục nền tảng tín ngưỡng và đạo đức vốn có. Bà đã chia sẻ bài viết này với một số bằng hữu, và họ nhận thấy thông điệp này rất thú vị. Mới đây, khi The Epoch Times đăng tải bài viết thứ hai của Ngài Lý, bà Yriart, một phi công, lại chia sẻ bài viết đó với những người bạn, và mỗi lần như vậy bà lại đọc lại bài viết.
“Tôi nghĩ rằng những điều Ngài Lý viết cho chúng ta đọc rất dễ hiểu, dễ chịu, và khiến chúng ta phấn chấn — truyền cảm hứng cho chúng ta,” bà bộc bạch. “Chúng ta là những người tốt, chúng ta cần phải như vậy, Chúa hiện diện trong chúng ta, Chúa là tình yêu thương — và bài viết thay đổi thái độ của chúng ta.”
Đại Sư Lý là nhà sáng lập Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện tinh thần xoay quanh các nguyên lý phổ quát là chân, thiện, và nhẫn. Ba chữ này đã truyền cảm hứng cho bà Yriart đến nỗi, sau khi bà đọc bài viết đầu tiên của Ngài Lý và biết đến Pháp Luân Công, bà đã viết ba chữ này vào một tấm thiệp gửi cho cháu gái mình. Đức tin của những người trẻ tuổi ở quốc gia này đã từng là chủ đề đè nặng lên tâm trí bà, và bà rất vui khi thấy cô gái trẻ đã chăm chú suy ngẫm về thông điệp mà bà gửi đến.
Cách đây nhiều năm, bà Yriart cho biết cháu trai 14 tuổi của mình từng nói với bà rằng “Cháu là một người vô thần.” Cậu bé không phải duy nhất như vậy trong số những người bạn đồng trang lứa, và bà rất đau lòng vì cậu bé cũng như nền giáo dục mà hầu hết những người trẻ tuổi thời nay gánh chịu. Bà nghĩ rằng điều này có thể là vì nhiều nghi lễ của các tổ chức tôn giáo đã [trở thành] một rào cản ngăn người trẻ đến gần với đức tin hơn, đó là lý do bà cảm thấy Pháp Luân Công thú vị.
“Pháp Luân Công có thể mang đến cho người trẻ sự tín Thần và khiến họ hiểu rằng mình là những sinh mệnh có Thần tính tồn tại không phải vì một thiên tài nào đó đã phát minh ra AI,” bà nói.
“Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới có Hiến Pháp dựa trên niềm tin rằng, Thượng Đế là đấng duy nhất có thể ban cho chúng ta nền tự do,” bà Yriart bày tỏ. “Và chính nền tự do đó là điều đã cho phép những người bình thường thành tựu những điều phi thường. Tôi nghĩ đó là lý do khiến quốc gia này thành công. Nhưng thời nay, giữa các chính trị gia và các quan chức không phải dân cử của chúng ta, cùng nhiều tập đoàn tham vọng, họ đang phớt lờ Hiến Pháp và tôn chỉ của Hiến Pháp, và đó là nguyên nhân khiến chúng ta gặp rắc rối như vậy.”
Bài viết gần đây nhất của Đại Sư Lý “khiến tôi phải suy nghĩ,” bà Yriart nói. “Tôi nằm trên giường và nghiền ngẫm bài viết, và về thực tế rằng Chúa hiện diện bên trong mỗi chúng ta và Chúa là tình yêu thương, rồi tôi nghĩ ‘ồ, còn những người không chấp nhận Thượng Đế thì sao?’ Đối với những người đó, họ không biết thế nào là tình yêu vô tư, sự cho đi, lòng trắc ẩn và sự tử tế. Những người đó rất có khả năng thù hận, tư lợi cá nhân, và chúng ta thấy điều đó xung quanh mình hôm nay. Họ sẽ hủy hoại những sinh mệnh khác để đạt được hoặc duy trì quyền kiểm soát, gây ra rất nhiều bi thương, và họ không trân quý sinh mệnh — và rồi, họ sẽ rất bất hạnh, họ oán trách.”
“Nhưng họ sẽ không chấp nhận rằng Chúa đang trao cho chúng ta một cơ hội để chuộc lỗi của mình, để trở thành người tốt hơn, để trở nên hạnh phúc. Và tôi nghĩ rằng duy chỉ khi chúng ta thừa nhận Thượng Đế, chúng ta chấp nhận rằng có một Thiên Chúa nhân từ và đầy yêu thương đang hiện diện, thì nhân loại [chúng ta] mới có thể thực sự hạnh phúc,” bà Yriart nói.
“Thông điệp đơn giản của Ngài Lý mang tính phổ quát, và uyên thâm. Và tôi khẳng định rằng, với những người trẻ tuổi đã từ chối nhà thờ Công Giáo hoặc Cơ Đốc Giáo nói chung vì các nghi thức và phong tục của họ … thì những lời dạy của Pháp Luân Công, của Ngài Lý, rất lôi cuốn bởi vì đây là điều mới mẻ. Và tôi nghĩ những người trẻ tuổi thực sự có thể lĩnh hội được. Đồng thời, đây cũng là thông điệp của Cơ Đốc Giáo, của tình yêu thương. Thông điệp này hết sức mỹ hảo.”
Pháp Luân Công được phổ truyền ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992, và trong chưa đầy một thập niên, ước tính đã có khoảng 100 triệu người thực hành môn tu luyện tinh thần này ở Trung Quốc. Kể từ đó, Pháp Luân Công đã truyền rộng đến 100 quốc gia, và cuốn sách chính “Chuyển Pháp Luân” được chuyển ngữ sang 40 ngôn ngữ.
Tuy nhiên, đến năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch bức hại bao gồm tuyên truyền vu khống toàn cầu, bắt giữ phi pháp, và thu hoạch nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm.
Bà Yriart nói, “Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi từ Ngài Lý Hồng Chí và Pháp Luân Công, khi Cơ Đốc Giáo bị tấn công một lần nữa.” Bà giải thích rằng thời nay, các nhà thờ ở Hoa Kỳ đang trở thành mục tiêu của chính phủ cũng như các nền văn hóa, không khác gì các nền văn hóa độc tài mà chúng ta từng chứng kiến trên khắp thế giới trước đây. Mặc dù Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại một cách công khai, nhưng nhiều học viên đã không mất tín tâm hoặc dũng khí, và bà Yriart cảm thấy đây là một bài học cần học hỏi.
Một con đường đề cao đạo đức
Ông Chester Vidacovich, hiện đã về hưu, cũng có cùng cảm nhận như bà Yriart. “Thời nay mọi thứ đang trượt dốc rất nhanh,” ông nói, phần lớn đều có liên quan đến [vấn đề] đạo đức và luân lý.
“Tôi cố gắng sống một cuộc đời có đạo đức và nhân luân nhiều nhất có thể, như lời Chúa Jesus đã dạy,” ông Vidacovich bày tỏ. Ông thấy bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” đã nói giúp cách ông đang cố gắng sống cuộc đời của mình và [tuân theo] đức tin. “Mọi điều trong bài viết này sẽ hữu ích cho mọi người nếu họ sống theo những lời dạy đó.”
Ông John Sommers là một kỹ sư kiêm nhà khảo sát địa chất đã về hưu. Ông đã đọc bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” nhiều lần và viết một bản tóm tắt cho riêng mình.
“Mỗi lần đọc bài viết này, tôi thậm chí còn thấy hay hơn. Tôi thấy có nhiều điều tôi tâm đắc trong bài viết,” ông nói.
“Giờ đây, Hoa Kỳ có lẽ đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi tôi sinh ra, và như tôi đã nói, tôi đã 77 tuổi rồi. Và nguyên do [dẫn đến tình trạng này] là vì rất nhiều điều mà Ngài Lý đã đề cập đến trong bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại,” và những vấn đề đó cần phải được giải quyết,” ông Sommers cho biết. “Có nhiều cách để chúng ta thoát khỏi tình huống mà chúng ta vướng mắc.”
Cầu nguyện và thiền định là một phần trong cuộc sống thường nhật của ông Sommers, và ông cảm thấy bài viết này có thể truyền cảm hứng cho nhiều người khác tham gia những hoạt động như vậy. Ông giải thích rằng nghi thức đơn giản này là cách kết nối một người với các giá trị cốt lõi và mỹ đức của nhân loại, và [điều đó] sẽ đưa nước Mỹ quay trở lại con đường tín Thần.
“Đây không phải là một bài viết kiểu tôn giáo,” ông Sommers nói. “Mà chỉ đơn giản nói rằng giải pháp ắt phải là như vậy. Điều này chắc chắn là đúng đắn. Đó là một bài viết yêu cầu [chúng ta] phải hành động.”
Bà Carol Lazano làm việc trong hệ thống tòa án và mới về hưu trong đại dịch COVID. Bà cảm thấy bài viết đã nói về những điều tương tự như cách mà bà đang cố gắng sống theo mỗi ngày, sửa chữa sai lầm của chúng ta và lấy thiện đãi người.
“Chắc chắn là bài viết này hữu ích cho người ta đọc và cố gắng rút ra bài học từ đó, đặc biệt là với những người không có bất cứ tín ngưỡng nào,” bà Lazano bày tỏ. “Tôi nhớ rằng mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn sau khi đọc được bài viết này.”
Bà Pamela Williams là một cựu giáo viên âm nhạc. Bà chưa từng nghe nói đến Pháp Luân Công trước khi tình cờ thấy một cuốn tài liệu nhỏ giới thiệu tại phòng khám của một bác sĩ trong một cuộc hẹn. Bà thực sự vui mừng khi thấy một bài viết của nhà sáng lập Pháp Luân Công xuất hiện trên thời báo The Epoch Times sau đó không lâu.
“Đối với tôi, bài viết này thật lôi cuốn, chỉ là cách nói chuyện nhẹ nhàng và không thúc ép,” bà bộc bạch. Bà Williams nói thêm rằng bà đã tập Thái Cực Quyền suốt nhiều năm và thích nghiên cứu các triết lý phương Đông, nhưng thời nay thật khó để tìm thấy bất cứ môn tu luyện tâm linh hay tôn giáo nào mà không thúc ép người ta ghi danh các lớp học hoặc tham gia làm hội viên. Tuy nhiên, Pháp Luân Công lại hoàn toàn miễn phí và tự nguyện, thật thoải mái.”
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times